Lưu trữ cho từ khóa: phân biệt

Phân biệt bệnh viêm nướu và viêm nha chu

Nếu không phải thì làm sao để phân biệt 2 bệnh lý này và bệnh nào nguy hiểm hơn?

Bác sĩ cho em hỏi, Viêm nha Chu và viêm nướu có phải là một không BS? Nếu không phải thì làm sao để phân biệt 2 bệnh lý này và bệnh nào nguy hiểm hơn?  – (Hoàng Hoa – Đắc Lắc)

phan-biet-benh-viem-nuou-va-viem-nha-chu

Bạn Hoa thân mến,

Viêm nướu và viêm nha chu là 2 bệnh khác nhau. Tuy nhiên để phân tích kỹ về 2 căn bệnh này thì e rằng quá đi sâu vào chi tiết chuyên môn, cho nên AloBacsi chỉ nêu lên những điểm quan trọng mà mọi người cần biết thôi.

Thứ nhất là về sự giống nhau: cả 2 căn bệnh này có nguyên nhân khá tương đồng. Hầu hết các trường hợp đều gây ra do vôi răng. Vôi răng là một ổ vi khuẩn, là nơi vi khuẩn liên tục sinh sôi nảy nở tạo điều kiện cho chúng tấn công vào những vùng mô lành mạnh xung quanh. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như viêm nha chu thanh thiếu niên, viêm nướu do dùng một số loại thuốc đặc biệt, viêm nướu/nha chu hoại tử lở loét… Ở đây AloBacsi xin lược qua phần này mà chỉ tập trung nói về nguyên nhân phổ biến nhất là do vôi răng.

Thứ hai nói về sự khác nhau:

– Sự khác nhau cơ bản nhất là viêm nướu tức là viêm phần nướu viền chung quanh răng với các biểu hiện như chảy máu nướu, nướu sưng, phẫp phều, có màu đỏ thẫm…

Trong khi đó, viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm mô nha chu bao gồm nướu, xương ổ răng, cement và dây chằng nha chu. Mô nha chu giữ nhiệm vụ neo giữ, nâng đỡ và bảo vệ răng trong suốt đời sống chúng ta. Viêm nha chu có các biểu hiện như sau: các dấu hiệu của viêm nướu, đi kèm với tiêu xương ổ răng, xuất hiện túi nha chu, răng lung lay, miệng có mùi hôi, có máu thậm chí mủ chảy ra… trong đó dấu hiệu tiêu xương ổ là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định đó là viêm nướu hay viêm nha chu.

– Viêm nướu nếu không được điều trị đầy đủ thì sẽ viêm dai dẳng kéo dài, còn có chuyển thành viêm nha chu hay không thì không xác định được vì còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Viêm nha chu nếu không điều trị đầy đủ thì xương ổ cứ tiêu dần đi cho đến khi tiêu hết thì các răng rơi ra ngoài do không còn gì để níu giữ

– Viêm nướu điều trị khá đơn giản, bạn chỉ cần đi cạo vôi sạch sẽ, hết nguyên nhân rồi thì triệu chứng cũng hết.

Viêm nha chu thì khó điều trị hơn rất nhiều, sau khi cạo vôi xong, ta phải bộc lộ phần chân răng ra rồi xử lý mặt gốc răng bên dưới do vôi răng bám rất sâu dưới chân răng, có thể phải dùng thêm thuốc tuỳ trường hợp và tái khám sau 1 tháng để theo dõi tiến triển, nếu ổn thì sau đó tái khám mỗi 3 hoặc 6 tháng.

– Viêm nướu điều trị xong thì nướu phục hồi lại bình thường, ít ảnh hưởng đến đời sống.

Viêm nha chu cho dù điều trị dứt điểm thì phần xương đã tiêu cũng không thể mọc lên lại nên khả năng tái phát cao nếu bệnh nhân không theo sát yêu cầu của bác sĩ.

Trên đây là một số điểm bạn cần biết về 2 căn bệnh này. Viêm nha chu là căn bệnh khó trị hơn rất nhiều, vì vậy bạn nên khám răng định kỳ, cạo vôi mỗi 6 tháng một lần để ngăn ngừa căn bệnh này nhé.

Thân chào bạn!

BS Đoàn Khánh Ngọc

(Theo Alobacsi)

Cách để phân biệt mật gấu thật và giả

“Tôi được biết mật gấu có thể chữa được nhiều bệnh. Hiện mặt hàng này được bán nhiều nhưng tôi không biết cách phân biệt mật gấu thật hay giả. Xin bác sĩ giúp đỡ”.

1. Mật gấu khô:

Mật thật có túi hình trứng dài, bẹt, đáy phồng lên. Chiều dài túi mật khoảng 10-12 cm, rộng 5-10 cm, bề ngoài màu nâu đen hay xám đen, bóng, thành túi dày khoảng 1 mm, nhăn nheo và dai, có thể dùng tay xé dọc thành sợi.

Cách để phân biệt mật gấu thật và giả

Khi soi dưới ánh sáng, túi mật trong suốt. Mật khô ở trong túi mật (gọi là nhân) là những hạt nhỏ không đều, màu sắc không đồng nhất. Có hạt màu hổ phách, óng ánh, nhẹ và giòn. Có hạt màu đen, dai, cứng và vón thành cục. Có hạt màu xanh vàng, hơi xỉn. Dưới đèn huỳnh quang, hạt mật gấu có ánh sáng màu vàng trắng.

Mật gấu tốt phải xốp và giòn, dùng hai ngón tay miết nhẹ thì phát ra tiếng lạo xạo, các hạt vụn phải óng ánh, không dính tay. Mật gấu thật có mùi thơm đặc trưng, hơi tanh, không dính răng, vị rất đắng, sau đó còn lại cảm giác hơi ngọt ở lưỡi.

Khi cho một hạt mật gấu vào bát nước thì hạt mật xoay tròn chầm chậm thành sợi màu vàng rồi chìm và tan, không có cặn. Khi đốt thì hạt mật phồng lên, không có mùi tanh và không khét.

2. Mật gấu đã pha chế:

Dung dịch 1% mật gấu trong axit acetic 7% có màu vàng trong suốt, dưới đèn huỳnh quang vẫn có màu vàng trắng, sau 8 giờ thành màu đục nhạt, sau 24 giờ thành màu lục sẫm hoặc màu đen lục.

Ngoài ra, có thể nhận ra mật gấu bị rút bớt mật và bơm thêm tạp chất qua các đặc điểm sau: Mật gấu to hơn bình thường, nặng hoặc không có những đặc điểm như đã nói ở trên. Người bán cũng có thể làm giả bằng mật lợn, mật bò hay bàng quang lợn, bạn nên tham khảo những chi tiết trên để phân biệt.

BS Bùi Trường

(Theo Laodong)

Cảm lạnh và cảm cúm khác nhau ra sao?

 Sổ mũi, ho và sốt là những triệu chứng của cảm lạnh hoặc cúm, những bệnh phổ biến vào mùa đông. Vậy làm thế nào để phân biệt được 2 bệnh này?

cam

Tiến sĩ, bác sĩ Sherif Mossad, tại bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các triệu chứng cảm lạnh và cúm là nhiệt độ cơ thể. Mặc dù cả hai bệnh có thể gây ra sốt, tuy nhiên sốt nhẹ thường biểu hiện của cảm lạnh, trong khi sốt cao 39-40 độ C là biểu hiện của cúm. Khi bị cúm, sức khỏe suy sụp rất nhanh, buổi sáng bạn cảm thấy khỏe nhưng về chiều thì mệt mỏi, kiệt sức.

Ngoài ra, Tiến sĩ Mossad chỉ ra rằng ho, đau họng, nhức đầu, đau nhức người, sốt là dấu hiệu nổi bật của bệnh cúm.  Hắt hơi, chảy mũi, ho là triệu chứng đặc trưng của cảm lạnh.

Cúm do virus gây ra nên không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Vì thế khi bị cúm tốt nhất là dùng thuốc trị các triệu chứng, giảm đau nhức và ngăn chặn các biến chứng. Nếu cúm nhẹ, có thể tự chữa trị ở nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước nóng, súc miệng nước muối, tránh tiếp xúc với mọi người. Nếu thấy khó thở, ho nhiều, thì phải đến bệnh viện, vì bệnh cúm đã biến chứng thành viêm phổi. Khi bị cúm hoặc cảm lạnh, bạn nên che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời thường xuyên rửa tay để tránh lây lan.

 (Theo ANTD)

Cùng bệnh viện FV “giúp con ăn ngon ăn vui”

Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi, bệnh viện FV, chia sẻ bí quyết hiểu tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon

Làm thế nào để trẻ ăn ngon – ăn vui?

“Khá nhiều bé có biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao hoàn toàn bình thường nhưng vẫn được cha mẹ đưa đi khám dinh dưỡng và khám tâm lý thường xuyên vì cho rằng bé mắc chứng lười ăn hay bị suy dinh dưỡng. Vậy là phụ huynh có ‘bệnh’ chứ không phải trẻ!” – Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi chia sẻ một cái nhìn mới về việc kết hợp liệu pháp tâm lý trong điều trị chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ tại Bệnh viên FV.

Chuyện ăn của cha mẹ ảnh hưởng tới con thế nào?

Có một thực tế là nhiều cha mẹ chỉ tầm thước nhưng cứ mong con cao bằng hoặc cao hơn các bạn cùng lứa nên dẫn trẻ đi khám dinh dưỡng liên tục (dù rằng chỉ số chiều cao của trẻ hoàn toàn bình thường). Đó là “bệnh” của cha mẹ. Có cha mẹ thì lại tổ chức bữa ăn cho trẻ dựa trên những trải nghiệm ăn uống của chính mình, cứ ép con ăn món ăn mình thích. Chuyên gia Hồng Nhi, bệnh viện FV, nhấn mạnh: “Thức ăn cung cấp dưỡng chất để trẻ lớn lên, và thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển tâm lý và vai trò xã hội của trẻ. Cha mẹ rất nên can thiệp và giúp trẻ xây dựng thái độ tích cực với ăn uống. Tuy nhiên, trước hết, cần xác định những vấn đề trẻ gặp phải trong ăn uống là vấn đề của trẻ hay của chính phụ huynh.”

Bác sĩ Hồng Nhi khoa tâm lý lâm sàn bệnh viện FV (Pháp Việt) (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)

Rất ít trẻ ăn đúng như những gì cha mẹ muốn. Về cơ bản, trẻ từ 1 – 3 tuổi không hiểu khái niệm thức ăn tốt như người lớn. Trẻ có thể “phiên dịch” đồ ăn tốt là đồ ăn mẹ của bạn hàng xóm nấu và đang đút cho bạn ấy ăn. Trẻ cũng không phân biệt được cảm giác no đói mà thường ăn theo “tình cảm” nhiều hơn, như ăn nhiều hơn khi đua với bạn, hoặc không ăn vì không thích màu sắc… Phản ứng của trẻ với các bữa ăn và các loại thực phẩm cũng thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng đều có điểm chung là chúng đều muốn ăn uống tự do, chán ăn cơm nhưng lại thích ăn gà rán, khoai tây chiên và kẹo…

Khi nào nên cho trẻ gặp khó khăn trong ăn uống gặp chuyên gia tâm lý

• Khi trẻ không đạt chuẩn về chiều cao, cân nặng, trẻ ăn quá lâu, quấy khóc nhiều, quậy phá nhiều khi đến giờ ăn.

• Khi không khí bữa ăn quá nặng nề và cha mẹ cảm thấy hoàn toàn bất lực với chứng biếng ăn ở trẻ.

Có nên cho trẻ ăn theo ý mình?

Ăn uống không chỉ là đơn thuần cho thức ăn vào miệng. Có thể thấy ở trẻ nhỏ, ăn uống và tình cảm không tách rời, và nguyên nhân của việc ăn uống khó khăn của trẻ đôi khi là do những vấn đề về mặt tình cảm, tâm lý.

Vậy trong “cuộc chiến” tại bàn ăn, đâu là quyền bính của cha mẹ để giúp trẻ “ăn ngon”, đâu là giới hạn sự tự do của trẻ để trẻ “ăn vui”? Nhà tâm lý lâm sàng Hồng Nhi giới thiệu một vài tư vấn riêng đang áp dụng tại Bệnh viện FV:

– Cha mẹ quyết định trẻ ăn gì (chọn những món có giá trị dinh dưỡng cho trẻ), còn trẻ sẽ tự quyết ăn bao nhiêu.

– Cha mẹ chuẩn bị một thực đơn duy nhất cho cả nhà trong mỗi bữa ăn (khi trẻ đã đủ tuổi ngồi ăn chung với người lớn). Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng gia đình, và sau này là xã hội có những quy tắc, quy định và trẻ cần tôn trọng những giá trị này. Tuy nhiên, đối với những món trẻ cương quyết không ăn, cha mẹ có thể đề nghị trẻ nếm thử 1 miếng, nếu vẫn không thích thì có quyền không ăn món đó.

Bác sĩ Hồng Nhi đang tư vấn cho một thai phụ về tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)

Ngoài ra, để xây dựng thái độ tích cực với việc ăn uống và giúp trẻ “ăn vui”, chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FV khuyên cha mẹ nên:

– Cho trẻ đi chợ, cùng tìm hiểu các loại thực phẩm và cùng nấu nướng: trẻ sẽ thích thú khi khám phá một con cá đang bơi khác với đĩa cá đã chế biến thế nào…

– Giúp con đánh thức khẩu vị: khuyến khích trẻ nếm và mô tả đồ ăn bằng giác quan (nhìn thấy đẹp, sờ thấy mềm, ngửi thấy thơm, nếm thấy ngọt…); không nên để con dùng từ “Thích” hay “Không thích” khi mô tả về một món ăn mới.

– Duy trì bữa cơm gia đình đầm ấm và nhẹ nhàng bằng các “trò chơi”: ví dụ đố bé đoán xem nhai món này sẽ xảy ra điều gì trong miệng, hoặc đố bé tìm được hạt của quả nho trong miệng…

Cha mẹ đặc biệt cần tránh dùng món ăn này làm phần thưởng cho món ăn khác, chẳng hạn hứa với bé ăn hết chén cơm sẽ thưởng đùi gà rán, điều này sẽ càng làm trẻ hiểu sai khái niệm “đồ ăn tốt”. Tránh “ăn cho mẹ vui”, “ăn rồi mẹ thương” vì trẻ sẽ nhầm lẫn cảm giác muốn ăn và muốn được cưng nựng.

“Không có em bé hoàn hảo như trong quảng cáo, và trẻ ăn ngon ăn vui không có nghĩa là phải ăn nhiều, ăn cho cả bố mẹ,” chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FVtổng kết về phương pháp của mình.

Nhà Tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý lâm sàng và bệnh lý tại trường Đại Học Bretagne Occidentale, Pháp vào năm 2008. Hiện cô là nhà chuyên môn phụ trách toàn bộ các ca tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện FV, đồng thời là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc tế, thuộc khối Đại học Quốc Gia.

Phân biệt cảm cúm nặng, nhẹ để biết cách phòng tránh

Khi trời bắt đầu trở lạnh cũng chính là lúc các virus cảm cúm có cơ hội phát triển. Không có ít người vẫn chỉ nghĩ cảm cúm là một bệnh xoàng, chỉ cần dùng vài viên thuốc trị cảm là giải quyết xong vấn đề. Song, sự thật về cảm cúm không đơn giản như thế.

Một trong những nội dung tập huấn quan trọng của chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng “Bác sĩ tại gia” là phân biệt cảm cúng nặng và nhẹ, vì nó có những triệu chứng tương tự nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Chương trình đã lần lượt diễn ra tại 13 tỉnh thành phố trong cả nước.

Theo các chuyên gia tư vấn của chương trình, nếu cảm nhẹ (hay còn gọi là cảm lạnh), cơ thể sẽ có 3 triệu chứng thường gặp nhất là: hắt hơi, sổ mũi (hoặc nghẹt mũi), đau đầu và có thể kèm sốt nhẹ hoặc nhức mình mẩy… Nguyên nhân gây ra cảm nhẹ là do cơ thể có sức đề kháng kém nên sẽ dễ bị nhiễm các siêu vi trùng có trong không khí trong mùa cảm cúm. Bạn cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và rửa tay đúng cách để tránh bị lây nhiễm.

(Ảnh được cung cấp bởi nhãn hàng Panadol Extra)

Trong khi đó, người bị cảm nặng (cảm cúm) sẽ có 6 triệu chứng thường gặp nhất là: sốt cao kèm đau nhức mệt mỏi toàn thân, ho, đau họng, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh do virus cúm truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hơi thở, nước mũi. Khi xác định bị cảm cúm nặng, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm.

Lý do cần phải lưu ý 2 loại cảm nhẹ và nặng là vì thuốc cảm là thuốc không kê toa nên đang có tình trạng: người muốn mua cứ mua, người bán cứ bán. Cả 2 đối tượng đều bỏ qua giai đoạn tìm hiểu và gọi tên bệnh cho đúng để dùng đúng thuốc và điều trị cho hiệu quả. Nếu người cảm nhẹ mà dùng các loại thuốc trị cảm liều mạnh rất dễ dẫn đến tình trạng ngà ngật, buồn ngủ thiếu tỉnh táo ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt hằng ngày. Ngược lại, người bị cảm nặng nhưng lại dùng thuốc điều trị cảm nhẹ sẽ không dứt được bệnh làm cho bệnh kéo dài lâu ngày dễ dẫn đến bội nhiễm, thậm chí viêm phổi rất nguy hiểm.

“Bác sỹ tại gia” là chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Hội liên hiệp Phụ nữ ViệtNamkhởi xướng và được tài trợ bởi công ty GlaxoSmithKline – nhãn hàng Thuốc Panadol cảm cúm Extra.

Nội dung lớp tập huấn nêu ra thông điệp rất đơn giản giữa cảm nhẹ và cảm nặng khi dùng các con số 3, 6 để phân biệt triệu chứng cảm cúm nhẹ và cảm cúm nặng. Thông điệp khẳng định dùng thuốc 3 thành phần trị cảm nhẹ và 6 thành phần  trị cảm nặng. Việc này cũng giúp ích cho các chị em xử lý bệnh cảm ngay tại nhà trước khi phải đến các cơ sở y tế tuyến trên.

 

Hồng xiêm bắt mắt nhờ tẩm ôxít sắt

 

Ðể hồng xiêm bắt mắt, nhiều người bán thường ngâm quả vào một loại dung dịch được cho là bột sắt hòa với nước. Việc làm này có gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hồng xiêm tẩm hóa chất

Tại các cửa hàng bày bán hoa quả, những quả hồng xiêm vàng sậm, căng bóng nhìn rất bắt mắt, hấp dẫn người mua. Khi được hỏi, người bán cho rằng: chỉ biết lấy hàng về bán cho khách, còn hàng có ngâm, tẩm chất gì hay không thì họ… chịu, không biết được.

Nhưng theo những người bán hàng lâu năm thì trên thị trường hiện có rất nhiều hoa quả được nhuộm màu, nhuộm hóa chất để tươi lâu hơn và nhìn ngon hơn. Bằng mắt thường người mua hàng khó nhìn thấy, phân biệt được hoa quả đã ngâm hóa chất. Tâm lý của người mua hàng thích chọn những loại trái cây tươi, ngon, có vỏ bóng mịn trong khi phần lớn các loại quả này được tẩm chất chống thối. Hầu hết những người bán hoa quả tại chợ Long Biên, Hà Nội đã “phù phép” trước khi khách hàng đến lấy. Những người bán buôn hay bán lẻ chỉ việc lấy về và bán.

Những người bán hàng thường truyền cho nhau những “ngón nghề” như bột sắt ngâm vào hồng xiêm để “lên đời” cho quả, chất Ethrel làm chín hoa quả nhanh, thuốc 2,4D chống vi sinh vật thâm nhập vào hoa quả gây nhanh thối rữa. Những quả hồng xiêm có thể hái khi còn xanh, nhìn không ngon nhưng chỉ cần nhuộm một ít hóa chất, quả sẽ chuyển thành màu vàng thẫm khiến nhiều người nhầm là hồng xiêm già, ăn ngọt hơn. Trên thực tế, đã có rất nhiều khách hàng bị đánh lừa mua phải quả non chỉ qua lớp vỏ bên ngoài này.


Hồng xiêm nhuộm hóa chất vỏ có màu vàng sẫm hơn hồng xiêm tự nhiên

Lợi hay hại?

Các loại trái cây khi hái xuống khỏi cây, nếu chỉ để tự nhiên, không bảo quản sẽ hỏng rất nhanh bởi khi đó, trong quả vẫn diễn ra quá trình hô hấp, quá trình tự chín và tự thối rữa. Mặt khác, sau khi hái, hoa quả sẽ bị vi sinh vật chui vào theo núm quả, làm cho quá trình thối rữa càng nhanh hơn.

Trước đây, người ta thường bôi vôi vào núm quả để vi sinh vật không thể chui vào được nhưng hiện nay, nhiều người buôn bán hoa quả đều sử dụng hóa chất để bảo quản hoa quả lâu hơn. Việc tẩm, ngâm hóa chất có thể làm ngay từ khi hoa quả được thu hoạch, cũng có những nơi được ngâm tẩm sẵn. Chất bột sắt được dùng để ngâm tẩm hồng xiêm là một loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in… và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.

Đây là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể con người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, và hôn mê. Triệu chứng khi nuốt phải lượng lớn: đau bụng, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ, lịm dần.

Chính vì vậy người nội trợ nên chọn mua hoa quả đúng mùa, màu sắc tự nhiên để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

(Theo Suckhoe&doisong)

 

“Đánh số” lên đầu 4 bé sinh tư

Bốn đứa bé sinh tư giống nhau ở Trung Quốc đã được cạo đầu hình số như một cách phân biệt giữa chúng (ảnh).

Theo Orange, chị Tan Chaoyun ở Thâm Quyến đã nảy ra ý tưởng này trước ngày các quý tử nhà chị vào lớp 1.


Ảnh: Orange

Tan nói bọn trẻ giống nhau đến mức chị chỉ có thể phân biệt bằng mí mắt, còn chồng chị đôi khi phạt nhầm đứa này với đứa kia. Thế nên, để tránh gây phiền toái cho trường, Tan đã dắt bọn trẻ ra tiệm hớt tóc để “đánh số” cho chúng.

(Theo iHay)

 

Coi chừng bỏ qua dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Một trong những yếu tố khiến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thêm nặng, phức tạp, có thể tử vong  nhanh là do tái sốc.

Ảnh minh họa.

Đặc điểm tái sốc bởi sốt xuất huyết ở trẻ

Một trong những yếu tố khiến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thêm nặng, phức tạp, có thể tử vong  nhanh là do tái sốc. Việc chữa trị cho một bệnh nhi tái sốc là rất khó khăn đối với bác sĩ.

Qua khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 trên 280 bệnh nhi sốt xuất huyết vào chữa trị tại bệnh viện cho thấy, thời điểm trẻ mắc sốt xuất huyết bị sốc thường rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh (tính từ lúc trẻ có triệu chứng sốt). Bình quân trẻ sốt xuất huyết có thể rơi vào tái sốc trở lại ở giờ thứ 12 kể từ khi bị sốc lần đầu.

Vì thế, buộc bác sĩ và nhân viên y tế của ca trực phải theo dõi sát bệnh nhi, theo dõi thật kỹ càng để phát hiện sớm, kịp thời xử trí khi trẻ sốt xuất huyết bị tái sốc. Nhất là phải theo dõi dấu sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở), đặc biệt nhất là mạch; theo dõi chức năng đông máu… Nếu không theo dõi sát dễ bỏ qua, trẻ có thể bị nguy kịch.

Dễ nhầm tưởng

Trong phần báo cáo “Thách thức trong chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) lưu ý các đồng nghiệp, rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi với nhiễm trùng sơ sinh; và lưu ý việc truyền dịch (nước biển) quá nhiều ở trẻ sốt xuất huyết nhũ nhi cũng dễ dẫn đến tử vong. Cần phải khám, theo dõi kỹ nếu không dễ bỏ qua bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.

Tương tự, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng lưu ý, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh khó phân biệt với nhiễm trùng sơ sinh trong những ngày đầu của bệnh. Nên nghi ngờ sốt xuất huyết sơ sinh ở những trẻ có sốt liên tục 3-4 ngày, trong khi tổng trạng tốt, các xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng khác đều bình thường.

95% các trường hợp sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, trong đó bệnh xảy ra ở trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi chiếm khoảng 5%. Các trường hợp sốc do sốt xuất huyết ở trẻ dưới 2 tuổi có biểu hiện lâm sàng đa dạng, phức tạp, dễ bỏ sót chẩn đoán, bệnh diễn biến nhanh đưa đến các biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa… Vì thế, trẻ có thể tử vong nếu không được theo dõi sát từ phía bác sĩ.

BACSI.com (Theo Khoemoingay)

Kỹ năng ứng phó khi gặp rắn

Mấy ngày nay, hàng loạt rắn xuất hiện ở Phú Quốc (Kiên Giang), rắn bò vào bếp, giường ngủ, vườn, nhà… làm người dân hoang mang. Theo các chuyên gia, người dân cần có kỹ năng ứng phó khi gặp rắn để tránh khỏi những tai họa không đáng có.

Ban đêm con người dễ bị rắn tấn công

ThS Nguyễn Thiện Tạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn thuộc 69 giống, 8 họ. Trong số đó ghi nhận tổng số 53 loài rắn độc. Trong những loài rắn độc có khoảng 20 loài sống ở trên cạn.

Những loài rắn mà người dân thường hay gặp trong cuộc sống hằng ngày bao gồm cả rắn độc lẫn rắn không độc. Rắn độc gồm có rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang… Rắn không độc mà mọi người  hay gặp có rắn nước, rắn ráo, rắn mòng… Những loài rắn này sống tại các bụi cây, bụi rậm, ngoài đồng ruộng…

Khi bị rắn thường cắn, chúng ta có thể bị ngứa, cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu bị rắn độc tấn công, nọc độc của rắn có thể gây tử vong.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, người dân lại bắt gặp chúng là vì rắn là loài động vật biến nhiệt. Vào những ngày nắng chúng thường bò ra bên ngoài để tiếp nhận ánh nắng mặt trời, vì thế có thể người dân vô tình bắt gặp.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân để rắn trong tự nhiên bỗng dưng bò ra khỏi hang vào nhà dân như biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi đột ngột như quá nắng nóng hoặc mưa quá nhiều, nguồn thức ăn cạn kiệt. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm bởi đây là thời điểm con người dễ bị rắn tấn công nhất. Rắn rất thích cư trú hoặc thích đến các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình

Liên quan đến thông tin ở Kiên Giang thời gian gần đây xuất hiện rắn bò vào nhà, ThS Nguyễn Thiện Tạo cho biết, cũng mới chỉ đọc thông tin trên báo và đang nhờ đồng nghiệp ở đó xác minh. Qua mô tả ông thấy các loài rắn này không giống với các loài rắn thông thường vẫn hay sống ở gần người dân. “Chỉ khi nào chúng tôi chụp được ảnh, từ đó chúng tôi mới tìm hiểu và nhận biết được đấy là loài rắn nào, có độc không…”, ThS Nguyễn Thiện Tạo cho hay.

Đừng tấn công

ThS Nguyễn Thiện Tạo cũng phân tích thêm, thông thường các loài rắn không tự nhiên tấn công con người. Mỗi khi thấy rắn, người dân thường hay nghĩ chúng rất độc và phải đập chết chúng chứ không nghĩ đến việc tránh xa hay xua đuổi. Khi bị con người tấn công, đương nhiên rắn sẽ tấn công lại như một biện pháp tự vệ. Cách tốt nhất là khi thấy rắn, nên tìm cách tránh xa chúng hoặc tìm cách xua đuổi chúng như cầm cành cây hoặc các vật có kích thước dài xua đuổi chúng đi xa.

Người dân cũng phải lưu ý rằng, đối với những loài rắn thường, khi cắn, chúng ta có thể bị ngứa, cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu bị rắn độc tấn công, nọc độc của rắn có thể gây tử vong. Hiện nay, khoa học đã sáng tạo ra các kit thử lâm sàng nhằm giúp phát hiện độc tố trong vết thương của người bị rắn cắn đưa tới bệnh viện thuộc nhóm độc tố nào thì mới có hướng điều trị tiếp.

Đối với người dân, khi bị rắn cắn, cách tốt nhất là dùng dây, khăn buộc chặt chỗ bị cắn để không làm chất độc lan rộng ra cơ thể. Ngoài ra, người bị rắn độc cắn cố gắng ghi nhớ hình dạng của giống rắn vừa bị cắn. Thông qua việc mô tả, ít nhiều các bác sĩ sẽ phân biệt được loài đó, từ đó tìm ra nhóm độc tố để có biện pháp điều trị thích hợp.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng cho rằng, mọi người không nên nằm ngủ trực tiếp dưới nền đất và thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không. Nếu có thể thì tránh các kiểu cấu trúc nhà tạo điều kiện thuận lợi cho rắn ở (như nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hang, hốc hoặc vết nứt, nền nhà nhiều vết nứt).

Khi phát hiện có rắn xuất hiện trong khu vực khép kín, mọi người cũng không nên bắt, đuổi hoặc dồn ép rắn mà nên để chúng trườn ra khu vực rộng rãi mới tiến hành đuổi bắt. Khi rắn đã chết cũng không nên cầm hoặc trêu vì đầu rắn đã chết vẫn còn nọc độc.

Meo.vn (Theo Bee)

Chớ hoảng khi trẻ táy máy… “chỗ ấy”

Một số bà mẹ có khuynh hướng âu yếm, thậm chí hôn vào bộ phận sinh dục của trẻ… Hành vi này tạo sự nhạy cảm rất lớn nơi vùng sinh dục của trẻ, cần phải tránh.

Tại mục Hành trình làm cha mẹ tốt trên diễn đàn www.lamchame.com, nhiều bà mẹ lo lắng khi thấy con mới ba tuổi, năm tuổi thường táy máy, nghịch ngợm “chỗ ấy”. Thành viên zucchini chia sẻ: “Con gái tôi ba tuổi đã biết “thủ dâm”. Cháu cứ khép hai chân và sau đấy rơi vào cảm giác đê mê, không biết những chuyện xung quanh. Tình trạng của cháu rất nặng, “thủ dâm” gần như bất kỳ lúc nào có thể, khi chuẩn bị ngủ, lúc xem tivi, đọc sách…”.

Học tập sa sút

Thành viên zucchini chia sẻ tiếp: “Con gái tôi nay đã bảy tuổi nhưng vẫn táy máy “chỗ ấy” nên ảnh hưởng sức khỏe và học tập. Cháu ăn uống bình thường nhưng gầy gò, xanh xao. Không chỉ thế, đầu óc cháu càng mụ mị, học hành sa sút.
Do lúc nào cháu cũng nghĩ đến “chuyện kia” nên tôi lo lắng đến tuổi dậy thì cháu sẽ ra sao”.

Thành viên bomevacon kể lại câu chuyện của cô H., giáo viên trường mầm non: “Nhiều năm gắn bó với trẻ độ tuổi lên bốn, lên năm, cô H. từng chứng kiến trẻ thủ dâm ngay trong lớp học, cả trai lẫn gái. Có bé gái đến giờ đi ngủ là nằm sấp, cho tay vào “chỗ ấy”, còn bé trai suốt ngày táy máy “vòi voi”, gí gí xuống chiếu… Nghe cô giáo nhắc nhở thì các bé giật mình, ngượng ngùng, xấu hổ. Tuy vậy, các bé vẫn lén lút nghịch ngợm “chỗ ấy” khi vắng mặt cô giáo”.

Hudson, cũng là thành viên của diễn đàn www.lamchame.com, đã tâm sự: “Tôi hoảng hồn khi đọc bài viết của các chị. Cho dù thủ dâm là hiện tượng tâm sinh lý bình thường nhưng nếu sớm quá thì không tốt. Tôi có con gái chưa đầy năm tuổi nhưng thường xuyên nghịch ngợm “chỗ ấy”, la rầy hoài vẫn không bỏ”.

Tương tự, thành viên me_bach lo lắng: “Thằng nhóc nhà em mới hơn bảy tháng thôi nhưng thỉnh thoảng thò tay cấu “vòi voi”, người cứng đơ… Thủ dâm là chuyện bình thường nhưng ở tuổi nhỏ thì không ổn lắm, rất cần ý kiến của chuyên gia”.


Trẻ mới lớn thường có xu hướng muốn khám phá một số bộ phận cơ thể. Ảnh minh họa: HTD

Trẻ muốn khám phá bản thân

BS Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho rằng hành vi táy máy, nghịch ngợm “chỗ ấy” của trẻ dưới năm tuổi không phải thủ dâm, mà là muốn khám phá bản thân. “Trẻ khám phá một số bộ phận cơ thể có khả năng tạo cảm giác cho trẻ. Chẳng hạn nhạy cảm ở da, hậu môn khi đi cầu, niệu và sinh dục khi tiểu tiện hoặc tắm rửa… Những lần đầu gây cảm giác thích thú ngẫu nhiên nhưng sau đó trẻ có khuynh hướng tìm kiếm hoặc tái tạo những cảm giác này. Hành vi đó hoàn toàn bình thường ở trẻ khi trẻ chưa có khái niệm ngượng ngùng hoặc cấm đoán. Vì thế trẻ không ngần ngại sờ mó hoặc phô trương bộ phận sinh dục trước mặt người khác” – BS Thanh nói.

Theo BS Thanh, hành vi khám phá bản thân của trẻ không kéo dài quá lâu nên người lớn đừng quan trọng hóa. Tuy nhiên, người lớn cần tránh gây kích thích nơi trẻ. “Một số bà mẹ có khuynh hướng âu yếm, thậm chí hôn vào bộ phận sinh dục của trẻ… Hành vi này tạo sự nhạy cảm rất lớn nơi vùng sinh dục của trẻ, cần phải tránh. Phim ảnh gợi dục cũng kích thích trẻ bắt chước, vì vậy người lớn cần thận trọng khi chọn lọc chương trình truyền hình cho trẻ” – BS Thanh nhắc nhở.

Đồng quan điểm trên, BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết thêm trẻ từ ba đến sáu tuổi đang trong giai đoạn phát triển tâm lý. Trẻ bắt đầu tìm hiểu và phân biệt giới tính. Việc tìm hiểu giới tính cũng như tự khám phá cơ thể đem lại cho trẻ cảm giác thích thú, trẻ có thể lặp đi lặp lại hành vi này. “Hành vi này không kéo dài quá lâu, không làm xáo trộn đời sống của trẻ. Tinh nghịch, táy máy “chỗ ấy” chỉ ảnh hưởng sức khỏe và học tập của trẻ khi kéo dài quá tuổi cho phép” – BS Thủy lưu ý.

BS Thủy khuyên người lớn không nên la mắng khi thấy trẻ nghịch ngợm “chỗ ấy”. Cần hướng trẻ tham gia những hoạt động thể lực khác. Dạy trẻ không nên táy máy “chỗ ấy” nơi công cộng, đông người. “Có thể có nguyên nhân bất thường nếu trẻ đã trên ba tuổi và hành vi trên thường xuyên lặp lại kéo dài trong một tháng. Cha mẹ đừng ngần ngại mang trẻ đến khám tâm lý khi có những biểu hiện bất thường để được hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp” – BS Thủy lưu ý.

Người lớn cần chú ý nếu trẻ có hành vi muốn khám phá bản thân quá nhiều, kèm sự thay đổi đáng kể về hành vi như buồn bã, thu mình, hung bạo, học tập sa sút, phô trương hoặc bẽn lẽn quá mức… Trẻ có thể là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục hoặc bị rối loạn do thấy cảnh âu yếm.

BS Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng Đơn vị Tâm lý
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM)

 

Meo.vn (Theo Pháp Luật TPHCM)