Khi trời bắt đầu trở lạnh cũng chính là lúc các virus cảm cúm có cơ hội phát triển. Không có ít người vẫn chỉ nghĩ cảm cúm là một bệnh xoàng, chỉ cần dùng vài viên thuốc trị cảm là giải quyết xong vấn đề. Song, sự thật về cảm cúm không đơn giản như thế.
Một trong những nội dung tập huấn quan trọng của chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng “Bác sĩ tại gia” là phân biệt cảm cúng nặng và nhẹ, vì nó có những triệu chứng tương tự nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Chương trình đã lần lượt diễn ra tại 13 tỉnh thành phố trong cả nước.
Theo các chuyên gia tư vấn của chương trình, nếu cảm nhẹ (hay còn gọi là cảm lạnh), cơ thể sẽ có 3 triệu chứng thường gặp nhất là: hắt hơi, sổ mũi (hoặc nghẹt mũi), đau đầu và có thể kèm sốt nhẹ hoặc nhức mình mẩy… Nguyên nhân gây ra cảm nhẹ là do cơ thể có sức đề kháng kém nên sẽ dễ bị nhiễm các siêu vi trùng có trong không khí trong mùa cảm cúm. Bạn cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và rửa tay đúng cách để tránh bị lây nhiễm.
(Ảnh được cung cấp bởi nhãn hàng Panadol Extra)
Trong khi đó, người bị cảm nặng (cảm cúm) sẽ có 6 triệu chứng thường gặp nhất là: sốt cao kèm đau nhức mệt mỏi toàn thân, ho, đau họng, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh do virus cúm truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hơi thở, nước mũi. Khi xác định bị cảm cúm nặng, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm.
Lý do cần phải lưu ý 2 loại cảm nhẹ và nặng là vì thuốc cảm là thuốc không kê toa nên đang có tình trạng: người muốn mua cứ mua, người bán cứ bán. Cả 2 đối tượng đều bỏ qua giai đoạn tìm hiểu và gọi tên bệnh cho đúng để dùng đúng thuốc và điều trị cho hiệu quả. Nếu người cảm nhẹ mà dùng các loại thuốc trị cảm liều mạnh rất dễ dẫn đến tình trạng ngà ngật, buồn ngủ thiếu tỉnh táo ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt hằng ngày. Ngược lại, người bị cảm nặng nhưng lại dùng thuốc điều trị cảm nhẹ sẽ không dứt được bệnh làm cho bệnh kéo dài lâu ngày dễ dẫn đến bội nhiễm, thậm chí viêm phổi rất nguy hiểm.
“Bác sỹ tại gia” là chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Hội liên hiệp Phụ nữ ViệtNamkhởi xướng và được tài trợ bởi công ty GlaxoSmithKline – nhãn hàng Thuốc Panadol cảm cúm Extra.
Nội dung lớp tập huấn nêu ra thông điệp rất đơn giản giữa cảm nhẹ và cảm nặng khi dùng các con số 3, 6 để phân biệt triệu chứng cảm cúm nhẹ và cảm cúm nặng. Thông điệp khẳng định dùng thuốc 3 thành phần trị cảm nhẹ và 6 thành phần trị cảm nặng. Việc này cũng giúp ích cho các chị em xử lý bệnh cảm ngay tại nhà trước khi phải đến các cơ sở y tế tuyến trên.
Viêm da tiếp xúc côn trùng xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với các phần của côn trùng như bụi phấn từ cánh côn trùng hoặc chất tiết.
Viêm da tiếp xúc cũng xảy ra khi tiếp xúc gián tiếp với côn trùng qua dây phơi, quần áo, khăn…
Ngay sau khi tiếp xúc da ở chỗ tiếp xúc trực tiếp sẽ bị đỏ lên, sưng nề, thành các vệt như bị cào hoặc các đám mụn nước, mụn mủ bé li ti. Đôi khi bị trợt ra và chảy dịch chảy mủ ở vùng trung tâm vết tổn thương.
Tổn thương ở vùng mắt có thể làm mi mắt sưng nề, mắt híp lại, đôi khi phải vài ngày sau mới mở mắt ra được. Bị tổn thương ở vùng nách có thể gây trợt nhiều hoặc loét sâu qua lớp thượng bì. Nếu bạn gãi hoặc sờ tay vào chỗ tiết dịch rồi lại sờ tay lên mắt hoặc vùng da khác sẽ làm tổn thương da lây lan thêm.
Nếu dây dịch tiết sang da người khác nhất là các em bé sơ sinh thì cũng làm em bé bị lây bệnh. Thường thì bệnh nhân có cảm giác bỏng rát ở vùng da bị tổn thương, nếu loét và nhiễm trùng có mủ thì sẽ rất đau. Đôi khi có ngứa nhẹ từng lúc. Các dấu hiệu đau rát hoặc ngứa đa số không ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ của bệnh nhân. Bệnh nhân và một số bác sĩ không thuộc chuyên khoa da liễu có thể nhầm lẫn với bệnh zona.
Zona là do virus varicella gây nên, virut làm tổn thương vỏ bọc các dây thần kinh và gây nên các mụn nước và bọng nước. Sự khác biệt giữa zona và viêm da tiếp xúc côn trùng được phân biệt dựa vào các dấu hiệu sau. Zona chỉ bị tổn thương da ở một bên của thân thể, chỗ mà đoạn dây thần kinh chi phối bị virut xâm nhập và rất đau, đôi khi giật nhoi nhói từng cơn, đau có thể còn lan toả ra các vùng lân cận tổn thương da.
Viêm da tiếp xúc do côn trùng thì tổn thương bị bất kỳ ở vùng da nào mà tiếp xúc với côn trùng, thường hay bị cả hai bên thân thể, không đau nhiều, không bị giật nhói nhói từng cơn và chỉ có cảm giác bỏng rát tại vị trí bị tổn thương da.
Chăm sóc da:
Khi có biểu hiện viêm da do tiếp xúc bệnh nhân vẫn tắm rửa bình thường được. Không xát chanh, muối hoặc xà phòng vào chỗ da bị tổn thương. Rửa nhẹ nhàng bằng nước muối hoà loãng ngày 2 lần.
Thuốc trị:
Khi tổn thương da chảy nước, sưng nề thì bôi hoặc đắp các dung dịch như nước muối 9 phần nghìn, dalibour, eryfluid… Khi tổn thương da khô hơn thì bôi các thuốc có chứa kháng sinh và cortison như eumovate, fucicort, gentrison… Toàn thân uống một trong các thuốc kháng histamin như: loratadin, chlorpheniramin…
Nếu có nhiễm trùng thì phải uống một đợt thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sưng tấy nhiều làm đau rát đặc biệt tổn thương ở vùng mắt thì có thể uống một đợt corticoid liều trung bình trong 3-5 ngày. Dùng corticoid bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu vì thuốc này có nhiều tác dụng phụ. Một số trường hợp để lại vết thâm kéo dài vài tháng.
Để phòng tránh vết thâm thì trong lúc bệnh cấp tính nên chiếu tia laser He-Ne phối hợp từ 5-10 ngày để giảm viêm nhanh và hạn chế để lại vết thâm. Sau khi khỏi nếu tổn thương ở trên mặt thì nên tránh nắng từ 10-14 giờ để tránh thâm. Nếu vẫn bị vết thâm phải bôi các chế phẩm có chứa hydroquinon 2%, cream vitamin E để làm sáng da.
Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy trà xanh và ánh sáng laser đỏ có thể hợp thành “song kiếm hợp bích” để phá hủy những mảng bám beta-amyloid ở bệnh Alzheimer, theo báo New Scientist.
Ông Andrei Sommer và các cộng sự tại Đại học Ulm (Đức) nhận thấy ánh sáng laser đỏ cho phép chiết xuất trà xanh hoạt động chống lại các mảng bám.
Các nhà nghiên cứu trước đó đã sử dụng ánh sáng đỏ với bước sóng 670 nanomet để đưa thuốc trị ung thư vào các tế bào.
Ảnh: Shutterstock
Trong quá trình này, họ nhận thấy ánh sáng laser đẩy nước ra khỏi các tế bào và khi ánh sáng laser tắt đi, các tế bào hút nước và các phân tử khác, bao gồm thuốc, từ khu vực xung quanh.
Nhóm của ông Sommer nhận định rằng kỹ thuật trên có thể được sử dụng để tiêu diệt các mảng bám beta-amyloid ở bệnh Alzheimer.
Theo các nhà nghiên cứu, những mảng bám này bao gồm các peptide (phân tử gồm 2 hoặc nhiều a-xít amin kết hợp với nhau) có nếp gấp bất thường và được cho là tác nhân cản trở liên lạc giữa các tế bào thần kinh, vốn có thể gây ra những triệu chứng như mất trí nhớ.
Nhóm của ông Sommer đã nhúng các tế bào não chứa beta-amyloid trong epigallocatechin gallate (EGCG), chiết xuất trà xanh được cho là có những đặc tính ngăn chặn mảng bám beta-amyloid, cùng lúc với việc kích thích các tế bào bằng ánh sáng đỏ.
Kết quả cho thấy beta-amyloid trong các tế bào bị cắt giảm đi 60%, riêng việc chiếu ánh sáng laser vào các tế bào đã tiêu diệt 20% beta-amyloid.
Ông Sommer nói rằng việc đưa thuốc vào não có thể là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng các cuộc thử nghiệm cho thấy chiết xuất trà xanh có thể xuyên qua cái gọi là hàng rào máu não khi được uống kết hợp với việc sử dụng ánh sáng đỏ.
“Nghiên cứu quan trọng này có thể tạo lập cơ sở cho một cách chữa trị bệnh Alzheimer tiềm năng, có hoặc không dùng biện pháp chữa trị bằng thuốc bổ sung”, ông Mario Trelles, Giám đốc Viện Y Khoa Vilafortuny ở Cambrils (Tây Ban Nha), cho biết.
“Kỹ thuật được mô tả có thể giúp ổn định và thậm chí ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh này”, ông nói thêm.
Có một số loại dược phẩm gây ảnh hưởng lên thính lực. Chúng được gọi là ototoxic medications, có thể gây tổn hại tới thính lực hoặc làm tăng sự nghiêm trọng cho những người có sẵn các vấn đề về thính lực.
Sự giảm thính lực có thể cải thiện sau khi ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, cũng có vô số dược phẩm gây ra sự mất thính lực vĩnh viễn. Hiện nay có trên 200 loại dược phẩm gây ảnh hưởng lên thính lực. Thường gặp nhất là các thuốc trị nhiễm vi trùng và các thuốc trị ung thư, các thuốc tim mạch.
Mức độ của sự mất thính lực được xác định dựa vào lượng thời gian mà bệnh nhân sử dụng những dược phẩm gây mất thính lực. Triệu chứng dễ thấy khi một dược phẩm gây ảnh hưởng lên thính lực bao gồm sự ù tai ở một bên tai hoặc cả 2 tai có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi đi đứng… Nếu cứ âm thầm chịu đựng thì sự mất thính lực càng trở nên nghiêm trọng hơn và người sử dụng chỉ có thể biết được khi không còn nghe rõ được.
Thông thường, người sử dụng những dược phẩm có khả năng gây mất thính lực thường không phát hiện ra những thay đổi của tai ở giai đoạn sớm nhất. Ù tai là triệu chứng dễ thấy nhất, tuy nhiên vẫn có nhiều dược phẩm gây mất thính lực không gây nên sự ù tai. Sự mất thính lực có thể xảy ra vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Có rất nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng đến tác động của những loại thuốc gây mất thính lực trong hệ thống thính giác. Những yếu tố này bao gồm sự mất thính lực sẵn có. Tác động của tiếng ồn trong khi và sau khi sử dụng những thuốc gây giảm thính lực, khoảng thời gian dùng thuốc, chức năng thận, phóng xạ và những sự tương tác với các loại dược phẩm khác. Những thuốc “quen mặt” gây mất thính lực bao gồm:
– Kháng sinh nhóm Aminoglycosides: các kháng sinh này dùng để trị nhiễm vi khuẩn bao gồm streptomycin, kanamycin, và những kháng sinh thuộc “gia đình – mycin”. Kháng sinh nhóm Aminoglycosides thường hay sử dụng ở vùng hẻo lánh hoặc ở những nước chậm phát triển do giá thành thấp. Riêng tại Trung quốc hơn một nửa những trường hợp mất thính lực nghiêm trọng là do sử dụng aminoglycosides.
– Các thuốc Salicylates: cụ thể là aspirin. Khi sử dụng aspirin liều cao trong những trường hợp đau khớp thì aspirin sẽ gây giảm thính lực với triệu chứng ù tai. Không như những trường hợp mất thính lực do các loại dược phẩm khác. Sự mất thính lực gây ra bởi các thuốc salicylates sẽ được cải thiện trong vòng 48 – 72 giờ sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Các tác nhân khác: như thuốc lợi tiểu, thuốc trị sốt rét như quinine… Các thuốc kháng viêm không steroid (NAIDs) như ibuprofen cũng gây ảnh hưởng lên thính lực.
Sử dụng dược phẩm bao giờ cũng có tác dụng phụ. Vì vậy, người sử dụng thuốc cần trang bị cho mình một kiến thức tối thiểu bằng cách hỏi bác sĩ, dược sĩ tất cả các tác dụng phụ mà bạn được kê toa và khả năng những dược phẩm này có thể gây mất thính lực hay không.
Bạn cũng nên thường tra tự kiểm thính lực của bạn trước khi và trong khi sử dụng dược phẩm, với sự trợ giúp của một bác sĩ về thính học (audiologist) và cần báo cáo đầy đủ cho thầy thuốc về những thay đổi về thính giác mà bạn cảm thấy lạ hoặc là sự mất thăng bằng khi đi đứng…
Thấy con biếng ăn, thay vì đưa con đến bác sĩ khám để tìm ra nguyên nhân thì không ít bà mẹ đã tự mua thuốc kích thích ăn cho con dùng.
Theo PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức – giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, một số loại thuốc hiện đang được dùng để kích thích trẻ ăn và làm tăng cân rất nguy hiểm với nhiều tác dụng phụ…
Biếng ăn là…tìm tới thuốc!
Khoảng gần 3 tháng nay, mỗi lần cho bé Nguyễn Hà Minh A. ăn, chị Trần Thanh N. cùng chồng phải nghĩ ra đủ trò để mong con ăn hết chén cơm. Và phải mất cả 3 – 4 tiếng đồng hồ, bé A. mới ăn hết. Không những thế, trong thời gian gần đây, con chị Thanh N. cũng rất ít uống sữa và ăn trái cây. Trong khi đó, trước đây bé rất thích uống sữa, mỗi ngày ngoài 3 bình sữa bột, Minh A. còn uống thêm sữa tươi. Còn trái cây thì bé không trừ một loại nào, ăn bao nhiêu cũng được. Nên khi thấy con ăn uống kém chị đã rất lo sợ.
“Than phiền với bạn tôi thì được chị cho biết con chị cũng biếng ăn đi khám một bác sĩ nhi và bác sĩ đã cho thuốc Peritol để kích thích trẻ ăn. Nghe lời chị, tôi mua cho con dùng. Sau khi dùng thuốc thấy con ăn ngon trở lại và mập lên thấy rõ, da dẻ lại hồng hào. Nhưng hễ ngưng thuốc là bé biếng ăn trở lại”, chị N. kể lại.
Khi trẻ biếng ăn cần đưa trẻ tới khám tại BS. chuyên khoa
Việc dùng thuốc để kích thích trẻ ăn lâu nay vẫn được nhiều phụ huynh sử dụng. Và điều đáng quan tâm là chỉ một số phụ huynh tự ý mua thuốc do nghe theo lời mách bảo của người quen, còn lại là được chính các bác sĩ kê toa. Do là thuốc được bác sĩ kê toa và bán nên các bậc phụ huynh cứ tin tưởng cho con sử dụng trong một thời gian dài mà không hề nghĩ tới tác hại của nó.
Sở Y tế TP.HCM đã từng thanh tra và phát hiện phòng mạch của vợ chồng bác sĩ nhi đã kê và bán thuốc tăng trọng cho trẻ uống khi phụ huynh đưa trẻ tới khám bệnh tại đây. Khi vụ việc được đăng tải trên báo thì các bậc phụ huynh mới tá hỏa vì hậu quả là con họ đã “lãnh đủ”.
Bà Nguyễn Như Ng. đã phát hoảng khi vì thương đứa cháu ngoại 2 tuổi ở Mỹ còi cọc, biếng ăn mà mỗi tháng bà đều tới phòng mạch của vợ chồng bác sĩ này để mua thuốc với số tiền 2 triệu đồng gửi qua cho cháu uống. Cứ hết thuốc là bé lại chẳng chịu ăn nên bà đã mua thuốc ở đây hơn 1 năm trời cho tới ngày biết được phòng mạch của bác sĩ này bán thuốc tăng trọng qua thông tin trên báo.
Rất nguy hiểm
PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức đã phải nhấn mạnh như vậy khi nói về vấn đề này. Theo ông, thuốc – chính nó là độc chất, nếu sử dụng đúng thì nó là thuốc còn nếu sử dụng sai là độc chất. Người thường sử dụng đã phải rất thận trọng, riêng với trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và cho con bú lại càng cẩn trọng hơn. Trẻ em do chưa phát triển hoàn chỉnh nên khi dùng thuốc sai thì hậu quả khó lường.
Riêng về một số thuốc kích thích ăn và làm tăng trọng dùng cho trẻ rất có hại. Loại thuốc này không hề có tác dụng trị chán ăn mà chỉ giữ nước, tạo béo giả tạo. Thực chất đây là loại đông dược giả mạo được trộn từ thuốc gây thèm ăn với thuốc ngủ. Khi ngưng thuốc trẻ sẽ biếng ăn trở lại và đặc biệt thuốc gây nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng kéo dài như bị táo bón, gây khô miệng, khó tiểu tiện và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM mỗi tháng có hơn 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng thì có đến 70% trẻ đến khám do biếng ăn. Nhiều bậc cha mẹ đã không nghe lời khuyên của bác sĩ mà tự ý ra ngoài mua thuốc cho con uống hoặc đi đến những phòng mạch không chuyên khoa. Hậu quả là con không lớn mà còn bị phù và mắc một số bệnh lý nội khoa khác.
BS.CKII. Nguyễn Thị Hoa – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện này cho biết, trong y học không có tên thuốc nào dùng trị biếng ăn cho trẻ. Một số thuốc kích thích ăn có tác dụng gây thèm ăn nhưng khi ngưng thuốc thì trẻ lại biếng ăn như cũ. Nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài và không đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sẽ nguy hiểm.
Biếng ăn ở trẻ thường có nhiều nguyên nhân như do khẩu vị không hợp; bị bệnh nhiễm trùng; thay đổi môi trường hoặc tình trạng sức khỏe; biếng ăn do thiếu chất dinh dưỡng… Nên khi thấy trẻ biếng ăn thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất. Tuyệt đối không tự động mua thuốc trị biếng ăn cho trẻ dùng.
Từ thời cổ đại, các vị thiền sư và thầy thuốc Ấn Độ đã xem nghệ là “thầy thuốc vàng” bởi những đặc tính trị liệu tuyệt vời của nó.
Nghệ thuộc họ gừng, khi được sấy khô, nghiền thành bột mịn, có màu vàng tươi và được sử dụng trong rất nhiều công thức nấu ăn của Ấn Độ. Trong thương mại, nghệ được sử dụng như là một gia vị tạo màu và là chất độn như mù tạt vàng, các loại súp đóng hộp, nhiều loại thức ăn chế biến sẵn khác đều dùng bột nghệ làm gia vị. Dù được sử dụng phổ biến nhưng số người biết đến công dụng tuyệt vời của nó rất ít.
Nghệ còn có tên gọi khác là “nghệ tây của người nghèo” (nghệ tây là một loại gia vị đắt nhất thế giới, chiết xuất từ nhụy của hoa nghệ tây, được phơi khô và sơ chế) vì nó cũng có màu vàng và những đặc tính của một gia vị. Trong thành phần của củ nghệ có chứa chất curcumin có thể chữa lành những tổn thương trong gan, dạ dày đồng thời thúc đẩy màng nhầy và da phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, nó còn có tác dụng hỗ trợ các khớp xương bị thoái hóa hay bị viêm khớp, giúp tăng cường hệ tiêu hóa, làm giảm cholesterol, đào thải chất độc, làm khô và giúp vết thương mau lành.
Tuy nghệ có vị khá đắng nhưng hãy học cách sử dụng nghệ hàng ngày để giúp cải thiện sức khỏe và hỗ trợ trị bệnh.
Đầu tiên, bạn có thể chế biến nghệ thành món ăn. Cho nước ép nghệ tươi vào trong nước và đun sôi từ 8 đến 10 phút để cô đặc thành dung dịch sền sệt (nước nghệ cô đặc) hay chế biến thành món sữa vàng (Golden Milk), hoặc trộn nước ép nghệ tươi với một chút bơ hoặc dầu ô-liu khoảng 20-30 giây. Cách chế biến này sẽ làm hết vị đắng, đồng thời cũng giải phóng ra tinh chất bột nghệ vào dầu hoặc nước. Nước nghệ cần phải được nấu chín.
Bạn cũng có thể sử dụng nghệ ở dạng viên nang có bán sẵn trong các cửa hàng thực phẩm. Thông thường, nghệ ở dạng viên nang có nồng độ hoạt chất curcumin cao hơn so với củ nghệ ở dạng tự nhiên.
Dưới đây là vài cách dùng nghệ chữa bệnh của các thiền sư:
Đau họng (đặc biệt với trường hợp có đờm ở cổ họng): Lấy ½ thìa cà phê nước nghệ cô đặc như nói ở trên viên tròn lại rồi uống với một ly nước. Làm như vậy ngày vài lần hoặc mỗi giờ làm lại một lần nếu muốn.
Thoái hóa khớp: Uống ít nhất 1 cốc sữa vàng (Golden Milk) mỗi ngày, uống trong vòng 40 ngày.
Bệnh dạ dày và các vấn đề về tiêu hóa: Sữa chua vàng (Golden Yogurt), uống ít nhất 1 ly/ngày. Nó rất tốt đối với sự phát triển của nấm candida ở ruột; loại sữa chua này còn tạo ra các loại vi khuẩn giúp cho hệ vệ sinh đường ruột khỏe mạnh bởi vì trong nghệ có chứa hoạt chất curcumin chống nấm tự nhiên, nó hạn chế sự phát triển quá mức của nấm men.
Nếu bạn bị stress: lời khuyên của các thiền sư dành cho bạn là hãy dùng hỗn hợp sữa chua, chuối cùng với một muỗng cafê nước nghệ cô đặc. Hỗn hợp này giúp bạn dễ dàng vượt qua các căng thẳng.
Và bạn có thể ăn kèm nghệ với rất nhiều thức ăn khác. Hãy giữ một lọ nước nghệ cô đặc trong tủ lạnh (có thể dùng trong vài tuần). Cho thêm một thìa nước nghệ cô đặc vào ngũ cốc, nước sinh tố dành cho bữa sáng. Thậm chí, bạn có thể phết nước nghệ này cùng với một chút mật ong lên bánh mì. Rất đơn giản, bạn cũng có thể nêm nước nghệ cô đặc vào các món đồ ăn như cơm, đậu hũ hay trộn thêm vào các đĩa rau.
Ngoài ra, nghệ có tác dụng rất tốt đối với các vùng da bị bệnh và các vết thương bên ngoài.
Tác dụng tốt cho da: Nước ép nghệ tươi được xem như là một liều thuốc trị bệnh hay thuốc giảm đau cho nhiều tình trạng da kể cả da bị chàm, thủy đậu, zona hay bị bệnh vẩy nến/á sừng và ghẻ. Nước nghệ cô đặc sẽ là một giải pháp tuyệt vời! Bôi nước nghệ đó lên vùng da bị bệnh, dùng gạc hoặc bông băng nhẹ. Nghệ có tác dụng làm khô những chỗ phồng rộp và tăng cường quá trình hồi phục của những vùng da bị tổn thương. Đối với bệnh zona, cách áp dụng là dùng dầu mù tạt bôi vào vùng da nổi mụn trước, sau đó xoa trùm nước nghệ cô đặc lên.
Chỗ đau, vết thương: Trong hộp dụng cụ cứu thương của bạn cần có bột nghệ. Nghệ giúp cầm máu rất nhanh, hơn nữa nó lại có thể kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi bị các vết đâm hay đứt tay chân… đổ bột nghệ vào chỗ vết thương, sau đó dùng gạc băng lại và ép nhẹ vào chỗ bị thương để cầm máu. Tất nhiên trong những trường hợp nghiêm trọng ngay lập tức cần phải có các biện pháp chăm sóc y tế kịp thời.
Tác dụng vệ sinh phụ nữ: Làm dung dịch vệ sinh phụ nữ từ sữa chua nguyên chất, nghệ và nước. Dung dịch vệ sinh này đặc biệt có ích trong việc chống lại mùi hôi và nấm men, nó là dung dịch vệ sinh tốt nhất cho phụ nữ sau thời kì kinh nguyệt. Dùng 8 đến 10 phần nước, 1 phần sữa chua (bắt buộc phải dùng loại sữa chua có chứa hoạt chất acidophilus) và 2-3 muỗng nước nghệ. Trộn đều hỗn hợp này và đánh nhuyễn để tạo thành dung dịch vệ sinh.
Trên bảo dưới không nghe, tìm đến Viagra với hy vọng lấy lại bản lĩnh, không ít quý ông phải ngậm trái đắng vì loại thuốc này.
Lạm dụng thuốc cường dương, nhiều quý ông nhập viện (Ảnh minh họa)
Chưa sung đã liệt
Ở tuổi 40, anh N.T.S. (quận 3, TPHCM) đã có vấn đề về “chuyện ấy”. Nghe bạn bè rỉ tai, anh S. tìm đến một nhà thuốc ở chợ Tân Định, quận 1, mua vỉ Viagra trị rối loạn cường dương. Sau khi sử dụng viên đầu tiên, anh S. phải nhập viện BV Bình Dân với hội chứng “lên mà không xuống”.
Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết, anh S. bị biến chứng sau khi dùng một loại thuốc trị rối loạn cường dương không có chỉ định của bác sĩ khiến dương vật bị viêm nhiễm do tụ máu.
Theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng – Phó khoa Nam học BV Bình Dân TPHCM, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám các bệnh nam khoa, trong đó chủ yếu là rối loạn cường dương và giải quyết hậu quả của nạn lạm dụng thuốc.
Trong khi đó, thay vì gặp bác sĩ để được can thiệp chứng bệnh “trên bảo dưới không nghe” thì anh Hoàng V.T., 43 tuổi, ở quận 11 lại tìm đến các quầy thuốc trong khu vực chợ thuốc tây quận 10 mua một loại thuốc có tên Sildenafil để uống.
“Nghe mấy người bạn nói uống vào hiệu quả tức thì nên tôi mua vỉ 4 viên giá 180 nghìn đồng về dùng thử. Mới uống được một viên, sung đâu chưa thấy thì đã thấy nằm ở bệnh viện rồi”- anh T. than thở.
Sau khi uống viên thuốc được người bạn quảng cáo là Viagra, ông H.,58 tuổi, bỗng dưng “bốc hỏa”. Tuy nhiên, sau khi quan hệ, ông H. phát hiện hạ bộ đau buốt từng cơn kèm theo tiểu khó kéo dài, trong khi của quý vẫn cứ sừng sững suốt hai ngày không chịu hạ cánh.
Quá đau, ông H. đến BV Bình Dân TPHCM chữa trị. Tại đây các bác sĩ cho biết, ông H. bị tai biến suýt vỡ động mạch do máu tập trung tại dương vật và có biểu hiện viêm nhiễm, sắp hoại tử do dùng thuốc. Loại thuốc Viagra ông H. uống là hàng xách tay từ nước ngoài về. Nhiều bác sĩ tại các đơn vị điều trị Nam khoa ở TPHCM cho biết, chuyện bệnh nhân bị tai biến do tự ý dùng thuốc không còn hiếm.
“Cương kéo dài chỉ là biến chứng nhẹ. Mới đây, tại BV Bưu điện II và BV Đại học Y dược TPHCM, không ít trường hợp quý ông dùng “doping tình dục” Viagra hay Levitra cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các bác sĩ tại Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức cho biết đã nhiều lần cấp cứu trường hợp “cương vô tư”.
Theo GS Trần Quán Anh – GĐ BV Nam học và Tiết niệu Tâm Anh (Hà Nội), không chỉ có những người dùng thuốc “rởm” mới bị, mà cả những người dùng thuốc xịn cũng rơi vào tình cảnh tương tự do không có chỉ định của bác sĩ.
Mua dễ như rau
Ghé nhà thuốc T.H nằm cạnh BV Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, hỏi mua thuốc trị chứng “trên bảo dưới không nghe” Viagra, một nhân viên bán hàng cho biết mua bao nhiêu cũng có. “Viagra giá 120 nghìn đồng/viên 50mg còn Cialis mới nhập về giá đắt hơn, 190 nghìn đồng/viên 20 mg”- nhân viên ra giá.
Tại nhà thuốc M. và nhà thuốc H. trước cổng BV Chợ Rẫy, quận 5, khi tôi hỏi mua, nhân viên các nhà thuốc vẫn vô tư bán. Hỏi, mua các thuốc như Viagra có cần toa bác sĩ không. Một nhân viên nhà thuốc M. nói: “Không cần”.
Hỏi về tác dụng cũng như phản ứng có hại của thuốc. Nhiều nhân viên ở các nhà thuốc chỉ biết Viagra có tác dụng tăng cường bản lĩnh đàn ông, còn về tác hại, đối tượng chỉ định và cách dùng thì không nhân viên nào cung cấp.
Không chỉ các nhà thuốc thị trường, các loại thuốc kích dục, rối loạn cương như Viagra, Levitra… được bán qua mạng công khai. Nhấp chuột vào các trang rao vặt, trang sexshop, người mua cần bao nhiêu cũng có. Vào trang web có tên bale…, nơi đây rao bán thuốc rối loạn cương Viagra 20 viên với giá 120 USD. “Chỉ cần trả tiền vào tài khoản và thông báo địa chỉ, người mua sẽ được giao hàng tận tay” – trang web quảng cáo hình thức giao dịch.
Theo Bộ Y tế, các thuốc trị rối loạn cường dương như Viagra không được lưu hành rộng rãi trên thị trường, chỉ sử dụng tại các cơ sở điều trị tuyến trung ương và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các nhà thuốc hợp pháp và phải có toa của bác sĩ mới bán. Thuốc phải được kê và lưu đơn đúng qui định của Bộ Y tế. Khi kê đơn thuốc, bác sĩ phải phổ biến tác dụng dược lý, chỉ định và liều dùng, tránh lạm dụng thuốc gây tai biến cho bệnh nhân. Một dược sĩ cho biết: “Tất nhiên phải là bác sĩ chuyên khoa nam khoa mới được kê toa”.
“Thuốc tiên” gây… điếc, mù
Theo y văn, hơn một nửa số bệnh nhân rối loạn cương là do mạch máu dương vật bị hư hại, khoảng 1/4 là bệnh của dây thần kinh, bệnh về giảm sút nội tiết tố testosterone… Nhưng thay vì bổ sung nội tiết tố, quý ông xoay qua dùng thuốc “kích” và không ít người mang họa.
“Thuốc trị rối loạn cường dương là con dao hai lưỡi, không phải ai cũng dùng được” – bác sĩ nam khoa khuyến cáo. Những bệnh nhân tiểu đường, xơ vữa động mạch, tim mạch… nhưng vẫn xài thuốc cường dương như Viagra sẽ mang lại hậu quả khó lường. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê chính thức số người bị tác dụng phụ do Viagra gây ra nhưng đã có nhiều bệnh nhân bị biến màu ở mắt và bị cương cứng kéo dài.
Trong báo cáo rối loạn cường dương vào ngày 5-11 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó chủ tịch Hội Y học giới tính VN, cho biết, dùng Viagra gây ra tác dụng phụ như nhức đầu, khó tiêu và rối loạn nhẹ màu sắc. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ vừa cảnh báo, nam giới sử dụng thuốc điều trị rối loạn cường dương là Viagra có thể bị tăng nguy cơ điếc đột ngột.
Nguyên nhân được cho do thuốc thuộc nhóm ức chế men PDE – 5, một chất gây co mạch dương vật nhưng cũng có tác dụng đến vận mạch ở vùng tai, mắt và tim mạch. Tùy theo trạng thái sức khỏe của từng người, nó có thể gây biến chứng ở mắt, tai…
“Thần dược đều được quảng cáo quá đà về công dụng nhằm chiêu dụ cánh đàn ông. Trên thực tế, chẳng có loại thuốc nào hay thần dược nào giúp con người chạy đua được với thời gian” – một bác sĩ nam khoa ở TPHCM nhận xét.
Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ vừa cảnh báo, nam giới sử dụng thuốc điều trị rối loạn cường dương là Viagra có thể bị tăng nguy cơ điếc đột ngột.
Nguyên nhân được cho do thuốc thuộc nhóm ức chế men PDE – 5, một chất gây co mạch dương vật nhưng cũng có tác dụng đến vận mạch ở vùng tai, mắt và tim mạch. Tùy theo trạng thái sức khỏe của từng người, nó có thể gây biến chứng ở mắt, tai…
Xưa nay người ta thường coi linh chi có thể chữa được bách bệnh, làm cho con người trường sinh bất lão.
Linh chi còn được xem như “Tiên đan linh dược” có thể cải tử hoàn sinh. Xin được nói đôi điều để bạn đọc hiểu đúng về nó.
Linh chi còn được gọi là linh chi thảo, có 2 loại là xích chi (linh chi đỏ), tử chi (linh chi tía), còn 2 loại nữa là thụ thiệt và bạc thụ chi.
Trong linh chi có chứa một số chất dinh dưỡng cần thiết như đường, các loại protein…, đặc biệt linh chi có thể sản sinh ra hemicellulose enzym có khả năng phân hủy hemicellulose và ngũ cốc.
Theo Đông y, linh chi có vị ngọt, tính ôn, với công năng làm ích tinh khí, mạnh gân cốt, công dụng làm thuốc bồi bổ cơ thể, đặc biệt sử dụng cho những người hay bị đánh trống ngực, mất ngủ, mệt mỏi, viêm phế quản mạn, hen suyễn, tiêu hóa, viêm gan B rất hữu hiệu nhưng không phải là thuốc trị bách bệnh và có khả năng trường sinh bất lão hay cải tử hoàn sinh như một số người vẫn nhầm tưởng.
– Xích chi: do mũ nấm có cuống nấm tạo thành, cả chiều cao và rộng đều đạt tới 12 – 20cm. Mũ nấm có dạng bán nguyệt hoặc hình bầu dục, chất gỗ, có vỏ cứng chắc màu nâu đỏ, nhẵn bóng. Có vân tròn đồng tâm và vân xạ tán tia, viền mép mỏng và hơi cong vào trong.
Thịt nấm ở mặt dưới mũ nấm có màu trắng hoặc màu nâu nhạt, có vô số ống nấm tạo thành, trong có nhiều bao tử. Cuống nấm lệch sang một bên, to khoảng 4cm, màu nâu đỏ, bóng.
– Tử chi: ngoại hình giống như xích chi, nhưng vỏ ngoài của ống nấm và cuống nấm có màu đen tím hoặc màu đen, thịt nấm màu nâu xỉn.
Còn hai loại linh chi là thụ thiệt và bạc thụ chi hay bị làm giả, cần biết đặc điểm của hai loại này.
– Thụ thiệt: mũ nấm có hình bán nguyệt tròn, bề mặt có nốt sần màu tro nổi lên, không có cuống nấm.
– Bạc thụ chi: mũ nấm có hình thận hoặc hình quạt, mỏng hơn hai loại linh chi nêu đầu, có cuống ngắn lệch một bên dài khoảng 3cm hoặc không có cuống.
Linh chi có công năng chữa trị một số bệnh chứng sau:
– Trị mất ngủ hay quên: Linh chi tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3g chiêu với nước ấm.
– Trị phế hư hen suyễn: Linh chi và nhân sâm lượng hai thứ bằng nhau, tán bột mịn trộn đều, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3g, chiêu với nước còn ấm.
– Viêm gan đã hồi phục: Linh chi 10g, vịt 1 con. Bóp chết vịt, vặt bỏ lông, lòng tạng, rửa sạch, cho chung với linh chi hầm nhừ bằng lửa nhỏ, chia ra ăn thịt vịt, uống nước hết trong ngày.
Một loại thuốc thử nghiệm có khả năng phá hủy chọn lọc nguồn cung cấp máu của mô mỡ hiện được các nhà khoa học coi là một cơ hội để mở ra một con đường mới cho thuốc trị béo phì, theo trang tin Top News.
Nhóm chuyên gia tại Trung tâm Ung thư Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ) đã điều trị những con khỉ nâu béo phì bằng loại thuốc này trong 4 tuần và nhận thấy chúng giảm trung bình khoảng 11% trọng lượng cơ thể.
Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) và chu vi bụng (vòng eo) cũng giảm xuống, trong khi tất cả 3 số đo này không thay đổi ở nhóm khỉ không được điều trị để làm đối chứng.
Ảnh: Shutterstock
“Phát triển hợp chất này để sử dụng cho con người sẽ đem lại một phương pháp không cần phẫu thuật có thể thực sự làm giảm lớp mỡ trắng tích tụ, trái với các thuốc giảm cân hiện tại là cố gắng kiểm soát sự thèm ăn hoặc ngăn chặn sự hấp thu chất béo từ chế độ ăn uống”, chuyên gia Renata Pasqualini, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Một số nỗ lực trước đây trong điều trị béo phì chủ yếu tập trung vào các loại thuốc nhắm tới ức chế sự thèm ăn hoặc tăng cường sự trao đổi chất, nhưng những nỗ lực này bị cản trở bởi các tác dụng phụ độc hại của thuốc.
Loại thuốc mới này bao gồm một hoạt chất dẫn đường liên kết với một protein trên bề mặt của những mạch máu hỗ trợ chất béo và một chuỗi a-xít amin tổng hợp kích hoạt tế bào chết. Ngay sau khi nguồn cung cấp máu của chúng mất đi thì các tế bào mỡ được tái hấp thu và chuyển hóa.
Trong nghiên cứu tiền lâm sàng trước đó, các con chuột béo phì giảm khoảng 30% trọng lượng cơ thể bằng thuốc, Adipotide – thuốc tác động lên mô mỡ trắng, vốn là một loại mỡ không tốt tích tụ dưới da và xung quanh vùng bụng, và là một căn bệnh và yếu tố dự đoán tỷ lệ tử vong.
“Hầu hết những thuốc trị béo phì không chuyển đổi được giữa loài gặm nhấm và động vật linh trưởng,” chuyên gia Pasqualini cho biết.
“Tất cả những mô hình bệnh béo phì ở động vật gặm nhấm bị lỗi do quá trình trao đổi chất và sự kiểm soát hệ thần kinh trung ương đối với sự thèm ăn và cảm giác no của chúng rất khác với động vật linh trưởng và con người. Chúng tôi đang rất phấn khích khi nhìn thấy sự giảm cân đáng kể trong mô hình bệnh béo phì ở động vật linh trưởng, vốn rất phù hợp với con người”, chuyên gia trên khẳng định.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Science Translational Medicine.
Con bị mụn từ nhỏ nhưng không nặng lắm. Con có đi khám da liễu bác sĩ có cho thuốc bôi Klenzit ms aqueous gel. Con bôi được 6 tuần rồi thấy da nổi mụn ngày càng nhiều, con sợ da sẽ bị sẹo thâm, con có nên ngừng thuốc hay tiếp tục bôi đủ 8 tuần?
Da con giờ đỏ và sạm, có nhiều vết thâm. Con dự định sẽ uống thuốc Diane 35 để giảm mụn và cải thiện làn da.
Xin bác sĩ cho con lời khuyên. Con cám ơn rất nhiều! (Phương – ngok…@gmail.com)
BS Chuyên khoa của AloBacsi:
Chào con,
Con bôi thuốc mà da nổi mụn ngày càng nhiều, vậy là không phù hợp với loại thuốc đó và còn dị ứng nữa đó…
Trong Diane-35 có chất cyproterone acetate ức chế ảnh hưởng của androgens cũng được sản xuất trong cơ thể phụ nữ. Vì vậy, có thể điều trị những bệnh mà nguyên nhân của nó do tăng sản xuất androgens (như mụn trứng cá). Tuy nhiên, thuốc có nhiều chống chỉ định như rối loạn chức năng gan, u gan, có tiền sử huyết khối tắc mạch ở động mạch hay tĩnh mạch… do đó con phải dùng theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám kỹ.
Mụn trứng cá nhất là giai đoạn tuổi dậy thì, do các tuyến nội tiết hoạt động mạnh, các tuyến bã tăng tiết bã nhờn, kèm theo bụi bặm, vi trùng bám vào gây viêm nhiễm. Do đó, trước hết con nên rửa mặt bằng nước sạch 3-4 lần mỗi ngày, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, hạn chế ăn chất béo, chất đường, cà phê, tránh thức khuya…
Con có thể bôi thuốc trị mụn như Erythrogen. Nếu sau khoảng 1 tuần vẫn không cải thiện thì nên đi khám da liễu để bác sĩ chỉ định dùng thuốc nhé.