Chuyên mục lưu trữ: Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm

Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút dengue sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Trước đây đã từng ghi nhận nhiều ca bệnh tử vong vì căn bệnh… “muỗi đốt” này.

Mùa mưa dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo BS. Lê Xuân Thuỷ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Sốt xuất huyết xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Các chuyên gia đánh giá, sự nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.Sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

Sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm

Cẩn trọng với các dấu hiệu sốt cao, kéo dài, phát ban

Về đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, BS. Lê Xuân Thuỷ cho hay, muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Loại muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Ở thể bệnh nặng bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Phòng bệnh cách nào?

BS. Lê Xuân Thuỷ khuyến cáo cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Theo Eva.vn

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết

Các triệu chứng nặng: sốc là một diễn tiến nặng của bệnh sốt xuất huyết (SXH). Sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 – 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này trẻ cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời

Triệu chứng bệnh

Sốt: sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt liên tục, kéo dài. Cách tính ngày bệnh trong SXH: ngày đầu tiên của sốt được tính là ngày thứ 1 của bệnh.
Sốt kèm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.
Xuất huyết: thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh, xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích. Khi xuất huyết xảy ra nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng.
Xuất huyết ngoài da: biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.
Xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu nướu, xuất huyết kết mạc mắt, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.
Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, tiêu ra máu.
Các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đối với trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao, hốt hoảng.
trieu-chung-benh-sot-xuat-huyet
Cho trẻ mặc đồ thoáng mát khi bị sốt.
Các triệu chứng nặng: sốc là một diễn tiến nặng của bệnh SXH. Sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 – 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này trẻ cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời những triệu chứng sau:
- Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh nhớp mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm.
- Chảy máu mũi.
- Chảy máu nướu răng.
- Ói ra máu hoặc ra dịch màu nâu.
- Tiêu ra máu hoặc tiêu ra phân đen.
- Tiểu ra máu.
- Hết sốt, nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động.
- Than đau bụng ngày càng tăng.
Khi thấy một trong những triệu chứng trên xảy ra trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, cần cho trẻ đến khám ngay tại bệnh viện (không đi BS tư, vì có thể trẻ phải nhập viện để điều trị).

Các xét nghiệm cần làm

Hai xét nghiệm cần phải làm để chẩn đoán ban đầu và cũng để theo dõi diễn tiến của bệnh là Hct (dung tích hồng cầu) và đếm số lượng tiểu cầu trong máu. Hct và đếm số lượng tiểu cầu sẽ được thực hiện mỗi ngày trên bệnh nhân từ ngày thứ 3 của bệnh: sự tăng dần của Hct, giảm dần của số lượng tiểu cầu gợi ý bệnh đang diễn tiến nặng, bệnh cần theo dõi sát để có những can thiệp thích hợp. Các xét nghiệm khác sẽ được bác sĩ chỉ định khi cần.

Chăm sóc tại nhà

Khi trẻ không có những dấu hiệu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi, chăm sóc bé tại nhà. Vì vậy, lúc nào cũng phải có người thường trực để theo dõi và chăm sóc bé cả ngày lẫn đêm. Hạ sốt khi trẻ sốt > 38oC, sử dụng paracetamol với liều: 10-15mg/kg cân nặng/ mỗi 6 giờ. Nếu sốt < 38oC thì chỉ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng, uống nhiều nước. Trường hợp trẻ sốt quá cao > 39oC thì ngoài việc hạ sốt bằng thuốc, cần cho trẻ lau mát bằng nước ấm để nhiệt độ thoát nhanh, tránh tình trạng sốt cao co giật.
Tránh cạo gió, cắt lể, vì như thế sẽ rất khó theo dõi tình trạng xuất huyết của trẻ.

Dinh dưỡng khi trẻ bị SXH

Thức ăn: trẻ bị SXH bị sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường, nhưng do tình trạng bệnh trẻ trở nên mệt mỏi và biếng ăn, vì vậy nên chọn những thức ăn trẻ thích, nếu trẻ ăn được ít thì nên cho ăn nhiều lần, không kiêng khem.
Nước uống: lượng nước cần cung cấp cho trẻ bị SXH cũng nhiều hơn lúc không bệnh (do sốt cao dẫn đến mất nước qua da, niêm mạc nhiều). Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước cam, nước chanh tươi nước chanh muối, nước dừa vì những loại nước này ngoài việc bù nước cho trẻ, còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể. Cần chú ý khi làm nước trái cây cho trẻ phải bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là nước dừa: dừa phải được rửa sạch lớp vỏ bên ngoài (vì người bán thường để các trái dừa dưới đất), khi chặt dừa lấy nước cần dùng dao sạch, chọn nơi sạch, không chặt dừa dưới nền đất, hoặc nền sát đất dễ nhiễm bẩn.

Chủ động phòng bệnh SXH

Thu gọn, sắp xếp gọn gàng trong nhà, không treo quần áo bừa bãi, đặc biệt là những quần áo đang mặc dở dang.
Tổng vệ sinh thường xuyên để dọn bỏ rác phế thải, chú ý những loại rác có khả năng chứa nước mưa như: lốp xe, hộp đựng các vật dụng, mảnh tô, chén bể, chum vại…
Đổ nước dầu hoặc muối vào bát kê chân tủ.
Thay nước thường xuyên các lọ hoa.
Thường xuyên cọ rửa chum vại 7 ngày/lần.
Thả cá bảy màu ăn lăng quăng nếu nhà có bể lớn chứa nước, các bể nước cần có nắp đậy.
Khi ngủ phải mắc mùng, kể cả ban ngày (đặc biệt là các trẻ nhỏ), cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay.
Phun thuốc diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn khi có xảy ra dịch tại địa phương.

BS. NGUYỄN THỊ NGỌC HƯƠNG

Theo Suckhoedoisong.vn
The post Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết appeared first on Tin Sức Khỏe.

Sốt xuất huyết độ nào là nặng, độ nào là nhẹ?

Đến 3 ngày sau thấy cháu mệt quá gia đình mới đưa đi khám thì mới biết cháu bị sốt xuất huyết nặng độ 3, phải điều trị tại bệnh viện.

Cháu tôi bị sốt, gia đình nghĩ rằng cháu chỉ bị cảm sốt nên để cháu ở nhà. Đến 3 ngày sau thấy cháu mệt quá gia đình mới đưa đi khám thì mới biết cháu bị sốt xuất huyết nặng độ 3, phải điều trị tại bệnh viện. Xin hỏi bác sĩ, sốt xuất huyết độ nào là nặng, độ nào là nhẹ? – (Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Bình Phước)

sot-xuat-huyet-do-nao-la-nang-do-nao-la-nhe

Chào bạn,

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virut Dengue gây nên. Người ta phân chia sốt xuất huyết làm 4 độ từ nhẹ đến nặng: Độ 1: bệnh nhân sốt cao đột ngột liên tục từ 2 – 7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính. Độ 2: triệu chứng như độ 1, có thêm các nốt xuất huyết dưới da hay niêm mạc, thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, bụng đùi. Có chảy máu mũi, lợi, kết mạc, đi tiểu ra máu, gan to. Độ 3: có thêm triệu chứng suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp, da lạnh ẩm, bệnh nhân có biểu hiện bứt rứt vật vã hay li bì. Độ 4: bệnh nhân bị sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, không đo được huyết áp. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển từ độ nhẹ sang độ nặng.

Phân độ sốt xuất huyết như trên có ý nghĩa rất quan trọng để điều trị bệnh. Nếu sốt xuất huyết độ 1, độ 2 phần lớn được điều trị tại nhà hoặc theo dõi tại y tế cơ sở, điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm các triệu chứng tiền sốc để xử trí kịp thời. Dùng thuốc paracetamol hạ sốt, tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt: aspirin, analgin, ibuprofen vì làm bệnh nặng lên.

Cho bệnh nhân uống dung dịch oresol để bồi phụ nước và điện giải, uống thêm nước trái cây, nước cháo, truyền dịch. Sốt xuất huyết độ 3, 4 phải điều trị tại bệnh viện để xử trí sốc mới giảm được tỷ lệ tử vong. Khoảng thời gian bệnh diễn biến từ độ 1 đến độ 3 là rất quí báu để điều trị khỏi bệnh cho hầu hết bệnh nhân. Nếu đã bị sốc ở độ 4 thì dù có điều trị nhưng việc cứu sống bệnh nhân là rất khó khăn.

BS. Ninh Hồng

Theo Suckhoedoisong.vn

Bài thuốc hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

Theo Y học cổ truyền, sốt xuất huyết thuộc ôn dịch thời độc, thấp nhiệt dịch. Tùy mức độ bệnh mà lựa chọn bài thuốc cho phù hợp.

- Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí, dinh và huyết (thể khí dinh lưỡng phiền): Sốt cao, đau người, đau đầu, nhức khung mắt, mặt đỏ, lưng chân tay có điểm xuất huyết, chảy máu cam, miệng khát, có khi nôn mửa, có hạch ở nách, khủy tay và bẹn, mạch phù sác hay hồng đại.

Bài 1: Lá tre 20g, hạ khô thảo 20g, rễ cỏ tranh 16g, cỏ nhọ nồi 16g, trắc bách diệp 16g. Sắc uống trong ngày.

Bài 2: Kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, rễ cỏ tranh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, hoa hòe 16g, chi tử 8g. Nếu khát nước thêm huyền sâm 12g, sinh địa 12g; có sốt cao thêm tri mẫu 12g. Sắc uống trong ngày.

bai-thuoc-ho-tro-dieu-tri-sot-xuat-huyet

- Giai đoạn phục hồi: Hết sốt, ban xuất huyết mờ dần, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt, lưng gối đau mỏi, ngủ kém, đại tiện lỏng nát…. Tùy theo triệu chứng cụ thể: nhiệt thương âm dịch, tỳ vị hư nhược, thận khí hư suy và bổ dưỡng:

Bài 1: Thang ích vị: Sa sâm 16g, sinh địa 20g, ngọc trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc uống. Trị bệnh nhiệt về cuối kỳ còn sốt lai rai, họng khô, miệng khát.

Bài 2: Xương dê (dương cốt) khoảng 500 – 1.000g, gạo tẻ 100g. Xương dê làm sạch, chặt khúc đem nấu cháo với gạo tẻ; khi được cháo thêm muối, gừng tươi, hành, gia vị. Cho ăn nóng khi đói. Dùng cho các trường hợp xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu, thiếu máu do thiếu dinh dưỡng.

Nếu đang sốt đột ngột nhiệt độ hạ thấp, huyết áp tụt, mạch nhanh, người mệt mỏi, vật vã, vã mồ hôi, chất lưỡi đỏ, mạch trầm tế sác, nhất thiết phải đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng.

TS Nguyễn Đức Quang

BACSI.com (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Khánh Hòa: Bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

Chỉ trong vòng tháng 1.2013, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có trên 600 trường hợp bị sốt xuất huyết (SXH), cao hơn 26 lần so với cùng kỳ, tập trung ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa…

Theo Sở Y tế Khánh Hòa, SXH bùng phát từ cuối năm 2012, chỉ trong tháng 12 đã có 2 ca tử vong, bệnh dịch sẽ diễn biến phức tạp vì thời tiết thay đổi thất thường. Hiện các bệnh viện đang bị quá tải bệnh nhân SXH. Bác sĩ Nguyễn Đông – Trưởng khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Lượng bệnh nhân SXH nhập viện tăng gấp 2 lần so với những tuần trước.

Khoa chỉ 45 giường bệnh nhưng phải tiếp nhận lượng bệnh nhân thường xuyên từ 110- 120 người. Khoa phải kê thêm giường ở hành lang để điều trị cho bệnh nhân”.

(Theo Danviet)

Trái mùa, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn nhiều

Chiều 28-1, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm – trưởng khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng – cho biết tại đây đang tiếp nhận điều trị cho gần 50 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trung bình mỗi ngày có 3-4 ca vào viện dù theo chu kỳ số ca mắc sốt xuất huyết phải “hạ nhiệt” đáng kể.

Cả năm 2011 chỉ khoảng 100 ca điều trị tại khoa y học nhiệt đới, trong khi chỉ từ tháng 9 đến 12-2012 có đến hơn 1.600 ca. Cao điểm là tháng 12-2012 với 720 ca mắc sốt xuất huyết, thời điểm nhiều bệnh nhân nhất có đến 145 trường hợp nằm điều trị.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, diễn biến phức tạp và thất thường của dịch sốt xuất huyết chủ yếu do thời thiết thay đổi thất thường liên tục.

(Theo Thanhnien)

Phú Yên: Đã có 2 người tử vong vì sốt xuất huyết

Những ngày đầu năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp tại tỉnh Phú Yên.

Hiện nay, tại nhiều xã của huyện Tây Hòa, dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Ở thôn Xuân Thạnh, xã Hòa Tân nhà nào cũng có người mắc sốt xuất huyết, có gia đình 5 người đều phải nhập viện.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở thôn Xuân Thạnh 2 có hai đứa con đều phải nằm viện do sốt xuất huyết lo lắng: “Các cháu bị nóng, đau đầu. Gia đình đã nhờ bác sĩ truyền nước ở nhà 3 ngày nhưng không thuyên giảm mà còn nôn ra máu nên chuyển lên viện. Ở viện, tôi thấy nhà nào cũng có 2-3 người bị bệnh”.

Điều đáng nói, nhiều người còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nhức mỏi, thay vì đến cơ sở y tế khám, điều trị, người bệnh lại tự ý mua thuốc về uống, đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện.

Hiện ở Phú Yên đã có hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết cũng xuất phát từ tâm lý chủ quan của người bệnh và cơ sở y tế tuyến dưới.

Bác sỹ Phan Thế Nhân – Khoa nhiệt đới bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cho rằng: “Sốt xuất huyết khiến chảy máu ở nhiều nơi, rồi dẫn tới những biến chứng nặng như thể não, viêm cơ tim, niêm thận cấp, hoặc những biến chứng về gan. Đa số gặp chảy máu âm đạo, chảy máu chân răng, cho nên phải theo dõi chặt chẽ và làm xét nghiệm kịp thời”.

Đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận  trên 2.000 trường hợp sốt xuất huyết, đã có hai trường hợp tử vong. Những ngày đầu năm nay, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát trở lại. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết: “Dịch sốt xuất huyết ở Phú Yên nằm trong vùng báo động. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các huyện, đoàn thể tổ chức dọn vệ sinh diệt bọ gậy ngay để nguy cơ lây truyền bệnh. Đối với cơ sở điều trị, chúng tôi cập nhật phác đồ điều trị mới nhất của Bộ Y tế và dán luôn ở phòng bệnh”.

(Theo VOV)

Bé 2 tháng tuổi nhập viện vì bị sốc sốt xuất huyết

Bé N.T.L (2 tháng tuổi, ở tại TPHCM) nhập viện Nhi đồng 1 trong tình trạng lơ mơ, xuất huyết dưới da, tiêu ra máu...

Vừa tròn 2 tháng tuổi thì những cơn sốt cao liên tục kéo đến khiến bé N.T.L. (ngụ tại TPHCM) quấy khóc, bỏ bú. Được gia đình chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, xuất huyết da, tiêu ra máu… Qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm bác sĩ cho biết bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết (SXH).

be-2-thang-tuoi-nhap-vien-vi-bi-soc-sot-xuat-huyet

Việc chẩn đoán và điều trị SXH ở trẻ nhũ nhi rất khó khăn

Dù đã hết mùa mưa, nhưng khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị SXH trong đó có không ít trường hợp là trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi. Bác sĩ cho biết SXH là bệnh thường gặp ở trẻ từ 4 - 9 tuổi nhưng gần đây bệnh đang tấn công sang nhóm trẻ nhũ nhi. Mặc dù chỉ có khoảng 6% trong tổng số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện rơi vào những trẻ dưới 1 tuổi nhưng nguy cơ tử vong ở nhóm trẻ này rất cao do gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị.

Theo BS Minh Tiến, khoa SXH, lứa tuổi nhũ nhi rất khó chẩn đoán bệnh do trẻ quá nhỏ không thể diễn tả được triệu chứng. Hơn thế nữa, biểu hiện lâm sàng lại trùng lặp với các bệnh lý khác như nhiễm trùng huyết; viêm màng não; nhiễm khuẩn đường hô hấp hay đường tiêu hóa khiến trẻ nhập viện trễ hoặc không được xử trí kịp thời.

Việc điều trị các trường hợp SXH nặng ở trẻ nhũ nhi gặp nhiều khó khăn do diễn tiến bệnh trẻ rất phức tạp, không lường trước được; trẻ nhũ nhi dễ bị rối loạn chức năng tim mạch sớm và dễ quá tải dịch truyền, rối loạn đông máu…

SXH ở trẻ nhũ nhi là bệnh rất nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con trẻ vì vậy khi thấy trẻ sốt trên 2 ngày và phát hiện một trong những dấu hiệu cảnh báo như ói nhiều lần; ói ra máu hoặc tiêu phân đen; tay chân lạnh; da nổi bông; lừ đừ, li bì hay bứt rứt; quấy khóc liên tục; bỏ bú… phụ huynh phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

(Theo Dantri)

Sốt xuất huyết – Bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới, trong khi vắc xin ngừa bệnh hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và muỗi gây bệnh đang âm thầm phát triển theo cấp số nhân ở khắp các châu lục.

sot-xuat-huyet-benh-nhiet-doi-lay-lan-nhanh-nhat-the-gioi
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết – Ảnh: Shutterstock

Theo Reuters dẫn nguồn từ WHO, căn bệnh do bị muỗi cái cắn này thường lan rất nhanh chóng do sự di chuyển của con người và tình hình biến đổi khí hậu.

WHO ước tính trên thế giới có khoảng 50 triệu trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết mỗi năm, nhưng con số thực tế còn lớn hơn nhiều, theo tiến sĩ Raman Velayudhan, một chuyên gia của WHO.

Bệnh sốt rét tuy gây ra nhiều trường hợp tử vong hơn nhưng hiện đang có chiều hướng suy giảm và ảnh hưởng chưa đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, và có khả năng khiến bệnh này trở thành đại dịch đe dọa toàn cầu.

Sốt xuất huyết có triệu chứng gần giống với bệnh cúm, và ở một số trường hợp thì thuyên giảm trong vài ngày.

Tuy vậy, cũng có trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện điều trị biến chứng, bao gồm xuất huyết trầm trọng và có thể gây tử vong.

Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nhưng nếu phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm xuống dưới 1%, theo WHO.

Vắc xin tiên tiến nhất là vắc xin của nhà sản xuất dược phẩm Sanofi SA (Pháp) nhưng chỉ đạt được hiệu quả 30%, theo một thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Thái Lan vừa được công bố vào tháng 9.2012.

(Theo Thanhnien)

2012, HCM: Có 6 ca tử vong vì bệnh tay chân miệng

Theo báo cáo thống kê vừa được Sở Y tế TP.HCM gửi đi ngày 4.1, trong năm 2012, trên địa bàn TP ghi nhận tổng cộng 13.272 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có sáu trường hợp tử vong.

Theo đó, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong năm 2012 đã nhiều hơn 700 ca so với năm 2011 – vốn được xem là đỉnh điểm bùng phát của bệnh tay chân miệng trên cả nước.

benhTCM2.jpg;pvd7d03d19938b31a4
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Chính vì vậy, ngành y tế TP.HCM tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục tăng cường truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng trong các trường học.

Còn với bệnh sốt xuất huyết, trong năm 2012, TP ghi nhận có tổng cộng 11.984 ca mắc bệnh (so với 12.227 ca của năm 2011), trong đó có bảy trường hợp tử vong.

(Theo Thanhnien)