Lưu trữ cho từ khóa: Phòng mạch online

Bệnh u nang tuyến vú có nguy hiểm không?

U nang tuyến vú là một bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ ở lứa tuổi mãn kinh. Nhưng nhiều chị phụ nữ trẻ vẫn có thể bị.

Chào bác sỹ ạ! Em năm nay 25 tuổi lập gia đình thời gian đây em có hiện tượng đau căng tức ngực… Em đã đi khám vú cách đây khoảng 1 tháng, bác sỹ cho siêu âm và phát hiện là nang tuyến vú rải rác khoảng 3 mm bên trái và bảo là không cần uống thuốc.

Em muốn hỏi bác sĩ là bệnh u nang tuyến vú có nguy hiểm không và em có nên đi phẫu thuật để tránh ung thư vú sau này không. Bị bệnh này có nên kiêng cữ gì không? Em đang rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn

(Nguyễn Thanh Thùy)

Trả lời:

Thanh Thùy thân mến!

U nang vú là bệnh lành tính, bắt nguồn từ việc trong tuyến vú xuất hiện các túi dịch. Về cơ bản, bệnh không có nhiều ảnh hưởng, các khối u này không phải ung thư, có thể xuất hiện một hoặc số lượng nhiều, với hình dạng khác nhau (chủ yếu là dạng cầu hoặc bầu dục). Tình trạng bệnh xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ độ tuổi 30-40, sau mãn kinh hầu hết là u tự triệt tiêu hết. U nang vú về cơ bản không cần điều trị nếu u không quá lớn và gây khó chịu đến sinh hoạt. Tuy nhiên ở số trường hợp trẻ vẫn có thể mắc

U nang vú về cơ bản không gây hại, trừ phi có u ác tính phát triển bên trong u nang. Tuy nhiên nếu u không gây nguy hiểm thì cũng không cần chữa trị.

Tuy nhiên nếu bệnh có dấu hiệu biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật. Đối với những u lớn, bác sĩ có thể thực hiện chọc hút u để u tự xẹp, tuy nhiên nếu u cứ tiếp tục phát triển sau khi đã hút thì rất có nguy cơ u sẽ phát triển thành ung thư.

benh-u-nang-tuyen-vu-co-nguy-hiem-khongbenh-u-nang-tuyen-vu-co-nguy-hiem-khong

U nang tuyến vú mặc dù không nguy hiểm nhưng cần theo dõi điều trị (ảnh minh họa)

Triệu chứng u nang vú thường có đặc điểm tức, căng và đau ngực, đặc biệt là ở vùng có ; Vú đột nhiên lớn và căng hơn sau khi sinh; Vú đột nhiên xẹp sau kỳ kinh hoặc dùng tay sờ hoặc cảm nhận thấy cục mịn dễ di chuyển trong tuyến vú…

Về kiêng thì không phải kiêng gì cả, nhưng phải theo dõi, để xem sự phát triển của u nang đó ra sao. Nếu thấy phát triển nhanh hoặc đau tăng lên thì cần phải đi khám để các bác sỹ tùy theo trường hợp của nang đó có hướng xử lý. Nếu nó ít hoặc là nó khu trú thì phải xử lý u nang đó đi. Còn nếu như nó liên quan tới các bệnh khác, bệnh nội tiết khác thì lúc đó bác sỹ sẽ có hướng tư vấn và điều trị cho bạn.

Khi bị đa nang tuyến vú thì khi có thai, nuôi con nhỏ và cho con bú bằng sữa mẹ thì nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của các u nang đó, hay nói cách khác nó cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Vì vậy quan trọng bây giờ phải biết được cái nang đó là nang gì để từ đó xử lý cho bạn được.

Các bệnh của tuyến vú cần được khám lâm sàng, chụp xquang tuyến vú, siêu âm và xét nghiệm tế bào học hoặc sinh thiết nếu cần bạn nên khám thêm chuyên khoa ung bướu. Tuy nhiên triệu chứng đau ngực một bên đặc biệt là đau ngực trái bạn cũng nên cảnh giác với các bệnh lý tim mạch cần được sự tư vấn của chuyên gia tim mạch.

Bạn đã đi khám và được chẩn đoán như vậy thì nên nghiêm túc thực hiện việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi nhé.

Chúc bạn vui khỏe!

BS. Hoa Hồng

Theo Afamily.vn

Phụ nữ gần 40 tuổi có thể đã bị teo âm đạo hay không?

Ngày nay, bệnh teo âm đạo có thể gặp ở những phụ nữ trẻ, chưa đến tuổi mãn kinh.

Thưa bác sĩ, tôi muốn hỏi, phụ nữ gần 40 tuổi có thể đã bị teo âm đạo hay không? Tôi năm nay chưa đến 40 tuổi, nhưng “chuyện vợ chồng” rất khó khăn. Nói chung, mỗi lần “lâm trận” là cả 2 đều cảm thấy đau. Tôi lo sợ mình đã bị teo âm đạo. Nhưng theo tôi biết chỉ những phụ nữ mãn kinh mới bị bệnh này. Tôi cũng không biết thế nào. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!

(Phương Thanh)

Trả lời:

Bạn Phương Thanh thân mến!

Đúng như bạn nói, phụ nữ mãn kinh có thể bị teo âm đạo ở một mức độ nào đó. Ảnh hưởng lớn nhất mà chị em phải chịu khi bị teo âm đạo là gặp khó khăn trong chuyện tình dục, suy giảm sức khỏe, thậm chí là đi lại không thoải mái. Tuy nhiên, ngày nay, bệnh teo âm đạo có thể gặp ở phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh.

Những chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ và có nồng độ estrogen thấp hơn bình thường cũng có nhiều nguy cơ bị teo âm đạo. Một số loại thuốc, phương pháp điều trị như bức xạ và hóa trị, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng vì bất cứ lý do gì, rối loạn miễn dịch nhất định và không rõ lý do nhất định cũng có thể gây ra sự suy giảm estrogen và kết quả là teo âm đạo.

phu-nu-gan-40-tuoi-co-the-da-bi-teo-am-dao-hay-khong

Ngoài ra, những phụ nữ hút thuốc nhiều cũng có nguy cơ bị teo âm đạo cao hơn chị em không hút thuốc. Hút thuốc lá làm suy yếu lưu thông máu, làm mất oxy âm đạo và các mô khác, giảm tác động của estrogen tự nhiên trong cơ thể… dẫn tới giảm lưu lượng máu tới âm đạo.

Teo âm đạo là tình trạng âm đạo bị teo mỏng, khô và dễ bị viêm nhiễm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là suy giảm estrogen. Estrogen đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc và chức năng của thành âm đạo. Nó cũng giúp duy trì tính đàn hồi của các mô xung quanh âm đạo và giúp sản xuất các dịch tiết từ âm đạo.

Khi bị teo âm đạo, chị em có thể thấy các triệu chứng như: khô âm đạo, âm đạo nóng, nóng khi đi tiểu, tình huống khẩn cấp với tiểu tiện, nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhiều hơn, tiểu không kiểm soát, chảy máu nhẹ sau khi giao hợp, khó chịu khi giao hợp…

Qua mô tả của bạn chưa thể kết luận bạn có bị teo âm đạo hay không. Nguyên nhân khiến cả hai gặp khó khăn trong “chuyện ấy” có thể do một số bệnh khác hoặc có thể do bạn đang bị rối loạn cảm xúc tình dục, giảm hưng phấn dẫn đến “vùng kín” bị khô.

Tốt nhất, bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ, xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, không để ảnh hưởng đến tình cảm của cả hai vợ chồng.

Chúc bạn vui khỏe!

BS. Hoa Hồng

Theo Afamily.vn

Việc tập thể dục có ảnh hưởng đến đời sống tình dục hay không?

“Chuyện ấy” tốt cho bạn nhưng đó là khi bạn tập luyện đúng cách, phù hợp sức khỏe và kết hợp các hoạt động khác một cách lành mạnh, hiệu quả.

Chào bác sĩ, tôi muốn hỏi việc tập thể dục có ảnh hưởng đến đời sống tình dục hay không. Trước đây, tôi với chồng vẫn “sinh hoạt” đều đặn và không có vấn đề gì. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, tôi thường xuyên tập thể dục để giảm cân. Thế nhưng, từ đó tôi cũng cảm thấy “chuyện ấy” không được thoải mái như trước, thậm chí tôi còn muốn né tránh được lần nào tốt lần đấy. Liệu có phải do tập thể dục đã ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể nên tôi mới bị như vậy hay không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!

(H. Trang)

Trả lời:

Bạn H. Trang thân mến!

Tập thể dục là một phần quan trọng của cuộc sống lành mạnh. Nó cũng có tác dụng không nhỏ trong đời sống tình dục. Ví dụ, tập thể dục có thể cải thiện hình ảnh cơ thể của bạn bằng cách giúp bạn giảm cân và dẻo dai. Điều này cũng rất quan trọng trong đời sống vợ chồng vì nó không những giúp bạn sung sức mà còn tăng sự hấp dẫn với chồng. Ngược lại, khi đời sống tình dục của cả hai vui vẻ thì bạn cũng có thêm động lực để làm mọi việc khác.

viec-tap-the-duc-co-anh-huong-den-doi-song-tinh-duc-hay-khong

“Chuyện ấy” tốt cho bạn nhưng đó là khi bạn tập luyện đúng cách. Ảnh minh họa

Tập thể dục còn giúp nâng cao tâm trạng, ngăn ngừa trầm cảm, tăng năng lượng, kích thích hệ thần kinh giao cảm… Tập thể dục là một cách thức tự nhiên giúp tăng lượng testosteron, làm tăng ham muốn tình dục ở cả nam và nữ giới. Tập thể dục làm tăng lưu thông máu tới cơ quan sinh dục để giúp “chuyện ấy” diễn ra thuận lợi hơn.

Lười tập thể dục sẽ làm cho cơ thể trở nên trì trệ, chậm chạp, sức khỏe không được cải thiện, từ đó, có thể dẫn tới giảm ham muốn tình dục. Vì vậy, phải nói rằng tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho đời sống tình dục của bạn. Tuy nhiên, đó là khi bạn tập luyện đúng cách, phù hợp sức khỏe và kết hợp các hoạt động khác một cách lành mạnh, hiệu quả.

Nếu bạn đang cố gắng giảm cân bằng cách tập thể dục quá sức, cộng với ăn uống kiêng khem thì sẽ dẫn đến hậu quả ngược lại đối với “chuyện vợ chồng”. Tập luyện quá nhiều, quá khả năng chịu đựng của cơ thể sẽ khiến cho cơ thể không có thời gian để phục hồi. Đồng thời, bạn không chú ý đến ăn uống nên các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp dinh dưỡng để sinh năng lượng đầy đủ.

Điều này kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi, mất sức, từ đó gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, bao gồm cả suy giảm ham muốn tình dục. Bạn không những không đủ sức để làm mọi hoạt động trong ngày mà những kích thích cũng bị mất đi theo. Đó là lý do tại sao bạn thấy “chuyện ấy” của mình ngày càng tồi tệ.

Tốt nhất, bạn nên xem lại cơ chế luyện tập và ăn uống của mình. Các bài tập nhẹ nhàng kết hợp bổ sung đủ dưỡng chất sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tâm lý và khả năng tình dục hiệu quả. Hơn nữa, “chuyện ấy” hòa hợp cũng là một cách đốt cháy calo rất tốt, góp phần tăng hiệu quả giảm cân của bạn. Vậy nên, bạn hãy quan tâm đến đời sống tình dục của vợ chồng mình hơn nữa nhé.

Chúc vợ chồng bạn vui khỏe!

BS. Hoa Hồng

Theo Afamily.vn

Buồng trứng đa nang là bệnh gì?

Tôi mới lấy chồng được gần một năm và chưa có em bé. Vài tháng trở lại đây, bỗng dưng tôi phát hiện thấy lông chân, tay và đặc biệt là “vùng kín” rậm lên bất thường nên tôi đi khám. Bất ngờ khi bác sĩ cho biết, tôi bị buồng trứng đa nang và sẽ khó có con. Mong chuyên mục tư vấn thêm cho tôi biết, buồng trứng đa nang là bệnh gì? Có chữa được dứt điểm không?

Thu Huyền (Phong Thổ, Lai Châu)

buong-trung-da-nang-la-benh-gi

Buồng trứng đa nang là nhóm bệnh phổ biến thuộc về nội tiết của phụ nữ. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh ở nữ giới. Triệu chứng cơ bản của bệnh này là vòng kinh thất thường, người dễ tăng cân, béo phì, rậm lông chân, tay, “vùng kín”…

Thông thường, một người phụ nữ khi đến ngày thứ 14 của kỳ kinh thì có trứng phát triển vượt trội, xảy ra hiện tượng rụng trứng. Muốn đậu thai và giữ thai phát triển khỏe mạnh, tử cung phải dày từ 10mm trở lên, kích thước nang noãn khoảng 19-23mm.

Ở người có buồng trứng đa nang, không có trứng vượt trội mà có nhiều nang nhỏ, đồng thời niêm mạc thường quá mỏng hoặc quá dày, trứng bé, không phát triển, vì thế khó đậu thai.

Một số triệu chứng dễ nhận thấy của hội chứng buồng trứng đa nang:

– Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Kinh đến quá sớm (dưới 25 ngày), kinh muộn (trên 35 ngày), kinh không theo chu kỳ (tháng nhanh, tháng chậm), mất kinh, kinh loãng, ít…

– Quan hệ tình dục tự nhiên, không sử dụng các biện pháp tránh thai mà không thụ thai, vô sinh.

– Cường androgen khiến ria mép, lông chân, tay, “vùng kín” rậm bất thường.

– Một số người bị béo phì, tăng cân đột ngột không rõ nguyên nhân, vòng ba to nhưng người yếu, hay mệt mỏi, kém vận động.

– Xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở mặt, lưng, ngực. Da xấu, nhờn.

-Siêu âm buồng trứng có nhiều nang nhỏ…

Nguyên tắc của việc điều trị buồng trứng đa nang là gây phóng noãn. Trước hết, các bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để kích thích phóng noãn hoặc can thiệp ngoại khoa buồng trứng. Việc cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng một vài vị trí bề mặt buồng trứng bằng nội soi là cách giải quyết cho hội chứng này.

Để điều trị bệnh buồng trứng đa nang, bạn cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám, làm các xét nghiệm, siêu âm để xác định bệnh để các bác sĩ có phương án điều trị cho bạn.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Theo Giadinh.net.vn

Có biểu hiện đau dưới rốn thì có phải mắc bệnh phụ khoa nào?

Bất kì sự bất thường nào ở các bộ phận như buồng trứng, vòi trứng, vùng chậu, tử cung… đều có thể gây ra các cơn đau bụng dưới rốn.

Chào bác sĩ, em muốn hỏi nếu thường xuyên có biểu hiện đau dưới rốn thì có thể là mắc bệnh phụ khoa nào? Em có triệu chứng này trong 2 tuần nay cho dù không phải là ngày có kinh nguyệt. Cơn đau có khi chỉ nhói lên, có lúc lại đau thắt (thỉnh thoảng mới đau thắt). Bác sĩ cho em hỏi liệu em có cần đi khám không? Em xin cảm ơn!

(H. Trâm)

Trả lời:

Bạn H. Trâm thân mến!

Qua chia sẻ của bạn, có thể thấy tình trạng đau dưới rốn của bạn đã kéo dài liên tục trong hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu biến mất thì tốt nhất bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

co-bieu-hien-dau-duoi-ron-thi-co-phai-mac-benh-phu-khoa-nao

Bất kì sự bất thường nào ở các bộ phận như buồng trứng, vòi trứng, vùng chậu, tử cung… đều có thể gây ra các cơn đau bụng dưới rốn.

Vùng dưới rốn (bụng dưới) là vị trí của cơ quan sinh sản với các bộ phận như buồng trứng, vòi trứng, vùng chậu, tử cung… Bất kì sự bất thường nào ở các cơ quan này đều có thể gây ra các cơn đau từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân cơn đau có thể được xác định dựa vào vị trí. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xác định nguyên nhân lại gặp khó khăn, vì vậy, chỉ có đi khám thì bạn mới được bác sĩ thăm khám và kết luận chính xác.

Đau bụng dưới có thể là biểu hiện của những bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản như:

– Viêm vùng chậu: Vùng chậu nằm ở dưới rốn, bao gồm tử cung, hai bên vòi trứng, buồng trứng và hệ thống dây chằng. Cho nên đau bụng dưới rốn ở nữ giới có thể liên quan tới căn bệnh này. Viêm vùng chậu chủ yếu là do vi khuẩn, ký sinh trùng… gây ra. Những vi khuẩn, kí sinh trùng này thường gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, buồng trứng… sau đó viêm nhiễm ngược lên thành viêm vùng chậu.

– U nang buồng trứng: Hầu hết các trường hợp u nang buồng trứng là lành tính nhưng nếu khối u lớn thì sẽ gây đau ở vùng chậu. Bệnh thường gây đau ở bụng dưới từ âm ỉ đến dữ dội, kinh nguyệt không đều, bụng chướng và đi tiểu nhiều lần do khối u chèn ép bàng quang.

– U xơ tử cung: U xơ tử cung chèn ép lên các vùng xung quanh gây đau bụng dưới, đặc biệt là vào những ngày có kinh nguyệt hoặc đau khi quan hệ tình dục.

– Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung phát triển lan ra bên ngoài tử cung, có thể ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, cổ tử cung, ruột…gây ra tình trạng đau bụng dưới rốn.

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang: Khi đã bị viêm niệu đạo thì đường tiết niệu cũng dễ bị sưng, dẫn đến đau bụng dưới rốn, đau khi đi tiểu… Hoặc bàng quang bị viêm, sưng lên cũng gây áp lực tới vùng xương mu, người bệnh thường gặp tình trạng đau tức bụng dưới rốn, đau nhiều khi buồn tiểu.

Vì vậy, tốt nhất, bạn nên tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời. Cho dù nguyên nhân gây bệnh là gì nếu để lâu cũng đều nguy hiểm, ảnh hưởng khả năng sinh sản, thậm chí đe dọa tính mạng.

Chúc bạn vui khỏe!

Theo Afamily.vn

Làm gì để cải thiện “vòng 1″ quá nhỏ?

Tôi năm nay 26 tuổi, cao 1m64, nặng 40kg. Tôi làm nghề giáo viên, thời gian lên lớp từ 7h sáng đến 20h tối, trưa chỉ được nghỉ 1h30 phút. Tôi đã từng đi kiểm tra sức khỏe tổng thể và không có bệnh gì. Tôi ăn uống không ngon miệng và ăn ít, ngoài ba bữa chính trong ngày rất ít khi ăn vặt và cũng không có nhu cầu ăn. Không biết có phải do khối lượng công việc nhiều khiến tôi gầy đi hay không. Từ khi tôi học cấp 2, cũng chỉ phát triển chiều cao còn cân nặng thì không tăng. Tôi đang lo và tự ti nhất bây giờ là vòng 1 của tôi quá nhỏ. Mong chuyên gia tư vấn giúp tôi phải làm gì để cải thiện tình hình.

Mai Hoài (Điện Biên)

lam-gi-de-cai-thien-vong-1-qua-nho

Đúng là bạn đang có thể trạng quá gầy, từ chỉ số cân nặng, chiều cao của bạn thì chỉ số BMI=14,87 (=cân nặng/chiều cao bình phương) và nếu BMI của bạn ở mức từ 14-18 thì thể trạng bạn đang ở mức “báo động đỏ”. Bệnh tật có thể là nguyên nhân dẫn đến thể trạng gầy yếu nhưng bạn đã đi khám sức khỏe và hoàn toàn khỏe mạnh, đó là một tín hiệu đáng mừng, vậy nên điều cần thiết là bạn phải thay đổi lối sống của bản thân.

Như những gì mà bạn chia sẻ, bạn không có cảm giác thèm ăn và ăn không ngon miệng, đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc bạn gầy và mãi gầy. Bạn cần ý thức được việc mình cần phải nâng cao thể trạng để có thể làm việc, học tập, để khỏe mạnh và sinh ra những đứa con khỏe mạnh sau này. Bạn nên dành thời gian tự nấu nướng những món mình thích, thay đổi món ăn, bổ sung thêm những loại thực phẩm như sữa, ngũ cốc. Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng (thay đổi món ăn: Thịt, cá, trứng, sữa…).

Thêm nữa, bạn nói đúng, chính khối lượng công việc của bạn quá nhiều, khiến sự mất cân bằng giữa năng lượng đi vào cơ thể quá thấp so với năng lượng bạn phải tiêu hao. Vì thế, ngoài công việc đi dạy, bạn cần tìm cho mình một lớp thể dục hay yoga cũng là cách bạn giải tỏa căng thẳng và nâng cao thể trạng. Có thể bạn gầy do yếu tố di truyền (bạn gầy từ năm cấp 2) nhưng việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn sẽ làm bạn hứng khởi hơn trong cuộc sống.

Cũng chính vì bạn quá gầy nên việc phát triển vòng 1 của bạn có phần hạn chế. Bởi lẽ, ở phụ nữ, cấu tạo của vú gồm các tuyến sữa và nang sữa, nhưng lớp mỡ chiếm đến 90% thể tích bầu ngực, lớp mỡ quyết định hình dáng và độ mềm mại của vú. Bạn không nên quá tự ti về vòng 1 của mình, quan trọng là vú không có u cục hay dấu hiệu tiết dịch bất thường thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Chính vì vậy, bạn cần tăng được thể trạng, sức khỏe, chịu khó tập thể dục những bài tập dành cho ngực, áp dụng những biện pháp massge phù hợp cũng sẽ khiến vòng 1 lớn và săn chắc hơn.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Theo Giadinh.net.vn

Dấu hiệu báo trước của một cơn tai biến là gì?

Thời tiết thay đổi thất thường, tôi bị béo phì và huyết áp cao nên rất lo lắng cho sức khỏe. Mong chuyên mục cho biết một số dấu hiệu báo trước của một cơn tai biến để tôi biết và đề phòng. Xin cảm ơn!

Nguyễn Hiền (Nam Định)

dau-hieu-bao-truoc-cua-mot-con-tai-bien-la-gi

Với những người có huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, xơ cứng động mạch não, béo phì thường có một số triệu chứng báo trước của một cơn đột qụy như sau:

+ Đột ngột nhức đầu dữ dội (triệu chứng này có ở trên 50% số bệnh nhân mắc bệnh).

+ Đột ngột chóng mặt, ù tai, choáng váng, một bên chân bị yếu hẳn, không vững.

+ Đột ngột một bên tay không cầm nắm chắc được đồ vật, để rơi thìa, đũa, bát, nhặt lại vật dụng để rơi một cách khó khăn.

+ Đột nhiên rối loại ngôn ngữ, nói khó, nói ngọng, mọi người không hiểu bệnh nhân nói gì.

+ Đột nhiên xuất hiện cảm giác như ruồi bay trước mắt, mất thị lực hoàn toàn hoặc một phần hoặc cả hai trong giây lát.

+ Nấc cụt kèm theo đau ngực bất thường là những dấu hiệu cảnh báo sớm khả năng đột quỵ ở phụ nữ.

Tai biến mạch máu não diễn ra khá nhanh và đột ngột, tùy vào thể bệnh mà diễn biến của bệnh khác nhau:

+ Nhẹ: Bệnh nhân tỉnh, nói ngọng, nói khó, miệng méo, chỉ tê bì một phần cơ thể hoặc yếu một phần cơ thể. Nếu được điều trị kịp thời thì sẽ giảm thiểu những di chứng về sau, nếu không được điều trị bệnh nhân có thể nặng lên thậm chí tử vong.

+ Nặng: Bệnh nhân hôn mê hoặc lú lẫn, miệng cắn chặt hoặc há hốc thở hổn hển, đái ỉa dầm dề, chảy nước dãi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tình sẽ nặng hơn và nhanh chóng dẫn đến tử vong, nếu được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể qua khỏi nhưng để lại di chứng nặng nề hoặc sẽ sống đời sống thực vật.

Với cả hai trường hợp trên, nếu bệnh nhân điều trị đúng và bệnh nhẹ sẽ giảm thiểu được di chứng sau đó có thể hòa nhập được với cuộc sống. Nếu bệnh nhân điều trị không đúng và bệnh nặng thì sẽ để lại di chứng liệt vận động và có thể mắc thêm những bội nhiễm như: Nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn hô hấp, loét… nếu điều trị không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Theo Giadinh.net.vn

Làm sao cho em bé phát triển chiều cao tối đa?

Hai vợ chồng tôi đều thấp. Tôi cao 1,50m, chồng tôi cao 1.60m. Tôi lo con mình sau này cũng thấp như bố mẹ. Hiện tôi đang mang thai 4 tuần. Mong chuyên mục tư vấn tôi phải làm sao cho em bé phát triển chiều cao tối đa?

Mỹ Hạnh (Ninh Bình)

lam-sao-cho-em-be-phat-trien-chieu-cao-toi-da

Gen di truyền của bố mẹ khá quan trọng với chiều cao của con cái nhưng không phải là tất cả. Chiều cao của em bé sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Gen di truyền; dinh dưỡng; môi trường sống và luyện tập thể dục thể thao. Trong đó, yếu tố môi trường và xã hội thường hay bị bỏ qua nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi sống trong điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém.

Về dinh dưỡng, bạn cần quan tâm đến bổ sung đầy đủ chất đạm (chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết); canxi (là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương, thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sức lớn và sự vững chắc của xương) và chất béo (chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ. Đồng thời chất béo còn giúp cho tăng cường hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D…giúp hệ xương phát triển tốt).

Muốn con bạn phát triển chiều cao tối đa, bạn cần phải bổ sung dinh dưỡng ngay từ lúc mang bầu bởi sự phát triển chiều dài của thai nhi rất sớm ngay từ những tuần đầu của bào thai và chiều dài đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, trong khi đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần thứ 34 của thai kỳ. Chiều dài của thai nhi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành.

Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao trẻ phát triển nhanh, chiều cao trẻ 1 tuổi đó gấp rưỡi chiều cao lúc mới đẻ, ví dụ lúc mới sinh chiều dài của trẻ là 50cm, đến 1 tuổi chiều dài của trẻ sẽ là 75 cm. Từ 1 tuổi đến 10 tuổi trẻ ở giai đoạn lớn đều mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì trẻ lớn rất nhanh. Tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 – 11 tuổi đối với nữ và 12 – 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì (12 – 13 đối với nữ và 15 – 16 đối với nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Theo Giadinh.net.vn

Bị bệnh viêm phụ khoa nào thì không được “quan hệ”?

Có những căn bệnh phụ khoa cần kiêng quan hệ và điều trị dứt điểm thì mới không ảnh hưởng hạnh phúc dài lâu và đảm bảo tính mạng cho người phụ nữ.

Chào bác sĩ, em năm nay 24 tuổi, mới kết hôn. Em bị nhiễm trùng “vùng kín” (em đã đi khám và được bác sĩ kết luận vậy). Bác sĩ nói, tình trạng của em bị nặng là do không chịu kiêng khem “chuyện vợ chồng” và dặn lần sau nếu bị bệnh phụ khoa thì phải kiêng ngay. Thế nhưng em không biết khi bị bệnh như thế nào thì nên kiêng. Em muốn hỏi, bị bệnh viêm phụ khoa nào thì không được “quan hệ”. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn bác sĩ!

(H. Trang)

Trả lời:

Bạn H. Trang thân mến!

Nếu bạn đã đi khám và được biết mình bị nhiễm trùng “vùng kín”, thể nặng thì cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi, không gây biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những bệnh phụ khoa có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người phụ nữ nếu không được điều trị triệt để. Tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến biến chứng là lan sang các bộ phận khác trong cơ quan sính sản (vòi trứng, buồng trứng…), đe dọa khả năng thụ thai, thậm chí có thể gây ra vô sinh.

bi-benh-viem-phu-khoa-nao-thi-khong-duoc-quan-he

Có những căn bệnh phụ khoa cần kiêng quan hệ hì mới đảm bảo tính mạng cho người phụ nữ.

“Chuyện ấy” là hoạt động không thể thiếu trong đời sống vợ chồng nhưng cũng có trường hợp nếu kiêng khem được sẽ tốt hơn, ví dụ như khi bị các bệnh phụ khoa. Có những căn bệnh phụ khoa cần kiêng quan hệ tình dục và điều trị dứt điểm thì mới không ảnh hưởng hạnh phúc dài lâu và đảm bảo tính mạng cho người phụ nữ. Những bệnh đó bao gồm:

– Viêm nhiễm âm đạo: Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do nhiễm trùng nấm, dẫn tới các triệu chứng phổ biến là: ngứa, đỏ tấy và đau rát… Lúc này, các vi khuẩn và nấm rất dễ lây lan, nếu có quan hệ tình dục sẽ dẫn tới lây lan và nặng thêm.

– U xơ tử cung: Hầu hết khối u xơ tử cung lành tính và không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng một số trường hợp bệnh có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, đè nặng lên khung chậu và tạo ra cảm giác đớn đau… Nếu bệnh ở tình trạng nặng mà người bệnh có quan hệ tình dục thì dễ dẫn đến xuất huyết tử cung. Vì vậy, tốt nhất nên kiêng “quan hệ” và điều trị kịp thời để bảo đảm sức khỏe người bệnh.

– Viêm vùng chậu: Khi bị viêm vùng chậu, bạn sẽ thấy dịch âm đạo ra nhiều và có dạng như mủ, thậm chí gây ra viêm nội mạc tử cung cấp tính… Nếu không may bị bệnh này, bạn cần tránh “quan hệ vợ chồng” để tình trạng nhiễm trùng không bị nặng hơn do các vi khuẩn từ bên ngoài đưa vào.

– Viêm cổ tử cung: Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm cổ tử cung, chủ yếu là do trùng roi âm đạo, nấm, lậu, nhiễm trùng mãn tính… Bệnh này cũng có triệu chứng không khác những bệnh nhiễm trùng khác (dịch âm đạo ra nhiều, ngứa rát…). Vì vậy, trong trường hợp này cũng cần kiêng sinh hoạt tình dục vì nếu không sẽ càng làm chứng viêm nặng thêm, huyết trắng tăng nhiều, đau đớn, thậm chí gây xuất huyết…

Với bất kì biểu hiện khác thường nào ở “vùng kín” bạn đều không được bỏ qua. Thay vào đó hãy theo dõi và đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.

Chúc bạn vui khỏe!

BS. Hoa Hồng

Theo Afamily.vn

Làm sao để phòng tránh viêm mũi ở trẻ?

Hễ trở trời là bé nhà tôi lại bị viêm mũi, sốt khiến bé khó chịu và quấy khóc cả đêm. Mong chuyên mục tư vấn làm sao để phòng tránh?

Mạnh Hùng (Hải Dương)

lam-sao-de-phong-tranh-viem-mui-o-tre

Viêm mũi là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 – 8 tuổi mỗi khi thời tiết giao mùa. Sự chênh lệnh nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm cao là nguyên nhân trẻ nhỏ dễ mắc bệnh viêm mũi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi và vùng họng mũi, vì khả năng miễn dịch ở trẻ còn kém nên rất dễ bị bệnh. Khi trẻ hít thở không khí đi từ ngoài vào đến phổi, cung cấp ôxy cho cơ thể đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp…

Khi bị viêm mũi, trẻ thường bị sốt và xuất hiện đột ngột nếu bệnh nhẹ, thì chỉ 37,5oc nếu bị bội nhiễm sốt khá cao có thể 39 – 40oC, trong 2 – 3 ngày. Ngoài ra trẻ bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, đôi khi có nôn mửa, tiêu chảy… Ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy mủ và ho. Các biểu hiện nếu kéo dài trên 7 ngày phải đề phòng có những biến chứng của viêm mũi.

Khi trẻ bị viêm mũi, hàng ngày cần nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 – 4 lần cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi, dạy trẻ biết cách xì mũi đúng (bịt một bên, xì mũi bên kia). Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín… giúp trẻ nhanh hồi phục.

Nếu trẻ sốt cao trên 38oC, cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của thầy thuốc. Lau mát bằng khăn bông nhúng nước ấm (bằng thân nhiệt của trẻ) vắt kiệt, lau khắp người trẻ. Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, nơi trẻ nằm phải thoáng nhưng tránh gió lùa. Cần phải theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra cho trẻ uống nhiều nước vì sốt làm mất nước.

Khi thời tiết thay đổi trở lạnh cần giữ ấm cho trẻ. Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nơi ngủ. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Hàng ngày dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh, rửa mũi. Vệ sinh mũi giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa và góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như: Viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì và viêm xoang. Khi thấy viêm mũi kéo dài trên 7 ngày hoặc có triệu chứng nặng hơn như đau tai, khàn tiếng, khó thở phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý khi trẻ đang bị viêm mũi bỗng nhiên thấy sốt cao phải đề phòng biến chứng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Theo Giadinh.net.vn