Lưu trữ cho từ khóa: xử trí

Phá thai an toàn

Bài phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Thị Yến – Chuyên gia giám sát chất lượng lâm sàng các phòng khám Marie Stopes International tại Việt Nam.

Ảnh được cung cấp bởi Marie Stopes International

1- Biện pháp phá thai được sử dụng trong những trường hợp nào?

Khi chị em phụ nữ có thai trong tử cung mà chưa muốn sinh con, hoặc thai kỳ bất thường, hoặc thai kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, họ có quyền lựa chọn các phương pháp chấm dứt thai an toàn và hợp pháp. Hiện nay, đối với những thai giai đoạn sớm (dưới 12 tuần tuổi), có hai phương pháp chấm dứt thai nghén: bằng bơm hút chân không hoặc bằng thuốc.

– Chấm dứt thai bằng bơm hút chân không:

Áp dụng cho thai dưới 12 tuần tuổi, đây là phương pháp dùng bơm hút chân không với một ống hút nhỏ bằng nhựa đã tiệt khuẩn đưa vào lòng dạ con để hút thai ra. Biện pháp này có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, an toàn, thời gian thực hiện nhanh (chỉ 10 – 15 phút), tỉ lệ thành công cao đến 99%. Một số rủi ro có thể gặp (dù hiếm) trong hoặc sau khi hút thai là: nhiễm trùng, sót nhau, sót thai, dính lòng tử cung, nặng nề hơn là choáng, băng huyết, thủng dạ con… Vì thế, kỹ thuật này phải được thực hiện bởi cán bộ y tế đã qua đào tạo và tại các cơ sở y tế được Bộ y tế và luật khám chữa bệnh cho phép.

– Chấm dứt thai bằng thuốc:

Phương pháp uống thuốc để loại bỏ thai áp dụng cho những chị em có thai trong tử cung dưới 63 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, không mắc các bệnh lý chống chỉ định hay dị ứng với các thành phần của thuốc, thực hiện tại các cơ sở được Bộ y tế và luật khám chữa bệnh cho phép.

Tùy theo tuổi thai, tùy theo phân cấp phạm vi hành nghề, thuốc được sử dụng theo liều lượng khác nhau. Hai loại thuốc được cho phép sử dụng phổ biến là Mifepristone (có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của thai) và Misoprostol (gây co cơ tử cung, đẩy thai ra ngoài). Hai thuốc này cần được sử dụng cách nhau 36 – 48 giờ (với thai dưới 49 ngày tuổi). Liều thứ nhất uống tại cơ sở y tế, liều thứ hai có thể uống tại nhà, chủ động tự theo dõi sau khi được cán bộ y tế tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, hiểu rõ diễn tiến của phá thai bằng thuốc và các tai biến có thể có cũng như các cách xử trí thích hợp.

Biện pháp phá thai bằng thuốc có tỉ lệ thành công cao, từ 95 – 99%. Các trường hợp thất bại bắt buộc phải hút thai sau đó.

2- Hiện nay có nhiều bạn trẻ đã lạm dụng phá thai nhiều lần, như vậy có để lại hậu quả gì không, thưa bác sỹ?

Phá thai nhiều lần có thể đem lại những tác dụng không mong muốn :

– Có thể gặp hội chứng stress sau phá thai với những biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần kinh, tự ti, xa lánh mọi người…

– Thuốc dùng phá thai nội khoa có một số tác động ảnh hưởng toàn thân như nhức đầu, choáng váng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt hoặc ớn lạnh, rong huyết nhẹ, nặng hơn như băng huyết, sót nhau, sót thai, nhiễm trùng cơ quan sinh sản hoặc thai tiếp tục phát triển. Có thể gây vô sinh thứ phát, hoặc thậm chí tử vong (dù rất hiếm) nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

3- Bác sỹ có lời khuyên gì cho những người lỡ mang thai ngoài ý muốn?

Để tránh mang thai ngoài ý muốn, chị em phụ nữ – nhất là các bạn trẻ – nên lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp như dùng bao cao su, thuốc uống tránh thai , thuốc tiêm, que cấy, đặt vòng, triệt sản (đình sản). Nếu lỡ mang thai ngoài ý muốn và quyết định chấm dứt thai kỳ, các bạn nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, đáng tin cậy, có đủ phương tiện theo dõi, đội ngũ cung cấp dịch vụ được đào tạo bài bản… để được tư vấn và theo dõi, tránh những tai biến không đáng có.

Việc quan trọng sau đó là các bạn cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp, tránh việc phá thai lặp lại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn.

Marie Stopes International tại Việt Nam hoạt động dưới sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International Anh Quốc, với hệ thống 10 phòng khám Sản phụ khoa – Kế hoạch hóa gia đình tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hạ Long, Nha Trang, Bình Dương, Cần Thơ. Các phòng khám này chuyên tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị các bệnh phụ khoa, chăm sóc thai sản, xét nghiệm sớm ung thư cổ tử cung, chấm dứt thai nghén an toàn, chất lượng do đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm đảm trách, trang thiết bị hiện đại và phong cách chăm sóc khách hàng thân thiện, tôn trọng và kín đáo.

Địa chỉ và thông tin liên hệ của hệ thống phòng khám Marie Stopes International tại Việt Nam: Truy cập website http://www.mariestopes.org.vn hoặc gọi điện cho tổng đài hỗ trợ khách hàng 1900 55 88 82 để biết thêm thông tin chi tiết.

Xử trí khi trẻ bị tiêu chảy

Hầu như đứa trẻ nào cũng có thể bị tiêu chảy, đây là bệnh dễ gặp và đa phần được điều trị tại nhà. Nếu xử trí không đúng cách, bệnh có thể trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, nặng hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Biểu hiện và nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ

Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày) là đã bị tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu xảy ra trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài. Bệnh thường xảy ra khi dùng phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh, ăn uống thiếu khoa học hoặc do dùng thuốc. Một số nguyên nhân thường gây tiêu chảy ở trẻ như: nhiễm virus, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, do dùng thuốc (thường gặp khi trẻ uống kháng sinh), do dị ứng thức ăn, do không dung nạp được thức ăn, do ngộ độc…

(Ảnh được cung cấp bởi Dược phẩm Vinh Gia)

Hậu quả của bệnh tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy kéo dài thường bắt đầu bằng một đợt tiêu chảy cấp và kéo dài. Hậu quả của bệnh thường dẫn đến suy dinh dưỡng nặng và dễ tử vong. Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc tiêu chảy kéo dài cao hơn trẻ lớn. Nguy cơ tiêu chảy cấp chuyển sang tiêu chảy kéo dài ở trẻ trong năm đầu là 22%, giảm xuống 10% ở năm thứ hai và 3% ở năm thứ ba.

Mối nguy hiểm lớn nhất đe dọa tới sức khoẻ với trẻ bị tiêu chảy là tình trạng mất nước. Do vậy khi bị tiêu chảy, trước hết cần bù ngay nước và chất điện giải, sử dụng men vi sinh để cân bằng vi sinh vật đường ruột. Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.

Xử trí khi trẻ bị tiêu chảy

Ngay khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống Oresol (nhớ pha theo đúng chỉ định trên bao bì), cho trẻ uống từ từ từng muỗng cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ không uống hết lượng dung dịch đã pha thì đổ đi pha đợt khác vì dung dịch đã pha sẽ bị hỏng.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy. Việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, giúp chức năng tiêu hóa hấp thu của ruột nhanh chóng trở về bình thường, rút ngắn thời gian tiêu chảy, cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ. Vì vậy, nên tránh sử dụng đồ ăn chứa nhiều Lactose, giảm dị ứng protein sữa bò và những thức ăn, nước uống có nồng độ đường, muối quá cao làm tăng nồng độ thẩm thấu dễ gây tiêu chảy.

Cần tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú) chú ý dùng thức ăn dễ tiêu: cháo thịt nạc, thịt gà nấu với carot, khoai tây; nếu trẻ dùng sữa hộp thì nên pha loãng gấp đôi mức bình thường.

Bổ sung ngay men vi sinh cho trẻ, men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn có lợi với các lợi ích sau: Các vi khuẩn có lợi sẽ nhanh chóng thiết lập sự cân bằng của hệ vi sinh đường tiêu hóa, giúp tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa, đấu tranh để kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… Điều này giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.

Nếu trẻ bị tiêu chảy đến ngày thứ 3 sẽ gây ra tình trạng bất dung nạp đường Lactose thứ phát. Điều này thường làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy và là một trong những lý do gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài ở trẻ. Bổ sung sớm men vi sinh có khả năng tiêu hóa đường Lactose sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng này.

Như vậy, trẻ bị tiêu chảy nếu được bổ sung men vi sinh phù hợp sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, nhanh hồi phục sức khỏe, giảm thiểu các biến chứng nặng của tiêu chảy như mất nước, suy dinh dưỡng, kém ăn, chuyển tiêu chảy cấp sang tiêu chảy kéo dài… Golden LAB là một trong các loại men vi sinh hiện nay được các bác sĩ khuyên dùng và các bà mẹ tin dùng với các lợi ích cho trẻ bị tiêu chảy như:

– Golden LAB chứa các vi khuẩn có lợi sinh acid lactic được phân lập từ kim chi Hàn Quốc nên rất dễ hấp thu và có hiệu quả cao để ngăn ngừa và chống lại tình trạng bất dung nạp đường Lactose.

– Golden LAB, ngoài thành phần Probiotics (các vi khuẩn có lợi), còn thành phần thứ 2 rất độc đáo là Prebiotics (chất xơ thực phẩm), đây là nguồn thức ăn lý tưởng giúp các vi khuẩn có lợi sinh sôi nhanh hơn trong ruột, do đó, giúp tăng nhiều lần hiệu quả của men vi sinh.

– Golden LAB chứa Probiotic thế hệ thứ tư, áp dụng công nghệ bao kép DUOLACTM (là công nghệ bào chế men vi sinh hiện đại nhất) giúp bảo vệ vi khuẩn chống chịu được các tác động của môi trường acid trong dạ dày và dịch mật (pH 2-4), bảo đảm cung cấp đủ lượng vi khuẩn có lợi đến đích là ruột để phát huy tác dụng hiệu quả nhất.

– Golden LAB dùng được cho trẻ sơ sinh.

– Ngoài tác dụng giúp trẻ trong điều trị bệnh tiêu chảy, Golden LAB còn giúp tăng cường hấp thu dưỡng chất, tăng sức đề kháng và kích thích trẻ ăn ngon miệng, do đó trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục khi điều trị tiêu chảy.

Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có những triệu chứng như:

– Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không thuyên giảm.

– Phân bé có lẫn máu, máu có thể màu đỏ tươi, hồng, hoặc nâu đen lẫn nhầy như mũi.

– Bụng đau khi sờ ấn.

– Nôn ói nhiều, không thể cho ăn uống được.

– Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít, bé lừ đừ, da nổi bông…

– Trẻ kèm theo sốt cao.

Ðể hạn chế tình trạng tiêu chảy cho trẻ, cần lưu ý đến giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn thực phẩm sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường, sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc và cho trẻ ăn, tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh, tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Xử trí đúng khi trẻ bị tiêu chảy là vấn đề mọi bà mẹ cần nắm vững.

(Ảnh được cung cấp bởi Dược phẩm Vinh Gia)

Gọi 04.39.959.969 để được Tư vấn – Giải đáp miễn phí cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy

 

Coi chừng bỏ qua dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Một trong những yếu tố khiến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thêm nặng, phức tạp, có thể tử vong  nhanh là do tái sốc.

Ảnh minh họa.

Đặc điểm tái sốc bởi sốt xuất huyết ở trẻ

Một trong những yếu tố khiến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thêm nặng, phức tạp, có thể tử vong  nhanh là do tái sốc. Việc chữa trị cho một bệnh nhi tái sốc là rất khó khăn đối với bác sĩ.

Qua khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 trên 280 bệnh nhi sốt xuất huyết vào chữa trị tại bệnh viện cho thấy, thời điểm trẻ mắc sốt xuất huyết bị sốc thường rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh (tính từ lúc trẻ có triệu chứng sốt). Bình quân trẻ sốt xuất huyết có thể rơi vào tái sốc trở lại ở giờ thứ 12 kể từ khi bị sốc lần đầu.

Vì thế, buộc bác sĩ và nhân viên y tế của ca trực phải theo dõi sát bệnh nhi, theo dõi thật kỹ càng để phát hiện sớm, kịp thời xử trí khi trẻ sốt xuất huyết bị tái sốc. Nhất là phải theo dõi dấu sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở), đặc biệt nhất là mạch; theo dõi chức năng đông máu… Nếu không theo dõi sát dễ bỏ qua, trẻ có thể bị nguy kịch.

Dễ nhầm tưởng

Trong phần báo cáo “Thách thức trong chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) lưu ý các đồng nghiệp, rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi với nhiễm trùng sơ sinh; và lưu ý việc truyền dịch (nước biển) quá nhiều ở trẻ sốt xuất huyết nhũ nhi cũng dễ dẫn đến tử vong. Cần phải khám, theo dõi kỹ nếu không dễ bỏ qua bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.

Tương tự, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng lưu ý, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh khó phân biệt với nhiễm trùng sơ sinh trong những ngày đầu của bệnh. Nên nghi ngờ sốt xuất huyết sơ sinh ở những trẻ có sốt liên tục 3-4 ngày, trong khi tổng trạng tốt, các xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng khác đều bình thường.

95% các trường hợp sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, trong đó bệnh xảy ra ở trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi chiếm khoảng 5%. Các trường hợp sốc do sốt xuất huyết ở trẻ dưới 2 tuổi có biểu hiện lâm sàng đa dạng, phức tạp, dễ bỏ sót chẩn đoán, bệnh diễn biến nhanh đưa đến các biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa… Vì thế, trẻ có thể tử vong nếu không được theo dõi sát từ phía bác sĩ.

BACSI.com (Theo Khoemoingay)

Bó bột chân – Cách chăm sóc tại nhà

Bó bột chân được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân bị gãy xương, sai khớp,… với mục đích bất động phần bị tổn thương, giúp đẩy nhanh quá trình liền xương, là một trong những phương pháp điều trị gãy xương bên cạnh điều trị phẫu thuật. Sau bó bột chân, phần lớn bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ðể chăm sóc tốt bệnh nhân và người nhà cần chú ý như sau:

Sau khi bệnh nhân xuất viện người nhà cần chuẩn bị giường, các vật dụng cần thiết như đệm lót, gối,…

– Người bệnh cần nằm trên giường có mặt phẳng cứng, người bệnh kê cao chân bó bột, khi bột chưa khô không được che phủ làm bột lâu cứng.

– Cử động thường xuyên các ngón của chân bó bột. Nếu cần di chuyển phải dùng nạng gỗ và sự giúp đỡ của người nhà để tránh bị ngã.

– Chăm sóc, vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, lau sạch các đầu ngón chân. Thay quần áo thường xuyên. Thay đổi tư thế tránh loét điểm tỳ.

– Không làm ướt, bẩn bột, không dùng que chọc vào trong bột,…

Bó bột là một phương pháp điều trị gãy xương. Ảnh: MH

– Do tình trạng bất động bột kéo dài nên bệnh nhân có tình trạng loãng xương cục bộ dẫn đến triệu chứng đau, nhức mỏi. Vì vậy, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung canxi, kể cả sau khi tháo bột để nâng cao thể trạng, đề phòng loãng xương và cải thiện nhanh các triệu chứng đau nhức mỏi. Chống táo bón bằng cách ăn thêm rau, hoa quả, uống nhiều nước.

– Không được tự ý cắt bột, tháo bột, phải giữ bột đủ thời gian theo quy định.

– Đến cơ sở y tế khám lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Theo dõi nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu để đến cơ sở y tế xử trí kịp thời:

– Bột: chặt, lỏng, gãy

– Có tình trạng chèn ép bột,dị ứng bột: biểu hiện chân băng bột đau nhức, tê bì, tím lạnh, mất cảm giác, nốt phỏng, ngứa,…

– Nếu có vết thương thấm dịch mùi hôi,…

Bác sĩ Trọng Nghĩa

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Sơ cứu trẻ nhỏ bị dị vật đường thở

Khi trẻ bị hóc, sặc, sơ cứu đúng cách sẽ giúp hạn chế, giảm thiểu được những biến chứng không đáng có.

Vỗ lưng là phương pháp thường được áp dụng khi trẻ hóc dị vật

Khi trẻ nhỏ bị dị vật đường thở, dấu hiệu nhận biết thường dựa vào tình trạng dị vật gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn.

Nếu bị tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn, trẻ nhỏ thường có triệu chứng ho và cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Có thể có biểu hiện khó thở hoặc thở bất thường.

Nếu bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, trẻ nhỏ không nói được, tay ôm lấy cổ; ở trong tình trạng khó thở, cố gắng thở, mắt trợn ngược, vẻ mặt hoảng hốt. Mặt của trẻ đỏ bừng, mạch máu ở cổ nổi phồng; môi và lưỡi bị tím tái dần.

Đối với trẻ nhỏ từ 1 – 8 tuổi, thường áp dụng phương pháp sơ cấp cứu vỗ lưng và ép bụng để dị vật được tống xuất ra ngoài. Nếu thực hiện không có kết quả phải chuyển ngay trẻ nhỏ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Phương pháp vỗ lưng được thực hiện bằng 2 cách:

– Cách thứ nhất: người sơ cứu ngồi, đặt trẻ nằm vắt ngang qua đùi người sơ cứu ở tư thế cổ ngửa, đầu thấp hơn ngực. Vỗ vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của trẻ, đồng thời kiểm tra dị vật  đường thở có được tống xuất ra ngoài không.

– Cách thứ hai: người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai và kiểm tra dị vật đã được tống xuất ra ngoài chưa. Sau khi thực hiện phương pháp vỗ lưng, nếu dị vật chưa ra, có thể dùng phương pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich.

Phương pháp ép bụng hay phương pháp Heimlich được thực hiện bằng cách cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi xương ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần từ trước ra sau, từ dưới lên trên.
Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai phương pháp vỗ lưng và ép bụng nêu trên cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

Nếu dị vật đường thở vẫn chưa được tống xuất ra ngoài và trẻ nhỏ có dấu hiệu bất tỉnh thì phải xử trí như các trường hợp trẻ bị bất tỉnh, đồng thời tìm mọi cách đưa trẻ nhỏ đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng dị vật đường thở nếu không được lấy ra kịp thời sẽ làm cho trẻ nhỏ bị ngạt thở và có thể dẫn đến tử vong.

Theo TTƯT-BS. Nguyễn Võ Hinh

Meo.vn (Theo Dantri)

Ðể “vượt cạn” an toàn

Chọn nơi đẻ an toàn là điều cần thiết và rất quan trọng đối với tất cả các bà mẹ sắp đến kỳ sinh đẻ. Nơi đẻ an toàn và yên tâm nhất là đẻ tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, tập quán của bà con ở một số địa phương là khi sinh nở người phụ nữ phải tự “vượt cạn” một mình, đẻ ngồi, hay phải đẻ ở lán, không được ở trong nhà. Bên cạnh đó, trong điều kiện miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, không đến được cơ sở y tế thì thai phụ và gia đình cần chuẩn bị những gì để “vượt cạn” được an toàn?

Đẻ tại cơ sở y tế – Nhiều ích lợi đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh

Dù có nơi còn hạn chế nhưng nhìn chung các cơ sở y tế được xây dựng và trang bị theo quy chuẩn thống nhất và khi cần có đủ thuốc và phương tiện cấp cứu để xử trí kịp thời. Đối với những bà mẹ mang thai “có yếu tố nguy cơ” (phát hiện qua các đợt khám thai) thì nhất thiết phải đến đẻ tại cơ sở y tế.

Ngoài ra những trường hợp chưa phát hiện “có nguy cơ” cũng vẫn nên đến đẻ tại các cơ sở y tế vì ngay trong lúc chuyển dạ đẻ và sau đẻ cũng vẫn có thể xuất hiện nguy cơ không thể lường trước được.


Cần khám thai định kỳ, biết ngày dự kiến sinh để phòng đẻ rơi. Ảnh: N. Thuận

Cần chuẩn bị những gì khi đẻ tại nhà?

Trong những trường hợp không có nhà hộ sinh, khó khăn về giao thông… hoặc đẻ quá nhanh không đến cơ sở y tế được cần phải tổ chức đẻ tại nhà. Bà mẹ và gia đình cần phải chuẩn bị các việc sau:

Liên hệ trước với người được mời đỡ đẻ. Nên mời cán bộ y tế của trạm y tế xã hoặc các cán bộ y tế đã nghỉ hưu… hoặc bà đỡ dân gian (còn gọi là mụ vườn) đã được đào tạo về đỡ đẻ sạch, có kinh nghiệm giúp đỡ.

Chọn nơi sẽ đẻ trong nhà đảm bảo: Thoáng, sạch, không có gió lùa.Làm vệ sinh sạch sẽ nhà trước khi đẻ một tuần.

Phân công cụ thể những người trong gia đình ai sẽ làm việc gì, chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm. Nếu có trẻ nhỏ phải bố trí người trông nom.

Chuẩn bị giường đẻ sạch sẽ, tấm nilon trải được đủ rộng để tránh máu và nước chảy ra nền nhà, xô hoặc chậu hứng, một bàn con để dụng cụ đỡ đẻ, đồ vải cần thiết cho bà mẹ và con, nước đun sôi để nguội để người đỡ đẻ rửa tay, bàn chải, xà phòng rửa tay, nguồn ánh sáng, khăn vệ sinh và phương tiện sưởi ấm khi trời lạnh.

Trong trường hợp đẻ tại nhà nếu có được “gói đỡ đẻ sạch” dùng một lần để sử dụng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh thì rất tốt để phòng uốn ván sơ sinh.

Có những người do đẻ quá nhanh, không dự tính được ngày sinh: vì không nhớ ngày kinh cuối, không đi khám thai nên có thể bị đẻ rơi. Đẻ rơi chủ yếu ở nơi không có chuẩn bị vì thế không có người biết đỡ đẻ (trừ trường hợp chuyển viện có hộ sinh đi hộ tống). Nguy cơ cho bé là ngạt và nhiễm khuẩn rốn, uốn ván rốn. Nguy cơ cho mẹ là sót rau, băng huyết, nhiễm khuẩn vì nơi đẻ rất đa dạng (trên tàu xe, ngoài đồng ruộng, nương rẫy hoặc trong nhà vệ sinh…).

Để đề phòng đẻ rơi, cần đi khám thai định kỳ để biết ngày dự kiến đẻ. Biết các dấu hiệu sớm của chuyển dạ như: xuất hiện cơn đau, đau tăng dần, ra dịch nhày trong để sớm đến cơ sở y tế.

Bác sĩ Bùi Thị Phương

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Điều trị dự phòng hen ở trẻ em

Điều trị hen ở trẻ em cần chú ý điều trị dự phòng là quan trọng nhất. Khi trẻ có cơn hen cấp cần xử trí nhanh chóng và theo dõi chặt chẽ.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hen ở trẻ ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn. Thống kê mới nhất cho thấy tại TPHCM, tỷ lệ mắc hen ở trẻ em lên tới 30% và Hà Nội là 17%. 1/3 số bệnh nhân không được chẩn đoán đúng bệnh đã dẫn đến điều trị không thích hợp, bệnh nhân dễ chuyển thành thể hen nặng gây dị dạng lồng ngực, giảm phát triển cơ thể. Các bác sĩ cho biết, đây là thời điểm bệnh hen tái phát và thường gây ra những đợt hen cấp.           

Tại phòng khám hen nhi, bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có gần 100 trẻ tới khám và chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Nhiều trường hợp trước đây đã có tiền sử mắc hen phế quản, sau một thời gian điều trị thấy các cháu không bị ho hay không thấy những cơn rít nên đã ngừng điều trị.

Hen là bệnh do viêm mãn tính đường hô hấp, có 4 triệu chứng điển hình của bệnh là ho, khò khè, nặng ngực, tức và thở ngắn hơi. Các cơn hen thường xảy ra khi có các yếu tố kích thích, hay xảy ra vào ban đêm và gần sáng, do thay đổi thời tiết, hít phải dị nguyên như bụi, phấn hoa, các chất gây dị ứng, nước hoa, xà phòng, khói thuốc lá…

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, việc không điều trị dự phòng đối với những trẻ mắc hen đã dẫn tới tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và nhiều trường hợp trẻ lên những cơn hen cấp. Đối với những trường hợp trẻ đến viện không kịp thời có nguy cơ dẫn tới tử vong. Các nghiên cứu cho thấy, điều trị hen ở trẻ em cần chú ý điều trị dự phòng là quan trọng nhất, khi trẻ có cơn hen cấp cần xử trí nhanh chóng và theo dõi chặt chẽ.

Bệnh hen ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo những người mắc bệnh hen cần biết các biện pháp ngừa cơn hen như vậy có thể kiểm soát được và thậm chí là chữa khỏi.

Nên làm gì để phòng bệnh hen phế quản?

1. Cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường).

2. Tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm. Cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ.

3. Mùa lạnh mỗi lần chuẩn bị tắm, rửa cho trẻ nên chuẩn bị một số phương tiện như: Quần áo sạch, lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là cháu được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.

4. Đối với trẻ có tiền sử hen phế quản thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: Tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp điện, bếp ga thì nên cải tiến bếp đun củi, rơm, rạ bằng loại bếp ít khói. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà.

5. Cần phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện. Trong phòng ngủ của trẻ không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể).

6. Trẻ đã từng bị hen phế quản, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đặc biệt cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì khi trẻ bị hen phế quản, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng. Mặt khác, điều trị bệnh hen phế quản trẻ em không giống như người lớn về thuốc, liều lượng, cách dùng… bởi lẽ “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”.

Meo.vn (Theo VTV)

Nguyên nhân gây đột quỵ ở người cao tuổi và cách xử trí

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não dễ xảy ra ở người cao tuổi (NCT). Đặc biệt, mùa hè NCT có thể bị đột quỵ nhất là với những người có sẵn về bệnh tim mạch, cao huyết áp.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong cao sau bệnh về tim mạch và ung thư. Tại Mỹ, hàng năm có tới 60 vạn người mắc bệnh đột quỵ và tử vong khoảng 16 vạn người.

Người cao tuổi cần đi khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa đột quỵ

Nguyên nhân xảy ra đột quỵ

Đột quỵ là hiện tượng ngừng trệ đột ngột dòng máu cung cấp cho não gây nên tổn thương cấp tính vùng não thiếu máu. Sự ngưng trệ đột ngột máu cung cấp cho não (hoặc thiếu hoặc mất hẳn) tức là ngưng trệ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho vùng não thiếu máu đó, dẫn đến tế bào não bị hoại tử chỉ sau một thời gian ngắn.

Sự thiếu máu nuôi dưỡng một vùng não có thể do bị chèn ép bởi cục máu đông (do tổn thương tim) hoặc do vỡ mạch mãu não gây xuất huyết não (tăng huyết áp kịch phát, xơ vữa động mạch).

Xuất huyết não có thể ồ ạt hay từ từ, tùy thuộc vào vị trí và mức độ mạch máu bị vỡ. Ngoài ra cũng có thể gặp đột quỵ do rối loạn đông máu hoặc ở người bệnh đang dùng thuốc điều trị chống đông máu.

Theo thống kê, có khoảng 22% dân số mắc bệnh tăng huyết áp. Tuy vậy, nhiều người không quan tâm đến bệnh này hoặc do chủ quan cho rằng bệnh tăng huyết áp là bệnh của người già, ai cũng có thể bị, hoặc không có điều kiện để tìm hiểu về căn bệnh mà người ta gọi là “bệnh giết người thầm lặng”. Mùa nắng nóng kéo dài khiến cho NCT đang mắc bệnh tăng huyết áp rất khó kiểm soát, do đặc điểm sinh lý của NCT là mọi chức năng sinh lý đã thuyên giảm, trong đó có chức năng điều tiết của hệ thần kinh trung ương. Đó là chưa kể đến NCT còn mắc một số bệnh mạn tính về tim mạch, tiểu đường, béo phì, bệnh rối loạn chuyển hóa… Mùa hè cũng làm cho chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của NCT thay đổi. Mùa hè đột quỵ dễ xảy ra ở NCT đặc biệt là ở những người có sẵn các bệnh về tim mạch (tiền sử có nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường.

Dấu hiệu đột quỵ

Khi NCT đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác hoặc hôn mê, gọi hỏi không biết gì (trường hợp nặng do xuất huyết não nhiều hoặc bị chèn ép làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng một vùng não), đó là những dấu hiệu báo trước của đột quỵ. Những dấu hiệu nữa là đột ngột tê tay, chân cùng bên hoặc tay chân khó cử động; nói khó, ngọng, phát âm không rõ; một bên mắt nhắm không kín, nhìn đôi, nhìn mờ, nhoè; miệng méo; nhân trung lệch; có thể rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu). Ngoài ra, có thể gặp một số dấu hiệu khác kèm theo như mất thăng bằng, buồn nôn hoặc nôn. Các triệu chứng này có thể tăng dần lên làm cho bệnh cảnh càng trầm trọng. Nguy cơ tử vong ở những người đột quỵ không phát hiện sớm và không xử trí kịp thời có thể chiếm tỷ lệ rất cao (90%) và một tỷ lệ thấp nếu qua khỏi phải chịu di chứng nặng nề hoặc liệt, mọi sinh hoạt không tự chủ, không nói được, lú lẫn… Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp các triệu chứng chỉ xảy ra trong vòng vài ba phút rồi trở lại bình thường. Trong trường hợp này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.

Làm gì khi bị đột quỵ?

Chỉ cần có một trong các dấu hiệu cảnh báo là bị đột quỵ là phải hết sức khẩn trương gọi xe cấp cứu ngay, không được chần chừ, cũng không chờ đợi xem còn dấu hiệu nào xuất hiện nữa hay không. Cấp cứu càng sớm càng tốt bởi vì nếu xử trí trước 2 giờ, tối thiểu trước 6 giờ, khả năng cứu sống người bệnh rất cao và ít để lại di chứng, nếu muộn hơn nguy cơ diễn biến phức tạp luôn luôn có thể xảy ra. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến nên cho người bệnh nằm yên, nghiêng đầu sang một bên ngay cả khi có triệu chứng co giật. Để tránh người bệnh cắn lưỡi cho một chiếc đũa hoặc cán thìa có quấn vải vào giữa 2 hàm răng.

Phòng bệnh đột quỵ ở NCT là phải phòng từ xa có nghĩa là cần được khám sức khỏe định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Khi có bệnh về tim mạch cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi có bệnh tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu hoặc bị đái tháo đường cần kiểm tra huyết áp, mỡ máu và đường máu theo lời dặn của bác sĩ khám bệnh. Tuyệt đối không tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác mua thuốc cho mình.

Mùa hè, NCT nên uống đủ lượng nước cần thiết và không phải chờ đợi khi có biểu hiện khát mới uống. Nếu nghiện thuốc lá, thuốc lào thì cần hạn chế và tốt nhất là bỏ hẳn. Những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường không nên uống bia, rượu. Nên tăng cường uống nước cam, chanh và quả tươi.

Mùa hè cũng cần vận động cơ thể một cách hợp lý. NCT nên tập các bài tập nhẹ nhàng hợp với sức khỏe của mình, không nên tập khi mặt trời lên cao, nhiệt độ ngoài trời đã tăng. Mỗi lần ra nắng cần đội nón, mũ rộng vành. Nên mặc quần áo mỏng, thoáng mát.

NCT nên ăn nhiều rau, ăn đủ chất. Những NCT có bệnh cần ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng không nên kiêng khem quá mức vì có thể đưa đến suy dinh dưỡng.

Meo.vn (Theo SK & ĐS)

Ngừa biến chứng khi người cao tuổi bị sốt

Khi thời tiết thay đổi người cao tuổi, do đặc điểm sinh lý có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả dễ mắc một số bệnh như nhiễm khuẩn tại đường hô hấp, tiêu hóa… mà biểu hiện dễ nhận biết đầu tiên là sốt. Tuy nhiên, nếu không biết cách xử trí thích hợp khi người cao tuổi bị sốt có thể xảy ra một số biến chứng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ.

Nhiễm khuẩn-Nguyên nhân hàng đầu gây sốt ở người cao tuổi

Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở người cao tuổi (NCT) nhưng hay gặp nhất là sốt do mắc bệnh nhiễm khuẩn. Bệnh nhiễm khuẩn ở NCT có thể là đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ápxe phổi, lao phổi. Bệnh nhiễm khuẩn ở NCT cũng có thể gặp ở đường tiêu hoá như viêm ruột, viêm đường mật cấp hoặc bị viêm nhiễm ở đường tiết niệu hoặc bị các bệnh do virút gây ra như sốt xuất huyết, sốt phát ban, sốt rét… Ngoài ra, người ta thấy NCT cũng có thể bị sốt không do bệnh nhiễm khuẩn như một số bệnh ung thư, bệnh về máu, gãy xương, bệnh nội tiết… Sốt có thể là sốt cấp tính hoặc sốt kéo dài. Sốt cũng có thể là sốt rất cao nhưng cũng có thể thân nhiệt chỉ vượt quá chỉ số bình thường từ 0,5 độ đến 1 hoặc 2 độ. Sốt có thể được phân chia một cách tương đối như sốt nhẹ là thân nhiệt từ trên 37oC đến dưới 38oC; sốt trung bình là thân nhiệt từ 38oC đến dưới 39oC và sốt cao là khi thân nhiệt trên 39oC.

Rối loạn nhịp tim là biến chứng dễ gặp khi người cao tuổi bị sốt.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi NCT bị sốt

Khi NCT bị sốt nếu không xử trí kịp thời thì rất có thể xảy ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, nhất là sốt ở một số bệnh nhân đang mắc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh thuộc hệ hô hấp (viêm phổi, hen suyễn, lao phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… ). Biến chứng hay gặp nhất là ở hệ thần kinh, nhẹ thì nhức đầu, chóng mặt, nặng hơn thì lơ mơ, mê sảng, thậm chí gây co giật. Đối với hệ tim mạch thì có thể gây mạch nhanh, rối loạn nhịp tim,  huyết áp tăng (nếu người bệnh có tiền sử tăng huyết áp thì rất nguy hiểm). Sốt ở NCT cũng có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn hoặc ăn vào không tiêu, ậm ạch rất khó chịu. Khi sốt có thể làm cho NCT bị rối loạn nhịp thở như khó thở, thở nông và khi sốt cũng rất dễ gây nên tiểu tiện ít do nước được thoát ra theo đường bài tiết mồ hôi và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chức năng bài tiết của thận.

Những điều cần làm và nên tránh

Điều cần làm: Trước hết cần cặp nhiệt kế xem sốt bao nhiêu độ. Thân nhiệt của người bình thường là 37oC với điều kiện là cặp nhiệt kế ở miệng hoặc ở hậu môn. Nhưng vì hầu hết là cặp nhiệt độ ở nách, vì vậy nếu cặp nhiệt độ ở nách thì phải cộng thêm 0,5 độ nữa mới đúng thân nhiệt thực. Sốt có nghĩa là thân nhiệt vượt quá 37oC. Tuy vậy cũng có thể gặp một số trường hợp ở NCT tuy mắc bệnh nhiễm khuẩn nặng nhưng khi cặp nhiệt độ thì không thấy thân nhiệt tăng (không thấy sốt) thậm chí thân nhiệt còn hạ. Lý do có thể do sức đề kháng và phản xạ của cơ thể quá yếu, đặc biệt ở người bệnh tuổi cao, sức yếu, nằm lâu ngày, suy dinh dưỡng. Khi người cao tuổi bị sốt cần được chăm sóc chu đáo, đảm bảo uống đủ nước, có thể là nước ép quả tươi như chanh, cam, xoài, dưa hấu… Ngoài ra, cần được uống thêm nước pha từ dung dịch osezol, uống thuốc hạ sốt và sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.

Điều nên tránh: Đối với NCT khi bị sốt, tuyệt đối không được truyền dịch tại gia đình hoặc ở nơi không đủ điều kiện chống sốc.Bởi vì kỹ thuật truyền dịch thì nhiều y tá điều dưỡng có thể thực hiện được một cách thành thạo nhưng việc xử trí bị sốc (phản ứng) khi truyền dịch thì không phải ai cũng giải quyết được. Đối với NCT bị sốt mà đang bị tăng huyết áp, cũng không truyền dịch. Khi dùng dùng thuốc hạ nhiệt, liều trung bình cho người lớn  là 0,5g mỗi một lần và sau từ 4 – 6 giờ có thể dùng lại, nếu vẫn còn sốt trên 38oC nhưng cần lưu ý là trong viên paracetamol dạng viên sủi có thêm thành phần muối bicacbonat natri nên những người có tăng huyết áp không nên dùng. Ngoài ra, thuốc paracetamol nếu dùng dài ngày sẽ không tốt vì chúng có nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng gan.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Nhận biết chấn thương gan

Có phải bị chấn thương gan do va đập khó phát hiện không thưa bác sĩ? Xin bác sĩ tư vấn các dấu hiệu khi có chấn thương gan.

Lê Hải Dương (Thái Bình)


BS. Nguyễn Hải trả lời: Sau khi xảy ra những va đập đến thân thể như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rơi từ trên cao xuống… nhiều người vẫn thấy tỉnh táo nhưng cũng chú ý đề phòng tới tình trạng bị chấn thương gan với các dấu hiệu sau: có những vết bầm tím, đụng dập, xây xát ở bụng ngực bên phải.

Đau hạ sườn phải và có phản ứng nửa bụng bên phải, đau lan lên vai phải và đau khi ấn vào xương sườn bên phải. Vỡ gan do chấn thương thường gặp 4 loại cơ bản đó là: máu tụ dưới bao Glisson, máu tụ trong nhu mô gan, rách nhu mô gan và rách các cuống mạch của gan. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ có hướng xử lý. Những bệnh nhân này cần bất động tại giường, phải hồi sức tích cực và theo dõi sát bằng các phương tiện thăm dò chẩn đoán hiện đại như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, chụp mạch.

Nếu bệnh nhân ở mức độ nặng thường có biểu hiện sốc chấn thương và giảm khối lượng tuần hoàn (da, niêm mạc nhợt, ngất hoặc thoáng ngất, mạch nhanh nhỏ khó bắt hoặc không bắt được) thì nên can thiệp mổ sớm. Hiện nay, nhiều kỹ thuật mới trong xử trí chấn thương gan đã được áp dụng như phẫu thuật nội soi, gây tắc mạch trong điều trị chảy máu… Trường hợp nghi ngờ sau các tai nạn nói trên cần đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay để được xử lý và điều trị kịp thời.

Meo.vn (Theo SK&ĐS)