Lưu trữ cho từ khóa: thuốc

Thuốc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) có thể xảy ra theo mùa (do thời tiết, do bụi của phấn hoa, cây cỏ) hay quanh năm (do bụi bặm, lông súc vật…) trên cơ địa dễ mẫn cảm.

Không có thuốc đặc trị, nhưng nếu chọn, dùng đúng cách một số thuốc thì bệnh cũng sẽ ổn định trong thời gian dài.

Nhóm kháng histamin H1

Các thuốc nhóm này không trực tiếp ngăn sự tạo thành histamin nhưng thuốc có tác dụng hủy từng triệu chứng do histamin gây ra, làm giảm các triệu chứng của VMDƯ. Loại thế hệ cũ thường dùng là chlopheniramin, alimemazin, promethazin, diphenylhydramin, dimenhydrinat, cinarizin…

Thuốc có nhược điểm gây buồn ngủ, rất bất tiện khi dùng ban ngày (không tập trung lao động học tập, dễ bị tai nạn khi điều khiển máy móc, phương tiện giao thông). Loại thế hệ mới thường dùng là loratidin, acrivastin, fexofenadin… có ưu điểm là ít gây buồn ngủ hơn, thường dùng dạng uống. Thuốc cũng có dạng xịt phối hợp kháng histamin phenyltolaxamin với centoxonium chủ yếu dùng cho trẻ em.

thuoc-dieu-tri-benh-viem-mui-di-ung

Không tùy tiện dùng các thuốc chữa viêm mũi dị ứng.

Nhóm gây co mạch

Loại thuốc uống: Các thuốc cường giao cảm dùng riêng lẻ (ephedrin) hay phối hợp trong thuốc cảm (pseudoepherein, phenylephrin, phenylpropanolamin) gây co mạch, giảm sung huyết, phù nề, ngạt mũi. Tuy nhiên, cũng do tính cường giao cảm mà chúng có thể gây ra các tác dụng phụ tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau thắt ngực, nhức đầu, choáng váng, khó ngủ, chán ăn, run chân tay. Không nên dùng cho người có những bệnh như tăng huyết áp, đau thắt ngực do bệnh mạch vành, cường tuyến giáp, đái tháo đường.

Loại thuốc nhỏ, xịt mũi: Thường dùng naphazolin, xylomethazolin… Lúc đầu, do cơ chế cường giao cảm, có tác dụng co mạch tại chỗ, chống phù nề, đỡ nghẹt mũi ngay, dễ chịu. Về sau hiệu quả kém dần hay không còn, trái lại còn gây nghẹt mũi trở lại (gọi là phản ứng dội ngược). Khi dùng liều cao và/hoặc lâu dài, một phần thuốc qua mạch máu niêm mạc mũi thấm vào bên trong, gây các tác dụng phụ toàn thân giống khi uống, vì vậy chỉ nên dùng liều vừa đủ, một đợt chỉ dùng nhiều nhất là 7 ngày.

Trẻ em rất nhạy cảm với naphazolin, xylomethazolin, dễ bị co thắt mạch máu gây hoại tử niêm mạc mũi; còn gây co thắt mạch máu ở tim, não, da, đầu chi. Tuyệt đối không dùng hai loại thuốc này cho trẻ em.

Thuốc làm săn niêm mạc mũi: dung dịch natrichlorid 0,9% làm săn niêm mạc, gây co mạch, chống phù nề, đỡ nghẹt mũi, không độc, dùng cho người lớn và trẻ em bất cứ tuổi nào kể cả sơ sinh.

Nhóm corticoid

Thường dùng fluticason, beclomethason, budesonid được bào chế thành dạng thuốc hít. Khi hít thuốc tạo thành những hạt nhỏ li ti bám vào niêm mạc mũi, chỉ với một liều không lớn (so với liều uống) vẫn có hiệu lực chữa bệnh tại chỗ. Một phần thuốc có thể theo niêm mạc mũi vào bên trong nhưng vì số lượng ít, lại bị gan hóa giải nên không gây độc toàn thân như khi uống hay khi tiêm. Cũng có trường hợp dùng corticoid hít không hiệu quả vì không dùng đủ thời gian hay vì nghẹt mũi mà thuốc không đến nơi cần thiết.

Corticoid hít ức chế việc lành vết thương, vì vậy chỉ được dùng khi các tổn thương đường hô hấp (xây xước, rách, phẫu thuật) đã hồi phục. Thận trọng với bệnh lao tiềm ẩn vì thuốc ức chế miễn dịch làm bệnh nặng thêm. Dùng dạng hít lâu dài có thể bị gây bội nhiễm nấm Candida ở mũi, miệng (cần súc miệng, họng thật sạch sau khi hít hay dùng buồng hít để thuốc không đọng ở miệng, mũi). Không làm dây corticoid hít vào mắt (vì sẽ làm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể). Không dùng corticoid hít trị viêm mũi dị ứng cho trẻ dưới 12 tuổi; riêng với beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Corticoid hít có thể gây đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ nhưng ít gặp. Dạng thuốc hít dùng kéo dài kèm theo corticoid uống cũng có thể bị ngộ độc toàn thân. Phải thận trọng khi phối hợp với corticoid uống (chỉ phối hợp liều uống vừa đủ, đợt ngắn). Corticoid uống gây hại thai nhưng dạng hít chưa thấy gây hiện tượng này, vẫn có thể dùng cho người có thai.

Nếu VMDƯ có bội nhiễm có thể dùng corticoid hít phối hợp kháng sinh, song cần tính toán liều phối hợp cẩn thận để tránh corticoid làm giảm hiệu lực kháng sinh. Nếu nhiễm khuẩn nặng, cần tập trung dùng kháng sinh mạnh, sau khi khỏi bội nhiễm sẽ tiếp tục dùng corticoid.

Người bị VMDƯ không nên có thói quen dùng kháng histamin H1, thuốc co mạch liên tục (quá nhiều lần, quá số ngày qui định), để tránh độc, tránh tác dụng dội ngược làm cho viêm mũi nặng hơn, về sau rất khó điều trị. Trong số các thuốc trên, nên chọn corticoid hít dùng dự phòng, khi bị bệnh thì dùng sớm lúc còn nhẹ, dùng đủ thời gian cần thiết, bệnh sẽ ổn định.

DS. Bùi Văn Uy

Theo Suckhoedoisong.vn

Sai lầm phổ biến khi cho trẻ uống thuốc

Võ đoán, tùy tiện dùng thìa, tự điều chỉnh liều lượng, dừng thuốc quá sớm là những lỗi các mẹ thường mắc phải gây rủi ro cao cho sức khỏe của trẻ.

Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến trong cách dùng thuốc cùng với lời khuyên của chuyên gia để các mẹ tránh mắc phải:

1. Võ đoán, không hỏi bác sỹ

Ví dụ, khi tai trẻ bị đau tai, các mẹ thường phỏng đoán là con bị nhiễm trùng tai. Đặc biệt các mẹ còn có thể tự điều trị nếu trong nhà có sẵn thuốc kháng sinh.

Theo các bác sỹ, các mẹ nên tránh việc tự chẩn đoán và tự dùng thuốc cho con.

“Loại thuốc kháng sinh dạng lỏng dùng cho trẻ em thường bị mất tác dụng khi được để chung với các loại khác. Hoặc khi bạn lấy để tái sử dụng, các gói thuốc có thể đã hết hạn”, giáo sư Roxanne Allegretti, bác sỹ chuyên về nhi ở Snowden, Fredericksburg, Hoa Kì cho biết.

“Ngoài ra các triệu chứng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau. Đau tai có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như áp xe răng, viêm họng, viêm tai giữa, rối loạn chức năng vòi nhĩ, viêm tai ngoài…”, bác sỹ Allegretti cảnh báo.

“Rất nhiều bệnh không cần đến thuốc kháng sinh hoặc mỗi loại bệnh về tai cần một loại thuốc kháng sinh khác nhau. Vì vậy việc cho trẻ uống thuốc không đúng có thể làm trì hoãn việc chẩn đoán và làm cho bệnh của trẻ càng nặng hơn”.

sai-lam-pho-bien-khi-cho-tre-uong-thuoc

Dùng thìa trong bếp là một trong những sai lầm phổ biến của mẹ khi cho con uống thuốc. Ảnh minh họa: Internet

2. Dùng thìa trong bếp

Nếu trẻ cần uống uống, đừng lấy thìa ở trong bếp. Điều quan trọng khi dùng thuốc cho trẻ là phải sử dụng ống tiêm hoặc cốc có đánh dấu, xác định lượng thuốc rõ ràng. Nếu uống bằng thìa ở trong bếp, lượng thuốc cho trẻ uống hoặc nhiều, hoặc ít không thể xác định chính xác được.

“Thìa trong bếp có thể là thìa cà phê, hay thìa canh nhỏ có các kích thước chỉ nhỉnh hơn nhau một chút. Sai lầm có thể nghiêm trọng hơn. Ví dụ, nếu trẻ bị uống gấp đôi liều lượng acetaminophen (một thuốc giảm đau và giảm sốt) có thể sẽ bị những vấn đề về gan vì thành phần chính trong thuốc là Tylenol”, giáo sư cho biết.

Cô Allegretti khuyến cáo nên sử dụng ống tiêm hoặc những dụng cụ có thể đo lường được khi cho trẻ uống thuốc.

3. Tự điều chỉnh liều lượng

Một chút thuốc có thể có tác dụng, vậy thì thêm một chút nữa thuốc sẽ có tác dụng hơn? Điều này có thực sự đúng không?

Chắc chắn câu trả lời là không. Đừng bao giờ cho con uống thêm một chút thuốc với hy vọng con sẽ bớt đau hơn. Việc điều chỉnh thêm chỉ một chút liều lượng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho trẻ.

“Nếu đó là một liều thuốc ức chế ho, nếu uống thêm liều lượng có thể gây ức chế hô hấp, hoặc một liều cao acetaminophen có thể gây tổn hại cho gan của trẻ”, cô cho biết.

4. Dừng thuốc khi thấy con có vẻ đỡ hơn

Nếu trẻ đã cảm thấy đỡ hơn sau vài ngày dùng thuốc kháng sinh thì có thể dừng việc dùng thuốc lại không?

Câu trả lời là không. Việc dừng thuốc quá sớm có thể không hoàn toàn loại bỏ được sự nhiễm trùng. Thậm chí tệ hơn nó còn tăng sức đề kháng của vi khuẩn trong cơ thể.

Việc làm này còn làm cho việc dùng thuốc kém hiệu quả hơn trong lần sử dụng tới. Ngoài ra, một số bệnh như viêm họng nếu không được điều trị đầy đủ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tạo điều kiện cho sốt thấp khớp, hoặc đau tim phát triển.

Vì vậy nên chắc chắn có sự tham vấn của bác sỹ về thời gian dùng thuốc cho trẻ.

Theo Nguoiduatin.vn

Viên telfast có hiệu quả chữa trị thế nào?

Mấy năm trở lại đây khi thời tiết chuyển mùa, tôi rất hay bị ngứa mũi hắt hơi hàng tràng, chảy nhiều nước mũi và tắc mũi.

Tôi đã uống vài loại thuốc, nhỏ thuốc chống ngạt mũi nhưng bệnh không giảm. Bạn bè khuyên tôi nên uống viên telfast sẽ có hiệu quả trị bệnh tốt hơn. Xin quý báo tư vấn về thuốc này và hiệu quả chữa trị thế nào? Xin cảm ơn. – Hà Văn Phiệt (Phú Thọ)

vien-telfast-co-hieu-qua-chua-tri-the-nao

Cần tìm dị nguyên gây bệnh viêm mũi dị ứng để điều trị tận gốc

Qua mô tả có thể bạn bị viêm mũi dị ứng (VMDƯ) theo mùa. VMDƯ là một loại bệnh rất phổ biến ở nước ta cũng như ở các nước, ngày càng gặp nhiều do công nghiệp phát triển. Nguyên nhân là do sự quá mẫn cảm của niêm mạc mũi đối với các kích thích mà y học gọi là dị nguyên. Những dị nguyên hay gặp là mạt bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông súc vật, hóa chất… Bệnh hay xảy ra trên những cơ địa đặc biệt có tính chất gia đình và có đặc điểm là sự bấp bênh giữa thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột từng cơn hay gặp lúc sáng sớm khi thời tiết thay đổi: đột nhiên ngứa nhiều ở hai bên hốc mũi, có thể lan lên mắt xuống họng. Sau đó hắt hơi liên tục thành từng cơn 5-10 cái, thậm chí nhiều hơn nữa. Tiếp đó là chảy nhiều nước mũi trong không màu, không mùi, rồi tắc mũi dữ dội cả hai bên. Các cơn nói trên xuất hiện nhiều lần trong ngày, thường kéo dài 3-5 ngày và chỉ mất đi khi các dị nguyên không còn nữa.

Để điều trị VMDƯ dùng thuốc uống có tính chất kháng histamin (chất giải phóng nhiều trong quá mẫn dị ứng hoặc viêm) là cần thiết. Thuốc kháng histamin H1 là loại ức chế có cạnh tranh với histamin tại thụ thể (receptor) H1. Thuốc bạn hỏi có tên thuốc gốc là fexofenadin với nhiều tên thương mại (biệt dược) như: telfast, fexofast, allerphost, altiva… Fexofenadin là thuốc kháng histamin thế hệ 3, nó là chất chuyển hóa của terfenadin (thuốc kháng histamin thế hệ 2), hiệu quả điều trị cũng tương tự như terfenadin nhưng nó không chuyển hóa qua gan nhiều, nên không tương tác với các thuốc được chuyển hóa ở gan. Nhưng vấn đề quan trọng hơn nữa là fexofenadin không tương tác với các kênh kali ở tim, do đó không có khuynh hướng như terfenadin (nhất là astemizol) là làm tăng khoảng QT của tim – một tác dụng phụ có thể dẫn đến loạn nhịp tim nghiêm trọng.

Fexofenadin là thuốc điều trị VMDƯ tốt, có phạm vi an toàn rộng hơn đa số các thuốc kháng histamin các thế hệ trước, bạn có thể dùng. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin chỉ có tính chất điều trị triệu chứng mà không điều trị tận gốc bệnh. Cần phải tìm ra dị nguyên (phấn hoa, nấm mốc, lông gia súc, hóa chất…) để phòng tránh thì việc dùng thuốc mới có hiệu quả cao nhất.

BS. Vũ Hướng Văn

Theo Suckhoedoisong.vn

Nghệ vàng còn được dùng làm vị thuốc

Nghệ không chỉ làm gia vị để tạo màu cho món ăn mà đặc biệt nghệ còn dùng để làm thuốc, có nhiều loại nghệ nhưng công dụng nhất là loại nghệ vàng.

Nghệ có tên curcuma longa Linn thuộc họ gừng, thân rễ nghệ vàng chứa tinh dầu, ngoài ra còn có chất curcumin… Theo y học cổ truyện, nghệ vàng được phân làm hai vị thuốc. Thân rễ to được gọi là khương hoàng, các củ nhỏ mọc ra từ thân rễ được gọi là uất kim. Uất kim thường có màu đỏ hơn.

Khương hoàng có vị cay, đắng, tính ấm với công năng hành khí, phá huyết ứ, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, sinh cơ. Dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau tức sườn ngực, khó thở, phụ nữ sau đẻ máu xấu không sạch, kết hòn cục, hoặc ứ huyết, sang chấn, té ngã, vết thương lâu liền miệng… Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Còn uất kim có vị cay, đắng hơi ngọt, tính hàn với công năng hành khí, hóa ứ, thanh tâm, giải uất, lương huyết. Dùng trị can khí uất kết, viêm gan mật, tắc mật, huyết ứ, xuất huyết đường tiêu hóa. Ngày dùng 3 – 9g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Bác sỹ Lê Đắc Quý, Hội Đông y Hà Nội cho biết, nghệ có tác dụng nhuận gan, lợi mật, sát khuẩn, sát trùng. Với y học hiện đại nghệ vàng có tác dụng ức chế virus, chống oxy hóa.

ngehvang1

GS. TS Đào Văn Phan, nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, nghệ vàng là cây thuốc quý được đánh giá cao trong số vô vàn các cây thuốc cổ truyền. Hoạt chất chính tạo nên màu vàng và tác dụng của nghệ là curcumin. Nhiều nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng đã chứng minh curcumin có nhiều hoạt tính sinh học quý như chống viêm, chống ung thư, bảo vệ gan, thận…Củ nghệ không chỉ có tác dụng phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng mà nó còn có hiệu quả mạnh mẽ lên hầu hết các bệnh mạn tính như: ung thư, các bệnh tim mạch, gan mật, Alzheimer, mỡ máu…

Trong đông y, nghệ vàng dùng để chữa dạ dày, chữa vết thương lở loét, hoặc là trường hợp phụ nữ sau khi sinh khí huyết kém, da dẻ không được tươi sáng, hồng hào. Nhiều người đã dùng bột nghệ bôi khắp cơ thể, giúp cho da đàn hồi tốt và khí huyết lưu thông.

– Hòa nghệ vàng với sữa, sữa chua để bôi lên mặt giúp cho da hồng hào hơn.

– Bột nghệ hòa với mật ong để chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng.

– Bột nghệ rất tốt cho da, đối với các vết thương, bột nghệ giúp da mau liền, mau lên da non và không để lại sẹo.

Cách cách làm đẹp từ nghệ tươi

– Nghệ tươi rửa sạch, thái lát mỏng sau đó giã nhuyễn. Khi nghệ đã nhuyễn bạn cho vào chén và trộn thêm 1 muỗng dầu mè. Trộn đều hỗn hợp và đắp lên mặt và giúp da mịn màng, tươi sáng.

– Nghệ tươi rửa sạch, xay nhỏ lọc lấy nước hòa với mật ong, hoặc sữa tươi uống ngày 2 lần, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh, dưỡng nhan sắc, giúp da mịn màng.

– Trị đau dạ dày: Nghệ rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sau đó tán thành bột mịn hòa cùng với mật ong, viên lại thành những viên nhỏ. Mỗi ngày dùng một ít và dùng liên tục trong vòng 1 tháng sẽ giúp bạn hết bị đau dạ dày

ngehvang

Nghệ vàng có nhiều công dụng chữa bệnh thần kỳ.

Một số bài thuốc từ nghệ vàng

Kinh nguyệt không đều: Nghệ vàng, xuyên khung, đào nhân, mỗi vị 8g; ích mẫu, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; sinh địa 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 2 – 3 tuần, trước khi có kinh. Uống vài ba liệu trình cho đến khi các triệu chứng ổn định.

Đau bụng kinh: Uất kim 15g, huyền hồ 10g. Cả hai đều chích giấm. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn. Uống 2 – 3 tuần.

Trướng bụng, đau bụng: Khương hoàng hoặc uất kim, hương phụ, sài hồ, đồng lượng 9 – 12g. Sắc uống hoặc làm thuốc bột, ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 – 1,5 giờ.

Viêm gan virus cấp tính: Nghệ 12g; nhân trần, bồ công anh, bạch mao căn mỗi vị 40g; chi tử 16g; đại hoàng, hoàng liên mỗi vị 9g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 – 4 tuần lễ.

Viêm gan mãn tính: Nghệ 4g; côn bố, đình lịch tử mỗi vị 12g; hạt bìm bìm, hải tảo mỗi vị 10g; quế tâm 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn.

Sỏi gan, sỏi mật: Uất kim, phèn chua đồng lượng 10g. Hai vị tán bột uống ngày một thang, trước bữa ăn. Nếu có mật gấu gia thêm thì càng tăng công hiệu.

Mụn nhọt: nghệ vàng 100g, củ ráy dại 150g, dầu vừng 150g, nhựa thông, sáp ong 70g. Nghệ và củ ráy gọt vỏ, thái mỏng, giã nát. Cho hỗn hợp này vào dầu vừng nấu nhừ. Lọc bỏ bã, thêm nhựa thông, sáp ong vào đun nóng cho tan, quấy đều để nguội, phết lên giấy bản, dán vào mụn nhọt.

Theo Vnmedia.vn

Sự kết hợp nguy hiểm giữa thuốc và thực phẩm

Chanh và thuốc ho, sữa và thuốc kháng sinh, chocolate và thuốc trị tâm thần… là những sự kết hợp gây nguy hiểm cho người sử dụng, thậm chí có thể chết người.

su-ket-hop-nguy-hiem-giua-thuoc-va-thuc-pham

Cẩn thận khi dùng thức ăn trong thời gian uống thuốc.

Dưới đây là những sự kết hợp nguy hiểm giữa thuốc và thực phẩm nên tránh:

Chanh và thuốc ho:

Chanh, bưởi và cam có thể phá vỡ một loại enzyme phân hủy statin và một số loại thuốc khác, bao gồm thuốc ho dextromethorphan. Thuốc sau đó sẽ tích tụ trong máu bệnh nhân nên nguy cơ bị ảnh hưởng tác dụng phụ tăng lên, Mary Ellen Gullickson – dược sĩ ở Phòng khám Marshfield, tiểu bang Wisconsin, Mỹ – cho biết. Với dextromethorphan, tác dụng phụ sẽ là ảo giác và buồn ngủ còn với nhóm statin, bạn có thể bị tổn thương cơ nghiêm trọng.

Các sản phẩm sữa và thuốc kháng sinh:

Một số kháng sinh, bao gồm Cipro tác dụng với canxi, sắt và các khoáng chất khác trong các thực phẩm làm từ sữa. “Điều này ngăn cản sự hấp thu của kháng sinh làm giảm khả năng chống nhiễm trùng”, Tiến sĩ Gullickson nói. Vì vậy, bệnh nhân tránh dùng sữa, pho mát, sữa chua 2 giờ trước và sau khi uống thuốc. Ngoài ra, sữa cũng có những tác dụng không mong muốn tương tự đối với vitamin và khoáng chất.

su-ket-hop-nguy-hiem-giua-thuoc-va-thuc-pham

Không nên dùng chanh khi uống thuốc ho

Thịt xông khói và thuốc chống trầm cảm:

Hãy kiểm tra kỹ nhãn hiệu loại thuốc chống trầm cảm của bạn trước khi dùng. Nếu thuốc bạn đang dùng thuộc loại thuốc ức chế enzyme monoamine oxidase (MAOIs ) – dưới các nhãn hiệu Marplan, Nardil, Emsam hoặc Parnate…, khi kết hợp với những thực phẩm giàu axit amin tyramine có thể khiến huyết áp thay đổi đột ngột, đe dọa tính mạng. Danh sách này không chỉ có thịt xông khói mà còn xúc xích, rượu vang, dưa cải, pho mát để lâu năm, nước tương, bia hơi….

Chocolate và Ritalin:

Bên cạnh caffeine, chocolate cũng chứa một chất kích thích gọi là theobromine, Tom Wheeler – chuyên gia về thuốc lại Trung tâm Y tế Chicago (Mỹ) – cho biết. Vì vậy, kết hợp nhiều chất kích thích như chocolate và thuốc chống tâm thần Ritalin vào cơ thể người có thể dẫn đến những hành vi bất thường, co giật.

su-ket-hop-nguy-hiem-giua-thuoc-va-thuc-pham

Không nên cho người đang sử dụng thuốc chống tâm thần ăn chocolate.

Nước ép táo và thuốc chống dị ứng:

Hãy tránh nước ép táo, cam, bưởi trong vòng 4 giờ trước và sau khi bạn đã uống thuốc Allegra (fexofenadine) khi sốt mùa hè, chuyên gia Gullickson khuyên. Các loại nước này chứa một axit amin vận chuyển thuốc từ ruột vào máu. Kết quả, việc hấp thụ Allegra giảm tới 70%, giảm tác dụng chảy mũi và ngăn hắt hơi, Tiến sĩ Tom Wheeler nói.

Quế và thuốc chống đông máu warfarin:

Quế chứa hàm lượng cao chất có tên coumarin có thể khiến máu loãng, nếu dùng nhiều có khả năng gây tổn thương gan, bác sĩ Eric Newman từ Trung tâm Y tế TP Mercy ở TP Baltimore (Mỹ), nói. Vì vậy, không nên dùng quế trong thời gian dùng thuốc chống đông máu.

Rượu và acetaminophen

(Paracetamol): Rượu sẽ làm tăng tác dụng của các men chuyển chất thuốc thành chất chuyển hóa Acetylbenzoguinoneimin, gây độc hại cho gan, thận. Nói chung, không nên sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong vòng 6 tiếng trước và sau khi uống rượu.

Theo nld.com.vn

Lưu ý khi sử dụng nước oxy già

Nước oxy già hay dung dịch oxy già (còn gọi là hydrogen peroxid), có mặt trong hầu khắp các cửa hàng thuốc. Đây là thuốc có tác dụng để sát khuẩn vết thương như làm sạch vết thương, vết loét; rửa miệng trong điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và những hốc tuỷ khác; dùng nhỏ tai để loại bỏ ráy tai. Ngoài ra, oxy già còn được sử dụng kết hợp với những chất khử khuẩn khác để tẩy uế tay, da và niêm mạc…

Khi bôi nước oxy già vào vết thương ta thấy có hiện tượng sủi bọt. Đó là do khi tiếp xúc với mô bệnh nước oxy già làm giải phóng ra oxygen (gây sủi bọt) dẫn đến loại bỏ mảnh vụn của mô và loại bỏ mủ để làm sạch vết thương. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng cầm máu nhẹ.

luu-y-khi-su-dung-nuoc-oxy-gia

Ảnh minh họa – Internet

Cần lưu ý, đối với những vết thương đang lành (đang lên da non) không được bôi nước oxy già (vì sẽ gây tổn thương mô, làm cho vết thương lâu lành).

Để làm sạch vết thương, vết loét dùng nồng độ 1,5-3% hoặc dạng gel 1,5%, bôi tại chỗ. Không được bôi lên vết thương dạng đậm đặc, chưa pha loãng.

Đối với dạng gel 1,5% được dùng để làm sạch vết thương nhỏ ở miệng hoặc lợi, dùng một lượng gel nhỏ bôi vào vùng bị bệnh, để yên ít nhất 1 phút, sau đó khạc nhổ ra. Không được nhỏ oxy già vào những khoang kín của cơ thể (như đại tràng chẳng hạn), vì khi đó ô xy được giải phóng ra không có đường thoát sẽ gây ra tắc khí mạch, vỡ đại tràng, viêm trực tràng, viêm loét đại tràng và hoại tử ruột…

Không nên sử dụng oxy già để rửa miệng hoặc xúc miệng trong thời gian dài.

DS Hoàng Thu Thủy

Theo Suckhoedoisong.vn

Sử dụng thuốc gây tê cục bộ có thể bị tai biến

Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong các phẫu thuật nhỏ của phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, nhãn khoa… thuốc tuy tương đối an toàn, nhưng trong một số ít trường hợp có thể gây ra các tai biến như: rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, dị ứng với thuốc, thậm chí dẫn đến tử vong!

su-dung-thuoc-gay-te-cuc-bo-co-the-bi-tai-bien

Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ,…

Thuốc gây tê cục bộ là những thuốc có tác dụng gây tê một bộ phận nhỏ, cụ thể nào đó trên cơ thể (mí mắt, răng, ngón tay…) do ức chế sự dẫn truyền thần kinh từ các dây thần kinh ngoại biên đến não. Vì vậy, thuốc chỉ làm mất cảm giác đau nhưng không làm mất ý thức và thời gian tác dụng thường chỉ kéo dài trong vài giờ.

Thuốc thường được trình bày ở dạng thuốc tiêm, thuốc xịt, thuốc dùng ngoài (kem, mỡ…).

Thuốc gây tê cục bộ chỉ duy nhất cocain là có nguồn gốc tự nhiên, còn hầu hết các thuốc còn lại như: lidocain, benzocain, tetracain… là những dẫn chất tổng hợp.

Về cấu trúc hóa học được chia làm hai nhóm.

Một số loại thường sử dụng

Lidocain: thuốc gây tê cục bộ rất thông dụng do có tác dụng nhanh, hiệu quả và ít có độc tính. Khi vào cơ thể, lidocain sẽ có tác dụng trong vòng 3 phút và thời gian tác dụng kéo dài từ 30 – 60 phút. Nếu kết hợp với adrenalin, lidocain sẽ kéo dài thời gian tác dụng từ 1 – 2 giờ.

Bupivacain: có hoạt tính mạnh nhưng có nhiều độc tính trên tim hơn lidocain. Khi vào cơ thể, bupivacain sẽ phát huy tác dụng đầy đủ sau 30 phút và thời gian tác dụng kéo dài từ 4 – 6 giờ.

Benzocain là thuốc hấp thu chậm, ít có độc tính, có thể thoa trực tiếp lên da hay niêm mạc.

Các chỉ định điều trị

Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong một số chuyên khoa như:

Nha khoa:

Sử dụng gây tê trong nhổ hay trám răng.

Giúp giảm đau khi thoa trực tiếp lên vùng răng, miệng bị tổn thương như: viêm nướu, sâu răng, loét miệng…

Nhãn khoa:

Sử dụng gây tê trong tiểu phẫu các bệnh lý về mắt như: mắt bị chắp, lẹo, đục thủy tinh thể…

Da liễu:

Sử dụng gây tê trong các phẫu thuật nhỏ về da như loại bỏ mụt ruồi, mụn cóc…

Trong điều trị giảm đau do phỏng (thường sử dụng ở dạng thuốc xịt).

Làm giảm triệu chứng ngứa tại một vùng nào đó của cơ thể.

Tai biến có thể xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê cục bộ

su-dung-thuoc-gay-te-cuc-bo-co-the-bi-tai-bien

Phẫu thuật thẩm mỹ:

Sử dụng gây tê trong xăm môi, xăm mắt, hút mỡ bụng…

Ung bướu:

Sử dụng gây tê trong phẫu thuật sinh thiết xác định tế bào ung thư.

Sử dụng trong phẫu thuật khối u não (ở vùng não kiểm soát ngôn ngữ) cần duy trì nhận thức của bệnh nhân.

Ngoài ra, thuốc gây tê cục bộ còn được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như:

Bệnh trĩ: thuốc gây tê cục bộ có tác dụng giảm đau, ngứa, bỏng rát…ở vùng hậu môn. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc đạn hay dạng thuốc dùng ngoài (gel, thuốc mỡ…).

Xuất tinh sớm: thuốc gây tê cục bộ được xịt hay thoa trực tiếp lên dương vật trước khi giao hợp, làm giảm cảm giác khi quan hệ nên kéo dài thời gian xuất tinh.

Những lưu ý khi sử dụng

Không sử dụng thuốc gây tê cục bộ với bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thành phần của thuốc.

Thuốc gây tê cục bộ có thể gây ra các tác dụng phụ như tê lưỡi, chóng mặt, mờ mắt, co giật, viêm da dị ứng…hay các tai biến đe dọa đến tính mạng! Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

DS. MAI XUÂN DŨNG

Theo Suckhoedoisong.vn

Phát hiện loại thuốc chống và ngăn chặn ung thư tái phát

Các nhà khoa học tin rằng thuốc này làm tăng kháng tự nhiên của cơ thể có thể giúp chống lại các bệnh ung thư và ngăn chặn chúng tái phát.

Các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra một loại thuốc có tác dụng chống ung thư nhờ đẩy mạnh sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách tăng khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Mới đây, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi thấy chất ức chế Delta cũng có tác dụng đối với các bệnh ung thư khác chứ không phải chỉ với bệnh ung thư máu như trước đây.

Loại thuốc dạng uống này đã được thử nghiệm thành công với bệnh nhân ung thư bạch cầu. Hiện nay, các nhà khoa học tại Đại học UCL và Viện Babraham thuộc Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ra chất ức chế cùng loại cũng có hiệu quả chống lại ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư da và ung thư vú…

Bình thường, tế bào ung thư ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách sản xuất một loại enzyme gọi là “p100delta” – một chất khiến cơ thể khó chống lại bệnh tật. Các loại thuốc được nghiên cứu sẽ “ức chế enzyme”, cho phép hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khối u. Một lợi ích khác của thuốc là nó sẽ xây dựng khả năng miễn dịch và khiến bệnh ung thư không thể tái phát. Điều này khác với việc chúng ta không chắc chắn được rằng các tế bào ung thư đã bị tiêu diệt sạch trong quá trình hóa trị liệu hay chưa.

Mặc dù nghiên cứu được tiến hành thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu tin tưởng nó sẽ có hiệu quả ở người và hy vọng rằng thử nghiệm trên người sẽ sớm được bắt đầu.

phat-hien-loai-thuoc-chong-va-ngan-chan-ung-thu-tai-phat

Các nhà khoa học tin rằng thuốc này làm tăng kháng tự nhiên của cơ thể có thể giúp chống lại các bệnh ung thư và ngăn chặn chúng tái phát. Ảnh Alamy

“Điều này giúp hệ thống miễn dịch của bạn chống lại các bệnh ung thư tốt hơn và có dường như có hiệu quả với tất cả các bệnh ung thư. Thuốc có tác dụng đến một ngưỡng nhất định nếu khối u không quá lớn. Nó cũng rất hiệu quả nếu dùng sau phẫu thuật để ngăn ngừa sự lây lan”, Giáo sư Bart Vanhaesebroeck của Viện Ung thư UCL, người đầu tiên phát hiện ra enzyme P110 vào năm 1997 cho biết.

“Và cũng thật thú vị khi nhận ra rằng ngăn chặn “p110delta” cũng có tác dụng đáng kể thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư máu cũng như bệnh ung thư khác”, Giáo sư Bart Vanhaesebroeck cho biết thêm.

Nhóm nghiên cứu cho thấy ức chế enzyme ở chuột cũng làm tăng đáng kể tỉ lệ sống sót ở những bệnh nhân bị các loại ung bướu cả thể rắn, lỏng lẫn u máu…

Những con chuột bị ung thư vú trong thí nghiệm khi được dùng thuốc tăng gấp đôi thời gian sống sót. Bệnh ung thư của chúng cũng ít lây lan hơn, khối u phát triển chậm hơn. Tỉ lệ sống sóng sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư vú cũng được cải thiện đáng kể. Điều này có ý nghĩa lâm sàng quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư vú quay trở lại sau phẫu thuật.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng hệ thống miễn dịch đã ” ghi nhớ” các bệnh ung thư và có thể chống lại một lần nữa nếu bệnh tái phát.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các chất ức chế có thể làm thay đổi hoàn toàn: từ chỗ ung thư trở nên miễn dịch với hệ thống bảo vệ của cơ thể chuyển sang cơ thể trở nên miễn ung thư. Đây là cơ sở cho việc sử dụng các loại thuốc này để chống lại ung thư thể rắn và ung thư máu, có thể dùng cùng lúc với vắc-xin chống ung thư, liệu pháp tế bào và phương pháp điều trị khác thúc đẩy phản ứng miễn dịch khối u cụ thể”, Tiến sĩ Klaus Okkenhaug của Viện Babraham tại Đại học Cambridge, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu cho biết.

Các loại thuốc này đang được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng và được công nhận là liệu trình trị liệu đột phá bởi Cục Dược phẩm Liên bang ở Mỹ (FDA) và có thể được phát triển đẩy mạnh. Thuốc có thể được đưa vào sử dụng trong vòng vài năm nếu được chấp thuận bởi cơ quan quản lý châu Âu và Viện Lâm sàng.

Giáo sư Nic Jones, nhà khoa học nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh và là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu ung thư Manchester, cho biết: “Phương pháp điều trị là “đào tạo” hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature và được tài trợ bởi Tổ chức nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, Hội đồng nghiên cứu Khoa học về Sinh học và Công nghệ sinh học Anh.

Theo Afamily.vn

Lưu ý đặc biệt khi dùng miếng dán chống say xe

Mùa hè – mùa du lịch, nhiều người bị say tàu xe đã cố gắng thực hiện những chuyến du lịch bằng việc sử dụng thuốc chống say tàu xe. Một trong những dạng thuốc được mọi người dùng nhiều là miếng dán chống say xe. Bên cạnh hiệu quả mà miếng dán say xe mang lại, vẫn có nhiều tác dụng phụ không thể lường trước xảy ra. Để có một mùa du lịch thật an toàn, mọi người cần biết những lưu ý đặc biệt khi dùng miếng dán chống say xe.

Loại thuốc điều trị xuyên da và các tác dụng phụ

Miếng băng dán (hay còn gọi là cao dán) dùng dán lên da sau tai để chống say tàu xe. Khác với các loại cao dán thông thường chỉ có tác dụng ngay tại chỗ dán, miếng dán chống say tàu xe là loại có tác dụng toàn thân hay còn gọi là băng dán xuyên da (có tác dụng không khác gì thuốc uống). Sau khi dán lên da khô phía sau tai, các thành phần thuốc trong miếng dán sẽ thấm dần xuyên qua da vào máu và phát huy tác dụng toàn thân (còn gọi là hệ điều trị xuyên da – transdermal therapeutic system, viết tắt là TTS). Miếng dán say xe là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Khi dán trên da, các dược chất sẽ thấm qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu. Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.

luu-y-dac-biet-khi-dung-mieng-dan-chong-say-xe

Nên dán vào vùng da khô sau tai để có hiệu quả chống say tàu xe tốt hơn.

Ưu điểm của miếng dán là tiện sử dụng, không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hóa bởi gan như thuốc uống, có thể cung cấp dược chất một cách liên tục, không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày, khi muốn ngưng điều trị, chỉ cần bóc bỏ miếng dán ra khỏi da là được. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dạng thuốc băng dán xuyên da này có thể gây các tác dụng phụ rất khó chịu.

Vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Cụ thể, miếng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là liệt đối giao cảm (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)…

Những lưu ý khi sử dụng

Nên dán miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 – 6 giờ trước khi lên xe bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng (nếu sáng hôm sau khởi hành thì nên dán vào ngay buổi tối trước khi đi để thuốc có đủ thời gian thẩm thấu). Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.

Cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán… để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2 – 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học, thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng phụ bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng. Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó, người sử dụng đang ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, các tác dụng phụ rất khó tránh khỏi và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc. Tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.

Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8 – 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. Khi đang dán miếng dán chống say xe xuyên da mà cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da. Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc để bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ miếng băng dán, nên rửa tay thật kỹ để thuốc không dính vào đồ ăn, thức uống vô tình được đưa vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Sau khi dùng, không nên bỏ miếng dán bừa bãi mà nên bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em.

DS. HOÀI THANH

Theo Suckhoedoisong.vn

4 lời khuyên quan trọng cho người cao tuổi khi dùng thuốc

Khi dùng thuốc, dù là thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ hay thuốc không kê đơn thì bạn đều cần phải rất thận trọng, đặc biệt là đối với người cao tuổi (NCT). Và nếu bạn đang chăm sóc người thân cao tuổi của mình thì nên giúp họ dùng thuốc một cách an toàn.

Tuổi tác càng cao sức khỏe càng yếu, xuất hiện nhiều bệnh, NCT càng hay phải dùng các thuốc và thậm chí phải dùng nhiều loại thuốc một lúc. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng thuốc nguy hiểm.

Khi chúng ta già đi, các thay đổi trong cơ thể làm ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, dẫn đến các nguy cơ biến chứng. Ví dụ, thận và gan không còn hoạt động tốt nữa, điều này ảnh hưởng sự phân bố và đào thải thuốc ra khỏi cơ thể. Các thay đổi ở hệ tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến thời gian thuốc đi vào trong máu. Dưới đây là 4 lời khuyên quan trọng cho NCT khi dùng thuốc.

Uống thuốc theo đơn

Uống thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không bỏ liều hoặc dừng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ (kể cả khi cảm thấy tình trạng bệnh của mình khá hơn hoặc cảm thấy thuốc không có tác dụng). Đối với thuốc trị các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường… thường chỉ có tác dụng khi được dùng thường xuyên theo chỉ dẫn và phải dùng thuốc liên tục để kiểm soát bệnh của mình.

Người cao tuổi cần dùng thuốc một cách thận trọng hơn.

Thực tế cho thấy, việc chia liều dùng của thuốc đã được các nhà nghiên cứu dựa trên các thử nghiệm lâm sàng. Mỗi loại thuốc được định liều dựa theo những gì đã được thử nghiệm một cách khoa học. Đó là một trong những lí do NCT không nên tự chọn liều dùng theo ý thích. Nếu đang gặp tác dụng phụ của thuốc hay có những băn khoăn cần được giải đáp, hãy liên lạc với bác sĩ hoặc dược sĩ của mình.

Có danh sách thuốc

Viết ra các loại thuốc mà bản thân đang dùng và giữ danh sách đó theo người. Cân nhắc việc sao thêm một bản để đưa cho người thân mà mình tin tưởng – đây là một bước quan trọng, đặc biệt trong những tình huống cấp cứu và khi đi du lịch. Ghi lại tên thuốc, công dụng và liều dùng (ví dụ, 1 viên 300mg mỗi ngày chẳng hạn)…

Cuối cùng, ghi lại thời điểm uống mỗi loại thuốc. Theo bà Kweder, Phó Giám đốc Phòng Thuốc mới – Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ, người bệnh cần phải biết rõ các loại thuốc mình dùng, thậm chí hơn cả bác sĩ.

Cảnh giác với các phản ứng có thể xảy ra

Hãy nhớ rằng, khi NCT ngày càng già đi, nguy cơ gặp phải các phản ứng thuốc cao hơn. Các phản ứng có thể xảy ra khi một thuốc ảnh hưởng đến cách hoạt động của loại thuốc khác (tương tác thuốc), hoặc bản thân mắc thêm một căn bệnh nào đó có thể làm cho một loại thuốc nhất định đang sử dụng trở nên có hại, hoặc một loại thực phẩm hoặc đồ uống không cồn phản ứng với thuốc hoặc một loại thuốc phản ứng với đồ uống có cồn (tương tác thuốc với đồ uống)…

NCT cần phải làm gì? Tìm hiểu xem những phản ứng nào có thể xảy ra. Người bệnh có thể làm điều này bằng cách đọc kỹ các thông tin về thuốc trên nhãn của thuốc OTC và các thông tin đi kèm với các thuốc bán theo đơn và bằng cách xem xét tất cả các chỉ dẫn đặc biệt của bác sĩ. Ví dụ, nitroglycerin được dùng để điều trị đau thắt ngực (chứng đau ngực có liên quan đến bệnh tim), không nên được dùng kèm với nhiều loại thuốc điều trị rối loạn chức năng cương dương, bao gồm viagra và cialis, bởi các phản ứng nguy hiểm có thể xảy ra. Và, một số loại thuốc không nên được dùng kèm với thức uống có cồn, bởi có thể xảy ra sự mất phối hợp và mất trí nhớ.

Nếu phải gặp nhiều bác sĩ, hãy nói với mỗi người về các loại thuốc và thực phẩm chức năng bản thân đang dùng. Cũng có thể hỏi dược sĩ về các phản ứng có thể xảy ra.

Rà soát lại các thuốc đang dùng

Hãy đặt kế hoạch xem xét lại các thuốc đang dùng với bác sĩ ít nhất mỗi năm một lần để xác định loại thuốc nào vẫn còn cần thiết và loại thuốc nào có thể ngừng dùng (nếu có).

Nếu một loại thuốc nhất định quá đắt, có thể hỏi bác sĩ liệu có loại thuốc thay thế nào rẻ hơn mà vẫn có hiệu quả hay không. Việc xem xét này có thể giúp tránh các phản ứng thuốc và tiết kiệm chi phí. Theo bà Kweder, đôi khi, đặc biệt là khi người bệnh đang khám nhiều bác sĩ khác nhau, một số câu hỏi có thể bị quên lãng. Song, không có câu hỏi nào về thuốc là vớ vẩn và không quan trọng cả. Bà Kweder cho biết thêm, cộng đồng của chúng ta phụ thuộc vào dược phẩm để sống lâu hơn và có chất lượng hơn. Mỗi chúng ta cần phải tiếp cận được nguồn lợi này, song cần phải chú ý rằng không thể đùa được với thuốc. Để tận dụng chúng, cần phải sử dụng chúng một cách cực kỳ cẩn thận và theo chỉ dẫn.

DS. HOÀNG THU THỦY

Theo Suckhoedoisong.vn