Lưu trữ cho từ khóa: chế biến

4 món xôi dễ chế biến

1. Xôi gánh ngũ sắc

xoi-ganh-9944-1379379790.jpg

Nguyên liệu:

- 1 kg nếp, 200 g đậu phụng, 200 g đậu đen, 200 g đậu xanh cà còn vỏ, 200 g đậu xanh cà không vỏ.

- 1 kg dừa nạo vắt lấy nước, 1 lít nước dừa, hành phi, đậu phụng rang, vừng rang, lá chuối, dừa bào sợi.

Cách chế biến:

- Hạt sen, đậu đen, đậu xanh cà, đậu phụng rửa sạch rồi luộc chín. Đậu xanh cà không vỏ luộc chín, 1/2 trộn với nếp, 1/2 còn lại tán nhuyễn với ít muối, đường. Đậu phộng, vừng rang giã nhỏ để làm muối vừng.

- Nếp ngâm mềm qua đêm, đãi sạch rồi ngâm với nước dừa trong khoảng 30 phút. Vớt nếp ra để ráo rồi xóc với ít muối. Dừa bào sợi để riêng.

- Chia nếp làm năm phần rồi trộn đều với các loại đậu, hạt sen. Cho vào xửng hấp chín, trong quá trình hấp nhớ rưới đều nước cốt dừa để xôi chín mềm, thơm ngon. Xôi hấp chín cho vào lá chuối, rắc muối vừng, hành phi dừa nạo lên rồi dùng khi nóng.

2. Xôi mặn

xoi-man-5749-1379379790.jpg

Nguyên liệu:

- 500 g nếp, 2 cây lạp xưởng, nước tương.

- 100 g chà bông, 100 g chả lụa, 100 g pate gan, hành lá.

Cách chế biến:

- Nếp ngâm mềm, vo sạch rồi đem hấp chín.

- Lạp xưởng nướng chín, thái lát mỏng. Chả lụa thái sợi. Hành lá thái nhỏ, phi làm mỡ hành.

- Xôi hấp chín cho ra đĩa, xịt ít nước tương rồi trét một lớp pate. Tiếp đến cho lạp xưởng, chà bông, chả lụa. Cuối cùng là mỡ hành, nếu thích bạn có thể cho ít tương ớt để món ăn đậm đà hơn.

3. Xôi mít lá cẩm

xoi-mit-9371-1379379791.jpg

Nguyên liệu:

- 8-10 múi mít to, 1 bát con nếp.

- Muối, đường, 200 ml nước cốt dừa, 1 thìa nhỏ muối, 1 thìa nhỏ đường cát trắng, 1 thìa nhỏ bột ngô.

- 1 mớ lá cẩm để tạo màu tím, dừa bào sợi, vừng rang chín.

Cách chế biến:

- Lá cẩm rửa sạch, để ráo. Cho lá cẩm vào nồi đun sôi để lấy màu, vớt bỏ lá, nước để nguội.

- Nếp đãi sạch, ngâm vào âu nước lá cẩm, cho một ít muối rồi ngâm nếp qua đêm. Cho nếp vào xửng rồi hấp chín, thỉnh thoảng dùng đũa xới đều, thêm muối, đường cho vừa ăn.

- Mít ăn kèm với xôi thì bạn nên lựa mít chín, múi to, đầy đặn, dùng dao xẻ một đường ở thân múi mít, lấy bỏ hạt mít. Cho nước cốt dừa, muối, đường, bột ngô, bắc lên bếp, vừa đun vừa khuấy đến khi phần nước cốt dừa đặc lại thì tắt bếp, để nguội.

- Múi mít sau khi xẻ thì dùng thìa múc một ít xôi cho vào giữa, tiếp theo bên trên rắc một ít dừa bào sợi, thêm muối vừng và rưới một ít nước cốt dừa.

4. Xôi khúc nhân trứng muối

xoi-khuc-6429-1379379791.jpg

Nguyên liệu:

- 1/2 kg nếp, 8 trứng vịt muối, 1 bó lá dứa.

- 200 g thịt bằm, 200 g bột nếp, 100 g hành tím bằm nhỏ, 50 g đậu phụng rang, 10 g hành phi, 1 thìa cà phê muối.

- Làm nhân bánh: Trứng vịt muối luộc chín lấy lòng đỏ. Ướp thịt heo bằm với hành tím bằm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa đường, 2 thìa tiêu bột rồi trộn đều.

Cách chế biến:

- Nếp ngâm qua đêm vo sạch rồi để ráo nước. Trộn đều nếp với 1 thìa cà phê muối. Lá dứa rửa sạch, cho vào máy sinh tố với 400 ml nước lọc rồi xay lấy nước. Lược qua rây để loại bỏ cặn.

- Trộn 1/2 nước lá dứa với nếp rồi để trong khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra để ráo. Bột nếp trộn với nước lá dứa rồi nhồi đến khi mềm và dẻo là được.

- Vo bột nếp thành từng viên nhỏ, nặn dẹp cho phần nhân vào giữa rồi vo tròn lại. Tiếp tục lăn phần nhân qua nếp tạo thành một lớp bám dày bên ngoài làm vỏ xôi. Xếp xôi vào xửng đem hấp chín trong khoảng 40 phút. Xôi hấp xong cho ít hành phi, đậu phộng giã nhỏ lên trên và dùng nóng với muối vừng.

Khánh Hòa

Sai lầm khi xào nấu rau

Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên trang The Health, rau xanh cũng như các loại củ quả cung cấp nhiều vitamin cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên do một số thói quen chế biến rau thiếu khoa học, người đầu bếp có thể làm hao tổn rất nhiều dinh dưỡng trong quá trình xào nấu. 

raucu-1377747898.jpg

Ảnh minh họa: shutterstock.

1. Thời gian xào nấu quá lâu

Các vitamin có trong rau củ rất "nhạy cảm", nếu được đun nấu dưới ngọn lửa nhỏ trong thời gian dài, nó rất dễ bị phân hủy. Vì thế chuyên gia dinh dưỡng khuyên thời gian xào nấu rau củ không nên kéo dài, tốt nhất nên đun với ngọn lửa lớn và không nên cho quá nhiều nước để giảm thiểu tổn thất vitamin.

2. Cắt rau xong không nấu ngay

Đa phần vitamin trong rau ở trạng thái "dễ bay hơi". Vì thế sau khi cắt rau không nấu ngay mà để trong một thời gian dài, phần lớn vitamin sẽ bị ôxy hóa. 

3. Nhặt bỏ lá rau

Một số bà nội trợ có thói quen nhặt bỏ phần lá khi chế biến rau muống, rau nhúc... Đây là việc làm sai lầm và lãng phí bởi lượng vitamin có trong lá rau hay thân, cọng cũng nhiều như nhau.

4. Cắt rau xong mới rửa

Tốt nhất bạn nên rửa rau xong rồi mới cắt, như thế sẽ đảm bảo lượng vitamin vẫn còn nguyên vẹn. Theo nghiên cứu, vitamin có trong rau thường ở dạng nước nên nếu cắt rau xong mới rửa, bạn đã vô tình "rửa" đi lượng lớn vitamin.

5. Gọt bỏ hết vỏ rau củ

Nhiều người cho rằng vỏ rau củ thường là phần tiếp xúc với đất bẩn nên gọt bỏ đi hết. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một số loại rau củ tươi mà vỏ chứa nhiều vitamin C hơn cả thân và lá. Chẳng hạn bí đỏ, củ cải, cà rốt, cà tím... Vì thế các bà nội trợ được khuyên, ngoại trừ loại củ có vỏ cứng không nấu mềm được, không nên gọt hết vỏ rau củ, chỉ cần rửa thật sạch trước khi chế biến là được.

Thi Trân (The Health)

Sử dụng và chế biến thịt để đông đúng cách

Đầu bếp Võ Quốc sẽ giúp bạn rã đông và chế biến thịt để đông một cách hiệu quả nhất.

- Trước khi chế biến cần rã đông thịt tự nhiên trong khoảng 2-3 tiếng, tránh không ngâm thịt vào nước lạnh quá lâu hoặc dùng nước nóng để rã đông. Nhiệt độ của nước sẽ làm cho các protein, chất ngọt trong thịt bị tiêu hao đáng kể.

bo-bo-1377488267.jpg
Cho một ít gừng vào nước rã đông sẽ giúp miếng thịt tươi ngon trở lại. Ảnh: Khánh Hòa.

- Bạn có thể dùng nước lạnh pha thêm ít muối để rã đông cho nhanh. Cách này vừa giữ được chất dinh dưỡng trong thịt, lại bảo đảm vệ sinh. Có thể cho thêm ít gừng tươi đập dập cho vào nước ngâm thịt. Gừng sẽ giúp thịt tươi ngon trở lại.

- Sau khi rã đông, rửa thịt nhanh qua nước lạnh và chế biến ngay. Tốt nhất nên cắt thịt thành miếng hơi lớn và cho vào khi nước đã sôi.

- Với những món cần sử dụng thịt băm để chiên thì nên đảo qua một lớp bột mỏng để thịt không bị mất nước trong quá trình chế biến. Hãy để dầu vừa nóng tới, không nóng quá mà cũng không nguội quá. Dầu nóng sẽ dễ làm cho thịt bị cháy khét bên ngoài, lớp mỡ đi kèm dễ bị phân hủy. Ngược lại, dầu nguội sẽ làm cho viên thịt dễ bị vỡ vụn, mất độ kết dính, không tạo được hình dạng như ý muốn.

Khánh Hòa

Cách hạn chế mất vitamin C khi chế biến rau

Những món ăn từ rau như xào, luộc, nấu canh... đều rất dễ chế biến và thường không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta chế biến không đúng cách nên làm mất đi một lượng vitamin C đáng kể.

rau-2-1377020359.jpg

Khi luộc hay nấu canh, bạn nên để nước thật sôi mới cho rau vào, điều đó giúp rau nhanh chín, giữ được màu xanh mà lại không bị mất chất dinh dưỡng.

Những chia sẻ của đầu bếp Thanh Nga sẽ rất hữu ích cho bạn trong việc chế biến món rau:

- Rau để luộc bạn không nên ngắt nhỏ mà nên ngắt từng đoạn lớn hoặc để nguyên sẽ hạn chế việc mất vitamin C.

- Khi luộc rau nên cho chút muối vào nước để bảo vệ vitamin C có trong rau. Không nên hâm nóng rau nhiều lần, nên dùng rau trong khoảng một giờ kể từ khi được chế biến xong.

- Trong quá trình nấu canh, nên cho rau vào khi nước đã sôi, tránh cho rau lúc nước còn nguội sẽ làm phân tán vitamin C trong quá trình làm nóng. Chỉ nên dùng đũa bằng gỗ tre để đảo rau thay vì dùng đũa bằng kim loại sẽ phá hủy vitamin C trong thức ăn.

- Nước trong nồi khi đun nấu phải ngập hết phần rau xanh, nếu rau tiếp xúc với không khí khi đang nấu sẽ làm phân hủy vitamin C.

rau-1-1377020360.jpg

Khi xào rau, bạn nhớ cho nhiều dầu ăn để rau ít bị mất vitamin C khi chế biến.

- Với rau muống, điều quan trọng nhất khi luộc là thời gian. Bạn không nên luộc rau quá lâu sẽ làm rau bị nhũn và mất màu xanh. Thời gian luộc rau lâu nhất là dưới 7 phút.

- Sử dụng xoong có kích thước lớn, đổ nhiều nước sẽ giúp bạn rút ngắn quá trình luộc rau và giúp rau xanh hơn. Khi vớt rau ra, nước luộc rau cũng nhanh nguội nên không bị đen đi.

- Đối với món hấp phải luôn đậy kín, với món chiên, xào nên sử dụng nhiều dầu ăn để đảm bảo rau được bao phủ bởi một lớp dầu mỏng để rau không tiếp xúc trực tiếp với oxy.

Khánh Hòa

Chế biến hải sâm khô thế nào?

Tôi mới được một người bạn cho ít hải sâm khô và nói rằng có tác dụng cường dương rất tốt, không biết có đúng không. Cách chế biến như thế nào cho phù hợp? – Nguyễn Văn Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội).

che-bien-hai-sam-kho-the-nao

DS Phan Đức Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM trả lời:

Hải sâm là thực phẩm cao cấp thuộc loại “sơn hào, hải vị” vừa ngon, vừa bổ dưỡng (tăng cường sức lực) vì giàu chất đạm, khoáng, vi lượng và đặc biệt giàu testosteron nên người ta cho hải sâm là thực phẩm bổ dương (cường dương) mặc dù ăn vào dịch tiêu hóa sẽ làm mất tác dụng của loại kích tố nam này. Đặc biệt, hải sâm khô thì độc chất cũng như testosteron bị hư hủy, không còn tác dụng.

Cách chế biến: Hải sâm khô ngâm nước 5 – 6 giờ cho nở ra, rửa sạch đất cát rồi kho, nấu… với các gia vị như gừng, đinh hương, thảo quả hoặc các vị thuốc đương quy, xuyên khung, hoài sơn, đẳng sâm, đại táo… để ăn.

Theo Kienthuc.net.vn

Cách hạn chế chất độc khi chế biến món nướng

Trong quá trình chế biến món nướng, thực phẩm và gia vị bị đốt cháy thường sinh ra nhiều chất độc có hại cho sức khỏe của mỗi người.

Dưới đây là những chia sẻ của đầu bếp Võ Quốc nhằm giúp bạn hạn chế được các chất độc trong quá trình nướng thức ăn:

bo-nuong-1376908923.jpg
Trong quá trình nướng, nhớ thường xuyên quết dầu ăn lên thực phẩm để thực phẩm không bị khô hay cháy. Ảnh: Khánh Hòa.

- Trước khi nướng, nên lọc kỹ phần thịt mỡ, đối với thịt băm nên cho thêm chút bột mì để ngăn cản sự phát sinh các chất gây hại. Nên chia các nguyên liệu thành từng phần nhỏ và có thể nấu trước một vài phút khi nướng. Cách này có thể giảm lượng HCA (chất gây ung thư) trong thực phẩm.

- Những món nướng có tẩm ướp các gia vị có axit như chanh, giấm… thì nên cho nhiều hơn một chút vì chúng sẽ làm dung hòa bớt chất độc của thức ăn khi nướng.

- Nên làm chín từng mặt thịt, cá rồi mới chuyển qua mặt còn lại, tránh đảo đi đảo lại nhiều lần thịt sẽ lâu chín. Quét dầu liên tục lên thực phẩm trong quá trình nướng giúp chúng mềm và nhanh chín, không bị khô.

- Tốt nhất nên nướng thức ăn bằng lò vi sóng hoặc lò nướng vì dễ điều chỉnh nhiệt độ và thời gian. Những sản phẩm hiện đại này thường có bộ phận hứng mỡ và dịch tiết ra của thực phẩm nên sẽ không có khói, điều này có lợi cho sức khỏe, thức ăn không bị ám mùi khói.

mon-nuong-1376908923.jpg
Nếu nướng bằng than củi, bạn nển để than cháy hết trước khi nướng để hạn chế chất độc trong quá trình nướng. Ảnh: Khánh Hòa.

- Nướng trên than hoa là các nướng phổ biến và cũng được nhiều thực khách yêu thích vì mùi thơm bốc lên trực tiếp. Để tránh độc, nên để than cháy hết và không còn khói mới cho thực phẩm lên nướng. Ngoài ra có thể dùng giấy bọc hoặc lá chuối bọc thực phẩm rồi nướng để tránh bị khét.

- Món nướng thường dùng lửa than, gas hoặc điện. Lưu ý, bạn đừng bao giờ nướng trên lửa củi vì chúng sẽ làm cháy thực phẩm không ngon.

Khánh Hòa

Dai dai bánh bột lọc gói xứ Huế

Nguyên liệu: 

- 300g bột năng, 200g tôm, 200g thịt ba chỉ.

- Đường, tiêu, hành lá, muối, nước mắm, hạt nêm, màu hạt điều, lá chuối.

Cách chế biến:

Phần nhân:

banh-6-1376096039_500x0.gif

- Tôm cắt bỏ râu, đuôi, rửa sạch. Thịt ba chỉ rửa sạch thái sợi vừa ăn. Phi thơm dầu, cho tôm và thịt vào xào sơ qua.

banh-4-1376096039_500x0.gif

- Nêm các loại gia vị nước mắm, đường, hạt nêm, muối, tiêu, màu hạt điều rồi rim đến khi tôm  săn chắc lại thì cho hành lá thái nhuyễn vào, tắt bếp.

banh-5-1376096039_500x0.gif

- Cho phần nhân ra đĩa để chuẩn bị làm bánh.

banh-7-1376096039_500x0.gif

- Đổ bột ra một chiếc mâm lớn, đun sôi nước. Rưới từ từ nước sôi lên phần bột, dùng đũa trộn đều. Sau đó dùng tay nhồi đến khi bột kết thành một khối, mềm, mịn và dai là được.

banh-3-1376096039_500x0.gif

- Ngắt bột thành từng viên nhỏ, rồi nặn dẹp ra (bạn có thể dùng vỏ chai sạch cán mỏng sẽ nhanh hơn). Cho phần nhân vào giữa, khép bột hai bên lại.

banh-2-1376096039_500x0.gif

- Lấy một miếng lá chuối nhỏ, thoa lên một ít dầu, cho bánh vào giữa, gói lại rồi đem hấp chín.

banh-1-1376096040_500x0.gif

- Bánh bột lọc chín trong suốt, ẩn hiện màu đỏ của tôm thịt bên trong nhìn rất đẹp mắt. Ăn kèm với món này là chén nước mắm ớt ngọt.

Khánh Hòa

Dùng trái cây đúng cách trong chế biến món ăn

Không chỉ ăn như một món tráng miệng, bạn còn có thể chế biến nhiều món ngon lạ từ trái cây. Một vài bí quyết của đầu bếp Võ Quốc sẽ giúp bạn sử dụng trái cây trong chế biến món ăn một cách tốt nhất.

- Không dùng dao và thớt cắt đồ tươi sống như thịt cá để cắt trái cây, nó sẽ bám mùi tanh vào trái cây.

salad-1374545559_500x0.jpg
Các loại trái cây như xoài, lê, táo... là nguyên liệu ưa thích cho các món salad ngon miệng ngày hè. Ảnh: SCL.

- Nhớ rửa sạch vỏ trái cây trước khi gọt để hạn chế vi khuẩn bám trên bề mặt vỏ sẽ theo tay bạn dính vào ruột trái cây.

- Những loại trái cây như táo, lê, chuối, sau khi gọt hoặc thái lát, bạn nên dùng ngay hoặc ngâm qua nước muối loãng để chúng không bị thâm.

- Không nấu hoặc chế biến dứa chung với tôm, cua, vì axit trong dứa sẽ làm thớ thịt tôm, cua bị bở.

- Một số loại trái cây như mít, măng cụt… có nhựa rất dễ bám và khó tẩy. Bạn có thể dùng dầu ăn thoa lên tay hoặc dao dính nhựa, nhựa sẽ từ từ tan ra khi bạn xoa tay hoặc chà xát dao, sau đó rửa lại bằng xà phòng là sạch.

- Nếu trái cây có axit cao, có tính chua thì phải cho vào món ăn sau cùng để các thực phẩm nấu chung không bị phân hủy.

- Tùy theo độ rắn của trái cây mà canh thời gian cho vào món ăn cho phù hợp để trái cây mềm hoặc giòn mà không mất chất.

- Các loại trái cây trộn salad phải dùng loại có thịt hơi cứng, như lê, táo, dưa hoàng kim và có thể thêm các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi nhưng tùy loại mà trộn cùng lúc hay chỉ rải thêm trên mặt để người dùng tự trộn khi ăn.

Khánh Hòa

Dân dã vả trộn miền Trung

Vả trộn là món ăn ngon miệng, dễ thực hiện và rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Trái vả thuộc họ sung nhưng trái to và ít vị chát hơn, thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn như ăn sống, nấu canh, kho cá hay trộn gỏi. 

goi-5-1374201240_500x0.jpg
Vả trộn tôm thịt ăn kèm bánh đa là món ăn rất phổ biến của người dân miền Trung.

Nguyên liệu:

- 4 quả vả tươi.

- 100g tôm, 100g thịt nạc.

- Hành lá, rau răm, hành phi, vừng, bánh đa nướng.

Cách chế biến:

goi-1-1374201240_500x0.jpg

- Vả tươi luộc vừa chín đến, gọt bỏ vỏ và thái lát vừa ăn.

goi-2-1374201240_500x0.jpg

- Tôm luộc chín, bóc bỏ vỏ. Thịt nạc luộc chín thái sợi nhỏ.

goi-4-1374201240_500x0.jpg

- Phi thơm hành, cho vả vào đảo sơ, tiếp đến cho tôm, thịt vào đảo đều. Cho vào ít hạt nêm, muối, đường rồi trộn đều.

goi-3-1374201241_500x0.jpg

- Cuối cùng cho hành lá, rau răm thái nhỏ và vừng rang vào. Để vả trộn ra đĩa và ăn kèm với bánh đa nướng.

Ngoài chế biến theo cách trộn, vả còn dùng để nấu canh với sườn non hoặc giò cũng rất ngon và bổ dưỡng. Hoặc thái lát mỏng và ăn sống với mắm ruốc Huế.

Khánh Hòa

Cách hay làm giảm mùi tanh cá

Dưới đây là những chia sẻ của đầu bếp Hải Nguyên, giúp bạn có thể hạn chế bớt mùi tanh của các loại cá trong quá trình chế biến thức ăn.

ca-kho-1-1374139784_500x0.jpg
Cá là món ăn phổ biến của người Việt. Ảnh: C.K.

1. Làm sạch cá:

- Phải làm sạch cá bằng cách bỏ đi nội tạng, đánh vảy (trừ khi bạn muốn để vảy), bỏ vây, làm sạch màng trắng đục trong bụng. Các loài cá lóc, cá thu, cá chép... hai bên sườn cá có một sợi gân trắng tạo ra mùi tanh. Khi làm cá, nhớ cắt sát mang cá sẽ thấy đường gân đó lộ ra. Dùng tay lấy đường gân đó thì cá sẽ bớt mùi tanh khi chế biến.

- Khi sơ chế các loại cá da trơn như basa, cá hú, cá trê, lươn... bạn có thể sử dụng tro bếp, chà xát lên mình cá sẽ giúp loại bỏ chất nhầy. Nếu không có sẵn tro bếp, có thể đun nước hơi nóng, rưới lên mình cá rồi dùng dao cạo sạch vừa giúp cá sạch chất nhầy vừa loại bỏ mùi tanh. 

ca-kho-3-1374139785_500x0.jpg
Những loại cá da trơn như cá ba sa, cá trê, cá hú.... cách làm sạch chất nhầy hiệu quả nhất là sử dụng tro bếp, muối hột hoặc nước nóng.... Ảnh: C.K.

2. Rửa cá với nước muối hoặc nước vo gạo:

- Những loài cá có mùi tanh đặc trưng như cá lóc, cá trê, cá chép... sau khi làm sạch, bạn có thể ngâm vào nước muối pha loãng hoặc nước vo gạo trong khoảng 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch cá sẽ bớt mùi tanh.

- Các loại cá da trơn, sau khi đã làm sạch, cách tốt nhất để hạn chế mùi tanh là lấy muối hạt chà xát lên cá, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

3. Sử dụng chanh và giấm:

- Chanh và giấm cũng là những loại nguyên liệu rất hữu ích trong việc loại bỏ mùi tanh của cá. Pha một ít nước lạnh và giấm, cho cá đã làm sạch vào rửa lại, cá sẽ bớt mùi tanh.

- Pha loãng nước cốt chanh, ngâm cá vào đó vài phút rồi làm sạch cá như bình thường. Cách này rất hữu ích với các loại cá da trơn vì nó còn giúp loại bỏ chất nhầy. Lưu ý là không nên ngâm lâu quá sẽ làm cá bị chín phần da. 

- Sử dụng nước cốt chanh hoặc giấm trắng thoa đều lên mình cá đã làm sạch, sau đó dùng khăn sạch lau khô cũng giúp làm giảm mùi tanh cho cá.

4. Sử dụng rượu trắng:

- Cá sau khi làm sạch, ướp với ít rượu trắng pha loãng trong khoảng 2 phút rồi lau khô, sẽ bớt tanh.

- Chế biến cá hấp, bạn cho ít rượu trắng vào nước hấp, hơi rượu sẽ làm mùi tanh của cá bay mất.

- Khi ướp cá với các loại gia vị, bạn có thể sử dụng một ít rượu trắng, điều này không chỉ làm cá mất mùi tanh mà còn chín mềm và thơm ngon hơn.

ca-kho-2-1374139785_500x0.jpg
Ướp cá với các loại gia vị có mùi thơm hay cay như tiêu, ớt, gừng, hành... sẽ giúp cảm giảm bớt mùi tanh. Ảnh: C.K.

5. Sử dụng các loại gia vị:

- Ướp cá với các loại gia vị có mùi thơm như tiêu, hành, ớt, gừng, rau cần... để làm bớt mùi tanh. Chà xát cá với ít rau răm cũng giúp loại bỏ mùi tanh cho cá.

- Các loại rau có vị chua như mẻ, me, sấu, khế... nấu với cá cũng giảm mùi tanh.

- Để làm món cá rán, bạn ngâm cá vào ít sữa bò tươi, khi rán sẽ không tanh và có hương vị thơm ngon.

Lưu ý, các món ăn từ cá dù rán, kho, hấp hay nấu canh... nên thưởng thức ngay khi còn nóng. Điều này không chỉ đem lại sự ngon miệng mà còn giúp bạn tránh được mùi tanh của món ăn khi để nguội. 

Khánh Hòa