Lưu trữ cho từ khóa: rối loạn tâm thần

Nhận biết và phòng tránh rối loạn tâm thần trong mùa thi

Hàng năm, cứ vào mùa thi, tỉ lệ học sinh rối loạn tâm thần liên quan đến những căng thẳng, áp lực học và thi lại tăng cao. Những bệnh lý thường gặp là rối loạn lo âu, trầm cảm, đôi khi sự căng thẳng này là yếu tố khởi phát một bệnh lý loạn thần. Vậy làm thế nào để nhận biết và phòng tránh những bệnh lý này?

Trầm cảm

Là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc với sự suy giảm về cảm xúc và hoạt động, ý nghĩ. Người bệnh cảm thấy buồn chán, lo lắng, căng thẳng, trống rỗng trong người, không hy vọng gì vào tương lai, cảm thấy mình không có giá trị, không hứng thú trong các hoạt động mà trước kia mình thích, ăn không còn cảm thấy ngon miệng, kém sự tập trung chú ý, hay quên, không thể quyết định được công việc của mình, bệnh nhân có thể mất ngủ hoặc ngủ nhiều, mệt mỏi, đau đầu, nặng có thể có ý tưởng, hành vi tự sát.

nhan-biet-va-phong-tranh-roi-loan-tam-than-trong-mua-thi

Thiếu serotonin trong não là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm lý

Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, biểu hiện trầm cảm thường gắn liền với sự gián đoạn và hiệu quả của công việc học tập. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ở lứa tuổi này thường cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4 – 6% với tỉ lệ mắc bệnh có thể tới 16%. Trầm cảm thường xuất hiện với những biểu hiện: Cảm giác quá buồn chán hoặc thất vọng, tuyệt vọng; Cảm thấy không còn sự hy vọng và luôn cho rằng mọi việc đối với mình sẽ không bao giờ có thể tốt lên được; Mất đi những sở thích tham gia vào các hoạt động mà trước kia mình hứng thú. Giảm hoặc mất đi sự ngon miệng; Gầy sút cân hoặc tăng cân trong một thời gian ngắn mà không có một căn bệnh nào khác của cơ thể; Đau ở nhiều nơi trong cơ thể, ví dụ đau đầu, đau lưng… mà không có căn nguyên bệnh lý nào dẫn đến đau như vậy; Cảm giác mệt mỏi;Không có mục đích gì cho tương lai; Có những rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ hoặc ngủ nhiều; Có cảm giác có tội, đánh giá thấp giá trị bản thân mình, tự ti, mất tự tin; Cảm giác lo lắng, căng thẳng.

Hay quên, kém tập trung vào công việc, chán nản không muốn học, hay quên, điểm thi kém và đây là điều mà các em hay nói với bác sĩ nhất khi đi khám bệnh.

Có ý nghĩ muốn chết, có thể có hành vi tự sát hay hủy hoại bản thân. Trầm cảm là một nguyên nhân dẫn đến tự sát, nhất là những trường hợp nặng. Những biểu hiện cần chú ý để phát hiện dấu hiệu muốn tự sát là: Nói về ý định tự sát hoặc nói chung về cái chết, nói những lời ám chỉ rằng mình sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa, nói về cảm giác bi quan, không còn hy vọng hoặc cảm thấy có tội, tránh xa gia đình và bạn bè, viết những bức thư nói về cái chết, sự chia lìa hoặc sự mất mát, cho đi những đồ vật mà mình thích.

Khi phát hiện ý tưởng tự sát, cần phải điều trị nội trú và giám sát chặt chẽ với người bệnh vì đây là một cấp cứu trong tâm thần học.

Rối loạn lo âu

Cũng rất thường gặp ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, nhất là vào mùa thi.

nhan-biet-va-phong-tranh-roi-loan-tam-than-trong-mua-thi

Áp lực thi cử có thể khiến các em bị rối loạn tâm lý.

Rối loạn lo âu thường có biểu hiện như sau: Bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên; Vã mồ hôi; Run tay chân; Ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ; Cảm xúc không ổn định: khóc lóc, lo lắng và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày và không thể nào chấm dứt được sự lo lắng đó.

Trẻ biểu hiện chậm chạp, thường xuyên vắng mặt ở lớp học, ít tham gia vào các hoạt động giao lưu với bạn bè ở lớp.

Trẻ lo lắng quá mức để làm thế nào có thể thành công khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở trường, lớp, luôn luôn mong muốn việc mình làm phải hoàn hảo.

Nhiều trường hợp rối loạn lo âu có thể dẫn đến kết hợp sử dụng thêm chất kích thích như rượu và các chất gây nghiện khác.

Có biểu hiện của trầm cảm kèm theo.

Biểu hiện loạn thần

Rất nhiều trường hợp, sự học hành căng thẳng là một yếu tố khởi phát một bệnh lý loạn thần cấp với những dấu hiệu như sau:

Bệnh nhân có biểu hiện đêm ít ngủ.

Có biểu hiện hoang tưởng: nghi ngờ có người theo dõi mình bằng các phương tiện máy móc, tia xạ, sóng điện từ, camera, gắn những dụng cụ vào người mình như con chip… để giám sát theo dõi bệnh nhân.

Ảo giác: thường gặp là ảo thanh dạng lời nói trò chuyện với bệnh nhân, ra lệnh cho người bệnh. Những ý nghĩ của bệnh nhân đều có người khác biết hết, đọc hết được suy nghĩ của bệnh nhân.

Rối loạn hành vi, cảm xúc: bệnh nhân có biểu hiện sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, bỏ nhà đi lang thang, nói chuyện với ảo thanh, theo dõi rình rập vì nghi ngờ có người làm hại mình, theo dõi mình. Đó là những phản ứng về hành vi với những hoang tưởng và ảo giác.

Cách xử lý và phòng tránh các rối loạn tâm thần

Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ.

Tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc. Chăm sóc cơ thể bạn về chế độ ăn, ngủ. Giảm bớt áp lực công việc. Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, cơ quan. Tìm cách đưa sự mất cân bằng trong cuộc sống của mình trở về trạng thái bình thường, có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống.

Biết cách điều hòa công việc, có thời gian biểu, kế hoạch làm việc một cách hợp lý, đặc biệt là giai đoạn cuối của những kỳ thi, học dồn ép nhiều, dễ gây ra nhiều bệnh lý do căng thẳng, mất ngủ.

Không nên sử dụng những chất kích thích gây ít ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh như chè, café, rượu, các chất kích thích tâm thần để học vì rất dễ gây hưng phấn dẫn đến bệnh lý tâm thần.

Bố mẹ cần phải có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con, là một người bạn tâm sự của con, có thể chia sẻ những chuyện buồn vui ở trường, ở lớp của con, chia sẻ những kinh nghiệm học hành của cha mẹ để các con có phương pháp học tốt, đạt hiệu quả cao.

BS. Yến Trang

Theo Suckhoedoisong

Nguy cơ bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng vì kẹt xe

Bị mắc kẹt giao thông quá nhiều lần không chỉ gây bực bội mà còn có thể khiến chúng ta gặp rối loạn tâm thần nghiêm trọng.

Tình trạng phát cáu mỗi ngày như trong lúc bị kẹt xe có thể tích tụ theo thời gian và khiến chúng ta gặp nhiều vấn đề tâm thần sau này trong đời.

nguy-co-bi-roi-loan-tam-than-nghiem-trong-vi-ket-xe

Thay đổi cách đối mặt căng thẳng lúc kẹt xe có thể tránh rối loạn tâm lý sau này – Ảnh: Internet

Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tại Đại học California, Irvine (Mỹ) phân tích hai dữ liệu nghiên cứu về sự phát triển ở tuổi trung niên và trải nghiệm hằng ngày của những người từ 25 đến 74 tuổi ở Mỹ, theo báo Daily Mail.

Giới nghiên cứu phát hiện những phản ứng tiêu cực đối với các tình trạng đối mặt hằng ngày như tranh cãi với người nào đó, đứng chờ xếp hàng và phải ngồi lâu do bị kẹt xe có thể dẫn đến lo lắng, tâm trạng rối loạn 10 năm sau đó.

Giáo sư tâm lý học Susan Charles – người dẫn đầu nghiên cứu mới – nhấn mạnh: “Cách chúng ta kiểm soát cảm xúc mỗi ngày có ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Chúng ta quá chú trọng mục tiêu lâu dài nên không thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh cảm xúc của chúng ta. Việc thay đổi cách bạn đối mặt căng thẳng và suy nghĩ về tình huống gây bực bội quan trọng không kém so với việc duy trì chế độ ăn có lợi cho sức khỏe và tập thể dục đều đặn”.

Bà Charles khuyên: “Điều quan trọng là đừng để những vấn đề hằng ngày phá hủy những giây phút ngắn ngủi của mình. Xét cho cùng, nhiều giây phút ngắn ngủi tạo thành một ngày và nhiều ngày tạo thành năm”.

(Theo Thanhnien)

Sử dụng máy vi tính nhiều dễ bị… rối loạn tâm thần

BS Thân Thái Phong (BV Tâm thần TƯ 1) lưu ý những người tiếp xúc, sử dụng máy vi tính nhiều… rất dễ bị rối loạn tâm thần, có những tác động mạnh về tâm lý.

“Xã hội hiện đại với những áp lực rất lớn về công việc nên bất cứ nghề nào cũng có người bị các chứng bệnh tâm thần ở các dạng khác nhau”, BS Phong cho biết.

Những yếu tố biểu hiện sự căng thẳng về tâm lý, căng thẳng về ý nghĩ, căng thẳng về cảm xúc, căng thẳng về hành vi, khó chịu về cơ thể, đau đầu, ăn không ngon miệng… đều là những triệu chứng của rối loạn tâm thần.

su-dung-may-vi-tinh-nhieu-de-bi-roi-loan-tam-than

Ảnh minh họa

Với những người sử dụng máy tính nhiều trong thời gian quá dài (trên 8 tiếng 1 ngày) khi vì một lý do gì đó mà không được sử dụng máy, hoặc không có máy tính để dùng sẽ dễ rơi vào tình trạng bải hoải, bồn chồn, khó chịu, giống như nghiện game vậy. Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để có máy tính để sử dụng thì mới cảm thấy yên tâm.

“Nếu tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài rất dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc”, bác sĩ Phong nói.

Ngoài ra, theo BS Phong, việc dùng lâu bàn phím có thể dẫn tới những chấn thương các ngón tay không đáng có, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt và các phản ứng cơ thể như mỏi mệt, căng thẳng, kém tập trung chú ý. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát)”, BS Phong khẳng định.

PGS.TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng, Phó chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội cho biết: “Ai cũng bị tâm thần cả”.

PGS – TS Trần Hữu Bình tư vấn: “Hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Bạn có rơi vào trạng thái luôn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ và căng thẳng? Lo lắng, bất an, rất dễ tức giận và nổi nóng? Chán nản, không có hứng thú làm bất cứ chuyện gì? Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân và người khác?… Nếu câu trả lời là “có”, thì có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần…”.

(Theo Bee)

Phá thai an toàn

Bài phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Thị Yến – Chuyên gia giám sát chất lượng lâm sàng các phòng khám Marie Stopes International tại Việt Nam.

Ảnh được cung cấp bởi Marie Stopes International

1- Biện pháp phá thai được sử dụng trong những trường hợp nào?

Khi chị em phụ nữ có thai trong tử cung mà chưa muốn sinh con, hoặc thai kỳ bất thường, hoặc thai kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, họ có quyền lựa chọn các phương pháp chấm dứt thai an toàn và hợp pháp. Hiện nay, đối với những thai giai đoạn sớm (dưới 12 tuần tuổi), có hai phương pháp chấm dứt thai nghén: bằng bơm hút chân không hoặc bằng thuốc.

– Chấm dứt thai bằng bơm hút chân không:

Áp dụng cho thai dưới 12 tuần tuổi, đây là phương pháp dùng bơm hút chân không với một ống hút nhỏ bằng nhựa đã tiệt khuẩn đưa vào lòng dạ con để hút thai ra. Biện pháp này có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, an toàn, thời gian thực hiện nhanh (chỉ 10 – 15 phút), tỉ lệ thành công cao đến 99%. Một số rủi ro có thể gặp (dù hiếm) trong hoặc sau khi hút thai là: nhiễm trùng, sót nhau, sót thai, dính lòng tử cung, nặng nề hơn là choáng, băng huyết, thủng dạ con… Vì thế, kỹ thuật này phải được thực hiện bởi cán bộ y tế đã qua đào tạo và tại các cơ sở y tế được Bộ y tế và luật khám chữa bệnh cho phép.

– Chấm dứt thai bằng thuốc:

Phương pháp uống thuốc để loại bỏ thai áp dụng cho những chị em có thai trong tử cung dưới 63 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, không mắc các bệnh lý chống chỉ định hay dị ứng với các thành phần của thuốc, thực hiện tại các cơ sở được Bộ y tế và luật khám chữa bệnh cho phép.

Tùy theo tuổi thai, tùy theo phân cấp phạm vi hành nghề, thuốc được sử dụng theo liều lượng khác nhau. Hai loại thuốc được cho phép sử dụng phổ biến là Mifepristone (có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của thai) và Misoprostol (gây co cơ tử cung, đẩy thai ra ngoài). Hai thuốc này cần được sử dụng cách nhau 36 – 48 giờ (với thai dưới 49 ngày tuổi). Liều thứ nhất uống tại cơ sở y tế, liều thứ hai có thể uống tại nhà, chủ động tự theo dõi sau khi được cán bộ y tế tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, hiểu rõ diễn tiến của phá thai bằng thuốc và các tai biến có thể có cũng như các cách xử trí thích hợp.

Biện pháp phá thai bằng thuốc có tỉ lệ thành công cao, từ 95 – 99%. Các trường hợp thất bại bắt buộc phải hút thai sau đó.

2- Hiện nay có nhiều bạn trẻ đã lạm dụng phá thai nhiều lần, như vậy có để lại hậu quả gì không, thưa bác sỹ?

Phá thai nhiều lần có thể đem lại những tác dụng không mong muốn :

– Có thể gặp hội chứng stress sau phá thai với những biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần kinh, tự ti, xa lánh mọi người…

– Thuốc dùng phá thai nội khoa có một số tác động ảnh hưởng toàn thân như nhức đầu, choáng váng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt hoặc ớn lạnh, rong huyết nhẹ, nặng hơn như băng huyết, sót nhau, sót thai, nhiễm trùng cơ quan sinh sản hoặc thai tiếp tục phát triển. Có thể gây vô sinh thứ phát, hoặc thậm chí tử vong (dù rất hiếm) nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

3- Bác sỹ có lời khuyên gì cho những người lỡ mang thai ngoài ý muốn?

Để tránh mang thai ngoài ý muốn, chị em phụ nữ – nhất là các bạn trẻ – nên lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp như dùng bao cao su, thuốc uống tránh thai , thuốc tiêm, que cấy, đặt vòng, triệt sản (đình sản). Nếu lỡ mang thai ngoài ý muốn và quyết định chấm dứt thai kỳ, các bạn nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, đáng tin cậy, có đủ phương tiện theo dõi, đội ngũ cung cấp dịch vụ được đào tạo bài bản… để được tư vấn và theo dõi, tránh những tai biến không đáng có.

Việc quan trọng sau đó là các bạn cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp, tránh việc phá thai lặp lại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn.

Marie Stopes International tại Việt Nam hoạt động dưới sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International Anh Quốc, với hệ thống 10 phòng khám Sản phụ khoa – Kế hoạch hóa gia đình tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hạ Long, Nha Trang, Bình Dương, Cần Thơ. Các phòng khám này chuyên tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị các bệnh phụ khoa, chăm sóc thai sản, xét nghiệm sớm ung thư cổ tử cung, chấm dứt thai nghén an toàn, chất lượng do đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm đảm trách, trang thiết bị hiện đại và phong cách chăm sóc khách hàng thân thiện, tôn trọng và kín đáo.

Địa chỉ và thông tin liên hệ của hệ thống phòng khám Marie Stopes International tại Việt Nam: Truy cập website http://www.mariestopes.org.vn hoặc gọi điện cho tổng đài hỗ trợ khách hàng 1900 55 88 82 để biết thêm thông tin chi tiết.

Nam giới góa vợ có nguy cơ bị rối loạn tâm thần

Kết quả một cuộc nghiên cứu vừa công bố trên trang web sức khỏe HealthDay.com gần đây cho thấy, so với những phụ nữ góa chồng, những người đàn ông góa vợ thường đối diện với nguy cơ bị rối loạn tâm thần cao hơn.

nam-gioi-goa-vo-co-nguy-co-bi-roi-loan-tam-than

Ảnh minh họa:Internet

Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng mất người thân là một sự việc đáng buồn trong cuộc đời và hậu quả có thể dẫn đến những sang chấn về tâm thần.

Những người đàn ông góa vợ mà vẫn duy trì cảnh sống đơn độc vài năm sau đó, có thể đối diện với sự gia tăng nguy cơ bị các vấn đề về rối loạn tâm thần một cách đáng kể.

Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học tại Học viện Sahlgrenska thuộc Trường ĐH Gothenburg (Thụy Điển) đã theo dõi 691 đàn ông góa vợ ở Thụy Điển (những người có vợ bị chết do bệnh ung thư), phát hiện rằng, những người đàn ông góa vợ tái hôn trong khoảng thời gian 4-5 năm sau khi vợ mất có thể vượt qua cú sốc về tinh thần.

Trái lại, những người đàn ông góa vợ vẫn sống đơn độc trong khoảng thời gian từ 4-5 năm sau đó thường đối diện với nguy cơ mắc phải các chứng suy nhược thần kinh, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, chai lỳ cảm xúc. Và những người đàn ông lớn tuổi góa vợ thường có nhiều khả năng sử dụng các loại thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm.

Giáo sư Gunnar Steineck – thành viên cuộc nghiên cứu, nói: “Các cuộc nghiên cứu trước đây đã chứng minh những người mất bạn đời thường đối diện với nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn về sức khỏe tâm thần trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, tình trạng giảm sút sức khỏe tâm thần có thể kéo dài nhiều năm sau đó. Và những nguy cơ này có thể giảm ở những người tái hôn trong khoảng một thời gian ngắn sau khi mất bạn đời”.

Giáo sư Steineck nhấn mạnh: “Tình cảm từ người bạn đời mới có thể giúp làm dịu nỗi đau buồn và bảo vệ những ông góa vợ khỏi các chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ cần phải vượt qua được nỗi buồn khi mất vợ và cảm thấy hứng thú đi tìm bạn đời mới”.

(Theo PNO)

Trẻ dưới 3 tuổi dễ mắc bệnh “trầm cảm vắng mẹ”

 

Thiếu sự chăm sóc của người thân, đặc biệt là mẹ, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi dễ mắc bệnh “trầm cảm vắng mẹ”, ảnh hưởng đến phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.

Do chồng công tác trong ngành hàng hải thường xuyên vắng nhà, bản thân cũng phải đi làm nên chị Nguyễn T.H.T (quận 5 – TPHCM) buộc phải để người vú nuôi đảm đương hầu hết việc chăm sóc con gái T.H.Nh từ lúc 4 tháng tuổi. Mỗi ngày, chị ra khỏi nhà từ sáng sớm khi con còn ngủ, đến tối mới về và thời gian dành cho con cũng hạn hẹp bởi nhiều đêm chị cũng bận rộn với công việc.

Sự cô đơn của con trẻ

Khi bé Nh. được hơn 1 tuổi, công việc thư thả hơn, có thời gian chơi với con, chị lại nhận ra dường như cháu bé cũng không thích chơi với mẹ mà chỉ loay hoay một mình với đồ chơi. Nh. thờ ơ với mọi nỗ lực giao tiếp của mẹ, cứ nhìn sang chỗ khác mỗi khi chị chuyện trò, nói chuyện với con. Qua sách vở, chị T. thấy con có những dấu hiệu hay gặp ở trẻ tự kỷ nên đưa đi khám. Rất may, Nh. không bị tự kỷ, cháu chỉ rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ vì gần một năm trời thiếu vòng tay mẹ.

“Khi ở trong bụng mẹ, đứa bé với mẹ là một. Khi ra đời, trẻ cần được cảm nhận hơi ấm, mùi của mẹ. Tuy nhiên ngày nay, người mẹ thường tham gia vào công việc xã hội chứ không ở nhà chăm con như những thế hệ trước. Đa phần sau 4 tháng bà mẹ nghỉ thai sản, đứa bé đã phải xa mẹ và thường được giao cho bà, người thân trong gia đình hay người giữ trẻ chăm sóc. Thậm chí có nhiều phụ nữ phải đi làm sớm hơn. Nếu công việc của mẹ quá bận rộn khiến bé cảm thấy thiếu hơi ấm, tình thương, sự vuốt ve của mẹ, không được bú mẹ… rất có thể bé sẽ bắt đầu tự cô lập mình và có những dấu hiệu xa cách với mẹ” – BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, phân tích.

Trong trầm cảm ở trẻ em nói chung, sự thiếu vắng mẹ trong những năm tháng đầu đời cũng có thể dẫn đến một dạng trầm cảm đặc trưng ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi – “trầm cảm vắng mẹ”. Trẻ mắc bệnh này có những biểu hiện khá giống với bệnh tự kỷ: không nhìn mẹ, phớt lờ nỗ lực giao tiếp của mẹ; không chịu bú, bú vào là ói hoặc các dạng rối loạn ăn uống khác; khó ngủ, hay khóc… BS Thanh lý giải: “Khi vắng mẹ, ban đầu trẻ sẽ cố gắng tìm cách để được gần mẹ, kêu gọi sự chú ý của mẹ. Nhưng nếu làm mãi không được, trẻ dần cô lập mình và “không thèm” mẹ nữa rồi rơi vào trạng thái trầm cảm. “Trầm cảm vắng mẹ” ở trẻ nhỏ có thể kéo dài đến 3 tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về thể chất lẫn tinh thần”.

Trầm cảm ở trẻ em có thể bám theo trẻ cho đến tuổi trưởng thành và có thể hình thành từ những bất ổn tinh thần ở giai đoạn sơ sinh đối với trẻ không được gần gũi mẹ. BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, cho biết: “Trẻ ở giai đoạn sơ sinh đã cần có sự tiếp xúc với người thân, đặc biệt là mẹ. Nếu quan sát một đứa trẻ sơ sinh vừa mở mắt, chúng ta sẽ nhận ra khi trẻ nhìn thấy người đầu tiên – thường là mẹ – trẻ sẽ chúm chím cười. Khi cảm nhận được khuôn mặt người mẹ trong một thời gian dài, trạng thái tâm thần của trẻ sẽ phát triển ổn định nhất”.

Trẻ cần môi trường ổn định

BS Thanh cho biết một số trẻ em lại bắt đầu bị trầm cảm ở tuổi đi nhà trẻ – khoảng 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi. Thiếu mẹ, bị gửi đến môi trường lạ, nhiều trẻ không đủ khả năng thích nghi và bị stress. Cha mẹ thấy con có biểu hiện lạ, nghĩ rằng nhà trẻ ấy không phù hợp, trẻ bị đối xử không tốt, bị bạn bè bắt nạt… lại vội vàng tìm nhà trẻ khác. Càng bị thay đổi về môi trường, trẻ càng stress và lâu ngày sẽ trầm cảm. Điều này cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng về thể chất, giảm sức đề kháng, dễ bị ho, sốt, tiêu chảy… Gia đình thấy bé bệnh, để bé ở nhà chăm sóc. Được gần mẹ, người thân, trẻ tự dưng khỏi bệnh nhưng khi cha mẹ gửi nhà trẻ trở lại thì trẻ lại bị… bệnh tiếp.

“Trẻ bị trầm cảm thường dễ cáu gắt, khóc, từ chối mẹ sau một thời gian vô vọng đòi mẹ, thu mình vào thế giới riêng. Nhiều trẻ sẽ có xu hướng gắn bó với người nuôi dưỡng – có thể là người thân nào đó hay người giúp việc. Người nuôi dưỡng này nếu bị thay đổi nhiều lần cũng dễ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ” – BS Thanh lưu ý.

Rối loạn tâm thần về sau

BS Phạm Văn Trụ cho biết một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ loạn thần và rối loạn trầm cảm khi trưởng  thành sẽ cao hơn ở người trải qua tuổi thơ trong trại mồ côi, thiếu tình thương của cha mẹ. Một số trẻ khi đến độ tuổi trung học bắt đầu xuất hiện các hành vi tự hủy hoại nguy hiểm, thường do trầm cảm hoặc là dấu hiệu của các rối loạn hoạt động tâm thần khác. BS Phạm Ngọc Thanh lưu ý trầm cảm có thể khiến một số trẻ gặp tình trạng chậm nói.

(Theo Thanhnien)

 

Cẩn trọng với chứng rối loạn tâm thần tuổi dậy thì

Có những thiếu nữ tự tử chỉ vì bị bạn bè chọc ghẹo, chê bai là mặt đầy mụn. Đó cũng là biểu hiện của một dạng rối loạn tâm thần…

Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP HCM, cho biết những thay đổi về hình thể, tâm lý khiến các cô cậu ở lứa tuổi “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em” này ngơ ngác, không hiểu, thậm chí không chấp nhận được chính bản thân, từ đó dễ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc.

Cái nhìn của người khác đối với các em có ý nghĩa và tác động rất lớn, dù chỉ là nhận xét về vẻ ngoài như  giọng nói, chiều cao, da mặt.  Có những em khi dậy thì mặt bị mụn bọc, mụn cám rất nhiều, bị bạn bè chê bai đã đi tự tử.  Những trẻ phát triển sớm về hình thể cũng có thể bị bạn chế giễu hoặc phân biệt đối xử, gây sốc và hoang mang.  Áp lực về tâm lý này nếu không có người giúp giải tỏa, lâu ngày sẽ đè nặng, khiến trẻ có thể bị rối loạn về hành vi, cảm xúc và tâm thần.

Tuổi dậy thì cũng là giai đoạn trẻ học cấp 2, đang quen với cách giáo dục chỉ có một thầy/cô nay chuyển sang có nhiều giáo viên nên rất bỡ ngỡ.  Trẻ dễ rơi vào cảm giác là thầy cô bớt hiểu mình. Ở cấp 1, trẻ học bài nào trả bài đó, nhưng khi lên cấp 2, việc đó có thể diễn ra một vài tuần sau.  Sự bỡ ngỡ có thể khiến trẻ trả bài không đạt yêu cầu, thầy cô không hài lòng và điều đó khiến các em dễ bị sốc.  Sự  thiếu thích nghi đó dễ gây rối loạn tâm lý, tâm thần. Nguy cơ này càng cao hơn vào những đợt thi đầu hoặc cuối cấp 2.

Những biểu hiện cần cảnh giác

Bố mẹ nên lưu tâm nếu con đang đi học hình thường bỗng bị suy giảm khả năng học hành, căng thẳng, dễ bực dọc, đôi lúc tỏ ra hỗn láo đối với người lớn. Có thể trẻ mất ngủ, đứng ngồi không yên, có những hành vi bất thường như bỏ nhà ra đi, gây hấn với người khác, rối loạn cảm xúc (vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm)…

Rối loạn suy nghĩ, suy nghĩ lệch lạc cũng là biểu hiện đáng lo. Ví dụ, có em lúc nào cũng nghĩ rằng có người yêu mình, có em thấy ai đẹp trai là tiến đến khen hoặc nói thẳng là thích bạn trai đó, có em sợ bị AIDS, sợ làm lây bệnh cho người khác dù mình không hề bị… Có thể từ những rối loạn hành vi này, trẻ sẽ chuyển sang rối loạn tâm thần với những triệu chứng hoang tưởng, có những hành vi và lời nói không phù hợp với thực tế.

Các rối loạn tâm thần tuổi dậy thì có thể điều trị khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Các chuyên gia khuyên cha mẹ không nên vì sĩ diện mà giấu giếm, trì hoãn việc đưa con đi khám.

Để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho con, trong cuộc sống, cha mẹ nên quan tâm, gần gũi trẻ nhiều hơn.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Rượu có làm mất trí nhớ?

Hỏi: Bố tôi rất hay uống rượu, ông ít có biểu hiện của bệnh tật gì, nên càng chủ quan. Gần đây,  ông hay có cảm giác thoáng mất trí. Xin hỏi có phải rượu có liên quan? Và rượu tác động như thế nào tới các bộ phận trong cơ thể?

Nguyễn Xuân Hòa (Hưng Hóa, Phú Thọ)

Ảnh minh họa: IE.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trả lời: Ngoài những tác động lên hành vi, rượu còn có thể dẫn tới tình trạng mất trí nhớ. Uống rượu nhiều và dài có thể gây bệnh thần kinh ngoại vi ở 5 – 15% người nghiện rượu do thiếu hụt vitamin B1. Họ có thể bị sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần.

Ethanol (mức rượu trong máu) có thể gây tổn thương chảy máu ở tá tràng và tiêu chảy thứ phát do tăng nhu động ruột non và giảm hấp thu nước và chất điện giải, do đó có thể dẫn đến viêm tụy, viêm gan và xơ gan… Uống nhiều rượu có thể gây bệnh cơ, những tác hại lên hệ xương gồm thay đổi chuyển hóa canxi với tăng nguy cơ gãy xương và hoại tử đầu xương đùi…

(Theo Bee)

Trẻ có nguy cơ bị rối loạn tâm thần vì game online

Tại VN, chưa có khảo sát cụ thể về chứng nghiện trò chơi điện tử (game online). Tuy nhiên gần đây có nhiều ca cấp cứu và những rối loạn tâm thần liên quan đến nó.

Em trai H.N., 13 tuổi, nhà ở Trảng Bom, Đồng Nai được gia đình đưa đi khám tại trung tâm tham vấn tâm lý với trạng thái suy nhược, kém tập trung chú ý, khó khăn trong học tập, ăn trộm tiền, nói dối và bỏ nhà đi bụi đã gần một tuần. Em được đánh giá là rối loạn hành vi, có nhiều triệu chứng của stress kéo dài.

Khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ tập trung vào chi tiết em đã chơi game online lâu dài, từ cách đó hơn một năm. Lúc đầu em chơi khoảng một giờ/ngày, sau tăng dần và gần đây em thường ngồi lì trong phòng net cả ngày. Có hôm em chơi game suốt 14 giờ, thường xuyên là 3-4 giờ.

Em hay trốn học chơi game và hành vi bỏ nhà đi bụi theo em lý giải là do sự rủ rê của các bạn trong thế giới ảo, các em định đi theo “tiếng gọi của giang hồ” như những tình tiết trong một trò chơi online.

H.N. là một trong rất nhiều trường hợp điều trị tại Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên thuộc BV Tâm thần trung ương 2.

Ảnh minh họa

Nhận mặt người ghiền

Dưới đây là cách nhận diện một người mắc chứng nghiện game online:

Ngồi chơi game online hơn hai giờ/ ngày hoặc không có cảm giác về thời gian, không gian khi đang chơi game online. Họ luôn bị thôi thúc bởi các hình ảnh trong trò chơi, cố gắng giảm thiểu thời gian ngồi trước máy vi tính nhưng đều thất bại.

Giấu gia đình hoặc bạn bè để thường xuyên chơi game online.

Quên mất các sự kiện quan trọng hoặc không thực hiện đầy đủ các công việc không liên quan đến máy tính do dành quá nhiều thời gian vào việc chơi game online. Việc này có thể dẫn đến hiệu suất làm việc giảm, hoặc thờ ơ với các hoạt động xung quanh như học tập, công việc…

Tiếp tục chơi game online bất chấp những trục trặc hoặc khó khăn trong công việc, học tập hoặc các mối quan hệ gia đình, bạn bè. Có những dấu hiệu của chứng suy nhược và có xu hướng hành xử theo các mối quan hệ trong trò chơi online.

Xa rời thực tế

Chứng nghiện game online hay việc ngồi quá lâu trước máy vi tính hằng ngày thường để lại những di chứng về thể xác. Việc dùng lâu bàn phím có thể dẫn tới những chấn thương các ngón tay không đáng có, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt và các phản ứng cơ thể như mỏi mệt, căng thẳng, kém tập trung chú ý. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Nó cũng để lại những khó khăn về mặt tâm thần. Nhiều em có biểu hiện của các rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, bỏ nhà ra đi… Nhiều em lại rơi vào các trạng thái của trầm cảm và các bệnh lý tâm căn bởi stress trường diễn do chứng nghiện game online mang lại. Đã có những em có hành vi tự hủy hoại bản thân như tự tử chỉ vì nghiện game oline.

Nó để lại cho các em những khó khăn về mặt xã hội. Đa số các em có kiểu hành xử và nhầm lẫn giữa đời sống thực tại và những tình huống ảo. Các em ngày càng xa rời thực tế, ít liên quan đến cuộc sống thực của mình. Dần dần các mối quan hệ trong cuộc sống trở nên tẻ nhạt và khó khăn. Nhiều em đặt ra những tình huống và giá trị sống như trong các tình huống online, coi đó là định hướng cho cuộc sống của mình như bỏ nhà đi bụi, kết thân với những “anh hùng hảo hán”… Điều đó là nguyên nhân gây nên những đổ vỡ về mặt tâm lý và những khó khăn khi trở về với đời sống thực.

Việc nghiện game online còn dẫn tới tình trạng bỏ bê việc học tập và các công việc hằng ngày.

Cha mẹ hãy quan tâm

Để giải quyết tình trạng nghiện game online cần có sự phối hợp hoạt động đồng bộ của cả xã hội.Đi đầu là các nhà quản lý trong lĩnh vực Internet với một định hướng tốt và giám sát cụ thể, có thể quản lý thật sự về vấn đề này.

Nghiên cứu những người nghiện game online, các nhà tâm lý học thấy rằng họ thường thất bại trong đời sống thực và muốn tìm đến sự tự tin trong thế giới ảo. Bên cạnh đó, nhiều em nghiện game online vì không có sự quan tâm đúng mức của gia đình và nhà trường. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy quan tâm và chia sẻ với các em nhiều hơn, có những định hướng tốt cho các em. Nhà trường và Đoàn thanh niên, hội sinh viên tạo ra nhiều sân chơi giúp các em có nhiều điều kiện thể hiện khả năng, tránh ảo tưởng và rơi vào tình trạng nghiện game online.

Nếu thật sự các em có những dấu hiệu của chứng nghiện game online, hãy đưa đến trung tâm tham vấn tâm lý để được giúp đỡ.

(Theo Tuổi trẻ)

Ăn sữa chua ngừa chứng phiền muộn

Sữa chua đã được biết đến là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, và loại sữa lên men này còn được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho tâm thần.

Một nhóm nghiên cứu phát hiện các loại vi khuẩn có ích trong sữa chua có thể giúp ngăn ngừa chứng phiền muộn. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Các nhà khoa học Ai-len đã theo dõi những con chuột được cung cấp loại vi khuẩn có ích Lactobacillus rhamnosus có trong sữa chua vào cơ thể. Họ phát hiện rằng, những con chuột đó ít có dấu hiệu bị căng thẳng, lo lắng và phiền muộn, liên quan đến tình trạng rối loạn hành vi hơn so với những con chuột chỉ được cho uống nước luộc thịt.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hormone corticosterone – loại hormone gây căng thẳng ở những con chuột cũng giảm đáng kể sau khi được cung cấp các loại vi khuẩn có ích. Phát hiện này lần đầu tiên chứng minh các loại vi khuẩn có ích tác động tích cực đến các hoạt chất trong não. Các nghiên cứu cho biết, vi khuẩn trong đường ruột và não được thông với nhau qua một dây thần kinh được gọi là dây thần kinh phế vị (vagus).

Tạp chí Daily Mail (Anh) dẫn lời của giáo sư John Cryan thuộc Trường Đại học Cork, Ai-len, thành viên của nhóm nghiên cứu: “Các loại vi khuẩn có ích trong đường ruột cũng sẽ ảnh hưởng tốt đến các chất trong não và hành vi của con người”.

Giáo sư John Cryan nhấn mạnh: “Không quá thổi phồng, cuộc nghiên cứu đã mở ra một ý tưởng rằng, chúng ta có thể phát triển những liệu pháp điều trị các chứng rối loạn tâm thần bằng việc tập trung nghiên cứu vào đường ruột. Và bạn có thể ăn sữa chua có chứa các loại vi khuẩn có ích như là phương pháp để ngăn ngừa chứng phiền muộn”.

Những phát hiện trên cho thấy tầm quan trọng của mối liên quan giữa các loại vi khuẩn có ích trong đường ruột và não, và đồng thời cũng chứng minh rằng, những loại vi khuẩn có ích trong đường ruột có thể có tác dụng tốt trong việc chữa trị các chứng rối loạn tâm thần liên quan đến stress.


Meo.vn (Theo PNO)