Lưu trữ cho từ khóa: trời rét

Bí kíp chống chọi lại với cái lạnh

 Cần giữ ấm cho cơ thể để có sức khỏe thật tốt nhé!

Đi bộ nhanh

Một cách tuyệt vời khác để giữ ấm trong mùa đông là đi bộ nhanh. Cách này không chỉ giúp chúng ta làm nóng cơ thể nhanh chóng mà còn là một bài thể dục hiệu quả. Tuy nhiên, bạn hãy luôn nhớ quàng khăn, đeo găng tay, đội mũ đầy đủ, ấm áp vào nhé!

Nếu tiết trời quá khô lạnh, bạn cũng nên bôi kem dưỡng ẩm lên mặt và môi trước khi ra ngoài để bảo vệ da khỏi bị khô khốc, nứt nẻ.

troi-lanh

Mặc nhiều lớp quần áo

Một số bạn vẫn chủ quan nghĩ rằng chỉ cần mặc một chiếc áp khoác thật dày là có thể tha hồ mặc cả áo ba lỗ bên trong. Nhiều lớp quần áo mỏng sẽ giúp bạn chống chọi với cái lạnh tốt hơn là mặc đồ may dày.

Bởi lẽ, các lớp quần áo mỏng chồng lên nhau sẽ phát huy tác dụng cản nhiệt nhiều tầng. Chẳng hạn một chiếc áo sơ mi, áo len hoặc áo nịt bên trong mỏng sẽ giúp bạn giữ ấm bằng cách tạo ra lớp không khí giữa những lớp áo. Quần áo làm từ chất liệu len, sợi tổng hợp thì thường ấm hơn nữa đấy!

Làm ấm giường trước khi ngủ

Nếu bạn cảm thấy chiếc giường quá lạnh lẽo khi đi ngủ, chúng ta có thể trải thêm một tấm chăn lên trên nệm ngủ. Nghe có vẻ hơi kỳ cục nhưng chính việc trải thêm chăn xuống dưới thay vì đắp nhiều chiếc lên người thực sự giúp bạn cảm thấy ấm hơn do nhiệt độ bên dưới gia tăng sẽ tạo sinh nhiệt giúp cơ thể ấm áp.

Nếu vẫn thấy giường quá lạnh, hãy dùng máy sấy hoặc một miếng đệm nước nóng để làm ấm chăn đệm một chút trước khi đi ngủ nhé!

“Free hug” – ấm trong yêu thương

Cuối cùng, cách nhanh nhất và tuyệt vời nhất chúng mình có thể làm để giữ hơi ấm chính là ôm ai đó. Không nhất thiết phải là người yêu, cô bạn gái thân, hay đơn giản là… con mèo cưng cũng giúp bạn thấy ấm lên rất nhiều đấy! Một cái chăn 37 độ C chắc chắn sẽ vừa giúp bạn thoát khỏi cảm giác lạnh lẽo vừa cùng bạn chống chọi mọi cái lạnh trong suốt đợt rét đậm này.

Ăn các món nóng

Thay vì chọn sandwich hay salad, một món gì đó nóng sốt không những sẽ giúp các ấy no hơn mà còn cung cấp nhiệt và năng lượng cho cơ thể. Những thực phẩm như khoa tây, đậu, bánh mỳ, sữa, trứng, thịt và cá là nguồn cung cấp protein, năng lượng và vitamin, sẽ giúp bạn được khỏe mạnh.

Ngoài ra, bạn cũng cần ăn nhiều rau và hoa quả tươi để cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết và đặc biệt là để tránh bị béo phì nữa đấy!

(Theo Kenh14)

Chăm sóc bảo vệ trẻ khi trời rét

Khi trời rét đậm, sẽ không ít trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 5 tuổi phải vào viện vì các bệnh đường hô hấp như: viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hay viêm phổi. Đặc biệt là viêm phổi hay gặp ở trẻ sơ sinh, nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ nặng thêm đe dọa tính mạng. Nguyên nhân do trời rét đậm và cha mẹ bé chưa quan tâm đúng mức trong việc chăm sóc bé trong mùa lạnh. Một số biện pháp sau đây cần thiết để bảo vệ trẻ khi trời rét.

Phải giữ ấm cho trẻ trong mùa rét.
Trong những ngày đầu đời ở bé sơ sinh, bé chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt nên thường dễ bị nóng quá hay lạnh quá. Ở những ngày rét đậm, bé cần phải mặc thêm áo dài, áo liền quần, áo ấm hay áo len bên ngoài áo lót, mang tất, đội nón len cho bé. Đối với áo liền quần, đây là áo liền quần thích hợp cho các bé sơ sinh, dễ mặc, dễ cởi; giúp bé ấm áp vì che kín toàn thân, kể cả bàn chân do đó bạn không cần phải mang tất cho bé. Nếu không giữ ấm cho trẻ khi ngủ, thì trẻ có thể bị bệnh đường hô hấp do nhiễm lạnh. Tránh đưa bé ra gió nhiều hay ngoài trời đang rét đậm, không nên giữ ấm quá mức cần thiết, sẽ gây trẻ bị nóng và rịn mồ hôi. Nếu có ra mồ hôi, nên lau khô, và điều chỉnh lại việc mặc áo cho trẻ, lý do mồ hôi sẽ bị ngấm ngược lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và có thể gây viêm phổi.
Đối với trẻ lớn hơn, ngoài việc mặc áo ấm, cần lưu ý khi trẻ hoạt động nhiều, có ra mồ hôi nhiều thì phải dặn dò bé lau khô người trước khi tắm nước ấm.

Tắm phải đúng cách
Tắm trong phòng kín gió, bật máy sưởi lên cho ấm phòng trước khi cho bé tắm. Hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan tỏa khắp phòng rồi hãy tắm cho bé. Cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. Đối với trẻ đang ốm, cũng nên áp dụng cách này khi trời rét, vì không tắm cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn

Trẻ đi học nhớ mang khẩu trang
Trẻ đi học, phải ra đường trong trời rét, rất dễ cảm lạnh nếu không bảo vệ vùng mũi họng. Nhớ cho trẻ đeo khẩu trang bảo vệ mũi miệng, khăn cổ khi đi đường, dặn trẻ khi chơi ở sân trường nên tránh gió lùa, hay hoạt động nhiều gây ra mồ hôi.

Ăn uống đủ chất
Việc ăn uống đủ chất rất cần thiết cho trẻ, vì giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh về đường hô hấp trong mùa đông. Ăn uống nên là thức ăn hay nước uống ấm, dễ ăn, dễ tiêu. Khi ăn thức ăn nóng quá, trẻ có thể ra mồ hôi, cần lau khô cho trẻ. Không nên cho trẻ uống nước lạnh hay nước đá, dễ gây viêm họng.

Chơi và ngủ
Khi trẻ ngủ, nhớ mặc ấm, phòng ngủ thông thoáng không có gió lùa. Khi trẻ chơi cũng vậy, không chơi ở ban công hay sân thượng, ngoài sân, nên chơi trong phòng.

Đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu
- Trẻ từ 1 tuần đến 2 tháng: trẻ bỏ bú, hay bú kém, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, ngủ li bì, thóp phồng, chảy mủ tai, sốt, nhiều mụn ở da, cử động ít hơn bình thường.

- Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: trẻ có sốt hay sốt cao, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, thở nhanh, chảy nước ở lỗ tai, không ăn uống được.

- Không nên tự trị bệnh cho trẻ ở nhà. Không nên tự động cho trẻ uống thuốc, vì có thể bạn sẽ cho trẻ uống thuốc dành cho người lớn hoặc với liều lượng như của người lớn, như thế sẽ gây ngộ độc thuốc nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra nếu chữa không đúng, bệnh trẻ trở nặng hơn, khi vào bệnh viện sẽ khó điều trị.

BS Mạnh H�
suckhoe-doisong

Sau Tết, số lượng bệnh nhân bắt đầu đông trở lại

Trong những ngày Tết nguyên đán Tân Mão vừa qua, bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa chủ yếu tiếp nhận và điều trị các bệnh liên quan đến xuất huyết đường ruột, xơ gan và các ca TNGT. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân bắt đầu đông trở lại.

Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế Thanh Hoá, từ ngày 28 tháng Chạp năm Canh Dần đến hết ngày 5 Tết Tân Mão, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 2.300 bệnh nhân phải nhập viện, trong đó có gần 1.400 trường hợp tai nạn giao thông, 59 trường hợp ngộ độc thức ăn… Trong dịp này, có hơn 5.320 bệnh nhân phải vào viện điều trị tăng 26,6% so với năm 2010, trong đó có 508 trường hợp phải phẫu thuật. Nhìn chung, các cơ sở y tế trên địa bàn Thanh Hoá đã tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu và khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Khoa nội tiêu hóa thường đông bệnh nhân, do trong dịp Tết, tình trạng uống rượu bia nhiều nên dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xơ gan vì liên quan đến rượu bia tăng cao. Năm 2010, số bệnh nhân nhập viện từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết Canh Dần là 625 bệnh nhân, năm nay con số này là 669 bệnh nhân. Chủ yếu là bệnh nhân cấp cứu bệnh xuất huyết đường tiêu hóa, tim mạch do trời rét uống rượu bia nhiều, tai biến mạch máu não do thời tiết rét và tai nạn giao thông.

Riêng trong ngày mùng 2 Tết có 71 trường hợp, trong đó mổ cấp cứu 20 bệnh nhân. Ngay sau những ngày nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân nhập viên bắt đầu đông trở lại. Hiện bệnh viện đang tiếp nhận khám và điều trị cho 938 bệnh nhân.

 

Bác sỹ bệnh viện huyện Mường Lát thăm khám cho bệnh nhân

Bệnh viện hiện đang tập trung giải quyết những tồn đọng về hồ sơ, bệnh án trong dịp Tết, giải quyết thủ tục cho các bệnh nhân ra viện, hay chuyển về tuyến dưới.

Ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết: “Những năm trước, việc các khoa khám và cấp cứu độc lập nên mỗi khi bệnh nhân cấp cứu trong dịp Tết thường chậm hơn, tình trạng này đã được khắc phục nhờ việc phân loại các khoa trọng điểm. Ngoài ra Bệnh viện còn đề ra phương án chuẩn bị bác sỹ và điều dưỡng viên trực ngoại trú có thể ứng cứu bất kỳ trường hợp nào. Tăng cường bác sỹ trực ở phòng khám bệnh đa khoa, triển khai hệ thống xe điện để chuyên chở bệnh nhân vào các khoa có sự hộ tống của nhân viên y tế”.

Coi chừng trời lạnh dễ tử vong do rượu

Theo các chuyên gia y tế, khi uống rượu, các mạch máu giãn ra. Gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng vọt gây tai biến, dễ dẫn đến tử vong. Do đó, rất nhiều trường hợp tử vong sau khi uống rượu mà ra đường.

Cụ thể, theo PGS.TS.Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa C4, Viện tim mạch Quốc gia, khi uống rượu bia, mạch máu giãn, tim đập nhanh. Nếu đột ngột ra đường trong thời tiết lạnh sẽ gây cảm, viêm phổi, huyết áp tăng cao gây tai biến. Thêm vào đó, uống rượu thường gây cảm giác nóng người lên, trong khi uống bia gây cảm giác lạnh. Tuy nhiên, dù uống rượu hay bia thì hậu quả và sự tác động vào cơ thể cũng như nhau. Người biết giữ sức khỏe sẽ chỉ uống chừng mực, mặc quần áo đủ giữ ấm cơ thể; khi cảm thấy người chếnh choáng, nếu đang đi xe máy, có thể bắt taxi về để đảm bảo an toàn.

 

Theo TS.Tuấn, trong thời tiết này, khi nhiệt độ ngoài trời buổi tối ở miền Bắc thường dưới 10 độ C, trong các nhà hàng chỉ nên để nhiệt độ khoảng 15-16 độ C, không nên để ấm 25-26 độ C, vì khi có chút men, ra đường đột ngột trong khi nhiệt độ chênh lệch lớn, rất dễ bị cảm. Không ít trường hợp đã bị trụy tim cấp, viêm phổi cấp sau khi ở phòng ấm ra ngoài.

Theo BS.Lê Quang Hồng - Trung tâm tư vấn 1088, khi nhậu, đồ ăn có nhiều thịt, chất béo... sẽ làm láng niêm mạc ruột. Nếu nhậu ở nhà, sau đó đi nằm luôn thì không sao, vì rượu sẽ ngấm vào từ từ, ngấm nhẹ. Nhậu ngoài đường, sau khi ăn xong vận động trong trời lạnh khiến các màng mỡ bao phủ niêm mạc ruột có thể vỡ ra, rượu có thể ồ ạt thấm qua niêm mạc vào máu gây ngộ độc rượu.

Kể cả với người bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh nan y, việc nhậu khi trời rét rồi đột ngột ra đường, hoặc nhậu ngoài trời lạnh cũng đã nguy hiểm. Người tuổi cao (trên 50 tuổi), có bệnh mãn tính, sự nguy hiểm càng tăng cao. Vì vậy, cách tốt nhất để hạn chế nguy hiểm là uống có mức độ, hạn chế ăn nhậu ngoài đường, uống xong - khi người vẫn đang ngà ngà, lâng lâng - không nên ra đường ngay.

Tuy nhiên trong thực tế, các chuyên gia đánh giá, việc kiểm soát để biết thế nào là “mức độ” rất khó, bởi khi đã vào cuộc nhậu, người ta hay đua, kích nhau uống, thậm chí “không say, không về”. Người nào không uống, uống ít thì bị cho là “kém nhiệt tình”, “sống không hết mình” bất kể mọi thời tiết. Để rồi, “tiền mất, tật mang”, nguy hiểm cận kề...

Mẹo tránh ngạt mũi cho trẻ khi trời lạnh

Vài mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp các mẹ cải thiện ngay tức thì tình hình ngạt mũi cho trẻ vào mùa lạnh.

 

Mấy hôm nay trời rét đậm, bé Xu bỗng dưng từ sổ mũi chuyển sang khó thở, thờ khò khè kéo dài. Tối đến khi ngủ, bé Xu thường phải thở bằng miệng khiến cho bé ngủ không được ngon giấc. Thấy con như vậy chị Phương không biết cách nào có thể giúp con mặc dù đã sử dụng đủ các loại thuốc thông mũi để giúp bé Xu không còn ngạt mũi nhưng không hiệu quả lắm.

Đối với trẻ, mỗi khi thời tiết thay đổi hay thường xuyên lạnh kéo dài trẻ thường gặp phải triệu chứng nghẹt và sổ mũi, cản trở rất nhiều đến sinh hoạt và ăn uống của trẻ. Để các mẹ có thể cải thiện tình hình ngạt mũi cho trẻ ngay lập tức mỗi khi trẻ ngạt mũi, các mẹ có thể sử dụng một trong những cách sau đây:

1. Dùng túi xông, xông mũi cho trẻ:

Với biện pháp này, các mẹ có thể tới các hiệu thuốc mau gói lá xông được bán sẵn về cho bé sử dụng. Túi lá xông có cấu tạo nhỏ gọn rất dễ sử dụng. Các mẹ chỉ cần cho túi lá xông vào một túi nhỏ đeo trước ngực trẻ, gần với vị trí mũi nhất để bất cứ lúc nào trẻ cũng có thể được xông mũi bởi các vị thuốc trong túi xông đó. Nếu khi bé ngủ, các mẹ hãy đặt các túi xông (nhiều nhất là 2 túi) xuống dưới gối, như vậy, ngay cả khi ngủ, trẻ sẽ được xông mũi và việc thở sẽ không còn khó khăn.

2. Sử dụng tinh dầu bạc hà để thông mũi cho trẻ

Với trẻ bị ngạt mũi, các mẹ thường sử dụng một dung dịch rất phổ biến để giúp trẻ vệ sinh mũi đó là nước muối sinh lí. Để tác dụng của dạng dược phẩm này công hiệu nhất, các mẹ hãy nhỏ vào lọ nước muối sinh lí khi trẻ đi ngủ. Hãy nhỏ một vài giọt tinh dầu bạc hà vào khu vực giường ngủ của bé như: giường, chăn, gối, quần áo… Công dụng của tinh dầu bạc hà sẽ làm trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên các mẹ không nên quá lạm dụng vì nếu sử dụng tinh dầu bạc hà trẻ có thể sẽ bị bỏng.

3. Kê gối ngủ cho trẻ cao hơn ngày thường và day cánh mũi cho trẻ khi trẻ ngủ

Khi trẻ bị ngạt mũi, nếu các mẹ vẫn với thói quen để trẻ gối của trẻ thấp, trẻ càng gặp khó khăn hơn khi thở. Vì vậy để dễ dàng hơn cho trẻ, các mẹ hãy kê gối ngủ cho trẻ cao hơn bình thường. Khi trẻ ngủ, các mẹ hãy dùng hai mu bàn tay day nơi 2 cánh mũi cho trẻ, như vậy trẻ sẽ dễ thở hơn.

Ngoài ra để các mẹ giúp trẻ ngăn chặn và phòng tránh ngạt mũi trước khi trẻ rơi tình trạng khò khè khó chịu và viêm mũi. Các mẹ hãy thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lí. Tránh để trẻ sụt sịt và giữ nước mũi trong mũi, các mẹ có thể giúp trẻ hút mũi bằng những dụng cụ có bán sẵn tại các cửa hàng thuốc.

Đi xe máy trời rét: Trẻ nhỏ có nguy cơ ngừng thở

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn, thời tiết sẽ còn rét đậm, rét hại tới Tết Tân Mão. Ngày Tết, nhiều gia đình cho con nhỏ đi chơi bằng xe máy. Cách di chuyển này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho trẻ.

Theo thông tin từ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương, gần đây số trẻ nhập viện tuy không cao như đầu chu kỳ rét, nhưng hầu hết trẻ đều trong tình trạng bệnh tình rất nặng. Các bệnh thường gặp ở trẻ là viêm phổi cấp, xuất huyết não… Tuy nhiên, nhiều hơn cả vẫn là viêm phổi cấp do tiếp xúc với thời tiết giá lạnh.
Trời rét, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp, suy hô hấp. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương)

Gia đình chị Nguyễn Thị An (quê Ninh Bình) có con 10 tháng tuổi vừa chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng bé bị xuất huyết não. Dù đã được mẹ ôm với mớ dây dợ, ống truyền dịch, nhưng bé con vẫn run lên vì rét. Chị An cho biết: "Bệnh tình cháu thế này không chuyển viện cũng không được. Biết là rét mướt nhưng nếu không chuyển viện, cháu có mệnh hệ gì thì cả gia đình ân hận".

Không riêng gì chị An, gia đình chị Lê Thị Thu ở Hà Đông, Hà Nội cũng đang hớt hải lo cấp cứu cho đứa con 3 tuổi bị bỏng. Phương tiện đi cấp cứu của gia đình chị là xe máy. Chị Thu cho hay: "Biết là trời rét mướt, nhưng gia đình không có tiền để gọi taxi nên phải đèo cháu bằng xe máy lên đây".

Vừa cấp cứu bỏng xong, con chị Thu lại có hiện tượng ho, khó thở, các bác sĩ lại phải chuyển khoa để khám và kết luận cháu bị viêm phổi, cần nhập viện điều trị ngay.

Ông Lê Xuân Ngọc - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Mỗi ngày khoa tiếp nhận khám cho hơn 100 bệnh nhi, hầu hết các cháu đều nhập viện trong tình trạng bệnh tình rất nặng. Do đang mắc bệnh, lại phải trải qua một quá trình vận chuyển kéo dài nên cơ thể trẻ lại càng yếu hơn. Nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong ngay trên đường đi nhập viện, số khác bệnh tình chuyển nặng và có nguy cơ tử vong".

Không nên cho trẻ đi chúc Tết nếu quá rét

Đợt rét kỷ lục đầu năm 2008 đã có ít nhất 2 em bé tử vong khi đi xe máy cùng bố mẹ. Trong đó, một em bé 2 tuổi chết trên đường từ Hải Phòng đi Phú Thọ, và một trẻ 4 tuổi khác cũng qua đời dọc đường.

Đề cập vấn đề này, BS Nguyễn Đăng Quyệt, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: "Với thời tiết giá lạnh như thời gian qua, việc trẻ mắc nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, những trẻ có tiền sử về các bệnh đường hô hấp như: Hen, tim mạch… hoặc trẻ sơ sinh thì nguy cơ tử vong càng cao".

Lý giải cho kết luận này, BS Quyệt cho rằng, trẻ có hệ miễn dịch yếu, nếu tiếp xúc trực tiếp với môi trường lạnh giá bên ngoài hoặc đi xe máy với bố mẹ trên những quãng đường xa thì cơ thể có thể bị hạ nhiệt độ nhanh chóng. Trẻ có thể ngừng thở nếu bố mẹ không phát hiện kịp thời và thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương: "Khi trời rét đậm, rét hại, gia đình tuyệt đối không nên cho các cháu ra ngoài, nhất là với trẻ sơ sinh. Với trường hợp bất khả kháng như trẻ bị bệnh, phải cấp cứu thì phải giữ đủ ấm cho trẻ. Nếu buộc phải đi bằng xe máy trên những quãng đường xa thì nên cho trẻ ngồi giữa quay mặt ngược lại với hướng gió, tuy nhiên cũng phải giữ cho đường hô hấp của trẻ được lưu thông, tránh trường hợp trẻ bị ngạt thở".
Trong điều kiện thời tiết giá lạnh như hiện nay, hầu hết các cháu đều mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp do virus hợp tế bào có tên khoa học là Respiratory Sintitial (RSV) gây ra. Loại virus này có thể gây bệnh tiểu phế quản, viêm phổi, gây tắc đờm giải. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tình kéo dài dẫn đến suy hô hấp cấp, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
BS Nguyễn Đăng Quyệt

Nhậu khi trời rét: Dễ bị co mạch, tai biến, tử vong

Cuối năm, nhu cầu ăn nhậu tất niên nhiều trong khi thời tiết đang vào những ngày lạnh giá. Dù nhiều cuộc hẹn bị lần lữa vì trời rét, nhưng do Tết cận kề khiến một số hội nhóm mặc giá rét tổ chức gặp mặt, ăn uống. Theo các bác sĩ, chuyện nhậu trong thời tiết này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Đông đúc quán nhậu

dịp cuối năm, chẳng cứ  đàn ông, mà phụ nữ cũng hẹn hò nhau để chia tay năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, nói gọn lại là ăn tất niên. Dạo quanh một vòng, ven hồ Ba Mẫu, hồ Tây, vỉa hè đường mới Kim Liên, Đại Cồ Việt, ven hồ Trúc Bạch, vỉa hè Cát Linh, Ngọc Khánh, Phùng Hưng... không chỗ nào là không có hàng ăn uống, lẩu, nướng và đều đông nghịt khách mặc cho thời tiết lạnh giá.

9h tối ngày 20/1, tại quán hải sản số 339 đường Trần Khát Chân, Hà Nội, một nhóm bạn bước từ trong ra chia tay nhau về, mặt đỏ phừng phừng, trời lạnh nên không ít người so người lại vì rét. Chỉ một thoáng, rồi sau đó ai lên xe người nấy phóng ra đường hòa vào nhịp người hối hả. Tại một quán nhậu ven hồ Ba Mẫu, một nhóm thực khách cứ thích ra vỉa hè ngồi, uống bia kèm rượu mạnh, mồi nhậu thì thập cẩm, vừa hải sản vừa vịt nướng, lai rai gần 11h đêm vẫn chưa chịu giải tán. Chị Nguyễn Hoàng Linh (ở phố Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) thực khách trong nhóm nói với giọng mũi ngào ngạt: "Gió hồ, sương khuya, lạnh đến rùng mình nhưng mà vui nên chưa ai chịu về".

Có thể tử vong sau khi ra đường

GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người uống rượu mặt đỏ gay, đó là do mạch máu giãn ra. Khi ra lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng vọt gây tai biến. Nhiều trường hợp tử vong sau khi uống rượu mà ra đường là vậy.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, trưởng khoa C4, Viện Tim mạch Quốc gia cho hay, khi uống rượu bia nếu đột ngột ra đường trong thời tiết lạnh sẽ gây cảm, viêm phổi, huyết áp tăng cao gây tai biến. Uống rượu gây cảm giác nóng người lên, trong khi uống bia gây cảm giác lạnh. Tuy nhiên, dù uống rượu hay bia thì hậu quả và sự tác động vào cơ thể cũng như nhau. Người biết giữ sức khoẻ sẽ chỉ uống chừng mực, mặc quần áo đủ giữ ấm cơ thể; Khi cảm thấy người chếnh choáng, nếu đang đi xe máy, có thể bắt taxi về để đảm bảo an toàn.

Uống rượu khi trời rét  đột ngột ra đường sẽ rất nguy hiểm.
Uống rượu khi trời rét đột ngột ra đường sẽ rất nguy hiểm.

Theo BS Lê Quang Hồng, Trung tâm tư vấn 1088, nếu nhậu ở nhà sau đó  đi nằm luôn thì không sao, vì rượu sẽ ngấm vào từ từ, ngấm nhẹ. Nhậu ngoài đường, sau khi ăn xong vận động trong trời lạnh khiến các màng mỡ bao phủ niêm mạc ruột có thể vỡ ra, rượu có thể ồ ạt thấm qua niêm mạc vào máu gây ngộ độc. Kể cả với người bình thường, khoẻ mạnh, không có bệnh nan y, việc nhậu khi trời rét rồi đột ngột ra đường hoặc nhậu ngoài trời lạnh cũng đã nguy hiểm. Người tuổi cao (trên 50 tuổi) có bệnh mạn tính thì sự nguy hiểm càng tăng cao. Cách tốt nhất để hạn chế nguy hiểm là uống có mức độ, hạn chế ăn nhậu ngoài đường, uống xong - khi người vẫn đang ngà ngà, lâng lâng - không nên ra đường ngay.

"Lý thuyết" là  vậy, nhưng theo BS Lê Quang Hồng, việc kiểm soát  để biết thế nào là "mức độ" rất khó, bởi khi đã vào cuộc nhậu, người ta hay đua nhau uống, uống tàn cuộc rồi đi... bất kể trời lạnh hay có mưa phùn. Và sự nguy hiểm thì luôn rình rập...

"Trong thời tiết này, khi nhiệt  độ ngoài trời buổi tối ở miền Bắc thường dưới 100C, trong các nhà hàng chỉ nên để nhiệt độ khoảng 15 - 160C, không nên để ấm 25 - 260C, vì khi có chút men, ra đường đột ngột trong khi nhiệt độ chênh lệch lớn, rất dễ bị cảm. Không ít trường hợp đã bị trụy tim cấp, viêm phổi cấp sau khi ở phòng ấm ra ngoài".

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (trưởng khoa C4, Viện Tim mạch Quốc gia) 

Xoa bóp chữa bệnh viêm họng mạn tính

Viêm họng là bệnh rất hay gặp trong mùa đông do thời tiết lạnh và hanh khô kéo dài. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, nghiện rượu nặng, hoặc phải sống trong môi trường  nhiều bụi, khí độc,… là những yếu tố thuận lợi làm mắc bệnh. Nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến viêm họng mạn tính hoặc gây viêm phế quản, phổi... Người bệnh có cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên, nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy. Do ngứa họng nên người bệnh hay khạc nhổ, ho khan, đặng hắng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc. Gặp điều kiện thuận lợi như những ngày trời rét đậm hoặc sức đề kháng của cơ thể giảm sút, bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (người bệnh có đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc...). Theo Đông y, viêm họng  thuộc phạm vi chứng tý, gọi là  hầu tý. Nguyên nhân là do phong hàn, phong nhiệt hoặc khí táo. Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản của Đông y giúp giảm bớt những triệu chứng của viêm họng mạn và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng của viêm họng. Ngoài việc uống thuốc, nên kiên trì thực hiện xoa bóp hằng ngày sẽ có hiệu quả.

Day huyệt phong trì.

Vuốt hai bên họng: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt liêm tuyền khoảng 3 phút.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vuốt hai bên cạnh họng từ trên xuống khoảng 3 phút.

Dùng ngón cái và ngón trỏ tay phải đặt nhẹ hai bên xương sụn họng (chỗ yết hầu) lắc chậm rãi sang phải, sang trái khoảng 30 lần.

Xoa day huyệt phong trì: Dùng hai ngón tay cái ấn vào huyệt phong trì và day khoảng 2 phút.

Xoa huyệt dũng tuyền: Để chân trái lên đầu gối  chân phải, dùng tay phải xoa mạnh lòng bàn chân trái, nhanh và mạnh dần đến khi cảm giác nóng lên thì thôi. Sau đó đổi chân xoa bằng tay trái.

 

Vị trí huyệt:

- Liêm tuyền: Chính giữa bờ trên sụn giáp trạng, trên lằn chỉ ngang chỗ cuống hầu, ở trên khe của xương móng và sụn giáp trạng.

- Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

- Dũng tuyền: Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ hai và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.

Để phòng bệnh, cần thực hiện những điều sau:

 

- Súc miệng hằng ngày bằng nước muối loãng và ngậm chanh muối, gừng muối, quất hấp đường phèn hoặc mật ong.

- Phòng ở và nơi làm việc phải đủ ấm, tránh làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất. Cần giữ ấm đặc biệt là cổ và ngực, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trời.

- Kiêng hút thuốc lá và hạn chế rượu. Ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng, tránh các thức ăn cay, mặn.

- Tránh bị cảm cúm và viêm mũi họng cấp. Khi bị viêm họng cấp hoặc đợt cấp của viêm họng mạn, cần dùng thuốc của y học hiện đại theo chỉ định của bác sĩ.

Lương y Đình Thuấn

4 món bánh làm ấm bụng chiều đông

Trời rét thế này, dù bữa trưa của bạn rất no nê, bổ dưỡng thì cũng chỉ đến tầm 4h chiều là cái bụng đã "biểu tình".

 

Trong "thời khắc" đói lòng mà được thưởng thức món gì đó mằn mặn, nóng nóng thì còn gì bằng. Gợi ý cho bạn 5 món quen thuộc nhưng sẽ luôn làm bạn thích thú, nhất là trong tiết trời lạnh tê tái.

1. Bánh đúc thịt khu Trung Tự

Trước kia, nhắc tới bánh đúc thịt người ta sẽ nghĩ ngay tới địa chỉ số 8 Lê Ngọc Hân. Nhưng giờ, quán này khiến nhiều người thất vọng vì sự phá cách thái quá làm món ăn trở nên “tạp phí lù” khi cho thêm đủ thứ như giò, riêu, đậu… chẳng hề liên quan.

Hiện nay, có một quán bánh đúc thịt tại khu tập thể C2, Trung Tự được dân Hà Thành vote khá đông. Quán tuy nhỏ nhưng sạch sẽ. Theo đại đa số ý kiến thì bánh đúc tại đây dẻo quánh, thịt băm xào với mộc nhĩ mềm ngọt, nước chan lại đậm đà, nóng hổi, kết hợp với hành phi, mùi tàu thơm phức… Nhìn chung là ngon, chuẩn, hấp dẫn từ khâu “chiêm ngưỡng” cho tới khâu thưởng thức và quan trọng là giữ được hương vị đặc trưng của một món ăn dân dã hết đỗi thân quen với người Hà Nội.

Quán mở cửa từ khoảng 2h chiều, khá đông khách quen, nên nếu không muốn chưng hửng vì thấy tấm biển “Hết bánh” thì bạn nên tới sớm trước 5h.

Mỗi bát bánh đúc tại đây có giá 10.000 đồng.

2. Bánh mì thịt nướng phố Quang Trung

Chỉ là bánh mì nóng giòn kẹp thịt xiên nướng thơm phức, sự sáng tạo đơn giản như thế cũng đủ tạo nên một món khoái khẩu, thú vị.

Bánh mì thịt xiên giờ ở cổng các trường học hoặc trong các khu chợ rất nhiều nơi bán. Nhưng nếu bạn đang lang thang ngoài phố, thèm món này mà chưa xác định được chỗ ăn thì có thể tạt qua phố Quang Trung. Tại đây cũng có 1 tiệm bánh mì thịt xiên nướng nằm ngay vỉa hè, buổi chiều đến rất đông khách các nam nữ thanh niên tới ăn và mua về.

Quán đắt hàng trước tiên vì địa điểm trung tâm, dễ tìm, lại gần cả trường Quang Trung và Việt Đức nên được các teen hai trường này ủng hộ nhiệt tình. Vỉa hè thì rộng rãi, thoáng mát, có chỗ để mọi người thoải mái vừa ăn vừa ngồi buôn dưa lê vui vẻ.

Tiếp đó, do thịt nướng tại đây ướp rất thơm, đậm đà, ngoài ra thịt có vẻ tươi nên khi nướng lên chín tới rất mềm, ngọt, không bị khô. Kẹp chung với bánh mì, đổ thêm ít tương ớt, bảo đảm làm bạn “đã đời” trong những lúc đói lòng.

Thử tưởng tượng xem, chiều mùa đông, bạn và người ấy vừa xuýt xoa, nhâm nhi bánh mì thịt nướng nóng hổi, cay cay, vừa ngồi sát bên nhau trò chuyện, ngắm con phố Quang Trung thanh vắng yên ả thì còn gì bằng?

Giá mỗi chiếc bánh mì thịt xiên: 16.000 đồng/chiếc (gồm bánh mì và 2 xiên thịt).

3. Bánh giò Ngô Thì Nhậm

Thêm một món ăn giản dị nhưng luôn là gợi ý không tồi – Bánh giò nóng.

Có một cửa tiệm nằm ngay ngã tư phố Ngô Thì Nhậm và Trần Xuân Soạn, trông hơi “nhếch nhác” nhưng đã bán hàng từ nhiều năm nay, khách đông ngồi lô nhô thành dọc dài ở vỉa hè, được đánh giá là một trong những nơi bán bánh giò ngon nhất Hà Nội.

Bánh giò ở đây được khen ngợi trước tiên vì nó chứa rất ít hàn the. Bằng chứng là khi ăn, bóc phần lá ra, thấy phần bánh bên trong có vẻ hơi nát nát, dễ vỡ, nhìn tuy không đẹp mắt song ăn rất mềm, nhanh tan trong miệng, để lâu cũng không bị cứng và bứ. Như vậy mới chứng tỏ chủ quán không lạm dụng hàn the.

Ngoài ra, nhân bánh khá đầy đặn, thịt băm mộc nhĩ mềm thơm, đậm đà. Nhiều người thích ăn bánh giò tại đây còn vì quán có bán kèm cả các loại giò chả cũng thơm ngon không kém, béo ngậy, ăn rất hợp với bánh giò nóng hổi.

Đắt sắt ra miếng, một chiếc bánh giờ tại đây có giá: 8.000 đồng/chiếc

4. Bánh gối, bánh rán Lý Quốc Sư

Trong lúc trời rét thì những món chiên chiên, rán rán đúng là “lên ngôi”. Và bánh gối, bánh rán mặn quả là lựa chọn tuyệt vời.

Khi thèm hai món này, nhiều người sẽ chẳng ngần ngại mà phóng xe lên phố Lý Quốc Sư. Đơn giản vì ở đây có tiệm bánh gối, bánh rán có tiếng lâu năm rồi, trên dưới 15 năm, vừa ngon, vừa rẻ.

Vỏ bánh ở đây làm chuẩn lắm, vàng rộm, bánh gối thì giòn tan, mà bánh rán thì thơm mềm, đều không ngấy chút nào. Nhân thịt cũng đầy đặn, vừa miệng, nước chấm pha chua chua ngọt ngọt, chắc chắn khỏi phải chê, bởi cửa hàng lâu đời, đã rất nhiều kinh nghiệm rồi.

Thêm một điểm cộng nữa là tiệm đông nhân viên phục vụ, khá nhanh nhẹn, chuyên nghiệp, không làm bạn mất thời gian chờ đợi.

Giá bánh gối: 8.000 đồng/chiếc, bánh rán: 5.000 đồng/chiếc.