Lưu trữ cho từ khóa: Bệnh viện Bạch Mai

Bị viêm cơ tim tối cấp cô gái xinh đẹp suýt gặp tử thần

Bị viêm cơ tim tối cấp, Mai 27 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, khó thở nhiều sau đó mất ý thức, tim hầu như không đập, nguy cơ chết não vì máu không lên não.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nơi điều trị bệnh nhân Mai cho biết, chỉ cần máu không lên não 6 phút là não chết. Vì thế, với bệnh nhân này, việc cấp cứu ban đầu là hết sức quan trọng. Để duy trì máu lên não, các bác sĩ phải ép tim liên tục 5 lần bằng cách sốc điện, đồng thời đặt nội khí quản thở máy. 20 phút sau, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại.

co gai xinh dep Mai
Nụ cười hạnh phúc của Mai sau khi thoát khỏi tay tử thần. Ảnh: Nam Phương.

Trước đó, ngày 19/3, bệnh nhân sốt, đau mỏi người, mệt, đau ngực, khó thở, tự điều trị ở nhà bằng thuốc hạ sốt. Sau 3 ngày thấy không đỡ cô đến khám tại Bệnh viện Bưu điện, chẩn đoán bị viêm cơ tim cấp và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Mai được đưa vào đơn vị hồi sức tích cực, Viện Tim  Mạch trong tình trạng tỉnh. Tuy nhiên, một tiếng đồng hồ sau, cô bất ngờ xuất hiện khó thở nhiều, mất ý thức, tim hầu như không đập. Khi đó tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo. Không cần tim, phổi nhưng máu vẫn được bóp đi khắp cơ thể.

Điều làm các y bác sĩ lo lắng nhất là bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong thời gian khá dài, có thể làm não bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không hồi phục. Tuy nhiên, kết quả theo dõi và làm các test cho thấy bệnh nhân có đáp ứng với kích thích đau, không có dấu hiệu thiếu sót thần kinh đáng kể. Sau 7 ngày, sức khỏe Mai phục hồi tốt và có thể xuất viện.

Tiến sĩ Hùng cho biết, nếu không được cấp cứu tốt, ép tim để não sống trong suốt 20 phút thì dù sau đó có lắp tim phổi nhân tạo thì cũng vô ích, bệnh nhân rơi vào đời sống thực vật. Bệnh nhân bị viêm cơ tim do virus, sau 1-2 tuần bệnh sẽ tự khỏi, khi đó tim cũng tự hồi trở lại.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kỹ thuật tim phổi nhân tạo có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim – chức năng phổi khi suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. Đây là một kỹ thuật cao, bệnh viện sẽ xây dựng quy trình để thành kỹ thuật thường quy.

Viêm cơ tim cấp là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao, trong thời gian rất nhanh nếu không kịp phát hiện và nhập viện. Bệnh có thể gây ra do nhiều nguyên nhân như các loại virus cúm, rubella, hoặc do vi khuẩn như thương hàn, sốt mò… Khi vào cơ thể, virus sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, rối loạn nhịp tim dẫn đến trụy mạch, cơ tim co bóp rất yếu… Trong một số trường hợp dù được phát hiện sớm nhưng người bệnh vẫn có thể tử vong trong vòng 24-48 giờ.

(Theo Vnexpress)

Cẩn thận với miếng dán lạnh hạ sốt cho trẻ

Nhiều bà mẹ lấy miếng dán lạnh đắp vào trán bé ngay khi thấy trẻ bị sốt. Tuy nhiên, hiện nay, trong việc hạ sốt, các biện pháp chườm lạnh ngày càng ít được sử dụng, đặc biệt với trẻ bị sốt do bệnh về đường hô hấp. Việc dùng miếng dán lạnh trong các trường hợp này có khi mang lại những tác động làm trầm trọng thêm tình hình.

Mỗi lần con ốm, sốt, chị Huyền (Giáp Bát, Hà Nội) gần như phải thức trắng cả đêm lấy khăn ấm lau khắp người, lôi con dậy để uống thuốc hoặc nhét thuốc. Vì thế, nghe mọi người mách mua miếng dán lạnh để hạ sốt cho bé, chị liền ra ngay hiệu thuốc mua hẳn một hộp 12 miếng với giá 80.000 đồng.

“Không ngờ, cu cậu không chịu, cứ đặt miếng dán lên trán là khóc ầm ĩ, lấy tay giật ra. Không còn cách nào khác thế là mình đành xếp xó hộp gần như còn nguyên vẹn. Miếng đó lạnh toát, mình sờ tay vào còn thấy lạnh mới thấy con nó khó chịu thế nào”, chị Huyền chia sẻ.

Chị Lâm, ở Đông Anh, Hà Nội cũng bị một phen hốt hoảng vì dùng miếng dán hạ sốt cho con.

Nhiều trẻ rất sợ khi bị dán miếng dán lạnh lên trán để hạ sốt.

Thấy cô con gái 2 tuổi bị sốt 39, 40 độ C, chị mới bóc một miếng dán hạ sốt dán vào trán cho con. Thế nhưng hơn một giờ sau, chị đo lại thì thấy nhiệt độ vẫn không hạ. Chị lấy mấy miếng nữa dán tiếp vào nách và bẹn nhưng vẫn không ăn thua.

Thế là cả đêm chị phải ngồi trông con, vừa canh giờ để thay miếng dán, vừa lấy nước ấm lau liên tục. Đến 5 giờ sáng thấy con vẫn sốt li bì chị mới vội vàng đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt thì sau 30 phút nhiệt độ đã hạ.

“Nghĩ trẻ nhỏ hay ốm mà lần nào cũng dùng thuốc để hạ sốt thì không tốt lại sợ nó nhờn thuốc nên mình mới thử dùng miếng dán hạ nhiệt. Ai dè, may mà bé không bị sao”, chị Lâm nói.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, miếng dán hạ sốt rất dễ tìm thấy ở các hiệu thuốc và được nhiều bà mẹ chuộng dùng vì tiện lợi. Hầu như trẻ nào đến khoa khám cũng đều dán một miếng ở trên.

“Miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh. Với biện pháp đắp lạnh để hạ được sốt thì phải đắp gần như toàn thân. Việc này rất khó thực hiện, nhất là trong mùa lạnh. Trong khi đó Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ”, tiến sĩ Dũng nói.

Theo đó, nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách..) thì thấy không có tác dụng hạ sốt mà có hai yếu tố bất lợi. Thứ nhất, nó khiến trẻ khó chịu thêm. Nhiều trẻ thấy sợ miếng dán lạnh, mỗi lần bị dán lên trán là lập tức khóc inh ỏi, đòi vứt đi. Thứ hai, với những trẻ bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lại làm tăng việc sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm.

“Quan điểm của riêng tôi là không nên sử dụng các loại khăn lạnh. Thuận lợi là dán được vào, có thể ngay lúc đó trẻ thấy dễ chịu nhưng nếu dán 6-8 giờ thì rất nguy hiểm”, tiến sĩ Dũng nói.
Lý giải điều này, theo tiến sĩ, cơ chế của cơ thể là hạ nhiệt bằng cách thoát nhiệt qua da bằng bốc hơi. Nếu dán một miếng ở trên trán trong một thời gian dài, cơ thể sẽ mất một khoảng da không trao đổi khí, khó bốc hơi ra bên ngoài làm nhiệt độ không hạ được.

Bên cạnh đó, các thành phần của miếng dán nếu thấm qua da thì rất nguy hiểm, một số trẻ có thể bị dị ứng với các thành phần trong đó. Chẳng hạn như menthol là tinh dầu bạc hà, có tích kích ứng mạnh. Các bác sĩ không khuyến khích dùng cho trẻ vì da bé rất nhạy cảm nên dễ gây kính ứng da, đôi khi có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp ở trẻ sơ sinh.

“Ngoài ra, một số bà mẹ để hạ sốt cho con đã lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên người bé gần nách. Điều này là không nên, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp”, tiến sĩ Dũng khuyến cáo.

Để hạ sốt, cha mẹ có thể dùng nước ấm thấp hơn 2 độ so với thân nhiệt, lau người cho bé. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ, quan trọng vẫn phải dùng thuốc, đồng thời để con nằm ở nơi thoáng, bỏ bớt quần áo, tã lót.

Meo.vn (Theo Meyeucon)

Tử vong vì ăn nhầm sâu ban miêu với bọ xít

Nửa tiếng sau khi ăn sâu ban miêu (nhầm là bọ xít), ông Trương Thanh S. (59 tuổi, ở Hà Trung, Thanh Hóa) cùng một cụ ông 70 tuổi khác đều bị đau bụng, nôn, tiêu chảy...


Không được tự ý dùng ban miêu hay các thuốc có chứa ban miêu để chữa bệnh.

Khi nhập Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa cấp cứu thì một bệnh nhân đã tử vong do suy thận, còn ông S. được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng thở nhanh, cô đặc máu, suy thận, suy gan, suy tim, tình trạng nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu mức độ nặng, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác lòng mạch... Dù đã được cứu chữa nhưng sau 13 tiếng thì bệnh nhân tử vong.

Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y, tên sâu ban miêu được dùng để chỉ nhiều thứ sâu có tính chất gây rộp da, được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, ban miêu thuộc loại thuốc độc bảng A, hiện rất ít dùng uống trong, chỉ có một bài thuốc co giật trẻ em được chỉ định với liều rất nhỏ...

Các chuyên gia chống độc cảnh báo, ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn với những triệu chứng ở dạ dày và ruột, làm rối loạn thần kinh và chết trong vòng 24 giờ. Người ta cho rằng, với liều 3 - 4g bột sâu ban miêu hoặc 20 - 30g cồn sâu ban miêu đã đủ làm cho chết người. Vì vậy, không được tự ý dùng ban miêu hay các thuốc có chứa ban miêu để chữa bệnh.

Meo.vn (Theo Bee)

Quá dễ mua thuốc buộc kê đơn

Thuốc kháng sinh là loại thuốc có số người mua không theo đơn nhiều nhất. Kế đến là thuốc tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, ung thư...


Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần được thầy thuốc tư vấn

“Chỉ uống một viên thuốc sẽ ngủ ngay sau 15 phút, trạng thái ngủ sâu, khó kích động. Uống từ 2-3 viên sẽ ngủ một giấc thật sâu”... Những lời rao bán các thuốc như thế đang nhan nhản trên mạng, sẵn sàng cung ứng tận nơi theo nhu cầu người mua. Điều đáng nói là không ít thuốc được rao bán như thế là những loại thuốc thuộc diện chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ do trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.

Chỉ cần cú click

Chuyện thường gặp ở các hiệu thuốc là khách hàng chỉ cần phàn nàn về triệu chứng mất ngủ hoặc kể bệnh thì lập tức người bán sẽ nhanh chóng giới thiệu hàng loạt loại thuốc ngủ. Để tiết kiệm thời gian, nhiều người vẫn quen lên mạng rồi bằng vài cái click chuột là đồng ý mua ngay loại thuốc ngủ cực mạnh mà bình thường phải có đơn của bác sĩ.

Một số trang web đang rao bán nhiều loại thuốc thuộc danh mục thuốc bắt buộc phải kê đơn với lời quảng cáo “chuyên cung cấp, phân phối sỉ và lẻ các loại thuốc ngủ cực mạnh, chuyên điều trị mất ngủ từ ngắn hạn tới kinh niên với giá rẻ…”. Trong đó, những loại thuốc trị mất ngủ kinh niên được rao bán nhiều nhất gồm: Clozapine giá 250.000 đồng/vỉ 10 viên, Stilnox: 500.000 đồng/vỉ 14 viên, Rivotril 2mg: 300.000 đồng/vỉ 7 viên… Khi liên lạc với một số điện thoại bán thuốc trên mạng, chủ nhân đoạn quảng cáo này khẳng định sẵn sàng chuyển thuốc đến tận nơi theo nhu cầu khách hàng.

Theo “Quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn”, các nhóm thuốc phải bán theo đơn gồm: thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần; thuốc độc A,B; thuốc kháng sinh; tim mạch; nội tiết; ung thư... Những loại kể trên chỉ được phép bán khi người bệnh trình ra đơn thuốc của bác sĩ. Với người bệnh thì chỉ được mua thuốc bán không cần đơn trong trường hợp tự điều trị các bệnh nhẹ và triệu chứng thông thường như cảm, sổ mũi, ho, tiêu chảy, táo bón, bổ sung vitamin… Quy định như thế nhưng thực tế nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua bán công khai, dễ dàng mà không cần đơn của bác sĩ.

Chuyển tận tay

Chị Phạm Thanh Hải, nhân viên một hiệu thuốc trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho hay số người đến mua thuốc từ đơn của bác sĩ chỉ chiếm khoảng 20%-30%, còn lại là những người mua thuốc tự do. Thuốc kháng sinh là loại thuốc có số người mua không theo đơn nhiều nhất. Kế đến là thuốc tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, ung thư...

Một bác sĩ ở Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết hầu như tuần nào trung tâm này cũng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do sử dụng các loại thuốc ngủ, trong đó chủ yếu thuốc Seduxen và Lexomil. Bác sĩ này cũng bày tỏ sự lo ngại khi trên mạng xuất hiện nhiều trang web bán thuốc với hình thức giao dịch rất đơn giản, người mua chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản rồi thông báo là lập tức thuốc sẽ được chuyển đến tận tay, kể cả thuốc gây nghiện, thuốc tâm thần… là những loại về nguyên tắc phải quản lý rất chặt.

Nhằm siết chặt việc mua bán thuốc trên mạng, Bộ Y tế đang xây dựng một thông tư quy định cấm bán lẻ thuốc qua phương tiện điện tử. Giới chuyên môn khuyến cáo người bệnh cần thận trọng khi mua thuốc và không nên mua thuốc qua mạng, nhất là các loại thuốc phải kê đơn vì tiện lợi đâu chưa biết, chỉ thấy “tiền mất, tật mang”.

Meo.vn (Theo NLĐ)

Cẩn thận bệnh hô hấp khi thời tiết thay đổi

Gần đây, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi trong ngày, gần sáng và tối lạnh, trưa nóng, kèm theo những cơn mưa bất chợt, khiến trẻ dễ bị sốt, ho, chảy nước mũi…. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai số trẻ đến khám tăng gấp rưỡi.

Gần một tuần nay, chị Linh (Giáp Bát, Hà Nội) quay như chong chóng vì hết cậu con trai 2 tuổi ho, sốt, sổ mũi lại đến cô chị 4 tuổi cũng sụt sịt, may mà không sốt. Chị cho biết, khởi đầu là ông xã, tự nhiên sáng thức dậy thấy hắt hơi ầm nhà lên.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/eb/2f/benhhohap11.jpg

Khá đông trẻ em đi khám về bệnh hô hấp ở Bệnh viện Bạch Mai, hôm 12/9. Ảnh: Nam Phương.

“Chồng mình bị viêm mũi dị ứng, người không khác gì cái máy dự báo thời tiết, nên cứ trở trời là y như rằng hắt hơi. Hai hôm sau thì đến lượt cậu con trai cũng ốm. Gia đình lo lắng vì uống thuốc lúc đầu thì đỡ, nhưng đến hôm sau lại sốt. May mà sau 3 ngày cháu không còn sốt, chỉ còn ho khan có đờm”, chị Linh cho biết.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biên độ nhiệt trong ngày thay đổi cao, trẻ chưa thích ứng kịp nên số trẻ đến khám có tăng hơn bình thường. Đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ diễn biến xấu nhanh, khó lường. Trẻ nhập viện trong thời gian này chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, sốt virus, đa phần nhẹ, chỉ có một số ít trẻ nặng hơn, bị biến chứng viêm phổi.

Theo bác sĩ, nhiều người căn cứ vào dấu hiệu trẻ bị ho, sốt để cho con đi khám. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh đây không phải là những dấu hiệu đặc hiệu. Có trẻ không sốt, ho những vẫn bị viêm phổi nặng. Với lứa tuổi này, nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc thấy con thở nhanh, thấy rõ hai cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do trẻ bị bệnh.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung uơng cũng cho biết, trong những năm đầu đời, cấu trúc giải phẫu, hệ miễn dịch trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện. Vì thế, sức đề kháng của trẻ yếu, dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp. Trẻ có tiền sử sinh non, bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con mắc bệnh. Nếu thấy trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều thì cần chú ý làm sạch đường thở. Không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, đặc biệt không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Khi trẻ sốt virus, không tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, nếu sốt cao, co giật thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của sốt virus cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não, viêm não Nhật Bản… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, cần chú ý giữ ấm cho trẻ, gần sáng và đêm thì nên mặc quần áo ấm, tăng cường dinh dưỡng. Ngoài ra, cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh.

Meo.vn (Theo VNE)

Bé bại não bị bố mẹ bỏ rơi

Giữa đêm tối tại hành lang bệnh viện, một bé gái khoảng 15 tháng tuổi bị bỏ rơi, đặt nằm trên ghế ngồi chờ khám bệnh khóc ngằn ngặt. Không biết tên, các y bác sĩ ở đây đã gọi bé là Việt Nhật, như một lời cầu chúc bé được cứng cỏi.

Bé bị bỏ lại đêm 15/6 tại hành lang Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau đó được chuyển vào khoa Nhi chăm sóc trong tình trạng đói, khát, quấy khóc và bẩn thỉu bởi mồ hôi, nước đái...

Bé được trong chiếc giường sơ sinh bằng sắt, ngay trước khu hành chính của khoa. Trong khi những trẻ khác được cha mẹ chăm sóc, bế bồng, dỗ dành thì Việt Nhật nằm một mình, không có người thân nào bên cạnh. Thi thoảng có các y tá, điều dưỡng ghé qua, nựng vài câu, cho ăn rồi lại tất tả đi. Lúc thì bé tự chơi, không thì lại khóc, khóc chán rồi quay ra ngủ.


Bé Việt Nhật sẽ được chuyển đến trại trẻ mồ côi để chăm sóc. Ảnh: N.P.

Bé nằm viện được hơn một tuần nhưng vẫn không có ai đến nhận. Khi bỏ bé lại, người nhà còn để một bọc quần áo, 3 hộp sữa tươi và 100.000 đồng, không có giấy tờ gì khác.

"Không biết tên tuổi, năm sinh của con nên cả khoa nhất trí gọi con là Việt Nhật. Cái tên hơi nam tính, nhưng hy vọng, nhờ cái tên nam tính đó mà con có thêm sự cứng cỏi để đối mặt với thực tế”, y tá Vũ Bích Hằng cho biết.

Mỗi ngày bé được ăn xuất ăn từ thiện của bệnh viện gồm súp và sữa. Ở đây, mọi người đều bận rộn, không có thời gian chăm bón từng thìa nên đành phải cho bé ăn qua xông. Mỗi ngày bé ăn khoảng 6 lần, mỗi lần được 150ml.

Những vật dụng sinh hoạt cá nhân như: bỉm, chai nước, bình pha sữa…đều do người thân của những bệnh nhi khác ở đây quyên góp. Những hôm đầu không có màn, các cô hộ lý ở đây đã dùng những mảnh tã sơ sinh khâu lại thành màn cho bé. Hôm trước có người vào thấy thương tình nên mua cho con một chiếc màn mới.

Các bác sĩ ở khoa cho biết, bé bị di chứng não nên phản xạ có phần chậm, vận động tay chân kém. Có lẽ cũng vì bệnh tật công thêm hoàn cảnh khó khăn nên bé mới bị bỏ rơi. Khoa đang làm thủ tục để bé đến trại mồ côi.

Meo.vn (Theo Vne)

Đừng tùy tiện dùng thuốc giảm sốt

Hiện nay có khá nhiều bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt khiến người bệnh dễ mất cảnh giác.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn - khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã có những khuyến cáo giúp người dân phân biệt đúng bệnh.

Chuyển mùa - tăng bệnh

Thời tiết chuyển mùa, gây mưa nhiều, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng cho các loại virus xuất hiện. Mỗi ngày, khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến khám với các triệu chứng chung như sốt cao 39-40 độ, ớn lạnh, đau đầu, đau người, đau xương khớp, mệt mỏi kéo dài từ 5-10 ngày.
Có người còn bị rối loạn tiêu hóa hay viêm kết mạc mắt, ho khạc đờm. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm máu thì có nhiều chẩn đoán khác nhau. Đa số là sốt virus nhưng cũng có người bị nghi sốt xuất huyết, viêm não hay sốt phát ban.

Khi trẻ quấy khóc, sốt cao cần cho đi khám ngay.

Tuy nhiên, rất nhiều người đều tự điều trị ở nhà dùng kháng sinh liều cao, uống thuốc giảm sốt tùy tiện gây lãng phí, kháng thuốc khiến cho việc điều trị sau này khá vất vả, tốn kém. Nếu sốt xuất huyết, viêm não còn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như liệt, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi.

Muốn xác định rõ sốt do vi khuẩn hay virus thì bệnh nhân phải đến bệnh viện để được thử máu mới có kết luận chính xác, từ đó bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.
Cần phân biệt các loại sốt

Mặc dù mới vào những ngày đầu hè, nhưng dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện với diễn biến khá phức tạp và bất thường, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước có hơn 9.000 người mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2010) trong đó có 5 ca tử vong.
TS Nguyễn Văn Bình
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện bệnh cúm A/H1N1 với nhiều biểu hiện ban đầu giống như sốt xuất huyết. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng kèm theo sẽ khác nhau. Người nhiễm cúm A/H1N1 có các dấu hiệu như ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau đầu, đau người, rét run, mệt mỏi. Còn người bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, từ ngày thứ 2, thứ 3 còn có các biểu hiện xuất huyết dưới da, mắt…

Sốt rét có các hiện tượng đột ngột sốt cao và rét run. Sốt thường kéo dài vài giờ hoặc cuối giờ chiều rồi ngừng. Khi nhiệt độ cơ thể xuống thì vã mồ hôi. Sốt thương hàn bắt đầu ớn lạnh như bị cảm. Nhiệt độ mỗi ngày tăng một ít, đôi khi kèm theo đi ngoài và kiệt nước. Nhiều người còn run rẩy, mê sảng, tinh thần không tỉnh táo.
Sốt phát ban (Rubella) cũng có các hiện tượng giống thương hàn và có biểu hiện như lên sởi. Biểu hiện như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, đôi khi mắt đau nhẹ. Sau đó nổi hạch ở sau tai và gáy, trên da xuất hiện các nốt ban màu hồng, từng đốm, sau đó lan dần từ mặt xuống cổ và toàn thân (trừ lòng bàn chân, bàn tay), các nốt ban rát sần.

Đối với trẻ em còn có bệnh “chân tay miệng” do virus Entero 71 gây ra cũng có triệu chứng sốt nhẹ, kèm theo sưng miệng, nổi bong bóng nước to bằng đầu đũa, màu xám, hình ô van ở mông, gối, lòng bàn tay, bàn chân và không đau.

Bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ, gây loét trong miệng. Một số trẻ em còn bị nôn hay tiêu chảy khi bóng vỡ. Bệnh không được điều trị sớm sẽ gây biến chứng nguy hiểm do virus tấn công vào não khiến trẻ bị run chi, hốt hoảng, giật mình, huyết áp tụt.

Ngoài ra, có thể tự chẩn đoán bằng các yếu tố dịch tễ như người vừa đi từ vùng có người sốt xuất huyết hay sốt rét về. Những người tiếp xúc với gia cầm sống, với người bị cúm A/H1N1 cũng dễ bị nhiễm cúm… Cách phòng ngừa bệnh lây truyền tốt nhất là tích cực dọn sạch sẽ môi trường sống, vệ sinh cá nhân. Khi có người nhà sốt cao, nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhất và có các dự đoán về dịch tễ để nhận biết bệnh.

Theo Dân Việt

Thận – huyết áp – tim: Một vòng xoắn bệnh lý

Bệnh thận dù tổn thương ban đầu ở nhu mô hay hệ thống mạch máu thận thì sớm muộn cũng dẫn đến tăng huyết áp. Mặt khác tăng huyết áp sẽ thúc đẩy mạnh quá trình xơ hóa cầu thận tiến dần đến suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy có thể nói thận vừa là thủ phạm gây tăng huyết áp vừa là nạn nhân của tăng huyết áp.

Từ lâu y học đã cho rằng tăng huyết áp có thể gây tổn thương thận, dẫn đến một tình trạng mô bệnh học gọi là xơ hóa mạch máu thận theo trường phái Hamburger hay xơ hóa thận theo trường phái Anh – Mỹ. Tổn thương thận diễn biến từ từ, nếu không điều trị sẽ gây hậu quả suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ngược lại, một số bệnh lý ở nhu mô thận, cầu thận, ống thận, kẽ thận, mạch máu thận do mắc phải hoặc di truyền có thể là nguồn gốc gây tăng huyết áp. Trong những trường hợp này gọi là tăng huyết áp triệu chứng.

Mối tương quan thuận – nghịch xấu này cần được nhận biết để xử lý, điều chỉnh nhằm bình thường hóa huyết áp. Ngày nay, y học đã biết rõ hơn cơ chế bệnh sinh thuận nghịch này và đã có các thuốc có nhiều hiệu quả trong chống tăng huyết áp, bảo vệ tim, bảo vệ thận với mục đích ít hoặc chậm dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.

Theo ước tính, 3% dân số Mỹ có bệnh về thận bị creatinine huyết tăng thì trong đó 70% có tăng huyết áp nhưng chỉ 59% số này được điều trị và chỉ 34% đạt được huyết áp mục tiêu. 2 – 5% tổng số bệnh nhân tăng huyết áp do các bệnh thận mạn tính.

Ở Việt Nam, theo Khoa thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai (năm 2000): 72,9% bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa bị suy tĩnh mạch, 86,7% bệnh nhân lọc máu chu kỳ có tăng huyết áp. Hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai đang quá tải bệnh nhân bị suy thận mạn có tăng huyết áp và suy tim cần điều trị thay thế.

Tại sao các bệnh thận và suy thận có tăng huyết áp?

Để giải thích, y học nêu vai trò quan trọng của hệ thống rennin-angiotensin-aldosteron (RAAs).

Rennin là một enzym được sản xuất ở tổ chức cầu thận có tác dụng kích hoạt angiotesinogen thành angiotensin I. Ở đây nhờ enzym chuyển đổi có tác dụng chuyển angiotensin I thành angiotensin II, một chất gây co mạch rất mạnh làm tăng huyết áp.

Những bệnh thận nào có thể gây tăng huyết áp?

Khi có một người bị tăng huyết áp, thầy thuốc sẽ tìm các bệnh thận sau đây:

- Viêm cầu thận cấp với các triệu chứng phù, đái máu, protein niệu tăng trên 1g/l, tăng huyết áp.

- Viêm cầu thận mạn với các triệu chứng phù, da nhợt, protein niệu tăng trên 1g/l, hang cầu niệu nhiều, ure huyết và creatinin huyết tăng, tăng huyết áp, siêu âm thấy thận nhỏ.

- Viêm cầu thận đái tháo đường với các triệu chứng glucose huyết lúc đói tăng trên 7,1mmol/l, nước tiểu có microalbumin, protein. Có thể kèm theo rối loạn mỡ máu.

- Viêm cầu thận lupus. Đây là một bệnh tự miễn, tiến triển từng đợt với sốt, đau khớp, ban đỏ má, tăng huyết áp.

- Sỏi đường tiết niệu: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang với các triệu chứng như cơn đau quặn thận, đái máu, được phát hiện qua siêu âm, chụp Xquang.

- Ứ nước thận với triệu chứng đái máu, hai thận to, được chẩn đoán nhờ siêu âm, Xquang.

- Đa nang thận với các triệu chứng đái máu, hai thận to, được chẩn đoán nhờ siêu âm.

- Suy thận giai đoạn cuối được điều trị thay thế bằng các biện pháp lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng ngoại trú liên tục hoặc ghép thận.

Điều trị tăng huyết áp trong bệnh thận và suy thận như thế nào?

Ngoài chế độ ăn uống giảm natri, hoạt động thể lực thích hợp thì việc chọn thuốc đơn trị liệu hoặc đa trị liệu cần được cân nhắc cẩn thận. Đôi khi phải dùng 2 – 3 thứ thuốc mới đạt kết quả mong muốn.

Việc điều trị tăng huyết áp trong suy thận nên tuân thủ các nguyên tắc:

- Đạt huyết áp mục tiêu.

- Cần chọn thuốc hạ áp thích hợp với từng đối tượng. Nên chọn thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể AT1 hoặc chẹn canxi, thuốc có tác dụng bảo vệ thận, làm giảm protein niệu và diễn biến suy thận, đặc biệt ở bệnh nhân bị suy thận do đái tháo đường.

- Không nên dùng thuốc gây hạ huyết áp nhanh, đột ngột vì có thể gây suy thận cấp chức năng tạm thời hoặc làm nặng thêm suy thận mạn tính.

- Việc phối hợp thuốc phải lựa chọn liều và không ngừng thuốc hoặc giảm thuốc đột ngột.

- Chế độ ăn uống và lọc ngoài thận cần được tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa các biến chứng: suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Tăng huyết áp và suy thận, suy tim

Xơ hóa mạch máu thận là một trong những nguyên nhân thường gặp của bệnh thận mạn tính tiến triển. Những năm gần đây, y học nói nhiều đến mô đệm xơ hóa và angiotensin II đóng vai trò trung tâm trong bệnh thận. Khi kích hoạt hệ rennin-angiotensin-aldosteron sẽ gây nên tăng huyết áp hệ thống và tăng áp lực trong cầu thận làm ảnh hưởng huyết động tới nội mạc mạch máu và tiểu cầu thận. Vai trò của angiotensin II đa dạng và ảnh hưởng của cơ chế tác dụng ngược gây viêm và xơ hóa nhu mô thận. Thụ thể AT1 đóng vai trò chính trong hầu hết các hoạt động sinh bệnh lý của angiotensin II.

Vì vậy cần đánh giá chức năng thận bằng đo mức lọc cầu thận, protein niệu định kỳ. Nếu tăng huyết áp do đái tháo đường cần kiểm tra microalbumin niệu. Đây là yếu tố nguy cơ tim mạch. Những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối do tăng huyết áp thường dẫn đến phì đại thất trái và bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Việc theo dõi điện tâm đồ và siêu âm tim định kỳ là cần thiết.

Theo Hội lọc máu châu Âu, phì đại thất trái gặp ở 50% bệnh nhân bắt đầu lọc máu chu kỳ và 70% bệnh nhân trong quá trình lọc máu do rối loạn chức năng tâm trương, giãn thất trái, bệnh cơ tim giãn, cường cận giáp thứ phát, lưu lượng tăng quá mức của thông động – tĩnh mạch, xơ vữa động mạch vành, động mạch não và động mạch ngoại biên, thiếu máu.

Tóm lại, tác động thuận nghịch của bệnh thận – tăng huyết áp – suy tim là một bệnh lý phức tạp. Vấn đề theo dõi và chỉ định hợp lý các thuốc hạ huyết áp sẽ duy trì chức năng thận, suy thận. Nếu đã suy thận giai đoạn cuối, việc lọc máu đầy đủ và khống chế huyết áp ở mức mục tiêu sẽ bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đó là nguyện vọng của người bệnh đồng thời là mục tiêu của thầy thuốc.  

Theo SK&DS

Thịt gà, một người bị nhiễm virus H5N1

22/5, tin từ Bệnh viện Bạch Mai  cho hay, một bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.

Đó là bệnh nhân P.M.P ở Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc. Theo điều tra hồi cứu của bệnh viện, cách đây khoảng một tháng, P. đi đám cưới bạn và tham gia thịt gà giúp đám cưới. Sau đó hai ngày, anh P. ho, sốt cao, khó thở.

Qua chụp phim, các bác sĩ cho biết phổi bệnh nhân P. đã trắng xóa. Kết quả xét nghiệm cách đây ba ngày là dương tính với virus H5N1. Hiện nay, bệnh tình bệnh nhân P. không có dấu hiệu khả quan.

Ngoài ra, cháu của bệnh nhân P. cách đây vài ngày cũng đã phải nhập Viện Y học lâm sàng Các bệnh nhiệt đới do nghi nhiễm H5N1. Bệnh nhân này không tiếp xúc với gia cầm, không ăn thịt gia cầm nhưng có tham gia chăm sóc bệnh nhân P.

Khi trở về đi học, cháu bé đã bị ngất tại lớp và có biểu hiện mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm bước đầu tại Viện Y học lâm sàng Các bệnh nhiệt đới cho hay cháu bé âm tính với virus H5N1. Tuy nhiên, bệnh nhi này vẫn phải tiếp tục theo dõi tại viện.

(Theo TP)

Cúm H5N1 lây nhiễm qua đường tiêu hoá?

7/6, TS Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai - cho biết đã đếm được chính xác lượng virus H5N1 trong cơ thể bệnh nhân.

Nhờ vào cơ chế đếm virus này mà các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định tăng liều điều trị Tamiflu cho bệnh nhân lên khoảng mười ngày, thay vì bảy ngày cho bệnh nhân H5N1 trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Phương án này đã được áp dụng trong quá trình điều trị, cứu sống cho bệnh nhân Phùng Minh Phúc (Vĩnh Phúc), ca nhiễm H5N1 nặng nhất từ trước đến nay.

Các bác sĩ tại BV Bạch Mai đã phát hiện virus H5N1 không chỉ có trong dịch họng, dịch dạ dày mà còn có cả trong phân của bệnh nhân. Bệnh nhân cúm H5N1 không chỉ bị lây qua đường hô hấp như các khuyến cáo trước đây, mà còn có khả năng lây nhiễm thông qua đường tiêu hóa.

Liên quan tới diễn biến về dịch cúm gia cầm, 7/6, Cục Thú y cho biết đã có thêm tỉnh thứ 16 là Phú Thọ xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm. Ổ dịch này xuất hiện từ ngày 1 đến 4/6 tại một hộ chăn nuôi vịt ở xã Thụy Vân, TP Việt Trì. 240 con vịt trong tổng đàn 370 con đã chết.

(Theo Tuổi trẻ)