Lưu trữ cho từ khóa: bệnh phổi

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh áp xe phổi?

Bố chồng tôi vừa đi khám, bác sĩ nói bị áp xe phổi. Tôi không biết bệnh này nguyên nhân do đâu? – Nguyễn Mạnh Doanh (Thái Bình).

nguyen-nhan-nao-dan-den-benh-ap-xe-phoi

Ảnh minh họa – Internet

ThS.BS Đào Bích Vân, Bệnh viện Phổi T.Ư trả lời:

Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi trung niên có tỷ lệ cao hơn, bệnh xảy ra nhiều hơn ở những người cơ địa suy kiệt, giảm miễn dịch, nghiện rượu, thuốc lá, đái tháo đường, ở các bệnh phổi mạn tính.

Đa số áp xe phổi là nguyên phát, vi khuẩn gây ra áp xe phổi theo các đường vào sau đây: Do hít vào từ không khí, các sản phẩm nhiễm trùng ở mũi họng, răng – lợi, các phẫu thuật ở tai mũi họng, răng hàm mặt, các dị vật đường thở, trong lúc hôn mê, đặt nội khí quản, trào dịch dạ dày… Do bệnh nhân bị rối loạn phản xạ nuốt, không ho và khạc đờm được, liệt các cơ hô hấp, cơ hoành, tắt nghẽn đường thở gây ứ đọng… Nếu ở đường máu thì có thể do viêm tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc, gây thuyên tắc… Một số trường hợp áp xe phổi thứ phát trên một hang phổi có trước như hang lao, kén phổi hay một số bệnh có trước như giãn phế quản, ung thư phổi hoại tử hay u gây tắc nghẽn phế quản…

Thông thường phát hiện bệnh qua chụp X-quang và siêu âm. Điều trị cắt bỏ phần phổi bị áp xe được chỉ định trong trường hợp áp xe phổi chuyển sang thể mạn tính, nghĩa là sau 3 tháng điều trị nội khoa không có kết quả. Ngoài ra, có thể mổ cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân ho ra máu liên tiếp nhiều lần, mỗi lần khoảng 200ml.

Theo News.go.vn

Dấu hiệu nhận biết bệnh bụi phổi

Các dấu hiệu điển hình của bệnh:

– Ho _ khạc đờm buổi sáng

· Khó thở khi gắng sức xuất hiện muộn.

· Đau ngực

– Bệnh bụi phổi Silic kết hợp với bệnh bụi phổi than, bệnh nhân khạc ra đờm đen.

– Người bệnh ho, khạc đờm nhiều, khó thở, giống như bệnh viêm phế quản mạn tính hoặc kết hợp với bệnh này.

– Bệnh nhân mắc thêm bệnh lao phổi trên một khối u Silic, lúc này bệnh nhân ho ra máu

– Người bệnh có thể bị xoắn phế quản.

– Viêm tắc nghẽn tiểu phế quản tận.

dau-hieu-nhan-biet-benh-bui-phoi

Ảnh minh họa – Internet

Dấu hiệu điện quang là điển hình:

– Chụp X-quang phổi chuẩn và chụp phổi cắt lớp vi tính thì thấy hình ảnh “bão tuyết”, thế nốt kích thước từ 1-10mm phân bố theo các nhánh phế quản, tập trung ở vùng trên, phân thùy sau của phổi phải, một số nốt bị vôi hoá. Ở giai đoạn muộn, các nốt hợp nhất lại, tạo nên khối xơ, dần dần hình thành hình giả u kích thước từ 1-10cm hoặc lớn hơn. Hạch rốn phổi và trung thất sưng to ở các giai đoạn. Hình ảnh khí phế thũng. Tổ chức xơ phát triển không dừng lại,có thể thấy hình ảnh tổ ong

· Chức năng thông khí của phổi bị giảm nặng

· Ngoài ra còn phải làm xét nghiệm máu, rửa phế nang, sinh thiết phổi.

Bệnh bụi phổi thường chia ra nhiều thể, nhưng tóm tắt có ba thể:

– Thể nhẹ: tiềm tàng, các triệu chứng nghèo nàn, khám phổi bình thường. Chỉ có X-quang phổi mới phát hiện ở giai đoạn sớm.

– Thể cấp tính: Với bệnh cảnh mô kẽ lan toả, đưa đến suy hô hấp và tử vong nhanh trong vài tháng, gặp ở công nhân đào đường hầm xuyên núi đá.

– Thể mạn tính: gặp ở đa số bệnh nhân bị bệnh bụi phổi Silic, ở thể này hình ảnh X-quang phổi rất rõ các nốt, các u hạt xơ phổi. Một số hạt u lớn dễ nhầm với u phổi.

– Có thể bệnh bụi phổi hỗn hợp, bệnh bụi phổi Silic và một số bệnh bụi phổi khác như bệnh phổi than- Silic, Abet-Silic…

Theo Bacsigiadinh.com

Cách điều trị giãn phế quản

Bệnh giãn phế quản không thể điều trị khỏi hoàn toàn, các bệnh nhân thường chỉ đến viện mỗi khi có đợt cấp, việc điều trị tại bệnh viện do vậy chính là điều trị đợt bội nhiễm của giãn phế quản.

Các điều trị giãn phế quản bao gồm:

1. Dùng kháng sinh mỗi khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản.

Các tiêu chí đánh giá đợt bội nhiễm của giãn phế quản bao gồm:

- Ho khạc đờm tăng

- Khạc đờm mủ, màu xanh, hoặc màu vàng

- Bệnh nhân giãn phế quản có hội chứng nhiễm trùng rõ sau khi đã loại trừ nhiễm trùng do căn nguyên khác

Những trường hợp không có các dấu hiệu nêu trên, nhưng có ho máu cũng là chỉ định dùng kháng sinh

- Thời gian dùng kháng sinh thường từ 10-15 ngày. Những trường hợp giãn phế quản rất nặng, thời gian dùng kháng sinh có thể kéo dài hơn, thậm chí tới 1 tháng.

cach-dieu-tri-gian-phe-quan

Ảnh minh họa – Internet

2. Dẫn lưu đờm:    

Là liệu pháp điều trị rất quan trọng, có thể coi có tầm quan trọng như dùng kháng sinh, nhưng bệnh nhân lại hầu như không mất tiền. Các biện pháp dẫn lưu đờm thường hay dùng bao gồm:

2.1. Hướng dẫn cho bệnh nhân cách ho, khạc đờm sâu và vỗ rung lồng ngực, kết hợp dẫn lưu tư thế hàng ngày. Tùy theo vị trí giãn phế quản mà lựa chọn tư thế cho phù hợp với nguyên tắc vùng giãn phế quản được đặt ở vị trí cao nhất. Vùng giãn phế quản ở phía sau: bệnh nhân được đặt nằm xấp, vùng giãn phế quản ở phía trước: bệnh nhân được đặt nằm ngửa… Sau đó dùng hai bàn tay khum lại, vỗ đều vào ngực bệnh nhân. Kết hợp rung và lắc ngực. Mỗi lần làm kéo dài 15-20 phút, ngày làm từ 2-3 lần. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế tiếp tục được duy trì tại nhà cho bệnh nhân. Nên đóng ghế vỗ rung để việc vỗ rung được thuận tiện hơn.

2.2. Soi phế quản ống mềm nếu có. Trong quá trình soi tiến hành hút dịch phế quản làm xét nghiệm vi sinh vật, bơm rửa lòng phế quản, giải phóng đờm mủ bít tắc

3. Nếu có hội chứng xoang phế quản

(bệnh nhân giãn phế quản có kèm và viêm đa xoang mạn tính): có thể cho bệnh nhân uống erythromycine 10 mg/kg/ngày, chia 2 lần, kéo dài từ 6 – 24 tháng nếu bệnh nhân không bị các tác dụng phụ của thuốc. Không dùng đồng thời với Theophyllin hoặc các thuốc cùng nhóm xanthin do gây xoắn đỉnh.

4. Khi bệnh nhân có khó thở, nghe phổi có ran rít, ngáy

, bệnh nhân thường được dùng thêm các thuốc giãn phế quản dùng đường uống hoặc khí dung hoặc kết hợp cả hai. Các thuốc có thể được dùng bao gồm:

Thuốc giãn phế quản: salbutamol, terbutaline, thuốc kháng cholinergic, theophylline, bambuterol…

5. Khi bệnh nhân có ho máu:   

Bệnh nhân thường được dùng kháng sinh, dùng thuốc cầm máu, an thần. Trường hợp ho máu nặng, bệnh nhân có thể cần được thở oxy, đặt nội khí quản hoặc nội soi phế quản để hút máu đọng. Truyển máu khi có thiếu máu.

Những trường hợp ho máu không điều trị hiệu quả với thuốc cần được chỉ định chụp động mạch phế quản và xét nút tắc động mạch phế quản gây chảy máu.

6. Phẫu thuật:

Chỉ định cắt phân thuỳ, thuỳ hoặc cả bên phổi cho những trường hợp giãn phế quản khu trú; giãn phế quản có ho máu nặng hoặc ho máu tái phát.

TS. Nguyễn Thanh Hồi

, khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Theo Benhphoi.com

Cách cấp cứu người bị suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là tình trạng thiếu oxy máu do: các bệnh phổi, tim, chấn thương… gây ra. Dịp nghỉ  lễ, Tết thường vào lúc thời tiết giá rét dễ gây bộc phát cơn hen ở người bệnh hen suyễn và cơn đau tim ở bệnh nhân tim phế mạn, đồng thời thường xảy ra tai nạn giao thông do việc đi lại nhiều. Vì vậy, chúng ta cần biết cách xử trí suy hô hấp cấp để cấp cứu người bị các bệnh lý gây suy hô hấp.

Vì sao bị suy hô hấp cấp?

Có nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp cấp do bệnh ở phổi và bệnh ngoài phổi.  Bệnh tại phổi gây suy hô hấp cấp gồm: hít phải dịch vị do ợ và trào ngược dạ dày – thực quản, chấn thương sọ não, viêm não; viêm phế quản, phổi, tắc động mạch phổi, tràn khí màng phổi; phế quản phế viêm do vi khuẩn gây mủ, lao kê, nhiễm virut ác tính; hen phế quản, tắc nghẽn phế quản; phù phổi cấp: do suy tim trái trong các bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hẹp hở van động mạch chủ, hẹp, hở van hai lá, bệnh cơ tim, truyền dịch quá nhiều…

cach-cap-cuu-nguoi-bi-suy-ho-hap-cap

Khi có hai người cấp cứu thì một người hà hơi thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực.

Các bệnh ngoài phổi gây suy hô hấp cấp là: tắc nghẽn thanh, khí quản do u thanh quản, bướu giáp, u thực quản, viêm thanh quản, uốn ván, dị vật; tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, chấn thương lồng ngực…

Dấu hiệu phát hiện suy hô hấp cấp là gì?

Một bệnh nhân bị bệnh tim, phổi, chấn thương… nếu bị suy hô hấp cấp sẽ có các dấu hiệu sau: thở nhanh do thiếu oxy máu, nhịp thở khoảng 40 lần/phút kèm theo sự co kéo các cơ hô hấp, nhìn thấy rõ ở hõm trên xương ức và các khoảng gian sườn, ở trẻ em có thể kèm theo cánh mũi phập phồng. Nhưng các trường hợp có tổn thương do liệt như viêm đa rễ thần kinh, liệt tứ chi do tổn thương tủy sống, bệnh nhược cơ nặng… thì nhịp thở lại giảm, biên độ hô hấp yếu, bệnh nhân không ho được, gây ứ đọng đờm dãi trong phế quản. Tím tái xuất hiện ở môi, đầu ngón tay chân, mặt hay toàn thân khá rõ rệt. Thiếu oxy máu và tăng khí carbonic máu làm mạch nhanh, gây nên những cơn tăng huyết áp, có thể có loạn nhịp trên thất. Triệu chứng suy thất phải: gan to, dấu hiệu phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính, nặng hơn là tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên. Dấu hiệu thần kinh tâm thần: gặp trong suy hô hấp cấp nặng với biểu hiện kích thích, vật vã, rối loạn tri giác như lơ mơ hay hôn mê. Nặng nhất là ngừng thở, ngừng tim.

Khi đến khám tại bệnh viện, thầy thuốc còn cho làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán suy hô hấp cấp như: đo khí máu để biết nồng độ khí oxy và khí cacbonic; điện tâm đồ và siêu âm phát hiện các tổn thương ở tim; chụp phim Xquang phát hiện những tổn thương ở phổi, màng phổi, trung thất…

Suy hô hấp nếu được điều trị đúng có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Trái lại, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị hôn mê và tử vong.

Xử lý cấp cứu và điều trị thế nào?

Cấp cứu một người bị suy hô hấp cấp phải tuân theo nguyên tắc: làm thông thoáng đường hô hấp, hà hơi thổi ngạt kèm xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu ngừng tim), cho thở oxy; chống nhiễm khuẩn;  cân bằng kiềm toan máu.

Tiến hành ngay hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt đối với nạn nhân bị suy hô hấp cấp: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải mỏng móc đờm dãi, dị vật khỏi mũi và miệng nạn nhân; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu ngừng tim (sờ mạch quay hay mạch cảnh không có), phải ép tim ngoài lồng ngực: dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, khoảng 70 – 100 lần/phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 – 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 – 15 nhịp. Khi có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt liên tục, một người ép tim ngoài lồng ngực liên tục, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa hoặc nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu.

Điều trị ở bệnh viện: dùng máy hút đờm dãi, chất xuất tiết sạch ở miệng, mũi, họng bệnh nhân. Rửa phế quản, làm loãng đờm bằng khí dung, bằng bơm dung dịch bicarbonat natri 14‰ hay dung dịch chlorua natri 0,9%, 2 – 5ml mỗi lần rồi hút ra. Bồi phụ nước và điện giải và cân bằng kiềm toan. Thở oxy: khí oxy phải được làm ẩm và làm ấm trước khi sử dụng cho bệnh nhân. Cho thở khi được tăng cường oxy: dùng cho các bệnh nhân có nồng độ khí carbonic máu bình thường hay giảm: mọi trường hợp thiếu oxy máu thì PaO2 đều giảm dưới 65mmHg, cho thở oxy với cung lượng 4 – 6lít/phút bằng xông mũi hay trong những trường hợp thiếu oxy nặng hơn thì sử dụng mặt nạ oxy. Đối với bệnh nhân có nồng độ khí carbonic trong máu cao mạn tính do suy hô hấp mạn, cho thở khoảng 1 – 3lít/phút, thở ngắt quãng và được kiểm soát nồng độ các khí trong máu. Đặt nội khí quản trong các trường hợp: có trở ngại đường hô hấp trên như phù nề, vết thương thanh quản, hôn mê gây tụt lưỡi; hỗ trợ hô hấp, cần thở oxy, thở máy; có tăng khí carbonic máu… Mở khí quản: dùng cho các trường hợp cần đặt nội khí quản trên 3 ngày hay không đặt được ống nội khí quản… Chống nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc theo kháng sinh đồ.

ThS. Phạm Thanh Tùng

Theo Suckhoedoisong.vn

Bị tràn khí màng phổi có phải mổ không?

Mẹ tôi 82 tuổi, bị bệnh phổi mạn tính đã mấy năm nay. Gần đây bà bị ho nhiều và khó thở, đi khám chụp Xquang kết quả tràn khí màng phổi đã điều trị bằng chọc hút và dùng kháng sinh 2 đợt nhưng không khỏi. Xin quý báo tư vấn, bệnh này ở đâu điều trị tốt nhất, có phải mổ không?

Nguyễn Văn Thuần (Nam Định)

Ảnh minh họa – Internet

Tràn khí màng phổi ở bệnh nhân bị phổi mạn tính hay bệnh phổi, phế quản tắc nghẽn mạn tính là một trong những vấn đề rất nan giải. Do tình trạng hẹp các đường dẫn khí (các phế quản) lâu ngày làm cho các túi khí nhỏ ở tận cùng các đường dẫn khí giãn to ra, thành các phế quản trở nên rất mỏng nên rất dễ vỡ, đặc biệt khi áp lực trong các đường dẫn khí này đột ngột tăng như khi bệnh nhân ho hoặc gắng sức gây ra tràn khí màng phổi.

Biểu hiện: Bệnh nhân ho nhiều, khó thở, mệt mỏi… có thể gây biến chứng viêm dày dính màng phổi, tràn dịch, suy hô hấp, suy tim… dẫn tới tử vong. Khi được chẩn đoán chắc chắn có tràn khí màng phổi, việc cấp cứu đầu tiên là dẫn lưu khí, cho kháng sinh phù hợp, thuốc kháng viêm long đờm, khí dung, vỗ rung khi có biểu hiện nhiều đờm; nếu có co thắt phế quản dùng thêm thuốc giãn phế quản; có suy tim điều trị suy tim.

Kết quả điều trị tùy từng bệnh nhân. Có trường hợp sau dẫn lưu khí, may mắn phổi nở ra hết khí trong màng phổi, bệnh nhân được xuất viện. Nhưng ở những bệnh nhân phổi mạn tính, chức năng phổi rất kém và khả năng tràn khí tái phát dễ xảy ra do phổi rất khó nở, có vùng nở có vùng không tạo thành nhiều ổ khí khiến phải dẫn lưu nhiều lần; người bệnh phải chịu đau đớn và phải nằm viện kéo dài. Có trường hợp cần chỉ định phẫu thuật để xử trí vị trí tràn khí, cũng có thể phải cắt thùy phổi bị bệnh không còn khả năng vào phổi để hạn chế nguy cơ tái phát tràn khí.

Trường hợp mẹ bạn, cần kiên trì điều trị và tái khám theo chỉ định của thầy thuốc để tránh biến chứng đáng tiếc. Bạn có thể đưa mẹ đi khám và điều trị ở các bệnh viện lao và bệnh phổi, hoặc khoa hô hấp của các bệnh viện đa khoa. Hiện nay, một số bệnh viện đã áp dụng phẫu thuật nội soi để giải quyết tràn khí màng phổi có hiệu quả.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

Theo Suckhoedoisong.vn

Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp là bệnh thường gặp, thể hiện tình trạng viêm niêm mạc phế quản cấp tính khi tiếp xúc tác nhân gây hại từ môi trường.

Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm phế quản cấp ?

Tùy theo tác nhân gây bệnh khác nhau mà triệu chứng và diễn tiến của bệnh có thể thay đổi.

+        Triệu chứng viêm phế quản cấp có thể xuất hiện thật rầm rộ, diễn biến nhanh chóng ngay lập tức sau khi tiếp xúc với tác nhân gây hại nồng độ cao ví dụ không khí ô nhiễm, tiếp xúc khói amoniac, khói acid .v.v. ;

+        Triệu chứng viêm phế quản cấp cũng có thể diễn tiến âm thầm nhẹ nhàng hơn trong trường hợp sau tiếp xúc siêu vi.

Bệnh cảnh lâm sàng viêm phế quản cấp thường gặp nhất là bệnh cảnh viêm phế quản cấp sau nhiễm siêu vi. Viêm phế quản cấp thường diễn ra các giai đoạn như sau:

+        Giai đoạn ủ bệnh : sau khi tiếp xúc với các giọt nước bọt bắn ra từ người nhiễm siêu vi hô hấp, người bệnh sẽ có thời gian từ 1 – 3 ngày ủ bệnh, trong giai đoạn này người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì.

+        Giai đoạn viêm long hô hấp trên : bệnh nhân có các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, đau họng ; triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp. Trong giai đoạn này người bệnh thải ra môi trường bên ngoài rất nhiều siêu vi và có thể lây cho người khác nếu có tiếp xúc lân cận.

+        Giai đoạn viêm phế quản cấp : bệnh nhân có các triệu chứng ho, ban đầu là ho khan sau đó ho đàm, đàm có thể là màu trắng hoặc đàm đục, đàm vàng, xanh, có một số trường hợp vướng máu khi ho nhiều quá ; bệnh nhân thường than đau rát sau xương ức tăng lên khi ho.

+        Giai đoạn phục hồi : các triệu chứng hô hấp và triệu chứng toàn thân giảm dần và hồi phục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trong đa số các trường hợp.

Trong một số ít các trường hợp có thể bội nhiễm vi khuẩn và xuất hiện viêm phế quản cấp do vi khuẩn, thậm chí là viêm phổi do vi khuẩn.

trieu-chung-thuong-gap-khi-mac-benh-viem-phe-quan-cap

Cần làm gì khi bị viêm phế quản cấp ?

Đa số trường hợp viêm phế quản cấp do nhiễm siêu vi có diễn tiến nhẹ nhàng và tự giới hạn, điều trị giảm triệu chứng là chính. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, uống nước nhiều, súc miệng nước muối ấm lạt, uống thuốc hạ sốt giảm đau khi có sốt và đau nhức mình mẩy, dùng thuốc giảm ho nếu ho quá nhiều.

Một số ít trường hợp diễn tiến của viêm phế quản cấp có thể không thuận lợi và trong các trường hợp đó bệnh nhân nên đến khám bác sỹ để được khám bệnh và kê toa :

+        Viêm phế quản cấp sau khi tiếp xúc chất kích ứng mạnh từ môi trường ví dụ : hơi amoniac, hơi acid, khói bụi ô nhiễm nồng độ cao. Bệnh nhân cần phải đến ngay bác sỹ vì trong một số trường hợp tác nhân kích ứng có thể gây nên bỏng đường thở nặng nề, nếu không được can thiệp từ sớm có thể có những di chứng nặng nề về sau.

+        Viêm phế quản cấp nhưng triệu chứng quá nặng nề :

o   Viêm phế quản cấp, thông thường chỉ sốt khoảng 380C – 3805C ; Nhưng lần này sốt cao tên 3805C.

o   Ho thông thường là ho khan hay khạc đàm trắng hơi đục lượng ít ; Nhưng lần này ho khạc đàm vàng, xanh có vướng máu lượng nhiều.

+        Viêm phế quản cấp nhưng triệu chứng kéo dài quá lâu, tái phát nhiều lần :

o   Viêm phế quản cấp thông thường kéo dài khoảng 5 – 7 ngày ; Nhưng lần này triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày mà chưa có dấu hiệu suy giảm.

o   Viêm phế quản cấp có thể kéo dài chỉ 5 – 7 ngày nhưng lại tái đi tái lại nhiều lần.

+        Viêm phế quản cấp xuất hiện trên cơ địa bệnh nhân có bệnh mạn tính từ trước ví dụ suy tim, suy thận, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh nhân cần phải đi cần phải đi khám bác sỹ sớm trong các trường hợp kể trên vì nếu không đi khám và điều trị kịp thời sẽ có thể phải đối diện với các nguy cơ sau :

+        Tác nhân gây bệnh trong các trường hợp trên thường có độc lực quá cao sẽ gây tổn thương nặng nề phế quản, cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm.

+        Cơ địa bệnh có sẵn sẽ diễn tiến nặng hơn khi bị mắc kèm viêm phế quản cấp.

Theo Phoiviet.com

5 sai lầm thường gặp khi chữa viêm đường hô hấp trên

Hệ miễn dịch của con người khi bị suy yếu rất dễ bị viêm nhiễm, đặc biệt là viêm đường hô hấp trên. Điều này khiến nhiều người mệt mỏi, khó chịu, lo lắng. Có 5 sai lầm thường gặp khi chữa viêm đường hô hấp trên.

5-sai-lam-thuong-gap-khi-chua-viem-duong-ho-hap-tren

ảnh minh họa

TS. Nguyễn Xuân Thanh, UVBCH Hội Châm cứu Thăng Long (Hà Nội) cho biết, bệnh viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa hanh khô, mùa đông, trùng với mùa của bệnh cúm, hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi. Đối tượng mắc bệnh với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em. Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh, gồm: cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Ông cho rằng, có 5 sai lầm thường gặp khi chữa viêm đường hô hấp trên:

1- Không tích cực chữa sớm:

Nhiều người nghĩ rằng, bệnh nhẹ sẽ mau khỏi nên thường chủ quan không tích cực chữa ngay từ đầu, đến khi bị bệnh nặng mới chữa.

2- Vội vàng dùng thuốc kháng sinh:

Nhiều người mới sổ mũi, ho đã dùng kháng sinh. Không khỏi thì đi bác sĩ, bệnh viện và lại được hướng dẫn sử dụng kháng sinh tiếp mà không biết rằng sổ mũi, ho ban đầu là do nguyên nhân gì? Nếu do dị ứng, do lạnh thì không cần thiết phải dùng kháng sinh, còn do virus thì kháng sinh không có tác dụng. Vậy vô tình chúng ta đã tự uống thuốc độc vào người, càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.

3- Ngay lập tức dùng thuốc ức chế ho:

Ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể, giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp. Vì thế thuốc ức chế cơn ho chỉ dùng khi bị ho khan, ho quá mức gây mệt, nôn ói, mất ngủ và dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đối với những trường hợp như hen phế quản, viêm phế quản cấp, không tự ý mua bất kỳ loại thuốc ho nào mà cần tuân thủ đơn kê của bác sĩ.

4- Dừng thuốc quá sớm:

Đây là sai lầm thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là khi uống kháng sinh. Chưa dùng hết liều kháng sinh nhưng khi thấy đã khỏe hơn, triệu chứng bệnh không còn hoặc giảm hẳn, nghĩ mình đã khỏi liền dừng dùng thuốc. Tuy nhiên khi đó vi khuẩn có thể mới chỉ bị tiêu diệt một phần, hoặc bị yếu đi chứ chưa bị loại trừ hoàn toàn. Vì thế, nếu bỏ thuốc rất có thể chúng sẽ phục hồi lại và tiếp tục gây bệnh.

5- Không tẩy độc tích cực cho cơ thể

Nếu được phòng và điều trị sớm thì hiệu quả sẽ cao, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng làm được, nên bệnh được ví “lai rai là bệnh mũi, họng”. Phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp trên bằng cách luôn giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh. Hàng ngày có thể nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để làm sạch và hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn trong mũi và thường xuyên vệ sinh cơ thể để loại trừ mầm bệnh lây lan. Trường hợp ngạt, chảy  nước mũi nhiều tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh kèm bệnh nhân có thể chọn và nhỏ sunfarin, hoặc naphazolin, hoặc oxymethazolin. Cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và uống đủ lượng nước cơ thể cần. Khi ra đường cần đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi, nấm mốc, khí độc và vi khuẩn là những nguyên nhân gây nên bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, ho nhiều, khó thở… cần đến bệnh viện khám để điều trị kịp thời.

Theo Xaluan.com

Bệnh COPD là bệnh gì?

Xin BS tư vấn giúp bệnh COPD là bệnh gì? Tôi nghe nói người hút thuốc lá rất dễ bị mắc bệnh này, mà chồng tôi lại nghiện thuốc lá. Xin cám ơn BS.

benh-copd-la-benh-gi

BS Nguyễn Hữu Hoàng, Trung tâm Phổi Việt, trả lời:

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (viết tắt tiếng Anh là COPD) rất thường gặp tại Việt Nam và trên toàn thế giới, có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ năm.

COPD là tình trạng viêm mạn tính đường thở do tiếp xúc với các yếu tố độc hại từ ngoài môi trường, đứng đầu là thuốc lá. Khoảng 20-25% người hút thuốc lá sẽ xuất hiện triệu chứng của COPD trong tương lai (ho khạc đàm kéo dài vào buổi sáng, khó thở khi gắng sức…).

Hút thuốc lá làm tăng nhanh tốc độ suy giảm chức năng phổi, làm bệnh nhân COPD dễ vào đợt cấp hơn, khả năng đáp ứng với thuốc điều trị kém đi.

Nếu người hút thuốc lá được chẩn đoán là COPD thì cai thuốc lá là việc phải thực hiện ngay. Cai thuốc lá giúp làm chậm diễn biến nặng lên của COPD, làm COPD ổn định hơn, ít vào đợt cấp hơn. Nếu bệnh nhân không tự cai thuốc lá được thì cần đến gặp BS để được tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Bạn cũng có thể đưa người nhà đến trung tâm Phổi Việt, 20-22 Ngô Quyền, P.5, Q.10, Trung tâm đang có chương trình khám lâm sàng tầm soát COPD và tư vấn cai thuốc lá.

Theo Phunuonline.com.vn

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Các nhà khoa học Đức tại Đại học Regensburg và nhóm cộng sự người Mỹ cho biết, những người béo phì có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng cao.

beo-phi-lam-tang-nguy-co-mac-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh

Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu của 113.000 người từ 50-70 tuổi vốn không mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư hoặc bệnh tim.

Qua 10 năm sau, họ ghi nhận có 3.600 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh thường thấy hơn ở những người hút thuốc lá, bị phơi nhiễm bụi môi trường và bụi công nghiệp, ít vận động thể lực và đặc biệt là những người béo phì.

Các nhà khoa học nhận thấy, phụ nữ có vòng eo lớn hơn 109cm và đàn ông lớn hơn 116cm có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn 72% so với người có vòng eo bình thường.

Trong nghiên cứu ghi nhận những người có thể trọng dưới mức trung bình cũng có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng thêm 56%.

Họ giả định rằng có thể tình trạng kém dinh dưỡng ở những người này khiến khối lượng cơ teo lại hoặc do bị viêm khiến phổi không có khả năng tự chữa lành.

Theo Suckhoedoisong.vn

Cách phòng tránh bệnh viêm phổi trong mùa nóng

Không chỉ là thường gặp trong mùa lạnh, bệnh viêm phổi cũng gia tăng trong điều kiện thời tiết nóng bức. Bệnh viêm phổi vào mùa nóng thường do viêm nhiễm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm VA, amidan) nhưng không được chăm sóc, điều trị đúng cách sẽ dẫn đến viêm hô hấp dưới, chủ yếu là viêm khí quản, phế quản và viêm phổi.

Nguyên nhân gây viêm phổi trong mùa hè chủ yếu do thói quen ăn uống đồ lạnh liên tục, tắm nước lạnh quá lâu, nằm điều hòa, quạt cả ngày lẫn đêm với nhiệt độ chênh lệch trong nhà và ngoài trời khá cao, không lau khô mồ hôi cho trẻ khiến mồ hôi thấm ngược vào cơ thể hoặc đang nhiều mồ hôi mà đi tắm ngay dễ gây cảm lạnh và dẫn tới viêm phổi.

cach-phong-tranh-benh-viem-phoi-trong-mua-nong

Tránh uống nước đá để phòng viêm phổi.

Bệnh viêm phổi do nhiều nguyên nhân gây nên như vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng… Ở trẻ càng nhỏ, diễn biến bệnh càng nhanh và nặng. Biểu hiện ban đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, trẻ nhỏ ăn kém, bỏ bú, quấy khóc… Nếu không được điều trị đúng và theo dõi sát, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, trẻ nhỏ bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi… Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy cung cấp cho não dẫn đến li bì hoặc bị kích thích, co giật… có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng tránh mắc bệnh viêm phổi trong mùa nóng, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá và than bụi trong nhà.

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

- Hạn chế dùng nước lạnh, nước đá, hoa quả và các thực phẩm chế biến sẵn để trong tủ lạnh. Nếu dùng nhiều và liên tục thức ăn, đồ uống lạnh sẽ gây viêm họng kéo dài và làm cho mức độ viêm đường hô hấp ngày một nặng hơn và dẫn tới viêm phổi.

- Mỗi khi sử dụng quạt điện không nên để quạt mạnh thổi thẳng vào người. Nếu có điều kiện dùng máy điều hòa nhiệt độ nên có sự điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, không quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời.

- Không nên tắm ngay sau khi lao động hoặc ở ngoài trời nắng về lúc cơ thể đang tiết ra nhiều mồ hôi. Không ngâm mình lâu trong nước lạnh. Dù trời nóng nhưng đối với trẻ nhỏ, người già vẫn nên tắm nước ấm là tốt nhất.

- Cần chú ý thường xuyên lau khô mồ hôi và thay quần áo thoáng mát cho trẻ.

- Khi trong gia đình có người bị viêm nhiễm đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm phổi,… cần chăm sóc, điều trị và cách ly tốt để không lây nhiễm sang người khác, nhất là trẻ nhỏ. Nếu có biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt, ho, sổ mũi,… cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị thời, để ngăn ngừa biến chứng thành viêm phổi.

Bác sĩ Vũ Minh

Theo Suckhoedoisong.vn