Lưu trữ cho từ khóa: kháng sinh

Cách dùng kháng sinh hữu hiệu

Hiện nay, kháng sinh là loại thuốc được bán phổ biến, thậm chí không cần đơn thuốc cũng có thể mua được kháng sinh.

Hiện nay, kháng sinh là loại thuốc được bán phổ biến, thậm chí không cần đơn thuốc cũng có thể mua được kháng sinh. Chính sự dễ dãi này dẫn đến có rất nhiều trường hợp dùng không đúng chỉ định, không đúng cách. Hậu quả là làm phát sinh và gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, làm cho một số bệnh nhiễm khuẩn phải điều trị bằng loại thuốc kháng sinh mới rất tốn kém.

Những tác dụng phụ không ngờ

Kháng sinh có thể gây ra 3 dạng tác dụng phụ theo nhiều cấp độ khác nhau: dị ứng, nhiễm độc các cơ quan, loạn khuẩn đường ruột dẫn đến tiêu chảy. Dị ứng do kháng sinh có thể được biểu hiện nhẹ dưới dạng nổi mẩn, ngứa, phát ban.

Nếu bị dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ có thể dẫn tới tử vong. Khi dùng kháng sinh không đúng cách cũng có thể gây nhiễm độc các cơ quan, bao gồm nhiễm độc gan, thận, tế bào máu, thần kinh thính giác và xương, răng.

cach-dung-khang-sinh-huu-hieu

Sử dụng kháng sinh sai còn dẫn tới hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (Cơ chế kháng kháng sinh của vi khuẩn).

Ngoài các tác dụng phụ kể trên, nếu sử dụng kháng sinh khi không cần thiết có thể khiến các vi khuẩn bị nhờn thuốc và phải dùng liều cao. Nếu bệnh tái phát, bệnh nhân sẽ phải sử dụng một loại kháng sinh mạnh hơn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng có thể khiến cho các loại vi khuẩn phát triển thành các chủng vi khuẩn mới mạnh hơn, độc tính cao hơn. Do vậy, nếu lần sau bị bệnh, lại cần phải dùng một loại kháng sinh mới mạnh hơn.

Cách dùng kháng sinh hữu hiệu

Muốn dùng kháng sinh cho đúng, cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn: Các tác nhân gây bệnh không phải chỉ có vi khuẩn mà còn có thể là virut, nấm, ký sinh trùng… Các kháng sinh thông dụng chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn, hầu như không có tác dụng đối với virut, nấm và ký sinh trùng.

Hơn nữa, mỗi loại kháng sinh lại chỉ có tác dụng đối với những chủng loại vi khuẩn nhất định chứ không phải với tất cả các loại vi khuẩn. Đối với bệnh ở đường hô hấp, nguyên nhân rất phổ biến là do các loại virut. Trong những trường hợp này, việc dùng kháng sinh sẽ không có tác dụng diệt được virut mà làm cho bệnh nhân mệt mỏi và tốn kém hơn.

Đối với môi trường bệnh viện, việc dùng kháng sinh hợp lý nhất là theo kháng sinh đồ, nghĩa là phải tiến hành cấy để tìm loại vi khuẩn gây bệnh, sau đó thử xem loại kháng sinh nào có tác dụng tốt nhất để diệt vi khuẩn. Trên cơ sở đó sẽ chọn được loại kháng sinh phù hợp nhất.

Phải lựa chọn kháng sinh hợp lý: Việc lựa chọn này phải căn cứ vào một số yếu tố: độ nhạy của vi khuẩn đối với kháng sinh và vị trí của ổ nhiễm khuẩn. Căn cứ tốt nhất là làm kháng sinh đồ hoặc bác sĩ sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình đối với từng loại nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác nhau để cho bệnh nhân dùng loại kháng sinh phù hợp nhất.

Lựa chọn kháng sinh theo cơ địa bệnh nhân: Cần phải xem xét cơ địa của bệnh nhân để chọn lựa loại kháng sinh thích hợp, tránh một số loại mà cơ thể có phản ứng.

Phối hợp thuốc: nếu phối hợp đúng sẽ làm tăng cường tác dụng của thuốc; nếu phối hợp sai sẽ dẫn đến giảm mất tác dụng hoặc gây độc hại cho cơ thể.

Dùng thuốc kháng sinh phải đủ thời gian.

Như vậy, với các nguyên tắc sử dụng kháng sinh đã nêu, cách tốt và an toàn nhất là bệnh nhân cần phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc tránh gây hại cho bản thân và cho cộng đồng.

TS Hải Anh

Theo Suckhoedoisong.vn

Uống hay tiêm kháng sinh an toàn hơn?

Để nâng cao hiệu quả điều trị và tránh những tác dụng không mong muốn, sử dụng kháng sinh phải theo những nguyên tắc chặt chẽ.

Tôi bị viêm họng phải uống kháng sinh để điều trị, nhưng tôi nghe nói tiêm thuốc kháng sinh sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn, trước khi tiêm được thử phản ứng ngay nên an toàn hơn thuốc uống. Xin quý báo cho biết, điều đó có đúng không?  – Lê Minh Nhật (Vĩnh Long)

uong-hay-tiem-khang-sinh-an-toan-hon

Chỉ dùng kháng sinh đường tiêm khi bệnh nhân không nuốt được, nôn trớ liên tục…

Kháng sinh là những chất có nguồn gốc tự nhiên, hoặc bán tổng hợp hoặc tổng hợp có tác dụng đặc hiệu kìm hãm sự phát triển hoặc diệt các vi sinh vật. Do vậy, để nâng cao hiệu quả điều trị và tránh những tác dụng không mong muốn, sử dụng kháng sinh phải theo những nguyên tắc chặt chẽ.

Tùy theo loại nhiễm khuẩn, vị trí ổ nhiễm khuẩn, tình trạng người bệnh, có uống được thuốc không, có trong tình trạng cấp cứu không, người già hay trẻ em, có bệnh kèm theo không… mà các kháng sinh được lựa chọn phù hợp. Mỗi thuốc khi được đưa vào sử dụng, sẽ có những liều dùng, khoảng cách giữa các lần dùng và đường dùng khác nhau.

Khi cần sử dụng kháng sinh, và dùng theo đường nào cần phải được bác sĩ cân nhắc lựa chọn. Không tự động lựa chọn sử dụng kháng sinh khi chưa được thầy thuốc chỉ định. Nếu dùng đường uống mà cho kết quả tương tự đường tiêm thì ưu tiên đường uống hơn vì vừa dễ sử dụng, giá thành rẻ, ít tai biến.

Chỉ dùng kháng sinh đường tiêm trong các trường hợp sau: Bệnh nhân không nuốt được, tổn thương hệ tiêu hóa, nôn trớ liên tục…; Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, rối loạn hấp thu đường tiêu hóa; Cần khống chế ngay tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nhanh như trong nhiễm khuẩn máu do não mô cầu.

Ths Vũ Hồng Anh

Theo Suckhoedoisong.vn

Kháng sinh thường dùng

Kháng sinh là loại thuốc được dùng phổ biến để điều trị các bệnh viêm có kèm nhiễm trùng tại mắt. Kháng sinh có thể được sử dụng tại chỗ, dưới kết mạc, hay toàn thân để điều trị các tổn thương mắt. Một số kháng sinh sau chỉ dùng tại chỗ (nhỏ và tra mắt) là bacitracin, neomycin và polimycin B…

Neomycin

Là kháng sinh nhóm aminoglycosid, dùng dưới dạng thuốc mỡ, dung dịch hoặc hỗn dịch, dùng đơn độc hoặc phối hợp với một số kháng sinh khác như polymixin B, bacitracin… để tra, nhỏ mắt. Nhỏ 1 – 2 giọt vào mắt, 3 – 4 giờ một lần tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng bệnh. Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 1 tuổi, mẫn cảm với thuốc. Ngoài ra thuốc còn được dùng để bôi ngoài da để điều trị một số nhiễm khuẩn ngoài da, dùng để nhỏ tai… Dùng neomycin nói riêng hay kháng sinh nhóm aminoglycosid cần thận trọng vì chúng gây độc cho thận và tai. Vì vậy, không dùng thuốc trong những bệnh của thị thần kinh vì nó có tác dụng xấu lên thị thần kinh.

khangsinh

Dùng thuốc nhỏ mắt phải theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bacitracin

Là thuốc kháng sinh thường được dùng ngoài. Trong chuyên khoa mắt thuốc được dùng dưới dạng mỡ tra mắt, điều trị một số bệnh như chắp, viêm kết mạc cấp và mạn, loét giác mạc, viêm giác mạc và viêm túi lệ. Khi tra mắt, bôi 1 dải mỏng khoảng 1cm thuốc mỡ lên kết mạc, cứ 3 giờ hoặc ngắn hơn bôi 1 lần. Khi dùng chế phẩm này người bệnh có thể bị phát ban do tác dụng không mong muốn của thuốc. Ngừng thuốc khi có biểu hiện trên. Bacitracin thường dùng ở dạng phối hợp với các neomycin và polymyxin B sulfat. Không nên điều trị bằng chế phẩm này quá 7 ngày.

Polymyxin B

Thường dùng bột polymyxin B sulfat để pha dung dịch nhỏ mắt, nồng độ 0,1 – 0,25%, tùy theo lượng dịch pha loãng sử dụng. Polymyxin B được dùng tại chỗ, dùng đơn độc hoặc phối hợp với các hợp chất khác để điều trị viêm kết mạc, viêm mí mắt, viêm giác mạc và loét giác mạc… Cách dùng: Nhỏ vào kết mạc mỗi mắt 1 – 3 giọt, mỗi giờ một lần, sau đó tùy theo mức độ hiệu quả, giảm xuống 1 – 2 giọt, ngày 4 – 6 lần. Tuy nhiên khi dùng thuốc có thể gây kích ứng mắt. Không được dùng chế phẩm polymyxin B kết hợp với coticoid để điều trị nhiễm nấm, nhiễm virut hoặc nhiễm khuẩn có mủ ở mắt.

Cần lưu ý, giống như điều trị kháng sinh toàn thân, việc sử dụng kháng sinh tại mắt cũng có thể gặp nguy hiểm như mẫn cảm hoặc dị ứng với thuốc, tổn hại do độc tính của thuốc, kháng thuốc và thay đổi cân bằng vi sinh vật tại mắt. Sự thay đổi vi khuẩn ở kết mạc thường xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh tra mắt kéo dài làm tăng nấm ở túi kết mạc.

Dược sĩ Hoàng Thu Thủy

Thông báo thu hồi kháng sinh Roxithromycin

 Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo đình chỉ lưu hành tại TP.HCM thuốc viên nén bao phim Roxithromycin 150mg; hộp 2 vỉ x 10 viên

Số lô: 232911; hạn dùng: 7.6.2015; số đăng ký: VN – 1938-06, công ty cổ phần dược Trung ương Mediplantex sản xuất, do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan theo tiêu chuẩn cơ sở. Sở yêu cầu công ty Mediplantex khẩn trương thu hồi lô thuốc trên và gửi báo cáo về sở trước ngày 20.9.2013. Thuốc Roxithromycin 150mg là kháng sinh macrolid, chỉ định điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tai mũi họng, da, đường niệu – sinh dục…

Theo SGTT.vn

Phòng ngừa nhiễm nấm vùng kín

ANTĐ - Sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans là dấu hiệu của sự mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo. Phụ nữ thường bị nhiễm nấm âm đạo ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Mặc dù ít khi dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nhiễm nấm gây khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Giữ khô quần áo. Nóng, môi trường ẩm ướt là điều kiện nấm men phát triển. Vì vậy, bạn nên mặc đồ lót chất liệu thấm hút tốt, thoáng mát và tránh mặc quá chật.

Hạn chế thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh tiêu diệt tất cả vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn có lợi  giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn. Chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi cần thiết, và không bao giờ sử dụng quá liều lượng khuyến cáo.

Tránh hóa chất không cần thiết. Sản phẩm vệ sinh phụ nữ, bao gồm cả thuốc xịt, thụt rửa âm đạo, và thậm chí một số chất bôi trơn có thể làm mất cân bằng độ pH trong âm đạo, tạo điều kiện cho nấm men phát triển.
Chăm sóc bản thân. Hệ thống miễn dịch suy yếu làm cho bạn dễ bị nhiễm trùng, vì vậy hãy tránh sự căng thẳng, lo lắng và nên ngủ đủ giấc.

Điều chỉnh chế độ ăn uống. Nên cắt giảm các loại thực phẩm khiến lượng đường trong máu tăng vọt, như món tráng miệng có đường, nước ngọt, và ngũ cốc chế biến. Sữa chua và tỏi sống là những thực phẩm có chứa chất kháng nấm mạnh.

Bổ sung probiotic. Nếu bạn thường bị nhiễm nấm 3 lần/năm, hãy bổ sung chế độ ăn uống hàng ngày   với probiotic có chứa vi khuẩn Lactobacillus. Nghiên cứu cho thấy axit lactic giúp duy trì độ pH trong âm đạo, ngăn ngừa Candida phát triển quá mức.

Trúc Linh
(Theo Prevention)

Bé đi ngoài nhiều do dùng kháng sinh, có nên dừng?

Bé bị đi ngoài phân sống kéo dài 3 tuần nay rồi. Bé bị ho và ngạt mũi nhiều, tôi cho cháu uống kháng sinh, liệu đó có phải lý do bé đi ngoài không.

Bé trai nhà tôi 4 tháng tuổi đạt 6 kg. Bé bị đi ngoài phân sống kéo dài 3 tuần nay rồi. Bé bị ho và ngạt mũi nhiều, tôi cho cháu uống kháng sinh, liệu đó có phải lý do bé đi ngoài không.
 
Hiện giờ bé vẫn chưa hết ngạt mũi, cổ có nhiều đờm. Tôi có nên cho bé tiếp tục điều trị nữa không hay dừng để bé không đi ngoài nữa? Tôi sợ bé đi ngoài nhiều sẽ thiếu chất, suy dinh dưỡng mất. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ. – (Trần Thị Thủy)

be-di-ngoai-nhieu-do-dung-khang-sinh-co-nen-dung

Dùng kháng sinh cho trẻ có thể gây nhiều tác dụng phụ. Ảnh minh họa: demo

Chào bạn,

Bé trai 4 tháng tuổi có cân nặng bình thường là 7,0kg, khoảng 6,2 kg là bắt đầu ở mức dọa suy dinh dưỡng. Như vậy, em bé đã có chậm tăng trưởng về cân nặng, cần có chế độ phục hồi dinh dưỡng sớm.

Dùng kháng sinh có thể là một trong những lý do gây rối loạn vi khuẩn đường ruột, có thể gây phân sống hoặc kém hấp thu. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó mà bạn không điều trị dứt nhiễm trùng trong cơ thể cho bé, vì nhiễm trùng lan rộng, kéo dài hoặc nặng lên rất nguy hiểm. Bạn cần điều trị dứt hẳn các đợt nhiễm trùng cấp tính để bé khỏe, ăn tốt và lên cân sau đó.

Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về vấn đề tiêu phân sống và chậm lên cân của con bạn, như vậy bác sĩ sẽ chọn cho con bạn loại kháng sinh thích hợp, sử dụng phối hợp các phương pháp trị liệu khác để tăng hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ, cũng như nếu cần có thể bổ sung các loại thuốc để phục hồi lại cân bằng vi khuẩn trong đường ruột.

Vẫn có nhiều giải pháp cho bé, bạn đừng quá lo lắng, chúc bạn và bé có nhiều sức khỏe nhé.

BS.CK Nguyễn Thị Thu Hậu

(Theo VnExpress)

Nấm miệng Candida ở trẻ em

Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp khiến trẻ phải đến khám tại phòng khám Nhi, cũng như phải mua thuốc tại hiệu thuốc tây. Bệnh phát hiện tình cờ qua khám, hay do triệu chứng khó chịu cho bé mà bà mẹ mang bé đến khám.

1. Nấm Candida có đặc điểm gì ?

  • Bình thường nấm Candida thường trú trên cơ thể và không xâm lấn gây bệnh;
  • Có 40% – 60% dân số là người lành mang Candida trên cơ thể;
  • Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ… và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng Candida albicans chiếm 70%;
  • Trẻ thường nhiễm Candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm Candida âm đạo lúc mang thai;
  •  Nấm Candida có ở 0,5% – 20% nhũ nhi khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS.

2. Yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển?

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành;
  • Vệ sinh miệng kém, đặc biệt bé mang dụng cụ chỉnh nha gây khó khăn trong vệ sinh răng miệng;
  • Trẻ bị nhiễm HIV- AIDS, ung thư, tiểu đường, suy dinh dưỡng…
  • Dùng corticoid, kháng sinh kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị ung thư…
  • Chấn thương tại chỗ.

3. Nấm Candida miệng gây triệu chứng gì?

  • Không triệu chứng, hoặc tình cờ phát hiện thấy mảng trắng trên niêm mạc má hay lưỡi;
  • Trẻ biếng ăn;
  • Đau rát họng, nôn ói.

4. Khám miệng bé bị nấm miệng Candida thấy gì?

  • Các mảng trắng như sữa, hay kem, phủ trên nền hồng ban dính chặt niêm mạc lưỡi, má… khó bóc tách;
  • Đa số dạng giả mạc trắng, một số dạng bạch sản, tăng sản lưỡi, hay dạng viêm lưỡi có dạng hình thoi ở giữa lưỡi. Trẻ dùng corticoid hít trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt có thể bị nấm miệng dưới dạng hồng ban thường thấy ở vòm họng.

Hồng ban ở vòm họng và viêm lưỡi dạng hình thoi giữa lưỡi

5. Điều trị nấm miệng ở trẻ nhũ nhi khỏe mạnh như thế nào?

  • Tăng cường vệ sinh răng miệng và loại bỏ yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển;
  • Nystatin tại chỗ là chọn lựa an toàn;
  • Miconazole oral gel rơ miệng hiệu quả hơn nystatin và mùi vị được trẻ chấp nhận tốt hơn. Hơn nữa dạng gel thuận tiện cho bà mẹ trong sử dụng;
  • Tuyệt đối không dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 1 tuổi vì trong mật ong có thể chứa bào tử clostradium botulinum, có thể chuyển dạng thành vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho trẻ.

Điều trị đẹn (tưa lưỡi) do nấm Candida albican gây ra (Nguồn hình: Công Ty Janssen Cilag VN)

6. Rơ miệng thế nào cho hiệu quả và dễ chịu cho bé ?

Vì rơ miệng có thể kích thích khiến trẻ dễ nôn ói, nên việc này thực hiện tốt nhất là lúc bụng bé đói hay trống thức ăn, và nên theo các trình tự sau:

  • Vệ sinh tay mẹ thật sạch sẽ;
  • Lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay (ngón chọn để rơ miệng phải có kích cỡ phù hợp độ rộng của miệng bé), nhúng miếng gạc rơ miệng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc, nhằm tránh ma sát làm đau bé;
  • Dùng miệng gạc thấm thuốc chống nấm nystatin đã được nghiền nát hay Miconazole oral gel với lớp mỏng, vừa đủ;
  • Nếu trẻ bị nấm miệng nhiều nơi, thì nên rơ theo thứ tự: hai bên má trước, sau đó đến vùng khẩu cái trên miệng, và lưỡi rơ sau cùng. Mẹ nên rơ từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn ói cho trẻ.

Sử dụng kháng sinh – Những dấu hiệu nguy hiểm

Sự lạm dụng kháng sinh gây ra nhiều tác hại như nguy cơ kháng kháng sinh của vi khuẩn, dị ứng,… Việc sử dụng và bán thuốc nhất thiết phải có đơn của bác sĩ.

Lạm dụng kháng sinh

Lạm dụng kháng sinh là việc sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết như những bệnh không bị nhiễm khuẩn mà vẫn dùng kháng sinh, nhiễm khuẩn nhẹ mà dùng kháng sinh mạnh, dùng kháng sinh có tính chất bao vây, dùng kháng sinh để dự phòng bệnh khi không thật cần thiết hay dùng kháng sinh trong thời gian quá dài hoặc quá ngắn.

Sự lạm dụng kháng sinh gây ra nhiều tác hại như nguy cơ kháng kháng sinh của vi khuẩn, nguy cơ dị ứng, gây lãng phí cho bệnh nhân nói riêng cũng như cho xã hội nói chung. Những quan niệm sai lầm trong việc sử dụng kháng sinh như “sốt là phải dùng kháng sinh” hay “đã có viêm là phải dùng kháng sinh” cùng với sự dễ dãi của nhân viên nhà thuốc trong việc bán thuốc kháng sinh cho khách hàng… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng.

su-dung-khang-sinh-nhung-dau-hieu-nguy-hiem

Sử dụng kháng sinh phải có đơn của bác sĩ

Bệnh nhân khi mua thuốc kháng sinh và nhân viên nhà thuốc khi bán thuốc kháng sinh nhất thiết phải có đơn của bác sĩ. Vì vậy, người bệnh muốn có thuốc kháng sinh để điều trị phải đi khám bác sĩ để lấy đơn thuốc, mặt khác, nhân viên nhà thuốc cần giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua thuốc kháng sinh tới cơ sở y tế khi khách hàng không có đơn thuốc của bác sĩ hoặc có đơn thuốc không phù hợp như đơn thuốc cũ, đơn thuốc của một bệnh nhân khác…

Khi bán thuốc kháng sinh theo đơn thuốc của bác sĩ, nhân viên nhà thuốc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng kháng sinh một cách cụ thể. Hầu hết, tất cả các loại kháng sinh dạng uống hoặc tiêm thường được sử dụng 2 lần trong ngày, chỉ có một số ít kháng sinh dùng 1 lần trong ngày như moxifloxacin, azithromycin, thuốc bôi chống nấm nystatin…

Nên uống kháng sinh trước bữa ăn để thuốc có tác dụng tối đa. Không nên tự ý giảm liều thuốc hoặc ngừng thuốc kể cả khi bệnh đã đỡ hay thậm chí bệnh nhân có cảm giác như bệnh đã khỏi hẳn. Khi dùng hết đợt kháng sinh đã được chỉ định, nếu bệnh chưa khỏi hẳn, không nên tự ý tiếp tục dùng thêm hoặc tăng liều mà nên đi khám lại để bác sĩ cho hướng điều trị phù hợp.

Khi nào cần phải đến cơ sở y tế?

Khi sử dụng kháng sinh, người bệnh cần phải theo dõi diễn biến lâm sàng để đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu không đáp ứng, đặc biệt là các dấu hiệu nguy hiểm trong một số trường hợp sau đây:

- Dùng kháng sinh mà không đáp ứng sau 3 ngày điều trị đủ liều được biểu hiện bằng các triệu chứng viêm như: sốt, sưng nóng, đỏ đau, dịch viêm… không giảm.

- Có các biểu hiện của dị ứng kháng sinh như nổi mày đay, ngứa, ho, tức ngực, khó thở kiểu hen suyễn; loét miệng, đỏ mắt, loét bộ phận sinh dục… nên ngừng ngay thuốc kháng sinh và đến khám lại tại các cơ sở y tế kịp thời.

- Đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc kháng sinh hoặc các loại dị ứng khác, cần đặc biệt chú ý tới khả năng dị ứng thuốc kháng sinh và cần biết các dấu hiệu dị ứng đã nêu trên để dừng ngay thuốc và đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

- Những người bệnh biết rõ đã dị ứng với thuốc kháng sinh được kê trong đơn thuốc nên tạm thời chưa sử dụng thuốc và quay lại gặp bác sĩ để được kê loại thuốc kháng sinh khác phù hợp.

Một vấn đề cũng cần quan tâm và thận trọng khi sử dụng kháng sinh là nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng như những thông tin về thuốc thường có trong hộp thuốc để biết các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra và cách xử lý. Những tác dụng không mong muốn nhẹ thường tự khỏi mà không cần phải ngừng sử dụng thuốc nhưng cũng nên thông báo tình trạng này cho bác sĩ điều trị biết. Bác sĩ sẽ quyết định cách xử lý trong từng trường hợp cụ thể. Đối với các trường hợp có phản ứng dị ứng nên ngừng thuốc ngay và đến khám tại cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, phù hợp.

TTƯT. BS. Nguyễn Võ Hinh

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Làm gì khi răng bị vàng do kháng sinh?

Cháu thử dùng nhiều phương pháp như đốt lá tre, đốt xương dê xát vào răng nhưng không có hiệu quả.

“Hồi bé, cháu uống nhiều tetracyclin nên răng bị vàng. Cháu thử dùng nhiều phương pháp như đốt lá tre, đốt xương dê xát vào răng nhưng không có hiệu quả. Cháu nghe nói đến dịch vụ trám, cạo men răng nhưng mẹ cháu không cho làm vì sợ hại răng. Xin bác sĩ cho cháu một lời khuyên”.

lam-gi-khi-rang-bi-vang-do-khang-sinh

Trả lời:

Nhiều khả năng cháu bị sâu răng và nhiễm tetracyclin. Cháu nên đến bác sĩ nha khoa khám cụ thể để có hướng điều trị phù hợp. Nếu chớm bị sâu thì nên hàn ngay, cháu sẽ có khả năng khỏi hoàn toàn. Nếu răng bị nhiễm tetracyclin thì có 2 cách xử trí:

- Trường hợp bị nhẹ, men răng vẫn bóng, chỉ vàng hơn bình thường thì có thể dùng thuốc tẩy trắng răng.

- Trường hợp nặng, răng màu đen, mất độ bóng sáng hoặc bề mặt răng không đều thì có thể trám thẩm mỹ bằng composite hoặc làm răng sứ bọc ra ngoài.

Cả 2 phương pháp trên đều không có hại gì cho răng.

BS Nguyễn Nguyệt Nga

(Theo KH&ĐS)

Thời tiết giao mùa, trẻ dễ bị bệnh

Miền Nam không có mùa đông lạnh giá, tiết trời ấm áp quanh năm, nhưng khi độ ẩm tăng cao cũng vẫn sẽ là điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Đặc biệt, những trẻ hiếu động dễ sinh mồ hôi, không được lau kịp thời khiến các bệnh về đường hô hấp, ho cảm gia tăng.

PGS-TS Nguyễn Văn Bàng (phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) chia sẻ, thời tiết thay đổi, giao mùa khiến trẻ thường mắc các bệnh như: ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, toàn thân khó chịu, viêm mũi, viêm V.A, viêm họng cấp… và ho thường là dấu hiệu cho các bệnh này. Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ khuyến cáo không nên dùng kháng sinh cho trẻ. Phương pháp chữa trị chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đầy đủ. Nếu được chăm sóc tốt, nhiều trẻ sẽ tự khỏi sau đó vài ba ngày. Nếu trẻ đang bú mẹ, giai đoạn này, bạn nên tăng cường cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, bạn nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu, ít chất béo, ít chất ngọt và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Khi trẻ bị ngạt mũi, trước bữa ăn, bạn nên nhỏ mũi cho trẻ (dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi dành cho trẻ) để làm thông mũi trẻ. Trong những ngày thời tiết như thế này, cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

(Ảnh do nhãn hàng Ích Nhi cung cấp)

PGS Bàng nhấn mạnh, các mẹ cần tránh các tác nhân gây dị ứng và cách ly trẻ với môi trường khói thuốc, hóa chất hoặc không nên để trẻ tiếp xúc với chó, mèo. Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, cho trẻ uống nước đầy đủ.

PGS Dương Trọng Hiếu (nguyên BS bệnh viện YHCT TW) chia sẻ, khi trẻ bị cảm, ho, các bà mẹ cần chú ý chữa trị kịp thời và triệt để. Thực tế hiện nay có nhiều loại thuốc Tân dược được bào chế dưới dạng siro để trẻ nhỏ dễ uống và liều lượng đã được điều chỉnh nhưng không phải vì thế mà các tác dụng phụ của thuốc không đáng ngại. Chức năng đào thải các chất độc của gan, thận còn kém, trẻ lại rất hay bị cảm, ho nên sử dụng thuốc rất thường xuyên. Nếu không cẩn trọng các mẹ sẽ bắt gan, thận của bé làm việc vất vả trong khi chức năng của các cơ quan này còn chưa được hoàn chỉnh. Các mẹ nên tìm các loại thuốc thảo dược an toàn cho bé. Nhưng ngay các thuốc Đông dược cũng có các vị thuốc không khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ như tinh dầu bạc hà, tỳ bà diệp, bạc hà diệp… Thế nên các mẹ chỉ nên lựa chọn các sản phẩm thảo dược được đặc chế dành riêng cho các bé. Cũng cần tìm các thuốc có mùi vị thơm, ngon, dễ uống. Siro Ích Nhi là một sản phẩm đáp ứng được tất cả các điều kiện này. Là sản phẩm được nghiên cứu và đặc chế dành riêng cho trẻ, với thành phần từ kinh giới, mật ong và các thảo dược nhanh giải cảm, giảm ho cho bé mà lại rất an toàn, mùi vị thì thơm ngon, thích hợp với khẩu vị của trẻ. Khi dùng kết hợp với các kháng sinh ở những bé bị cảm, ho nặng, Ích Nhi còn giúp các bé nâng cao sức đề kháng, giảm được các tác dụng phụ của kháng sinh và giúp bé nhanh khỏi bệnh. Đây là sản phẩm được nhiều bác sĩ khoa nhi khuyên dùng.

(Ảnh do nhãn hàng Ích Nhi cung cấp)

Thành phần: xuyên khung 8g, cát cánh 8g. kinh giới 8g, tử uyển 8g, bách bộ 8g, xuyên bối mẫu 8g, hương phụ 8g, cam thảo 8g, trần bì 8g, mật ong 15g, phụ liệu vừa đủ 100ml. Tác dụng: giải biểu, trừ ho, trừ đờm. Chỉ định: thuốc được sử dụng trong các trường hợp điều trị các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm, hắt hơi sổ mũi, ngạt mũi, trị các chứng ho do lạnh, ho đờm nhiều. Liều lượng và cách dùng: trẻ sơ sinh – dưới 3 tuổi uống 3ml/ lần x 2 – 3 lần/ ngày; trẻ em 3 – 7 tuổi uống 5 ml/ lần x 2 – 3 lần/ ngày; trẻ em 7 – 12 tuổi uống 7,5 ml/ lần x 2 – 3 lần/ ngày; từ 12 tuổi trở lên uống 10 ml/ lần x 2 – 3 lần/ ngày. Có thể pha loãng với nước ấm cho dễ uống. Chống chỉ định: bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai. Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú: + Thời kỳ mang thai: Không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai. + Thời kỳ cho con bú: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Trước khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sỹ. Tác dụng không mong muốn của thuốc: chưa có báo cáo. Chú ý: thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc. Hạn dùng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất. Bảo quản: Trong bao gói kín, nơi khô mát, tránh ánh sáng. Tiêu chuẩn sản phẩm: tiêu chuẩn cơ sở. Quy cách đóng gói: hộp 1 lọ 100ml.

Điện thoại tư vấn sản phẩm: 043.9953901

Website: www.chamsoctre.vn

Hồ sơ đăng ký quảng cáo số: 1322/10/QLD-TT