Lưu trữ cho từ khóa: nhau tiền đạo

Biến chứng nhau tiền đạo ở bà bầu

Nhau tiền đạo là một biến chứng không thể lường trước, nó gắn liền cùng quá trình phát triển tự nhiên của bào thai.

Bình thường nhau thai bám vào đáy tử cung, có thể ở mặt trước hoặc sau. Tuy nhiên, trong quá trình thai nhi phát triển, vì một số lý do nào đó mà bánh rau bám vào đoạn dưới của tử cung hoặc vào cổ tử cung thì gọi là nhau tiền đạo. Chính hiện tượng này là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong thời kỳ có thai, khi chuyển dạ và thậm chí sau sinh.

Tỉ lệ rau tiền đạo là 1/200 trường hợp phụ nữ mang thai nhưng cũng hay gặp ở những phụ nữ có tử cung phát triển bất thường, phụ nữ đã sinh đẻ nhiều, đã mang thai đôi, thai ba… Tỉ lệ những phụ nữ dễ mắc rau tiền đạo cũng hay gặp ở những người có vết sẹo cũ ở tử cung do đã từng mổ lấy thai, phẫu thuật tử cung, nạo hút thai. Phụ nữ hút thuốc lá hay có con khi tuổi đã cao cũng tăng nguy cơ bị nhau tiền đạo.

Nhau tiền đạo có thể dẫn đến băng huyết khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé. Cụ thể, nó gây hại đối với thai phụ và thai nhi như sau:

bien-chung-nhau-tien-dao-o-ba-bau

1. Những nguy hại cho mẹ

Do gây chảy máu lặp đi lặp lại nên nhau tiền đạo có thể khiến thai phụ bị thiếu máu, chảy máu trong một thời gian dài và thậm chí gây sốc cho người mẹ. Vì tử cung bị co nên thường xảy ra xuất huyết sau sinh. Ngoài ra, nhau tiền đạo bám gần cổ tử sung, sau khi sinh bị bóc tách khiến cổ tử cung bị hở, vi khuẩn xâm nhập vào khiến cho bề mặt âm đạo dễ bị nhiễm trùng.

Đối với trường hợp nhau tiền đạo chỉ bám thấp không cản trở lối ra của thai hoặc nếu bánh rau sát với cổ tử cung hoặc che một phần thì sản phụ có thể nghỉ tại giường để theo dõi, đi lại ít và tránh quan hệ tình dục.

Trong trường hợp sản phụ ra máu nhiều cần phải đến bệnh viện phụ sản để được theo dõi, chăm sóc. Các nguy cơ lớn có thể gặp trong tình huống này bao gồm băng huyết, choáng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tạo thành máu cục, nếu mất nhiều cần phải truyền máu và có thể can thiệp phẫu thuật khi cần thiết.

Trong trường hợp chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm, thai phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai để phòng ngừa nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.

2. Những nguy hại đối với thai nhi

Nhau tiền đạo chủ yếu gây chảy máu ở cuối thai kỳ, thai phụ dễ bị sinh non. Do mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai. Khi mẹ bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ nên bác sĩ phải mổ lấy thai sớm không kể đến thai đủ tháng hay chưa. Khi đó khả năng thai non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp.

Ngoài ra, vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang.

Những ca tai biến này vừa đe dọa nghiêm trọng tính mạng của sản phụ và thai nhi vừa là thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, xử trí kịp thời sẽ cứu được nhiều sản phụ và thai nhi tránh khỏi tai biến đáng lo này.

bien-chung-nhau-tien-dao-o-ba-bau

3. Làm thế nào để phát hiện nhau tiền đạo trước sinh?

Hiện nay phương pháp an toàn và được dùng nhiều nhất là siêu âm. Có thể phát hiện sớm từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào siêu âm. Qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo… bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.

4. Làm gì khi đã được chẩn đoán nhau tiền đạo?

Khi đã được chẩn đoán nhau tiền đạo, về mặt nguyên tắc, thai phụ cần được ở lại bệnh viện để theo dõi và điều trị, hạn chế vận động hay bất kỳ một chấn động nhỏ nào ở vùng bụng để tránh kích thích tử cung gây chảy máu.

Ngoài ra, sản phụ bình thường cũng nên thăm khám thai thường xuyên trong 3 tháng cuối kỳ tại bệnh viện phụ sản. Ở một vài phòng khám tư, một số kỹ thuật viên không có kinh nghiệm lâm sàng về sản khoa nên việc chẩn đoán hình ảnh siêu âm chưa tốt sẽ không có được sự phát hiện và tư vấn kịp thời về nhau tiền đạo.

Các bác sỹ phụ sản khuyến cáo: Khám thai định kỳ, sớm phát hiện nhau tiền đạo và xử trí kịp thời là lời khuyên tốt nhất dành cho những bà mẹ nằm trong tình huống cấp cứu sản khoa này. Vì vậy, dù chưa có bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì thăm khám định kỳ là chìa khóa an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Theo TTVN.vn

Vì sao bị nhau tiền đạo?

Vợ tôi mang thai sắp đến ngày sinh, được bác sĩ (BS) chẩn đoán nhau tiền đạo (NTĐ) và được theo dõi sát sao, chờ ngày sinh nở. Tôi vẫn rất thắc mắc về NTĐ, xin BS tư vấn giúp.

Trường Kiên (Long An)

vi-sao-bi-nhau-tien-dao

Bình thường, bánh nhau sẽ nằm ở phía trên hoặc thân tử cung. NTĐ là tình trạng bánh nhau nằm thấp ở phía dưới tử cung, có thể che một phần hoặc che hoàn toàn lỗ tử cung, cản đường đi của thai nhi khi sinh ngả âm đạo. Do đó, đa phần sản phụ có NTĐ sẽ được mổ lấy thai.

Dấu hiệu nghi ngờ NTĐ thường thấy nhất là tình trạng ra huyết âm đạo trong ba tháng cuối thai kỳ: huyết đỏ tươi, có thể ra rất nhiều, đông lại thành cục, thai phụ thường không đau bụng. Hiện nay, phương pháp an toàn, hữu hiệu, được dùng nhiều nhất để phát hiện NTĐ là siêu âm. Thai phụ nên khám thai định kỳ để được phát hiện kịp thời tình trạng NTĐ.

Nguyên nhân chính xác của NTĐ hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, người ta quan sát thấy những người sau đây thường gặp phải: sản phụ đã sinh nở nhiều, nạo phá thai, sẩy thai nhiều lần, người bị viêm nhiễm tử cung hoặc những sản phụ đã có tiền căn NTĐ.

NTĐ thường nguy hiểm khi xuất huyết ồ ạt, có thể dẫn đến tử vong mẹ nếu cấp cứu không kịp thời. Đối với thai, thường gặp là suy thai, thậm chí là phải chấm dứt thai kỳ, bất chấp tuổi thai khi NTĐ ra huyết nhiều đe dọa tính mạng người mẹ. Mổ lấy thai được chỉ định để chấm dứt thai kỳ, đối với trường hợp NTĐ ra huyết nhiều, NTĐ trung tâm; các trường hợp còn lại sẽ được cân nhắc để sinh thường ngả âm đạo.

Để dự phòng NTĐ, phụ nữ không nên sinh đẻ nhiều (nguy cơ cao đối với lần mang thai thứ tư trở lên) và không nạo phá thai nhiều.

BS Nguyễn Phan Quốc Thuận-

BV Q.2, TP.HCM

Theo Phunuonline.com.vn

Những Biến Chứng Thai Kỳ Thuộc Nhóm “Nguy Cơ Cao”

Không phải tất cả mọi ca mang thai đều xuôi chèo mát mái. Một số ca cần được theo dõi chặt chẽ. Nhiều phụ nữ trải qua thai kỳ chỉ bị buồn nôn, ợ nóng hoặc sưng mắt cá chân. Đối với một số khác thì không đơn giản như thế. Một ca mang thai nguy cơ cao nghĩa là mẹ và em bé nhiều khả năng gặp phải những vấn đề về sức khỏe.


Đừng tự chẩn đoán bệnh cho mình, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn cảm thấy khó chịu – Ảnh: Inmagine

Phụ nữ trên 35 tuổi thường nghiễm nhiên được coi là “có nguy cơ cao” do tuổi tác làm tăng nguy cơ gặp biến chứng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật.

Do các triệu chứng của biến chứng thường khá giống các tác dụng phụ vô hại của một thai kỳ bình thường, bạn không nên tự chẩn đoán bệnh (các bà mẹ nên tránh xa Google!) Hãy nhớ: mọi phụ nữ đều khác nhau, do đó hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ phụ khoa hay sản khoa về trường hợp của riêng bạn.

Dưới đây là những thông tin cơ bản về các dạng thai sản nguy cơ cao thường gặp.

Tiểu Đường Thai Kỳ

Bệnh này là gì? Một dạng bệnh tiểu đường tạm thời xuất hiện trong thời gian mang thai, thường là trong tam cá nguyệt thứ hai. Máu của bạn c nồng độ glucose (đường) cao, nhưng cơ thể của bạn lại không tạo ra đủ insulin để chuyển đổi nó thành dạng lưu trữ. Lượng insulin thiếu hụt có thể do nhau thai sản xuất các hormone thai kỳ làm ngăn chặn tác dụng của insulin. Theo Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Hoa Kỳ, khoảng 5% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Những ai có nguy cơ? Phụ nữ trên 35, thừa cân hoặc béo phì, người hút thuốc lá, người trong gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường khởi phát muộn, phụ nữ đã có nhiều con trước đó, có thai nhi lớn (trên 4kg) hoặc những người trước đây đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong thời kỳ mang thai.

Mối nguy hiểm? Sự tăng trưởng của bé có thể bị ảnh hưởng – bé có nguy cơ phát triển quá lớn, sinh ra với lượng đường trong máu thấp, bị vàng da hoặc khó thở và cần được cung cấp oxy. Các bà mẹ có thể bị bệnh tiền sản giật, và nếu em bé quá lớn sẽ phải sinh mổ.


Ảnh: Inmagine

Triệu chứng? Có đường trong nước tiểu của bạn (đây là lý do tại sao bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm nước tiểu thường xuyên). Khát, đi tiểu thường xuyên và mệt mỏi. Xét nghiệm máu – bao gồm kiểm tra đường huyết và xét nghiệm dung nạp glucose – được dùng làm căn cứ để chẩn đoán.

Bạn có thể làm gì? Tập thể dục và ăn uống đúng cách có thể giúp kiểm soát đáng kể bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nên đi khám ở một chuyên gia dinh dưỡng hoặc một chuyên gia bệnh tiểu đường. Ở nhà, nồng độ đường trong máu có thể được theo dõi bằng phương pháp chích ngón tay đơn giản. Bạn có thể cần tiêm insulin. Hãy chuẩn bị tinh thần làm thêm nhiều xét nghiệm để kiểm tra sự tăng trưởng của em bé – nếu thai nhi phát triển quá lớn, bạn có thể cần phải sinh sớm một hoặc hai tuần.

Nhau Tiền Đạo

Bệnh này là gì? Nhau thai nằm ở vị trí thấp, nằm sát và che phủ một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung – đường ra của bé. Theo Sở Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh, nhau tiền đạo xảy ra ở khoảng 1-2% ca sinh.

Những ai có nguy cơ? Những người đã từng phẫu thuật tử cung, bao gồm cả phẫu thuật nong và nạo tử cung (phẫu thuật khá phổ biến ở phụ nữ được chỉ định khi kinh nguyệt kéo dài bất thường hoặc nạo phá tha) và mổ bắt con, để lại sẹo trên thành tử cung, các bà mẹ lớn tuổi, hút thuốc, những người mang đa thai, những người đã từng bị nhau tiền đạo trước đây.


Ảnh: Inmagine

Mối nguy hiểm? Sự tăng trưởng của bé có thể bị hạn chế, bé có khả năng phải ra đời sớm. Nếu nhau thai chặn đường cổ tử cung, cần phải mổ bắt con. Nếu bị băng huyết nặng, sản phụ cần phải được mổ khẩn cấp. Nhau tiền đạo gây nhiều nguy cơ xuất huyết hậu sản đe dọa tính mạng – có thể cần truyền máu.

Triệu chứng? Chảy máu âm đạo không đau, lặp đi lặp lại từ giữa đến cuối thai kỳ, các cơn co thắt sớm, em bé nằm sai vị trí (không thể “rơi” xuống khung chậu). Siêu âm có thể phát hiện ra nhau tiền đạo.

Bạn có thể làm gì? Nhau thai thường di chuyển lên phía trên tử cung trong thời kỳ mang thai, do đó, ở giai đoạn ban đầu nhau tiền đạo thường không được coi là vấn đề. Sau đó thì sẽ cần thiết phải can thiệp. Các bác sĩ thường khuyên thai phụ nghỉ ngơi tại giường, thường là ở bệnh viện, để ngăn chặn mẹ làm việc quá sức và em bé ra đời quá sớm. Nếu bị băng huyết nặng trước 34 tuần, steroid có thể được tiêm vào để tăng tốc độ phát triển phổi của em bé.

(Còn tiếp)

Meo.vn (Theo Mẹo)

Thận trọng với nhau bám thấp trong thai kì

ần đầu có thai nên chị Ngọc Minh, 28 tuổi (ngụ Q.3, TP.HCM), gặp khá nhiều bỡ ngỡ. Tháng thứ 8 của thai kì, chị đi khám thai định kì thì được chẩn đoán “nhau bám thấp”.


“Không biết tình trạng nhau bám thấp có ảnh hưởng đến việc sinh nở của mình và sức khỏe của em bé hay không? Liệu mình có thể sinh thường được không hay phải sinh mổ?”, chị Minh băn khoăn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, chuyên Sản phụ khoa, Phòng khám Victoria Healthcare TP.HCM cho biết: nhau bám thấp là một dạng nhẹ của nhau tiền đạo. Nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau không bám ở đáy tử cung mà một phần hay toàn thể bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung.

Nhau tiền đạo có các dạng: nhau bám thấp, nhau bám mép, nhau tiền đạo bán trung tâm, nhau tiền đạo trung tâm. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng trên hiện vẫn chưa được xác định. Bình thường, nhau bám ở vùng đáy tử cung. Y khoa cho rằng khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc vùng đáy tử cung bị giảm sút, nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ sự thiếu hụt này, vì vậy bánh nhau tràn xuống đoạn dưới tử cung. Những người có tiền căn nạo phá thai sẽ có nguy cơ bị nhau tiền đạo nhiều hơn.

Nguy cơ của nhau tiền đạo là xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng gây choáng, mất máu và tử vong ở mẹ. Em bé có nguy cơ bị sinh non tháng nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng xảy ra, cần phải mổ lấy thai để cứu mẹ (tỉ lệ non tháng từ 30 – 40%). Nếu trẻ sinh non tháng có thể bị bệnh màng trong (Hội chứng suy hô hấp sơ sinh) do thiếu chất Surfactant.

Đối với trường hợp của chị Minh, thai khoảng 8 tháng có ghi nhận tình trạng “nhau bám thấp” là một dấu hiệu báo động. Chị Minh nên đi khám thai định kỳ (trung bình 2 tuần / lần), hạn chế công việc nặng, tránh giao hợp. Đặc biệt, khi có dấu hiệu ra huyết âm đạo phải nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được khám và điều trị. Riêng với con của chị Minh, nếu tuổi thai dưới 34 tuần, bác sĩ có thể cho chích Calesten để thúc đẩy trưởng thành phổi nhanh nếu thấy mẹ có dấu hiệu ra huyết nhiều, có nguy cơ sinh non. Vấn đề sinh thường hay mổ còn tùy thuộc cân nặng của thai nhi, khung chậu, tình trạng ra huyết âm đạo… bác sĩ sẽ cân nhắc và có chỉ định cụ thể.

Meo.vn (Theo PNO)

Chồng “ăn nhạt” khi vợ mang thai?

Theo quan niệm cũ, để bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi, các ông chồng phải “ăn nhạt” trong suốt thời gian người vợ có thai, thậm chí, việc kiêng cữ vẫn tiếp tục cho đến khi em bé trong 3 tháng. Điều đó đã dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười, thậm chí gây bệnh cả thể chất và tinh thần cho những cặp vợ chồng trẻ sung sức.

Ngày nay, sau nhiều nghiên cứu, khoa học đã chứng minh, việc quan hệ tình dục khi mang thai không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà mẹ và em bé. Em bé được bảo vệ rất kín trong túi ối, cổ tử cung được đóng kín bằng chất nhầy đặc (gọi là nút cổ tử cung), nên các tác động của quá trình yêu đương của bố mẹ không thể gây hại cho thai nhi. Không những không có hại, mà trạng thái cực khoái của người mẹ còn có tác dụng ru thai nhi vì nó làm giải phóng một loại hormon kích thích co bóp dạ con. Trong nhiều trường hợp, “chuyện ấy” còn giúp tinh thần người mẹ phấn chấn hơn, việc sinh nở cũng dễ dàng hơn.


Việc vẫn tiếp tục quan hệ tình dục khi có thai không phản khoa học, nhưng các cặp vợ chồng cần lưu ý để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ tinh thần cũng như thể chất của cả mẹ và thai nhi: Những phụ nữ đã sảy thai vài lần, nhau thai bám thấp, có vấn đề bất thường cổ tử cung… nên tránh sinh hoạt tình dục trong những tháng đầu mang thai. Có tiền sử sảy thai, đẻ non ở lần có thai trước nên cẩn thận khi quan hệ tình dục trong giai đoạn 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối vì sẽ kích thích làm tử cung co bóp đẩy thai ra ngoài. Trường hợp nhau tiền đạo không nên quan hệ tình dục ở 3 tháng cuối thai kỳ vì dễ bị chảy máu. Nếu thấy đau bụng hoặc ra huyết sau khi quan hệ thì phải dừng chuyện ấy lại ít nhất 2 tuần sau đó và đi tư vấn bác sĩ. Thai phụ mắc bệnh tăng huyết áp, mang thai đôi, người chồng có bệnh lây qua đường tình dục, gần đến ngày sinh… nếu muốn quan hệ vợ chồng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Với các trường hợp mẹ bị suy dinh dưỡng nặng, tăng cân ít, da xanh, thai bị suy dinh dưỡng cần cân nhắc khi quan hệ tình dục. Do tinh trùng có chứa hormon prostaglandin kích thích sự co bóp nên muốn thực sự an toàn, khi sinh hoạt vợ chồng nên dùng bao cao su. 

Có một điều các bà bầu cần đặc biệt chú ý đến việc theo dõi xem sau quan hệ tình dục cơ thể có những phản ứng đặc biệt không. Nếu có bất thường như đau bụng, ra huyết… phải đến khám bác sĩ sản khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời. 

BS. Phương Thu

Meo.vn (Theo SKĐS)

“Dọn đường” cho thai nhi chào đời

Thai nhi phát triển bình thường, cơ thể mẹ khỏe, đủ sức vượt cạn nhưng bé vẫn khó chào đời bởi nhiều nguyên nhân: ngôi thai bất thường, dây rốn quá ngắn, dây rốn quấn cổ hoặc do có ‘vật cản’ là u tiền đạo hoặc bé ‘đô con’ quá so với khung xương chậu của mẹ…

Tràng hoa quấn cổ

Tràng hoa quấn cổ là lời dân gian gọi trường hợp dây rốn quấn cổ (DRQC). Thai nhi sống trong bọc nước và được nuôi dưỡng bằng dây rốn. DRQC là tình trạng thường gặp tại sản khoa, do bé ‘quậy’ quá, chòi đạp nhiều và dây rốn dài nên quấn vòng quanh cổ bé.

DRQC có thể dẫn đến hai trường hợp: thai bị ‘treo’ không thể lọt qua cổ tử cung để ra ngoài hoặc dây rốn ‘siết’ chặt quá làm thai thiếu máu nuôi. Hậu quả của DRQC chỉ xảy ra lúc chuyển dạ. Lúc này bé sẽ bị hai lực kéo – đẩy cùng lúc. Lực đẩy là cơn gò tử cung giúp bé ‘chào đời’, lực kéo giữ bé lại là dây rốn đang siết chặt ở cổ. Khi ấy bé sẽ ‘cầu cứu’ bác sĩ bằng dao động của tim thai.

Theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh – BV Hùng Vương TP.HCM, các trường hợp DRQC sẽ được bác sĩ sản khoa theo dõi kỹ tim thai và quá trình chuyển dạ để quyết định sinh thường hay mổ. Dân gian cho rằng, khi mang thai, người mẹ bước qua dây, võng sẽ làm bé bị DRQC. Tuy cho đến nay chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh quan niệm này đúng hay sai, song, chúng tôi khuyên sản phụ không nên bước qua dây vì dễ… vấp té!

Nhau tiền đạo phong toả lối ra

Bình thường, bánh nhau bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung, nhưng nếu thành tử cung có bất thường (u xơ tử cung, tử cung có sẹo mổ, thành tử cung bị suy yếu do nạo phá thai nhiều lần) nhau không bám được vào vùng đáy mà bám ở phần dưới, ‘án ngữ’ lối ra của bé. Theo bác sĩ Hạnh, triệu chứng nhau tiền đạo (NTĐ) là ra máu âm đạo bất thường, đột ngột, nhất là khi có cơn gò tử cung, máu ra đỏ tươi, số lượng thay đổi, có khi ít và dai dẳng, cũng có khi nhiều khiến phải nhập viện, thậm chí phải mổ cấp cứu để cứu mẹ.

Thông thường NTĐ được phát hiện rất sớm nhờ siêu âm. Không phải trường hợp NTĐ nào cũng phải phẫu thuật, nếu nhau bám thấp hay bám mép thì vẫn có thể sinh thường. Do đó, bác sĩ sản khoa thường siêu âm kiểm tra lại vị trí bánh nhau trước khi quyết định cách sinh. Khi phát hiện có nguy cơ bị NTĐ, thai phụ tránh đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp.

Đứng chặn ở ‘cổng’ không cho bé chào đời còn có u tiền đạo và các khối u trong bụng như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, chúng chèn trước ngôi thai và ngăn cản thai xuống khi chuyển dạ.

Đầu không xuôi, đuôi không lọt

Thông thường đến tháng thứ 6 – 7 bé bắt đầu trở đầu xuống, chuẩn bị ‘sổ lồng’ để cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng có những bé đến ngày, đến tháng vẫn không chịu trở đầu, lại nằm ngược, nằm ngang, ngôi mặt (bé đưa phần mặt ra trước khác với ngôi đầu là đưa phần đầu). Với ngôi thai ngang, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật để tránh vỡ tử cung. Ngôi thai mông chỉ được sinh thường khi chuyển dạ nhanh, con nhỏ; ngôi mặt cằm trước được sinh thường, ngôi mặt cằm sau phải phẫu thuật.

Phòng ngừa

Theo TS Lê Thị Thu Hà – BV Từ Dũ TP.HCM, chị em nên đi khám phụ khoa trước khi muốn có con để phát hiện và điều trị sớm u nang buồng trứng, u xơ tử cung, tránh bị các u tiền đạo. Riêng NTĐ không phòng ngừa được, nhưng có thể hạn chế nguy cơ bằng cách sử dụng những biện pháp ngừa thai, để không phải nạo phá thai ảnh hưởng đến tử cung. Không có biện pháp phòng ngừa là các trường hợp ngôi thai bất thường. Ngoài ra, khi mang thai, thai phụ cần đi khám đầy đủ và đúng lịch, nếu có bất thường cần được bác sĩ theo dõi kỹ để tránh những điều đáng tiếc.

Theo TTO

Làm hại con vì sinh mổ chọn ngày

3 tiếng đồng hồ sau khi mổ bắt con cho đúng giờ vàng, bé trai con chị Thương (29 tuổi, An Giang) bị tím tái và mê man do suy hô hấp nặng.

Dù đứa con trong bụng chưa đủ tháng đủ ngày nhưng nhiều bà mẹ vẫn bất chấp quy luật của tự nhiên bắt con chào đời sớm mà không biết rằng, việc sinh nở bất thường này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả hai mẹ con. Chuyện của chị Thương là một ví dụ.

Đã có hai con gái nên việc có con trai vào đúng năm Đinh Hợi khiến vợ chồng Thương rất vui sướng. Họ muốn quý tử phải được ra đời vào đúng giờ vàng. Ngày dự sinh là 18/7 nhưng theo lời thày bói, để hợp tuổi cả cha lẫn mẹ và tương lai con được tươi sáng, chị Thương quyết định bắt con ra đời vào ngày 3/7, nghĩa là sớm 2 tuần.

Hai vợ chồng quyết định chọn một bệnh viện tư nhân tốt để mổ ‘bắt con’ đúng ngày giờ đã định. Cháu bé nặng 3 kg, nhưng chưa đầy 3 giờ sau sinh đã tím tái toàn thân, mê man do suy hô hấp nặng, được chuyển sang Bệnh viên Nhi Đồng 1. Tại đây, các bác sĩ cho biết cháu bị suy thở và cao áp phổi do sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Nhìn con thoi thóp, chị Thương đau xót và ân hận vì đã vô tình hại con.

Bác sĩ Phan Thị Thanh Tâm, khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết với những trường hợp nặng như con chị Thương, trước đây bác sĩ vẫn bó tay vì thiếu phương tiện và thuốc men. Nay đã có thêm phương tiện và kinh nghiệm nhưng nếu trẻ không được cấp cứu sớm thì vẫn rất dễ tử vong.

Gần đây, tỷ lệ trẻ sinh mổ theo yêu cầu bị tai biến khá cao. Trong 6 tháng đầu năm tại Nhi Đồng 1 đã có hơn 40 trường hợp nhập viện, tăng 20% so với cả năm 2006. Phần lớn trẻ bị suy hô hấp nặng ở 24 giờ đầu sau sinh. Cả 40 cháu trên đều được mổ trước ngày dự sinh từ 1 đến 2 tuần.

Theo bác sĩ Tâm, dù do nguyên nhân nào thì việc đứa trẻ chào đời khi chưa đủ ngày, lúc bà mẹ chưa chuyển dạ đều dễ dẫn đến suy hô hấp vì thiếu chất surfactan (có tác dụng làm nở phổi). Sự chuyển dạ của người mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hoóc môn giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hoóc môn cần thiết để đối phó với những stress đầu đời nên rất yếu và hay bị cao áp phổi.

Do sinh mổ, trẻ không được đi qua ống âm đạo, phổi không bị ép để tống xuất các chất dịch. Sự tồn ứ dịch trong phổi làm tăng nguy cơ suy hô hấp, gây bệnh màng trong. Suy hô hấp do bệnh màng trong và cao áp phổi là hai bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trẻ có thể tử vong do bội nhiễm hoặc nhiễm trùng từ môi trường do sức đề kháng yếu.

Bác sĩ Trần Sơn Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương TP HCM, cho biết mục tiêu chính của sản khoa là mẹ tròn con vuông, trong đó sinh nở tự nhiên vẫn là tốt nhất nếu có đủ điều kiện. Sinh mổ chỉ là giải pháp khi có những trở ngại trong chuyển dạ, được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ sản khoa. Sinh mổ là bắt buộc trong trường hợp thai nhi nằm ngang, nhau tiền đạo ra máu, thai suy hay chuyển dạ ngưng tiến triển.

(Theo Phụ Nữ TP HCM)

Sinh mổ: Nên hay không?

Tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM trong sáu tháng đầu năm nay có trên 10.000 ca mổ lấy thai (MLT). Nhiều người còn cho rằng sinh mổ vừa đỡ đau, an toàn…

Tuy nhiên, TS BS Vũ Thị Nhung – giám đốc BV Hùng Vương – cho biết:

– Nhiều sản phụ lầm tưởng MLT là an toàn tuyệt đối, nhưng trên thực tế tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở MLT lại cao hơn so với sinh thường.

Nguyên nhân của những nguy cơ trong MLT là do tai biến khi gây tê, gây mê, vết mổ bị rách rộng gây chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch, và đặc biệt là nhiễm trùng.

Nhiễm trùng vết mổ tử cung sau mổ sinh thì sản phụ có thể bị băng huyết vài tuần sau. Nhiễm trùng mổ khiến vết mổ không lành, có khi gây hoại tử cơ tử cung, muốn cầm máu và chấm dứt nhiễm trùng có khi phải cắt bỏ tử cung.

Đây là một biến chứng nặng, nhất là đối với người mới sinh lần đầu vì như vậy họ sẽ không còn khả năng mang thai lần nữa.

Tai biến xa về sau còn phải kể đến bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.

đây tôi cũng muốn lưu ý với các sản phụ là sẹo mổ trên tử cung có thể nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, nhất là trong các trường hợp giữa hai lần mang thai quá gần (vết mổ chưa đầy hai năm đã có thai lại).

Với các sản phụ đã sinh mổ lần một, đa số không dám để sinh thường lần hai. Do khi bước vào chuyển dạ, một số cơn gò đã làm bung tử cung nên chỉ một số cơ sở y tế có điều kiện mới dám để theo dõi cho sinh thường, còn hầu như trên 90% phải MLT.

Muốn để sinh thường còn tùy chất lượng của sẹo mổ lần trước có tốt không, nguyên nhân của lần phải mổ trước (sa dây rốn, nhau tiền đạo thì cho sinh thường, còn nếu do khung chậu hẹp thì lần này vẫn phải mổ).

Tóm lại, MLT là một kỹ thuật rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên nó có những nguy hiểm nhất định và có ảnh hưởng đến tương lai sản khoa của người mẹ.Vì vậy cần cân nhắc thật kỹ khi có chỉ định MLT để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.

Vậy theo BS khi nào mới cần MLT?

– Các chỉ định MLT thông thường là: mẹ có khung chậu hẹp, lệch; dị dạng đường sinh dục; bất thường cơn co tử cung, sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ mà không có điều kiện sinh ngả âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung…

Về phía thai nhi: do thai to, ngôi thai bất thường, thai suy, mạng sống thai nhi trong tử cung bị đe dọa (vỡ ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá ngày…); hoặc do phần phụ của thai như: sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non.

MLT là để cứu mẹ trong những trường hợp mẹ bị bệnh lý rất nặng, nếu để kéo dài thai kỳ có thể tử vong do sản giật, tiền sản giật nặng, bệnh tim… Hoặc khi thai bị suy, nếu để tiếp tục có thể chết nên phải can thiệp đưa ra ngoài, may ra có thể cứu sống.  

Nhưng một số người tin thầy bói muốn mổ đúng ngày, giờ để tương lai con mình tốt như trong lá số?

– Thai đủ tháng phải 38-40 tuần nhưng có người đi coi ngày, mổ khi 36-38 tuần.

Thai còn non mà mổ ra may mắn không có gì thì không sao, nhưng cũng có những nguy cơ của thai non tháng như: nếu hô hấp bé không tốt thì dễ bị suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng do sức đề kháng kém hơn những bé đủ tháng.

Bé non tháng có nhiều biến chứng như bệnh võng mạc sơ sinh, xẹp phổi…

Bệnh võng mạc sơ sinh gây mù ở trẻ non tháng, nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ mù luôn. BV Hùng Vương đã cấp cứu nhiều bé non tháng suy hô hấp từ tuyến dưới chuyển lên.Để nuôi được những trẻ này nhiều hên xui may rủi, có những bé non quá đành chịu! Ngược lại, thai quá ngày cũng nguy hiểm, có thể bị suy hô hấp…

Có trường hợp ‘thai quí’, 26 tuần đã vô BV dưỡng thai, đến 32 tuần MLT. Lúc đầu bé bình thường. Khi 1 tuổi thấy bé đứng chân kiễng lên, đến 2 tuổi vẫn không đi được phải tập vật lý trị liệu, nhưng rồi chỉ đi lết lết trong khi thần kinh phát triển rất tốt.Có trường hợp MLT chủ động, bé ra đời rất bình thường nhưng vài giờ sau suy hô hấp chết không rõ tại sao.    

Mổ theo yêu cầu của sản phụ, nên không?

– Trong lúc chuyển dạ, do đau đớn nhiều nên sản phụ thường muốn mổ để cuộc sinh chấm dứt sớm hơn. Nhưng với sự tiến bộ của gây mê hồi sức, giảm đau sản khoa có thể khắc phục được những cơn đau đẻ, giúp bà mẹ bình tĩnh chờ đợi sự ra đời của đứa con một cách tự nhiên nếu không có những trở ngại gì khác.

Tôi xin có lời khuyên: tuyệt đối không nên vì tin dị đoan vào bói toán mà MLT không cần thiết. Nhớ rằng MLT không phải là một phẫu thuật an toàn mà nó vẫn có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và con.

Tại BV Hùng Vương chúng tôi yêu cầu BS không được MLT theo yêu cầu của sản phụ và phấn đấu để tỉ lệ MLT dưới 30% .

Nên nhớ theo dõi một ca sinh thường là một kỳ công, có khi phải hàng chục giờ. Còn MLT thì BS không phải theo dõi, ít tốn thời gian và nhận tiền công cao hơn. BN tốn kém chi phí cho cuộc mổ, sau mổ vì phải sử dụng kháng sinh nên ngại cho con bú, nguồn sữa tự nhiên sẽ giảm và phải mua sữa…                            

Theo Kim Sơn

Tuổi Trẻ