Lưu trữ cho từ khóa: chuối xanh

Vịt kho chuối xanh ngon lạ

Một món kho thật lạ với vị béo từ thịt vịt chín mềm kết hợp với vị bùi của chuối và mùi thơm từ các gia vị làm bữa cơm gia đình thêm đậm đà, ấm cúng. Quý vị và các bạn hãy thử làm ngay nhé.

Nguyên liệu:

Thịt vịt: 600g; Chuối xanh: 3 trái; Gừng cắt lát: 15g; Hành lá: 2 cọng; Ngò rí: 1 cọng; Ớt hiểm đập dập: 3 trái; Hành tím đập dập: 5 củ; Tỏi đập dập: 5 tép; Đường, muối, tiêu; Dầu ăn, nước mắm, dầu điều; Giấm gạo lên men; Hạt nêm; Bột ngọt.

vit-kho-chuoi-xanh-ngon-la

Cách làm:

- Vịt rửa sạch, để ráo, chặt miếng vừa ăn. Ướp 1/2M muối, 1M hạt nêm, 1M bột ngọt, 1M nước mắm, và 1/2M tiêu để thấm.
- Hành lá, ngò rí cắt khúc 2cm.

- Chuối xanh tước vỏ, cắt khúc 4cm, chẻ làm làm tư, ngâm vào tô nước có pha ít muối và giấm để không bị đen.

- Thắng 2M đường với 2M dầu ăn cho vàng, cho hành tím, tỏi và gừng vào phi thơm, cho vịt vào xào kĩ, thêm 1M dầu điều, đảo đều. Thêm 1 chén nước, ớt hiểm, nấu sôi. Kho vịt với lửa nhỏ khoảng 15 phút, cho chuối xanh vào thỉnh thoảng châm thêm nước cho gia vị thấm đều, cuối cùng cho thêm hành lá cắt khúc. Tắt lửa.

- Cho vịt ra dĩa, trang trí với hành ngò và thêm ít tiêu lên mặt cho thơm.

Mách nhỏ:

- Xào vịt kĩ trước khi cho nước vào kho, thịt vịt sẽ thấm gia vị và ngon hơn.

- Cho chuối vào sau để khi kho chuối không bị nát.

Theo Kienthucgiadinh.com.vn

Đậm đà món chẻo đầu đông

Với người dân xứ Nghệ, những ngày đầu đông se lạnh, trong bữa cơm không thể thiếu bát “chẻo”. Với nhiều nguyên liệu và cách chế biến công phu, món chẻo mang đậm hương vị đặc trưng của con người và vùng đất nơi đây.

Sự có mặt của bát nước chấm trong mỗi bữa cơm gia đình đã trở thành một thói quen, nét văn hóa ẩm thực ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Nó không chỉ thể hiện văn hóa trong ăn uống, mà còn thể hiện tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Tùy theo khẩu vị của bữa ăn mà có những bát nước chấm với nguyên liệu phù hợp.

Món chẻo xứ Nghệ được coi như bát nước chấm trong những bữa ăn. Đặc biệt, nó có thể dùng để dự trữ ăn trong những ngày mùa đông. Nguyên liệu chủ yếu là lạc nhân, vừng rang chín vàng, đem giã nhỏ. Những đọt, tép sả xắt nhỏ, rang vàng lên cho có mùi thơm lừng. Thịt ba rọi xắt miếng nhỏ, dài, rang lên cho thịt săn lại. Sau đó, tất cả cho vào nồi đất, đảo trộn chung cùng mật mía hoặc đường cát trắng và bắc lên bếp than hồng nấu với lửa liu riu.

Đậm đà món chẻo đầu đông

Món chẻo sẽ trở nên đặc biệt ngon nếu có chuối xanh và lá kinh giới ăn kèm.

Trong quá trình nấu chẻo, cần đảo đều nồi chẻo và nêm một chút bột ngọt, muối. Có thể cho thêm ớt bột để chẻo cay và có màu sắc hấp dẫn. Mùi thơm của lạc, của vừng quyện cùng mùi mật mía, mùi sả và mùi thịt ba chỉ thật hấp dẫn. Khi nồi chẻo trở nên sền sệt, sánh lại là lúc chẻo chín.

Chẻo để nguội thì càng thơm. Ăn món chẻo không thể không có rau kinh giới. Kinh giới là một loại rau có vị cay, có hương thơm và có tác dụng chữa nhiều bệnh nhất là bệnh đau đầu. Vị thơm của kinh giới, vị bùi của lạc, vị thơm của vừng, vị cay thơm của sả kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một hương vị vô cùng độc đáo.

Món chẻo đặc biệt hấp dẫn dân nhậu. Chỉ cần vài quả chuối xanh xắt miếng, ít rau thơm, và bát chẻo để chấm không gì ngon bằng. Chuối xanh phải chọn những quả già, không non quá thì ăn mới không chát.

Cũng với nguyên liệu và cách chế biến tương tự như trên, người ta biến đổi món chẻo dùng làm nước chấm cho món bún thịt nướng, chấm bánh bèo, bánh xèo, bánh khoái… cũng vô cùng đậm đà, hấp dẫn. Những ngày tiết trời se lạnh, hãy thưởng thức món chẻo xứ Nghệ để cảm nhận vị đậm đà của món ăn dân dã này.

Meo.vn (Theo Lao động)

Độc đáo bánh giậm đen của người Tày

Những chiếc bánh có vị béo ngậy của thịt mỡ, mằn mặn của nhân lạc, vị ngọt mặn mà của đường đỗ, và đặc biệt bánh có màu đen huyền của bánh gai, dậy mùi thơm của lúa nếp mới trổ bông tạo nên hương vị dân dã khó quên…

Cứ đến độ cuối thu, cả cánh đồng tràn ngập một màu vàng tươi thì lúc đó người dân quê tôi lại bước vào vụ thu hoạch lúa. Những bông lúa căng mẩy gặt xong được phơi khô và cất vào kho, còn rơm của cây lúa nếp bó lại thành từng bó nhỏ, để khô và cất dự trữ, đợi đến ngày rằm tháng 10 thì tổ chức ăn mừng lúa mới.

Trong những ngày này người dân quê tôi thường làm bánh giậm đen, thứ bánh đặc trưng chỉ có ở vùng cao Xứ Lạng.

Để làm được bánh ngon, phải rất kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu tạo màu, nhân và cách gói bánh.

Sau mỗi vụ gặt, mẹ thường chọn những khóm lúa nếp mọc ở gần bờ vì cây cao và tốt hơn hẳn đám lúa trong ruộng, sau đó phơi khô để đến khi làm bánh thì đốt rơm lấy tro. Tro làm bánh được đốt trong một chiếc chậu sắt sạch sẽ, đốt xong thì lọc lấy phần mịn nhất và đem đun sôi khoảng 10 phút, sau đó bắc ra để nguội.

Bột để làm bánh là bột gạo nếp mới, đem ra nhào thật nhuyễn với nước tro rồi nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, để ra mâm cho săn lại, sau đó cho nhân vào.

Bánh giậm ngon nhất là được hấp bằng hơi nước trên than hồng. Nhân thường là nhân thịt ba chỉ thái mỏng, hoặc nhân lạc, nhân đỗ xanh nấu vừa cạn nước, sau đó bắc xuống hấp cho đến khi chín, đảo thấy tơi là được, phi thêm ít hành khô để đến lúc gói thì trộn đều với nhân.

Lá để gói bánh phải là lá chuối xanh hái lúc trời sáng còn đọng hơi sương hoặc hái khi chiều tối, lúc đó lá chuối tươi và vẫn còn giữ được lớp phấn bạc trên lá, đem về tước ra thành những phần bằng nhau, mỗi phần vừa đủ cuốn hai chiếc bánh. Trước khi gói, bánh được lăn qua lớp mỡ lợn chín, vừa để tạo độ bóng vừa để bánh không bị dính vào lá. Công đoạn gói bánh phải thật khéo, gói sao cho khít nếu không hơi nước sẽ đọng lại trong lá làm bánh bị nhạt màu.

Bánh giậm chỉ được hấp bằng hơi nước chứ không thể luộc, khi hấp phải căn đủ thời gian cho bánh vừa chín tới thì bắc ra để nguội chứ không được để lâu vì bánh sẽ bị nhão, ăn không ngon. Khi chín, bánh chuyển sang màu đen huyền như màu bánh gai nhưng vẫn giữ được mùi thơm của tro lúa nếp, khác hẳn với những loại bánh khác.

Người Tày vùng cao chỉ làm bánh vào các dịp lễ và khi có khách quý tới nhà, nếu bạn đến mà được mời ăn bánh này thì điều đó chứng tỏ lòng hiếu khách của chủ nhà.

Trong tiết trời se lạnh cuối thu, còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức những chiếc bánh có vị béo ngậy của thịt mỡ, mằn mặn của nhân lạc, vị ngọt mặn mà của đường đỗ, và đặc biệt bánh có màu đen huyền của bánh gai, nhưng lại dậy mùi thơm của lúa nếp lúc mới trổ bông tạo nên một hương vị thật đậm đà, khó quên…

Meo.vn (Theo Vnexpress)

4 quán bánh cuốn ngon ở Hà Nội

Món quà Hà Nội từ lâu đã là đồ điểm tâm yêu thích của người dân Hà thành và khách du lịch phương xa. Ngày càng có nhiều dạng bánh cuốn khác nhau giúp khách đổi vị.


Đồ bát đĩa ở Gia An được lựa chọn cẩn thận.

Cách đây khoảng 20-30 năm, mỗi lần ra hàng ăn luôn là điều xa xỉ với đa số người dân. Khi đó, trẻ nhỏ thường reo lên mỗi khi nghe tiếng rao "Ai bánh cuốn nào" của mấy cô hàng bánh cuốn Thanh Trì chở thúng bánh trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Sau khi cầm bơ gạo mẹ đưa ra đổi bánh, đứa nào cũng háo hức nhìn cô bán hàng bóc tách từng lá bánh mỏng tang khỏi lớp bánh dày. Nhìn lá bánh mịn màng, trong có điểm xuyết chút mộc nhỉ trông thật là thích.

Giờ đây, những gánh hàng rong như thế hầu như không còn nữa nhưng món ăn vặt này ngày càng phát triển hơn ở Hà Nội với đủ kiểu biến thể khác nhau cũng như du nhập thêm bánh cuốn từ các vùng miền khác như Phủ Lý, Lạng Sơn...


Bánh cuốn nhân thịt gà ở quán Thanh Vân ở Hàng Gà.

Nổi danh nhất nhì ở Hà Nội phải kể tới quán bánh cuốn Thanh Vân ở 14 Hàng Gà. Mở hàng cách đây hàng chục năm, đây là địa chỉ quen với dân Hà thành và địa chỉ "nhất định phải đến" của khách du lịch.

Điểm hút khách chính của quán chính là chất lượng bánh, mỏng tang, mềm, nhân cũng rất ngon. Nhà hàng có món bánh cuốn nhân gà, 30.000 đồng một đĩa, thịt gà được cắt nhỏ xíu lẫn với mộc nhĩ. Hành khô của hàng cũng tự làm nên ăn giòn, không bị khô, ỉu và có mùi hôi như loại làm hàng loạt, giao khắp các hàng. Ruốc tôm của nhà hàng được xay mịn, ăn cũng khá ngon.

Một hàng nhỏ nhưng cũng nức tiếng chẳng kém là bánh cuốn nóng 101 Bà Triệu. Khác với quán ở Hàng Gà, ở đây có rất nhiều loại bánh với nhiều kiểu nhân như như nhân thịt, trứng, tôm thịt nấm với đủ đồ ăn kèm như lạp xưởng, chả mực, ruốc...

Loại bánh được yêu thích nhất ở đây là bánh cuốn tôm thịt nấm với mức giá 27.000 đồng. Cách tráng bánh có nhân như vậy từng được Thạch Lam miêu tả trong cuốn sách Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Giờ ở Hà Nội, không còn nhiều hàng dùng loại nhân này nữa. Bên trong lá bánh mỏng kiểu Thanh Trì là nhân thịt, nấm hương, mộc nhĩ, tôm nõn bóc vỏ. Khách quen cũng đặc biệt thích hành khô ở đây thế nên chẳng có gì lạ khi nhà hàng bán riêng bát hành với giá 10.000 đồng.


Chả quế, đồ ăn kèm quen thuộc của bánh cuốn.

Không tráng bánh mỏng như hai hàng trên, bánh cuốn bà Hoành ở Tô Hiến Thành không có nhân, không mộc nhĩ và dày hơn. Nước chấm có cầu kỳ hơn một chút khi cho sẵn chả quế và hành khô vào. Nhà hàng cũng chẳng có lựa chọn gì khác nhưng sự đơn giản ấy vẫn kéo khách tới ăn nườm nượp, kể cả khi không phải giờ ăn. Chỉ có điều hơi tiếc, trước đây nhà hàng bán trên vỉa hè nhưng thường chuẩn bị những cái mẹt nhỏ xinh xắn, cho bánh, chả, nước chấm đặt trên lá chuối xanh mướt, trông rất đẹp mắt. Giờ quán mở rộng, đặt bàn ghế đẹp đẽ nên cũng chẳng còn cái nếp trình bày như xưa nữa.

Khách với hầu hết các quán truyền thống với các bà, các chị ngồi tráng bánh ngay cửa ra vào, hệ thống cửa hàng Gia An mang đậm tính chất công nghiệp hơn. Dịp nào đi chơi, xem phim gần phố Thái Phiên, bạn thử rẽ vào đây ăn một đĩa bánh cuốn xem sao. Nhà hàng này làm nhiều loại ăn vừa miệng nhưng thích nhất vẫn là ăn ruốc tôm. Gọi đĩa bánh chay với chút ruốc tôm rắc trên lớp bánh trắng ngần, ngồi trong nhà hàng sạch sẽ, ăn cũng thật ngon miệng.

Meo.vn (Theo Ngoisao)

DÙNG CHUỐI XANH CHỮA BỆNH

Chuối có nhiều loại, nhưng chỉ có chuối tiêu, chuối tây và chuối hột mới cho quả xanh làm thuốc chữa bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc dùng hằng ngày chuối tiêu xanh dạng bột giúp chữa chứng loét dạ dày rất tốt.

Chuối tiêu
Quả chuối tiêu xanh thường được thái mỏng, ăn ghém với các loại rau thơm trong món gỏi cá, nộm sứa để bớt tanh và đề phòng đi lỏng. Nhựa quả chuối xanh mới cắt khỏi cây dùng bôi chữa hắc lào.

Một số nhà khoa học đã chứng minh rằng, chuối tiêu xanh được dùng hằng ngày dưới dạng bột chữa chứng loét dạ dày rất hiệu quả. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển của lớp màng nhày trong dạ dày, ngăn cản sự tấn công của dịch vị vào thành dạ dày và tạo điều kiện cho các vết loét chóng lành. Họ kết luận, một khẩu phần ăn hằng ngày có chuối tiêu xanh chắc chắn giúp tránh được bệnh loét dạ dày.

Các bác sĩ dinh dưỡng ở Anh lại coi tinh bột của quả chuối tiêu xanh là nhân tố quan trọng có tác dụng phòng ngừa ung thư đường ruột.



Chuối hột (chuối chát)

Có tác dụng chữa sỏi bàng quang: Quả chuối hột xanh đem thái mỏng, sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày. Mỗi lần lấy 50-100 g, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2-3 lần vào lúc no.

Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà uống; hoặc tán dược liệu thành bột, rây mịn, uống mỗi ngày 30-50 g chia làm hai lần. Những người bị đau dạ dày không nên uống nước sắc quá đặc mà pha loãng, uống làm nhiều lần trong ngày.

Chuối tây

Ở Nam Bộ, người ta hay cho trẻ em bị tiêu chảy ăn quả chuối tây xanh luộc chín và nhận thấy có kết quả tốt. Có thể lấy quả chuối tây già chưa chín, gọt bỏ vỏ, rửa sạch bằng nước muối, cắt thành miếng mỏng, phơi hoặc sấy cho thật khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Dùng bột này trộn với bột gạo, quấy cho trẻ ăn.

Một số bệnh viện đã nấu bột chuối tây xanh theo công thức sau: Bột chuối (50 g) hòa với nước, nấu chín, rồi thêm đường kính (50 g) và muối ăn, khuấy đều, để nguội, cho trẻ ăn hết trong một ngày. Bột chuối tây xanh chữa được tiêu chảy là do trong quả có nhiều tanin. Các muối trong quả chuối cũng có tác dụng bù đắp lượng muối của cơ thể mất đi trong quá trình bị bệnh. Bột này cũng có khả năng phòng tiêu chảy, chống rối loạn tiêu hóa, đầy hơi và ợ chua.

DS Hữu Bảo

Ốc nhồi mùa thu quê nhà

Đã lâu rồi mới về thăm nhà, theo chân mẹ đi chợ phiên, chợt nhìn thấy bà cụ ngồi bán mớ ốc nhồi, những kỷ niệm tuổi thơ chợt ùa về trong tôi.


Ốc đậu nấu chuối xanh - Ảnh: H.H.

Lớn lên từ một vùng quê nghèo, ký ức tuổi thơ trong tôi là hình ảnh người dân làng cơ cực, nhọc nhằn mưu sinh từ những mớ cua, giỏ ốc từ những cánh đồng, ao làng. Lúc còn bé tôi thường theo nội ra đồng tát cá, bắt cua, bắt ốc. 

Nhớ ngày đó, chỉ cần vạch những lớp cỏ bờ cũng có thể bắt được những chú cua, quây vội góc ruộng cũng bắt được một mớ cá rô đồng cho bữa chiều. Đối với vùng đất nghèo quê tôi, bấy nhiêu cũng đủ nuôi chúng tôi khôn lớn trưởng thành.

Ngày nay, cuộc sống đầy đủ hơn nhưng hương vị những món ăn được chế biến từ những con cá, con cua, mớ ốc dân dã nhưng mang một hương vị khó quên đó luôn khiến những đứa trẻ quê nghèo chúng tôi “thòm thèm” khi nhắc tới. Trong số đó, tôi nhớ nhất mùi vị của món ăn được chế biến từ những chú ốc nhồi, những chú ốc to, béo tròn.

Ốc nhồi chỉ cần chế biến đơn giản, hấp với một ít lá gừng hoặc lá chanh cũng ngon tuyệt, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất đối với tôi là món ốc nấu chuối đậu. Tuy chế biến có hơi cầu kỳ và mất thời gian, nhưng khi thưởng thức mới thấy không bõ công mình.

Mẹ tôi thường bảo ốc nhồi vào mùa thu là ngon nhất. Những chú ốc mới bắt về béo tròn được mẹ ngâm qua một đêm với nước vo gạo cho sạch, sau đó cạy miệng, chặt trôn, đập vỡ lấy thịt. Chuối xanh tước vỏ, thái con chì ngâm qua nước mẻ cho khỏi thâm rồi trần qua nước nóng.

Nghệ, mẻ giã nhỏ, lọc lấy nước. Thịt ốc rửa sạch ướp mắm, nước nghệ, mẻ, hạt tiêu. Đậu phụ rán vàng. Thịt ba chỉ thái miếng nhỏ, ướp gia vị như ốc. Sau đó cho mỡ vào chảo, phi thơm hành khô đổ ốc xào, khi ốc chín tới xúc ra để riêng.

Tiếp đó mẹ cho thịt vào xào săn, rồi cho chuối xanh, đậu vào đảo đều, chế nước sôi xâm xấp, đậy vung đun cho chín nhừ. Tôi thường phụ giúp mẹ rửa hành hoa và lá tía tô. Ốc vừa bắc xuống, cho tía tô và ớt vào đảo đều, vậy là đã có món ốc đậu chuối xanh ngon tuyệt.

Ngày nay, để thưởng thức món ốc nấu đậu chuối xanh cũng không phải quá khó, nhưng ốc toàn là loại ốc bươu, hương vị không thể sánh được với món ăn được chế biến từ ốc nhồi.

Bữa cơm chiều nay, mẹ lại làm món ốc đậu chuối xanh, nếm thử một miếng, hương vị vẫn vậy, dân dã nhưng đậm đà, mang một vị đặc trưng riêng. Nước sánh vừa, mang màu vàng của nghệ, ốc giòn không có mùi tanh, hòa quyện cùng vị chát, bùi bùi của chuối xanh, béo ngậy của thịt ba chỉ, đậu phụ, thơm lừng mùi tía tô.

Vừa ăn vừa bùi ngùi nhớ lại những bữa cơm nấu ốc đậu chuối xanh của mẹ khi chị em tôi còn bé, cả nhà quây quần bên mâm cơm cùng bát ốc đậu chuối xanh vàng ươm bốc khói, bữa cơm gia đình như ấm áp hơn khi trời chuyển thu se se lạnh. Hương vị món ăn cùng những ký ức tuổi thơ luôn theo tôi suốt chặng đường sau này.

Meo.vn (Theo TTO)

Rắn trun nướng lèo, món ăn thời khẩn hoang Nam bộ

Ở đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, trên những cánh đồng người ta bắt được rất nhiều rắn trun. Giống như thời khẩn hoang xưa, rắn sau khi làm thịt được kẹp nẹp tre nướng trên lửa than hồng thơm nứt mũi.

Rắn trun là loại rắn nước lành, thường sống ở rừng, đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn trun dài khoảng 40 cm đến 60 cm, con nhỏ mình tròn bằng ngón tay út, con lớn có thể to cỡ ngón chân cái người lớn, lưng đen bóng, đầu nhỏ dẹt.

 

Rắn trun kẹp tre hoặc quấn khoanh đặt trên lửa nướng là món ăn thời khẩn hoang Nam bộ xa xưa. Ảnh: Hoàng Thám

Rắn trun để nguyên con, đập đầu cho chết, khoanh tròn hình chữ S kẹp gắp tre nướng, hoặc nướng vỉ trên lửa than hồng. Trở rắn cho đều, độ chừng non 10 phút, thấy da rắn phù lên rồi nứt bung, răn ra một đường, ấy là rắn đã chín tới. Mở kẹp, vỉ ra, để rắn trên lá chuối xanh cho thịt hút hơi nước dịu lại. Cầm rắn bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất hấp dẫn.

Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, bạn còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...

 

Rắn trun theo y học cổ truyền ăn có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Hoàng Thám

Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi... Rắn trun, rắn bông súng, hổ hành, ba ba không nằm trong danh sách các động vật hoang dã bị cấm săn bắt, nên bạn có thể tìm thưởng thức thoải mái ở những nhà hàng đặc sản hoặc các quán ẩm thực bình dân khắp đồng bằng sông Cửu Long.

Meo.vn (Theo VnExpress)

Dân dã cá kho chuối xanh

Trời mát có món cá kho chuối xanh ăn cay cay thơm thơm, lại có vị bùi của chuối, béo của thịt và mềm thơm của cá; cơm sẽ hết nhanh lắm đấy!

Nguyên liệu:

600g cá quả (cá chuối, cá lóc); 3 quả chuối xanh; 200g thịt ba chỉ; Nước màu; Gia vị: muối, mì chính, nước mắm, hạt tiêu, ớt.

Thực hiện:

- Cá mua về làm sạch, bóp với muối hạt, rửa sạch nhớt rồi chặt làm 4 khúc.

- Ướp cá với khoảng 1 muỗng cà phê muối tinh trong 30 phút để thịt cá được chắc và thấm mặn.

- Chuối xanh tước bỏ lớp vỏ xanh ngoài cùng, ngâm vào nước có pha chút dấm gạo để chuối không bị thâm, cắt làm khoảng 4-5 khúc.

- Thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn ướp với muối, mì chính, bột canh, nước màu  và chút nước mắm.

- Khi cá đã ướp thấm mặn, đem chiên sơ cá rồi vớt ra đĩa, để riêng.

- Trong 1 nồi nhỏ cho ½ lượng mỡ vừa dùng để chiên cá vào rồi xếp chuối xanh xuống đáy nồi. Tiếp đến là thịt ba chỉ. Và cuối cùng là cá đã chiên sơ. Thêm chút nước, nước mắm, và nước màu lên cá rồi đun lửa to đến khi sôi, rưới tiếp phần mỡ rán cá còn lại lên cho cá được bóng đẹp.

- Đun nhỏ lửa đến khi thịt, cá, chuối chín mềm và thấm gia vị là được.

- Khi ăn bạn gắp cá, thịt, chuối lên đĩa, rắc chút hạt tiêu và ớt thái lát mỏng nhé.

Chữa bệnh với chuối xanh

Chuối có nhiều loại, nhưng chỉ có chuối tiêu, chuối tây và chuối hột cho quả xanh làm thuốc chữa bệnh

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Chuối tiêu

Chuối tiêu quả xanh thường được thái mỏng ăn ghém với các loại rau thơm trong món gỏi cá, nộm sứa để bớt tanh và đề phòng đi lỏng. Nhựa quả chuối xanh mới cắt khỏi cây dùng bôi chữa hắc lào.

Một số nhà khoa học đã chứng minh rằng chuối tiêu xanh được dùng hằng ngày dưới dạng bột chữa chứng loét dạ dày rất tốt. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển của lớp màng nhày trong dạ dày, làm cho màng này dày lên, ngăn cản sự tấn công của dịch vị vào thành dạ dày và tạo điều kiện cho các vết loét chóng lành.

Các nhà khoa học cũng đã kết luận: một khẩu phần ăn hằng ngày có chuối tiêu xanh chắc chắn giúp tránh được bệnh loét dạ dày. Các bác sĩ dinh dưỡng ở Anh lại coi tinh bột của quả chuối tiêu xanh là nhân tố quan trọng có tác dụng phòng ngừa ung thư đường ruột.

Chuối hột (chuối chát)

Có tác dụng chữa sỏi bàng quang.

Cách dùng như sau: Quả chuối hột xanh đem thái mỏng, sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày. Mỗi lần lấy 50-100g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2-3 lần vào lúc no. Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà uống. Hoặc tán dược liệu thành bột, rây mịn, uống mỗi ngày 30-50g chia làm hai lần.

Những người bị đau dạ dày không nên uống nước sắc quá đặc mà pha loãng, uống làm nhiều lần trong ngày.

Chuối tây

Có tác dụng chữa tiêu chảy ở trẻ em. Ở Nam Bộ, người ta hay cho trẻ em bị tiêu chảy ăn quả chuối tây xanh luộc chín thấy có kết quả tốt.

Hoặc lấy quả chuối tây già chưa chín, gọt bỏ vỏ, rửa sạch bằng nước muối, cắt thành miếng mỏng, phơi hoặc sấy cho thật khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Dùng bột này trộn với bột gạo, quấy cho trẻ ăn.

Một số bệnh viện đã nấu bột chuối tây xanh theo công thức sau: Bột chuối (50g) hòa với nước, nấu chín, rồi thêm đường kính (50g) và muối ăn, khuấy đều, để nguội, cho trẻ ăn hết trong một ngày.

Bột chuối tây xanh chữa được tiêu chảy là do trong quả có nhiều tanin, hơn nữa, các muối trong quả chuối cũng có tác dụng bù đắp lượng muối của cơ thể mất đi trong quá trình bị bệnh. Bột này cũng có khả năng phòng tiêu chảy, chống rối loạn tiêu hóa, đầy hơi và ợ chua.

Theo Sức khoẻ và Đời sống

Chuối tiêu chữa nhiều bệnh

Nếu như quả chuối tiêu xanh được dùng chữa bệnh tiêu chảy và kiết lỵ thì chuối tiêu chín lại có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón. Chuối chín còn giúp làm dịu các thương tổn ở ruột, thúc đẩy chúng lên da non.

Quả chuối tiêu chín rất tốt cho trẻ nhỏ, trẻ đang độ lớn, người dưỡng sức, người già, người lao động trí óc và tay chân. Chuối tốt cho hệ xương, sự sinh trưởng và cân bằng thần kinh. Người suy nhược nên ăn chuối hằng ngày.

Vỏ quả chuối tiêu chữa lỵ, đau bụng, thổ tả, ngày dùng 15-30 g sắc uống; hoặc sắc lấy nước rửa những chỗ mẩn ngứa, lở loét. Bột quả chuối tiêu xanh để phòng và chữa loét dạ dày. Vỏ quả chuối xanh có tác dụng diệt nấm, nhựa của quả chuối xanh chữa hắc lào.

Lá chuối tiêu non còn ở trong thân đem giã nát, đắp làm thuốc cầm máu vết thương, làm dịu vết bỏng. Củ và rễ chuối tiêu giã lấy nước cốt hoặc dịch thân cây uống chữa sưng tấy, nhọt sưng đau, nóng quá phát cuồng, mê sảng, co giật, kiết lỵ tiêu chảy.

Sau đây là các bài thuốc có chuối tiêu:

Chữa trúng độc do ăn uống: Củ chuối tiêu thái miếng, cho đầy nồi, đổ ngập nước, lấy một bát cho uống để làm nôn mửa.

Chữa nhọt, sưng tấy, mụn nhọt: Củ hoặc rễ chuối tiêu giã nát đắp.

Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: Rễ chuối tiêu 60 g, rau sam 30 g, giã nát, ép lấy nước, đun ấm, bỏ bã uống nước.

Chữa đái ra máu: Rễ chuối tiêu tươi 120 g, cỏ nhọ nồi 30 g, sắc nước uống.

Chữa sốt cao phát cuồng, mê sảng, co giật: Dùng một lóng trúc hoặc nứa vót nhọn đầu, chọc vào giữa thân cây chuối tiêu cho nước chảy ra. Hứng lấy một bát uống. Có thể dùng củ và rễ, giã nát vắt lấy nước cốt uống.

Chữa hắc lào: Rửa sạch chỗ hắc lào bằng nước nóng, gãi cho sượt da ra, lau khô. Lấy một quả chuối xanh còn non trên cây, bẻ hoặc cắt cho nhựa chảy ra, chấm bôi vào chỗ có nấm, làm 4-5 lần.

Phòng và chữa viêm loét dạ dày: Thịt quả chuối tiêu xanh, phơi sấy khô ở nhiệt độ dưới 50 độ C, tán bột, ăn hằng ngày với liều 20-30 g.

Chữa phụ nữ ít sữa và người già táo bón: Hoa chuối tiêu thái nhỏ, luộc chín, trộn với muối vừng hoặc muối lạc rang, ăn 2-3 bữa liền.

Chữa táo bón: Chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín ăn, dùng nhiều lần.

Chữa tăng huyết áp: Vỏ và cuống quả chuối tiêu 30-60 g, sắc uống, dùng nhiều lần.

K.Y (st)/Baobinhdinh

Những tin tức liên quan