Lưu trữ cho từ khóa: viêm màng não

Làm sao để phân biệt giữa viêm não và viêm màng não?

Mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ bị viêm não, viêm màng não nhưng nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ về những bệnh nguy hiểm này.

Xin hỏi bác sĩ, hai bệnh nói trên có triệu chứng khác nhau thế nào? Làm sao để phân biệt giữa viêm não và viêm màng não? Mai Anh Tuân (Lĩnh Nam, Hà Nội)

lam-sao-de-phan-biet-giua-viem-nao-va-viem-mang-nao

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn,

– Viêm màng não và viêm não khác nhau ở 2 điểm. Cụ thể, về giải phẫu, màng não có 3 thành phần, trong đó có màng cứng, màng mềm bao phủ toàn bộ tổ chức não, có chức năng bảo vệ và nuôi dưỡng não, trong đó viêm màng não là viêm màng mềm. Não là toàn bộ các tế bào thần kinh, gồm thân tế bào và sợi trục, có chức năng điều hòa toàn bộ sự vận động và tư duy của cơ thể con người.

Viêm màng não thể hiện qua hội chứng nhức đầu, nôn, táo bón, cổ cứng, sốt… Bệnh viêm não có các triệu chứng như rối loạn vận động, rối loạn ý thức (liệt nửa người, liệt các dây thần kinh, chậm chạp, lơ mơ, hôn mê). Cũng có trường hợp mắc cả viêm màng não và viêm não, lúc đó ở người bệnh xuất hiện cả 2 loại triệu chứng nêu trên.

Cả 2 loại bệnh trên đều nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi thấy con sốt cao liên tục mà không rõ nguyên nhân, đến ngày thứ 3 không đỡ thì cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắc xin đầy đủ, sinh hoạt, ăn uống sạch sẽ, tránh để trẻ bị muỗi đốt bằng cách dùng nhang muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ, làm sạch môi trường sống…

BS Nguyễn Xuân Hùng

Theo Hanoimoi.com.vn

Đề phòng bệnh thủy đậu “vào mùa”

Các bác sỹ khuyến cáo, đây là thời đểm thủy đậu “vào mùa”, người dân ngoài việc tiêm phòng vắcxin cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ…

thuy-dau
Bệnh thủy đậu có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời

TS Nguyễn Nhật Cảm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội – cho biết: Thời điểm này, Hà Nội chưa phát hiện ổ dịch bệnh thủy đậu nào. Song tại nhiều bệnh viện Hà Nội đã ghi nhận bệnh nhân thủy đậu.

Ghi nhận tại các bệnh viện như BV Nhiệt đới T.Ư, bệnh viện Nhi T.Ư, khoa Nhi BV Bạch Mai… nhiều ngày gần đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 10 trường hợp mắc bệnh thủy đậu vào khoa. Đáng nói là có nhiều trẻ vì điều trị không đúng cách, hoặc kiêng khem quá mức đã bị biến chứng.

Tại BV Nhiệt đới T.Ư, từ đầu tháng đến nay cũng tiếp nhận một số trường hợp người lớn bị bệnh đến khám, điều trị do mắc thủy đậu. Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng – cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên thường phát triển thành dịch. Thời tiết chuyển mùa, không khí nóng ẩm tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển mạnh. Điều đáng lo ngại là năm nay đã có người lớn mắc thủy đậu và thường có biến chứng viêm não nặng.

Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Sau đó, trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Khoảng từ 12 – 24 giờ sau, các nốt ban tiến triển thành các nốt phỏng có dịch nước bên trong rồi đục dần, có mủ và sau 8 – 10 tiếng thì vỡ ra và đóng vảy. Sau một tuần các vảy sẽ bong ra và tự khỏi nếu bệnh nhân không nhiễm trùng da, các vết sẹo sẽ mờ dần rồi tự mất.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh thủy đậu thường khởi phát vào đầu năm, đỉnh điểm vào tháng 2 – 3. Đây là bệnh lây nhiễm lành tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn người lớn. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan…

Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này. Một số người vẫn có thể mắc bệnh lần thứ hai và lần này thường gặp là bệnh zona.

Tuy nhiên, thủy đậu có thể phòng tránh được bằng vaccine. Vaccine ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ. Người dân có thể đến các các điểm tiêm chủng để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn, tiêm phòng.

Ngoài việc tiêm phòng, để tránh nguy cơ lây bệnh, người bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, quần áo, đồ dùng sinh hoạt sạch vì vùng da bị tổn thương rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu trong gia đình, trường học, cơ quan… có người mắc bệnh, cần cách ly bệnh nhân 7 – 10 ngày để tránh lây lan cho người xung quanh.

Khi thấy xuất hiện các biểu hiện như sốt nhẹ, xuất hiện các mụn bóng nước ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, tử vong.

 ( Theo GĐXH)

Bé bị sốt nhẹ nhiều ngày có phải do viêm màng não?

Thưa bác sĩ,

Tôi có con trai 3,5 tháng, cân nặng 6 Kg, dài 63 cm. Cháu bị bệnh viêm màng não mủ đã được điều trị và xuất viện tại BV Nhi đồng 2 TPHCM. Sau khi ra viện về cháu vẫn bú mẹ bình thường, chỉ hay quấy khóc khi buồn ngủ. Nhưng hằng ngày cháu vẫn bị sốt khoảng 37,5 độ đến 37,6 độ.

Tôi muốn hỏi liệu sốt ở nhiệt độ như vậy thì có làm sao không, có liên quan gì đến bệnh viêm màng não mà cháu đã mắc trước kia không? Thường thì trẻ sơ sinh có thân nhiệt có ổn định hằng ngày hay không thưa BS?

Chân thành cảm ơn BS! – (Viet Phuong – Gia Lai)

be-bi-sot-nhe-nhieu-ngay-co-phai-do-viem-mang-nao

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo:

Bạn Viet Phuong thân mến,

Bệnh viêm màng não mủ của con bạn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, nhưng có thể bị viêm màng não mủ do vi khuẩn khác.

Hiện tại, theo ghi nhận của bạn bé vẫn còn sốt nhẹ là không được bình thường, trước hết bạn nên xem lại việc đo nhiệt độ của bé đã đúng chưa, nếu đúng rồi thì cần xác định nguyên nhân gây sốt khác.

Tuy nhiên, để tìm nguyên nhân bạn nên cho bé đi khám và xét nghiệm tổng quát, có khám trực tiếp BS mới định bệnh được bạn nhé, qua thư AloBacsi không thể biết được sốt đó liên quan đến bệnh cũ hay do những bệnh lý khác.

Khi bé được 3,5 tháng thì không còn gọi là bé sơ sinh nữa (bé nhũ nhi), trung tâm điều hòa thân nhiệt của bé ở lứa tuổi này chưa hoàn thiện nhưng không thể sốt nhẹ kéo dài nhiều ngày.

AloBacsi chúc bé sớm khỏe trở lại!

(Theo Alobacsi)

Khói thuốc làm tăng nguy cơ viêm màng não ở trẻ

Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy, việc phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động, kể từ khi còn trong bụng mẹ và trẻ em ở độ tuổi dưới 5 tuổi, đã làm gia tăng nguy cơ bệnh não mô cầu xâm lấn.

Theo các chuyên gia ước tính, hàng năm ở Anh có hơn 630 trẻ em bị viêm màng não mô cầu có liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Bệnh não mô cầu xâm lấn chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não do một số vi khuẩn và các bệnh nguy hiểm khác khi vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể qua đường máu, hô hấp hoặc các khớp. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh não mô cầu là 5%, và trong 6 bệnh nhân thì có 1 người bị mất khả năng hoạt động của một số cơ quan hệ thần kinh và các hành vi khác.

tre-em

Mới đây, các nhà khoa học Anh từ trường Đại học Nottingham đã xem xét lại 18 công trình nghiên cứu trước đây, và phát hiện ra rằng, trẻ hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) làm tăng gấp đôi nguy cơ bệnh não mô cầu xâm lấn. Thậm chí, nguy cơ này còn cao và nguy hiểm hơn với những trẻ dưới 5 tuổi. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc, các trẻ sinh ra từ các bà mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai, nguy cơ mắc bệnh viêm não mô cầu cao gấp 3 lần so với những trẻ khác.

Tiến sĩ Rachael Murray, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Kết quả này là bằng chứng về sự nguy hiểm của trẻ em khi hít phải khói thuốc lá ngay tại nhà hoặc trong thời gian nằm trong bụng mẹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh và các thành viên khác trong gia đình không nên hút thuốc nếu trong nhà có trẻ nhỏ”.

(Theo ANTD)

Những nốt ban thường gặp ở trẻ em

Những nốt ban ở bé có thể là vô hại nhưng cũng có thể cần phải điều trị thuốc bôi, thuốc uống từ bác sĩ.

Phát ban sơ sinh

Một vài nốt ban đỏ lốm đốm trên người ngay khi bé chào đời là dấu hiệu không cần quá lo. Nguyên nhân có thể do da bé bị cọ vào áo quần, ga, gối…

Điều nên làm: Không cần làm gì vì các nốt ban này sẽ tự biến mất.

Phát ban do nhiệt

Chủ yếu xuất hiện trên đầu và cổ của bé, những nốt ban li ti có thể tụ thành từng mảnh nhỏ.

Điều nên làm: Không cần làm gì. Nguyên nhân nổi ban là do cơ thể tự điều chỉnh để thích nghi với nhiệt độ bên ngoài môi trường tử cung.

Phát ban sữa

Còn gọi là ban do hormone, được gây ra do hormone từ mẹ chuyển sang bé trong quá trình chuyển dạ. Chúng kích thích tuyến dầu quá mức và làm bé nổi mụn nhỏ.

Điều nên làm: Không cần làm gì vì ban sẽ lặn trong vòng 3 tháng.

Hăm tã

Da đỏ, đầy vết loang lổ quanh vùng quấn tã. Nó được gây ra bởi ẩm ướt, ma sát.

Điều nên làm: Thay tã ngay khi tã bẩn. Có thể dùng kem bôi chống hăm cho con sau mỗi lần thay tã. Một khi những mảng hăm xuất hiện, cách tốt nhất là tránh đeo bỉm cho con, cần để vùng mông của bé được thông thoáng.

Ban do viêm màng não

Có 2 loại viêm màng não. Viêm màng não do virus thường ít nghiêm trọng. Bé có thể hồi phục sau một vài tuần. Còn viêm màng não do vi khuẩn thì cần lưu ý đặc biệt. Viêm màng não có thể gây nhiễm trùng huyết (ngộ độc máu), khiến bé nổi ban đặc biệt với những đốm đỏ hoặc tím. Các triệu chứng khác tương tự như khi bé bị cảm. Bé có thể sốt, buồn ngủ, uốn lưng, cổ cứng, bỏ ăn, cáu kỉnh…

Dấu hiệu cần đưa bé đi khám

– Sốt cao.

– Nôn trớ lặp lại trong vòng 24 tiếng.

– Bụng chướng to.

– Hôn mê hoặc buồn ngủ.

– Có dấu hiệu mất nước như khô miệng, tiểu đậm màu, tã khô.

– Co giật.

– Không ăn (bú) trong suốt 6-8 tiếng.

– Có dấu hiệu vàng da.

(Theo M&B)

Sắp có vắc xin viêm màng não do não mô cầu type B

Các nhà khoa học thuộc Đại học Western Australia (Úc) cho biết, họ đã điều chế thành công một loại vắc xin có tác dụng phòng bệnh viêm màng não B, một căn bệnh cướp đi hàng trăm sinh mạng ở châu Âu và Bắc Mỹ mỗi năm.

Thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin này trên các bệnh nhân trưởng thành ở Úc, Tây Ban Nha và Ba Lan cho thấy, cơ thể các bệnh nhân sau khi được tiêm vắc xin tạo ra nhiều kháng thể chống lại bệnh viêm màng não B.

AFP dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Peter Richmond nói, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy ba liều tiêm vắc xin này tạo ra các kháng thể chống lại bệnh viêm màng não B ở khoảng 80-100% bệnh nhân tham gia nghiên cứu.

Sắp có vắcxin phòng chống bệnh viêm màng não B
Một y tá đang chuẩn bị tiêm vắc xin cho bệnh nhân – Ảnh: AFP

Các số liệu nghiên cứu cho thấy, loại vắc xin mà chúng tôi đang thử nghiệm hứa hẹn sẽ phòng chống bệnh viêm màng não B hiệu quả trong tương lai, theo Richmond.

Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng của màng não, nguyên nhân có thể do vi trùng hay siêu vi trùng. Đa số các trường hợp vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể bị nhiễm bệnh này.

Theo AFP, hiện đã có vắc xin phòng chống bệnh viêm màng não loại A và C, nhưng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh viêm màng não loại B.

Các nhà khoa học trên cho biết, cần phải tiếp tục thử nghiệm để xác định khoảng thời gian mà vắc xin có thể bảo vệ con người khỏi bệnh viêm màng não B.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y học The Lancet Infectious Diseases ngày 7.5

(Theo Thanhnien)

Đầu hè – Lưu ý bệnh viêm não ở trẻ

Tuần qua, một số bệnh viện ở Hà Nội bắt đầu ghi nhận có các bệnh nhi viêm não, viêm màng não. Nhiều bệnh nhi khi vào bệnh viện đã hôn mê sâu, co giật

Rất đông bệnh nhi đến chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày qua

Dù mới vào đầu mùa hè nhưng số trẻ nhập viện do viêm não đã tăng nhanh ở nhiều bệnh viện phía Bắc. Trong đó, khá nhiều trẻ bị biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ nhận định thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi hơn để virus gây bệnh viêm não, viêm màng não phát triển, lây lan.

Tiêm vắc-xin chưa đủ

Thấy cậu con trai gần 12 tháng tuổi sốt cao và bỗng nhiên bỏ bú, chị Vân (ngụ Hải Dương) nghĩ rằng con nóng sốt do thời tiết nắng nóng.

Sau 3 ngày thấy con vẫn không hết sốt, chị Vân đưa đi khám. Tại bệnh viện huyện, bác sĩ kết luận cháu bị viêm não. Sau hơn một tuần điều trị vẫn không đỡ mà còn có biểu hiện co giật, co cứng toàn thân nên cháu bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo các bác sĩ đang điều trị, vì não tổn thương nặng nên nếu may mắn sống được thì sau này, cháu bé cũng khó phát triển bình thường về trí tuệ.

Tuần qua, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội bắt đầu ghi nhận có các bệnh nhi viêm não, viêm màng não nhập viện. Theo các bác sĩ ở Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bệnh nhi không được phát hiện sớm, khi vào bệnh viện đã chuyển sang thể nặng, rơi vào trạng thái hôn mê sâu, co giật. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, phó khoa, cho biết năm nay, bệnh viêm não và viêm màng não đến sớm hơn mọi năm. Những ngày này, số bệnh nhi loại này nhập viện đang có xu hướng tăng và hầu hết bệnh nhân trước đó chỉ mới được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc chưa tiêm đủ số mũi theo yêu cầu. Có nhiều trẻ mới dưới 6 tháng tuổi cũng bị mắc bệnh.

Cảnh giác khi con đau đầu, sốt

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết viêm não, viêm màng não không phải là bệnh mới. Tuy nhiên, do triệu chứng của bệnh không rõ rệt nên dễ nhầm với các bệnh cảnh khác. Nhất là vào thời điểm mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, trẻ hay mắc các chứng bệnh cảm sốt càng dễ gây nhầm lẫn cho phụ huynh.

Trẻ bị viêm não thường có các dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, sau đó cứng gáy, co giật, thóp phồng, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà gật. Đặc biệt, viêm não tiến triển rất nhanh, nếu điều trị không kịp thời thì bệnh nhân sẽ hôn mê sâu dẫn đến tử vong. TS Dũng lưu ý phụ huynh nên theo dõi sát những biểu hiện của con. Trường hợp trẻ bỏ ăn, bỏ chơi, không nói, người chậm chạp, lờ đờ… nhất là khi trẻ kêu đau đầu nhiều, cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, viêm màng não và phải được đưa đi khám.

Chú ý tiêm phòng cho trẻ

Bệnh viêm não, viêm màng não thường xuất hiện vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 hằng năm. Vì thế, phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. “Để phòng ngừa viêm não, viêm màng não ở trẻ, phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm phòng khi 2 tháng tuổi và tiêm ngừa viêm não Nhật Bản khi tròn 12 tháng tuổi”- bác sĩ Đỗ Thiện Hải nhắc nhở và cho biết rõ thêm biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm não và viêm màng não rất đa dạng.

Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng sốt cao giống các bệnh sốt do virus thông thường nên nhiều bậc phụ huynh không phát hiện được, thường chủ quan điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt, chỉ khi bệnh quá nặng mới đưa con đi khám. Điều này rất nguy hiểm vì nếu điều trị muộn, có thể dẫn đến tử vong; còn nhẹ thì nhiều khả năng bị di chứng ảnh hưởng thần kinh, trí não kém phát triển, thậm chí tâm thần.

(Theo NLD)

Lao màng não dễ nhầm lẫn với viêm màng não

Lao màng não là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng ít người biết đến và thường nhầm lẫn là viêm màng não. Tại Bệnh viện 103 đang điều trị cho bệnh nhân bị lao màng não. Trước đó, bệnh nhân từng được điều trị thần kinh, động kinh nhưng khi chọc não tủy thì phát hiện hội chứng màng não dương tính.


Một ca lao màng não đang điều trị tại Bệnh viện 103.

Nhận biết triệu chứng

Bệnh nhân Lê Đình Anh (23 tuổi, trú tại Quảng  Xương, Thanh Hóa) 3 tháng trời đều có triệu chứng sốt cao, đau đầu, rối loạn tâm thần. Người nhà nghĩ bệnh nhân có vấn đề thần kinh nên đã cho thăm khám tại cơ sở chuyên khoa thần kinh. Nhưng 1 tháng sau vẫn không thuyên giảm. Sau đó bệnh nhân nhập Bệnh viện 103 thì các bác sĩ cho chọc não tủy, xét nghiệm lao mới phát hiện ra bị lao màng não.

PGS.TS Trịnh Thị Xuân Hòa, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 103 cho biết, lao màng não khởi đầu có biểu hiện khá mơ hồ và trùng lặp với các bệnh viêm màng não khác hoặc các bệnh lý nhiễm khuẩn thông thường. Triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, có khi sốt cao vào lúc chiều tối, sau đó nhức đầu tăng dần và có thể có ói vọt. Khi diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê và co giật. Tuy nhiên, lao màng não là nguyên nhân từ nhiễm lao và cách điều trị cũng phải xuất phát từ phòng và điều trị lao.

Tỷ lệ tử vong lên đến 80%

ThS.BS Đào Bích Vân, Trưởng khoa Thăm dò – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi T.Ư chia sẻ, trong các bệnh về lao thì bệnh lao phổi là phổ biến nhất chiếm 80 – 85% và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng: nếu nhập viện muộn, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lên đến 70 – 80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng như sống thực vật, động kinh, mù mắt, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu năng trí tuệ. Lao màng não xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Căn bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, bệnh tập trung ở lứa tuổi 1 – 5. Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20 – 50, nam bị nhiều hơn nữ.

Chính vì thế, để phòng bệnh thì cần phòng bệnh lao. Nếu có triệu chứng ho kéo dài từ hai tuần trở lên phải đi khám phổi. Nếu bị phát hiện lao phổi, phải nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế tiếp xúc với người thân ít nhất hai tuần sau điều trị, mỗi khi ho phải che miệng, phải đeo khẩu trang y tế. Uống thuốc đúng và đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Lao màng não chưa có văcxin tiêm phòng. Để tránh bị bệnh, những người đã mắc các thể lao khác Lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương…) cần tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức. Bởi vì một khi cơ thể đã suy yếu, vi khuẩn lao càng có điều kiện tấn công lên não.

(Theo Bee)

Những tác nhân có thể khiến trẻ hôn mê

Trong thực tế có những tác nhân vô cùng bất ngờ có thể khiến con của bạn rơi vào tình trạng hôn mê.

Tuy nhiên, cha mẹ trẻ đừng quá lo lắng vì đây chỉ là hiện tượng phổ biến và trong hầu hết trường hợp, phụ huynh không cần phải điều trị gì.

Thiếu ngủ

Những trẻ em không ngủ đủ giấc thường hay bị hôn mê suốt cả ngày. Vì thiếu ngủ, trẻ sẽ xuất hiện những mệt mỏi dai dẳng và không thể tập trung vào các thói quen hàng ngày của mình.


Do đó, cha mẹ trẻ nên chú ý cho con ngủ 7-8 giờ/ ngày. Đây là điều cần thiết để giúp trẻ thực hiện các hoạt động học tập và vui chơi trong ngày hiệu quả, tránh tình trạng hôn mê khi ngủ.

Suy dinh dưỡng

Với những trẻ đang bị suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng thì cũng thường phải đối mặt với những triệu chứng của sự hôn mê.

Nguyên nhân là do, ở những trẻ  này thường có một sự sút giảm đáng kể các mức năng lượng trong cơ thể. Khi cơ thể không nhận được mức năng lượng cần thiết hàng ngày như protein, vitamin và khoáng chất, các hoạt động ban ngày của trẻ sẽ bị giảm mạnh dẫn tới suy dinh dưỡng và não bộ có trí nhớ kém.

Thiếu máu

Nếu trẻ nhà bạn thường xuyên bị hôn mê thì đây cũng được coi là một triệu chứng sớm của bệnh thiếu máu mà cha mẹ trẻ cần phải đặc biệt chú ý. Tình trạng này  lâu dài sẽ gây ra một sự giảm sút đáng kể số lượng tế bào máu có nhiệm vụ cung cấp ôxy đến các bộ phận khác nhau của cơ thể trẻ.

Do đó, nguyên nhân thiếu máu, dẫn đến thiếu oxy lên não bộ có thể làm cho trẻ  thường xuyên bị hôn mê. Một chế độ ăn uống kém, thiếu sắt là yếu tố phổ biến nhất góp phần tạo nên sự hôn mê trầm trọng ở trẻ.

Sốt cao

Cha mẹ bé cần biết, sốt cao và hôn mê ở trẻ có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Trẻ bị sốt cao thường do nhiễm virus. Thậm chí nhiều lúc những lúc hơi ấm đầu cũng làm cho trẻ cảm thấy khó chịu.

Chưa kể sốt cao có thể khiến trẻ không đáp ứng được sự tối thiểu trong kiểm soát ý nghĩ của mình. Và nếu trẻ nhà bạn bị hôn mê do sốt cao (hơn 39 độ) thì cha mẹ trẻ cần đưa con đến bệnh viện để được điều trị ngay lập tức vì nó là một triệu chứng nghiêm trọng với sức khỏe.

Trầm cảm

Trẻ bị trầm cảm cũng bắt đầu có thể biểu hiện từ dấu hiệu hôn mê. Mặc dù, trầm cảm là một vấn đề tâm thần tuy nhiên cảm giác mệt mỏi, đi kèm với các cuộc tấn công bởi sự lo lắng sẽ khiến trẻ hay rơi vào trạng thái hôn mê nặng nề.

Viêm màng não

Với những trẻ đang bị viêm màng não cũng có thể dẫn đến sự hôn mê. Bệnh viêm màng não có thể hủy hoại lớp bảo vệ não và tủy sống thiệt hại từ bên ngoài.

Khi trẻ có dấu hiệu bị viêm màng não, trẻ sẽ hay bị nhức đầu, sốt và ngủ nhiều hơn bình thường. Do đó, trẻ thường thiếu năng lượng và thờ ơ với các hoạt động hạc tập và vui chơi ở ngoài trời và trong nhà.

Lưu ý:

Hôn mê ở trẻ nhỏ là bệnh không dễ dàng để chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ dài hơn thời gian so với bình thường hay vẫn có một cảm giác mệt mỏi ngay cả sau khi đã ngủ một giấc dài thì đều là dấu hiệu có thể báo hiệu sự hôn mê ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, cha mẹ trẻ cũng có thể xác định sự hôn mê của trẻ qua sự thay đổi hành vi của chúng. Khi ấy trẻ dường như thờ ơ hơn, thiếu nhiệt tình và chú ý với các hoạt động, hành động của trẻ không linh hoạt, trẻ có vẻ hay buồn ngủ…

Nếu con bạn đang bị nghi ngờ có hiện tượng trên, bạn cần dành nhiều thời gian để quan tâm đến trẻ hơn nữa để nắm bắt và chẩn đoán các triệu chứng liên quan đến tình trạng này kịp thời.

Meo.vn (Theo afamily)

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở thành các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi. Những yếu tố nguy cơ già hóa bệnh lý đã hình thành phát triển ngay từ giai đoạn tuổi chuyển tiếp và là những “buến chứng” của các chứng bệnh nội khoa.Kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi.

Biểu hiện các chứng bệnh thần kinh

Các chứng bệnh thần kinh ở người cao tuổi khá phức tạp, đa dạng, thường có các biểu hiện:

Chứng đau nhức: thường là nhức đầu, nhức nửa đầu, nhức nửa mặt, đau thần kinh hông. Thường phối hợp với các chứng đau mình mẩy, đau chân, đau bả vai.

Chứng run, co giật: thường run chân tay, đi đứng run rẩy, loạng choạng hoặc nói run run. Có thể có cơn co giật kiểu động kinh. Có cơn động kinh và rối loạn tâm thần, rối loạn điều hòa các cử động…

Rối loạn nuốt, phát âm: có thể có hiện tượng nghẹn đặc, sặc lỏng và đi đứng khó khăn.

Rối loạn trí nhớ: người bệnh cảm thấy quên nhiều và lẫn hoặc có hiện tượng nhớ nhầm, ngộ nhận…

Một số bệnh hay gặp

Tai biến mạch máu não: thường gặp là tắc mạch, lấp mạch gây nhồi máu não, thiếu máu não cục bộ… Các trường hợp chảy máu não, chảy máu màng não, viêm màng não, thường là viêm màng não mủ, viêm màng não do lao.

Bệnh Parkinson…

Chẩn đoán

Cần có kế hoạch theo dõi cho lứa tuổi “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”, phát hiện kịp thời những chứng bệnh thần kinh thường gặp. Những biểu hiện như chứng đau nhức ở thần kinh (đau đầu, đau nửa mặt, đau kiểu thắt lưng hông…), chứng co giật, run chân tay, chóng mỏi ở hai chân đặc biệt là chứng cứng cơ khi cử động… chứng quên lẫn, nhớ nhầm, ám ảnh, lo sợ. Khi có những triệu chứng kể trên thì nên kết hợp các phương pháp thăm dò chức năng không nguy hại cho người cao tuổi để chẩn đoán như siêu âm tim mạch, siêu âm xuyên não, ghi điện não, chụp cắt lớp vi tính và các test thần kinh tâm lý.

Điều trị

Do đặc điểm cơ thể người cao tuổi (tuổi già, sức yếu…) nên điều trị các chứng bệnh thần kinh phải toàn diện: toàn diện cho tính chất đa bệnh lý, toàn diện giữa thuốc với nuôi dưỡng cơ thể, nâng cao thể trạng, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp phục hồi chức năng.

Sử dụng thuốc điều trị

Cơ thể người cao tuổi hấp thụ, chuyển hóa và thải trừ kém nên phải thận trọng khi sử dụng thuốc. Cần cho thêm các thuốc nâng cao thể trạng, các loại vitamin nhất là vitamin nhóm B. Nên kết hợp thuốc Đông y với những ưu việt dành cho người cao tuổi.

Phục hồi chức năng thần kinh

Phục hồi chức năng thần kinh là một phương pháp điều trị tích cực, tổng hợp, toàn diện nhất là vận dụng các phương pháp dưỡng sinh, thiền, khí công, luyện khí… Phục hồi chức năng vận động, tâm lý chú ý tới khí công, xoa bóp, bấm nắn, tất cả đều tĩnh tâm và thường phối hợp với thời khắc trong ngày… Tác động tâm lý giữ phần quan trọng trong công tác điều trị chứng bệnh thần kinh ở người cao tuổi. Điều đó giúp người bệnh tự xác định, chịu khó tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Sự quan tâm của cộng đồng, cơ quan, gia đình, bạn bè, góp phần quan trọng cho việc điều trị có hiệu quả. Luôn luôn quan tâm tới chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cho người bệnh cao tuổi.

Phòng bệnh

Cần phải có kế hoạch theo dõi phát hiện những thay đổi về tim mạch, huyết áp, hô hấp, tiết niệu (phù…) những thay đổi về giác quan (ví dụ mắt nhìn có ruồi bay, mờ mắt, nghe o o trong tai, nghe kém, ăn thì nghẹn, uống nước thì sặc…) hoặc những rối loạn tâm lý…
Các trung tâm y tế cơ sở phối hợp với bác sĩ chuyên khoa thần kinh, theo dõi có ghi chép những thay đổi về thần kinh của những người cao tuổi ở khu vực dân cư của đơn vị. Tổ chức phổ biến kiến thức thông thường về phòng chống các chứng bệnh thần kinh cho cán bộ y tế cũng như cho người cao tuổi trong cộng đồng.

suckhoe-doisong