Lưu trữ cho từ khóa: ké đầu ngựa

Cách dùng ké đầu ngựa chữa bệnh bướu cổ

Theo Đông y, quả ké đầu ngựa có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, vào đường kinh phế, trừ thấp, tiêu độc, sát trùng… có công dụng trong chữa bướu cổ.

Ké đầu ngựa có tên khoa học Xanthium inaequilaterum DC. (X. strumarium L.), thuộc họ cúc (Asteraceae). Theo Đông y, quả ké đầu ngựa có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, vào đường kinh phế, trừ thấp, tiêu độc, sát trùng. Do có hàm lượng iốt cao nên có công dụng trong chữa bướu cổ. Người ta thường chế một loại cao ké đầu ngựa gọi là vạn ứng cao để làm thuốc chữa bệnh bướu cổ.

cach-dung-ke-dau-ngua-chua-benh-buou-co

Cách làm thuốc:

Từ tháng 5 – 9, hái cả cây về bỏ rễ, phơi khô, cắt nhỏ, nấu với nước, lọc và cô thành cao mềm. Cao này thường dễ lên men, khi uống, hoà với nước ấm, mỗi ngày từ 6 – 8g cao, uống liên tục 15 – 60 ngày. Cách khác có thể chế thành thương nhĩ hoàn cho dễ uống: Hái cây về, bỏ rễ, rửa sạch, cắt ngắn, cho vào nồi nấu với nước sôi trong 1 giờ, lọc lấy nước. Thêm nước vào, nấu sôi 1 giờ nữa, lọc và ép hết nước.

Hợp cả 2 lần nước lại, cô thành cao mềm, khi nào lấy que thuỷ tinh nhúng vào cao, nhỏ lên giấy thấy giọt cao không loang ra giấy là được. Sau đó thêm bột vào (chừng 1/3 lượng cao) trộn đều, chế thành viên, sấy khô để dùng dần. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 16 – 20g, trước bữa ăn. Thuốc cao và thuốc viên này còn trị lở loét, mụn nhọt.

Nếu không có điều kiện, có thể dùng quả ké đầu ngựa hoặc cây ké đầu ngựa 12 – 16g sắc uống (nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn). Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi, nước sắc quả ké đầu ngựa lâu 15 phút, cô thành cao, chứa 300 microgam iod/g cao, nếu nấu lâu 5 giờ có thể chứa tới 420 – 430microgam iốt/g cao.

Do đó, cao ké đầu ngựa hoặc viên ké đầu ngựa dùng chữa bướu cổ rất hiệu quả. Lưu ý là khi dùng quả và cây ké đầu ngựa, nên dùng loại già, không dùng loại quả hoặc cây non, có thể có độc.

Lương y Đinh Công Bảy

(Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)

Theo Kienthuc.net.vn

Thuốc từ con ngựa tăng cường sức khỏe

Ngựa tên khác ngựa nhà. Tên khoa học: Equus coballus L. Loại ngựa bạch thích hợp dùng để làm thuốc.

Thịt ngựa chứa 21,5% protid, 5 - 7% lipid, có các muối khoáng và vitamin.

Sữa ngựa chứa 2,1% protid, cao hơn sữa người; 1,1% lipid và các vitamin C, A; muối khoáng và các nguyên tố vi lượng. Xương ngựa chứa calci phosphat, keratin, oscein..

Theo Đông y, thịt ngựa (mã nhục), xương ngựa (mã cốt), sữa ngựa (mã nhũ), phân ngựa (mã phẩn), răng ngựa (mã xỉ), sỏi trong dạ dày hay túi mật ngựa (mã bảo). Ngoài ra, dương vật (bạch mã âm kinh), gan, phổi và máu ngựa cũng được sử dụng làm thuốc.

Mã nhục (thịt ngựa):

 

vị ngọt đắng, tính nóng, có độc; có tác dụng lớn gân, mạnh xương. Chữa gân xương yếu, chứng xương cốt yếu liệt, tê bại và nhiệt khí, tiêu hóa kém, chốc lở và rụng tóc. Ăn thịt ngựa, trẻ em cứng cáp, nhanh nhẹn; thanh niên vạm vỡ cường tráng; người già không bị đau nhức xương và sống lâu. Có thể chế biến thành những món ăn hợp khẩu vị theo lứa tuổi.

Không dùng thịt ngựa cho người bị hạ lỵ; không nấu thịt ngựa với ké đầu ngựa (thương nhĩ tử), hoặc với gừng.

Mã nhũ (sữa ngựa): vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ huyết, nhuận táo, thanh nhiệt, chỉ khát. Chữa huyết hư, phiền nhiệt, cốt chưng, chỉ khát. Sữa ngựa được dùng theo nhiều cách: sữa tươi, sữa chua, rượu sữa. Sữa tươi thêm ít đường cho đủ ngọt, đun sôi, uống trong ngày, là thuốc bổ sinh huyết, dễ tiêu, chữa ho, phổi ráo dùng cho người bị lao phổi hoặc mắc bệnh mạn tính. Sữa ngựa chua là nước giải khát tăng lực, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, góp phần làm hưng phấn thần kinh khi mệt mỏi, chữa các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và nhiều loại bệnh ngoài da. Ở Mông Cổ, có một tập quán lâu đời về chế rượu sữa ngựa như người Việt Nam chế rượu nếp cái bằng men thuốc. Rượu sữa ngựa có nồng độ cồn thấp, dùng để bồi dưỡng, làm giảm béo, chữa thiếu máu và phục hồi sức khỏe với người bị lao phổi.

Mã cốt (xương ngựa): vị ngọt, tính lương, có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương. Thường dùng dưới dạng cao - cao ngựa bạch: phục hồi sức khỏe với người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, trẻ em còi xương xanh xao biếng ăn. Không dùng rượu cao ngựa cho trẻ em; khi dùng kiêng các chất tanh: tôm, cua, cá, chất cay: tỏi, ớt, hạt tiêu, nước chè đặc, đậu xanh, rau muống.

Cao xương ngựa bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương.

Bạch mã âm kinh (dương vật ngựa):

 

vị ngọt mặn, tính ôn; tác dụng bổ thận ích khí. Dùng cho người suy nhược gầy gò, ốm yếu, liệt dương, tinh suy. Kết hợp với nhục thung dung, liều lượng bằng nhau, tán bột mịn, trộn với mật ong làm hoàn; ngày uống 6g trước bữa ăn để trị liệt dương. Không dùng cho người âm hư hỏa vượng.

Mã bảo (sỏi trong dạ dày hay túi mật ngựa): vị mặn, tính lạnh; có tác dụng trấn kinh hóa đờm, thanh nhiệt giải độc. Trị các chứng kinh giản điên cuồng, đàm nhiệt nội thịnh, thần trí hôn mê, nôn ra máu, chảy máu cam, mất ngủ do thần kinh, ho do co thắt.

TS. Nguyễn Đức Quang

Meo.vn (Theo SKĐS)

Món ăn dưỡng sinh từ cá quả

Theo Ðông y, cá quả tính hàn vị ngọt, có công năng bồi bổ khí huyết, kiện tỳ, lợi tiểu, ích tinh tủy, khử thấp trừ phong, tiêu thũng, thông quan, sinh tân dịch, bổ gân xương tạng phủ, hạ hỏa, chống viêm, không độc, chữa trĩ...

Cá quả là loại thịt ít mỡ, giàu dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Ăn chín thích hợp và công hiệu tốt đối với những người bị bệnh lâu khí huyết bất túc, phụ nữ can huyết lao, kinh nguyệt bế ít, băng huyết hay đau lưng, mỏi chân… còn là món ăn dưỡng sinh. Xin giới thiệu cụ thể những món ăn - bài thuốc chữa bệnh từ cá quả.

- Suy nhược sau khi ốm: cá quả một con, rửa sạch cắt miếng, cho thêm một ít giăm bông, nấu thành canh, ăn cái uống nước canh, ngày 2-3 lần, cần ăn 5-7 ngày liền.

- Phụ nữ can huyết lao, kinh nguyệt bế ít: cá quả tươi một con khoảng 400-500g, đương quy 15g, sinh địa 30g, hành củ, gừng tươi đủ dùng. Cá quả đánh sạch vảy, bỏ mang ruột, rửa sạch. Đương quy, sinh địa cho vào túi vải buộc kín, cho túi thuốc cùng cá vào nồi nước vừa đủ, đun lửa to đến sôi, hạ lửa nhỏ hầm nhừ, vớt bỏ túi thuốc, nêm gia vị, gừng vừa miệng, ăn cá uống canh. Ngày ăn 1 thang, cần thường xuyên ăn.

- Phù do viêm thận mạn, tràn dịch màng tụy do xơ gan: cá quả một con 500g, bí xanh 500g để cả vỏ ngoài thái miếng, đậu đỏ 60g, hành 5 củ. Cá quả đánh sạch vảy, chặt vây, bỏ mang, ruột, rửa sạch cắt miếng, cho vào nồi cùng bí xanh, đậu đỏ, hành, đổ nước vừa phải nấu thành canh, không cho muối. Ăn cái, uống nước. Ngày 1 thang, cần ăn 7-10 ngày liền.

- Chữa thận hư nhiễm mỡ: cá quả một con 200g, làm sạch, bỏ ruột, nấu với 200g đậu đỏ cho nhừ, ăn hết một lần, ngày 1 thang.

- Chữa chứng trĩ: cá quả một con 200g, lấy đất nhão trát kín rồi vùi vào tro than nóng đỏ, khi đất quanh cá nứt là được. Mang cá ra bóc hết đất bọc ngoài, bỏ mật ruột, bóc lấy thịt ăn cùng rau dấp cá tươi, ngày ăn 1-2 lần trong nhiều ngày.

- Thanh nhiệt tiêu phù thũng: cá quả một con 200g, đậu đỏ 50g, vỏ bí đao 30g, cho vỏ bí đao vào bụng cá sau khi bỏ ruột, nấu cùng đậu đỏ cho nhừ, ăn cả cái lẫn nước, ngày ăn 1 lần. Cần ăn vài ngày.

- Chữa đái rắt, tiểu vàng ít:

cá quả một con 500g, giá đậu xanh 150g, cà chua 100g, lá me 70g, gia vị vừa đủ. Cá quả đánh sạch vảy, lọc lấy thịt thái miếng ướp gia vị. Đầu và xương cá luộc kỹ lấy nước, cho thịt cá vào nước này nấu cùng giá đỗ, cà chua, lá me giã nhuyễn hay mẻ cho có vị chua; canh chín ăn cả cái lẫn nước. Ăn vài ngày.

- Chữa ra mồ hôi trộm: cá quả 100g, rửa sạch cho hết nhớt bằng nước nóng, lọc lấy thịt thái nhỏ và rán vàng, cho vào nồi đổ nước chừng 400ml, cạn còn 100ml cho trẻ uống nước ăn cái, cần ăn 3 ngày.

- Chữa lở ngứa kinh niên: cá quả một con, làm sạch vảy, bỏ ruột, mang, vây. Nhồi vào bụng cá lá ké đầu ngựa, buộc lại rồi xung quanh cá lại lấy lá ké đầu ngựa bọc lại, để trên lửa đốt xoay tròn đến khi lá cháy hết gỡ bỏ lá, thái cá nhỏ ướp gia vị, muối cho ngấm vào thịt cá, ăn hết trong ngày. Ăn 2-3 ngày.

- Chữa sốt cao háo khát, bí tiểu do thận hư: cá quả một con 200g, làm sạch thái nhỏ nấu với 250g đậu phụ ăn vào 2 bữa cơm. Hoặc cá quả một con 250g, cá mực 200g, đậu phụ 50g, muối 4g, nấu ăn trong ngày.

- Làm an thần, ích trí tiêu thũng: cá quả một con 500g, thịt lợn nạc 120g, long nhãn 6g, táo đỏ 6 quả, rượu 20g, muối, hành, gừng. Cá rán, thịt lợn thái mỏng, táo đỏ bỏ hột, đổ nước vừa đủ, nấu nhừ, ăn nóng, ngày 1 thang.

- Bổ nguyên khí, thông tiểu: cá quả một con 400g, đông quỳ tử 24g, hồng sâm 9g, hoài sơn 30g, sinh hoàng kỳ 30g. Lấy vải bọc đông quỳ tử, hồng sâm thái phiến, đổ đủ nước, nấu lửa nhỏ trong 2 giờ là được, ngày dùng 1 thang.

- An thần, sinh tân, nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng trí: cá quả một con 500g, táo đỏ 10 quả, táo tây vỏ đỏ 2 quả, gừng tươi 2 lát, gia vị, dầu vừa đủ. Rán cá với gừng cho thơm, táo tây gọt vỏ bỏ hạt, thái miếng nhỏ, táo đỏ bỏ hạt, cho vào nồi đất nấu sôi nước rồi cho tất cả vào, táo cho sau cùng, đổ nước ngập, đậy kín vung nấu 2 giờ, nêm gia vị, ăn nóng. Món ăn có tác dụng phòng ngừa mắt thâm quầng, mất ngủ, huyết áp cao, chóng mặt, nhức đầu.

- Bổ não an thần, ích khí bổ huyết: đầu cá một cái 300g, xuyên khung 12g, hà thủ ô chế 15g, hoàng kỳ 30g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 3 lát. Đầu cá bỏ mang, rửa sạch, táo bỏ hột, đổ nước vừa đủ. Cho cả vào nồi đun to lửa đến sôi, hạ lửa nhỏ hầm 2 giờ, thêm gia vị, ăn nóng. Món này thích hợp với những người già bị lú lẫn, trí nhớ giảm, phản ứng chậm, mắt, tai kém, sức yếu, mệt mỏi, biếng ăn.

- Chữa viêm mũi dị ứng: đầu cá 150g, tân di hoa 12g, tế tân 3g, bạch chỉ 12g, gừng tươi 12g. Đầu cá và các vị thuốc đập dập, riêng tân di bỏ vào túi vải buộc miệng, cho tất cả vào nồi, nấu lửa nhỏ trong 2 giờ là dùng được, ngày ăn 1 thang.

BS. Hoàng Long - Hoàng Linh

Meo.vn (Theo SKĐS)

Trị ngứa da đầu bằng những bài thuốc cổ truyền

Tôi 46 tuổi, bị bệnh ngứa da đầu đã 5 năm. Bệnh viện da liễu chẩn đoán: viêm chân tóc, chàm tiết bã, viêm da nhờn. Điều trị theo toa của bác sĩ, hết bệnh được 2 tháng, sau đó cứ lặp lại: đụng tay vào là gãi đến rướm máu, chảy dịch, tóc bết lại nơi bị viêm xước. Mồ hôi ra lại càng ngứa. Cách đây 4 tháng dùng thuốc liên tục 5 tuần, nhưng còn tệ hơn, ngưng thuốc là bệnh tái phát. Bệnh ngứa này làm tôi khó chịu quá. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Thị Hoa, Đà Nẵng)

- Trả lời:

Viêm chân tóc là bệnh ngoài da thường gặp, ban đầu là viêm cấp tính, sau đó rất dễ chuyển sang mạn tính, với những đợt bùng phát cấp tính, gây ngứa, xuất tiết, nổi sẩn... rất khó chịu cho người bệnh. Đối với trường hợp của bạn, chẩn đoán đã rõ ràng, điều trị có hiệu quả, tuy nhiên vì sau đó không có những đợt trị liệu củng cố nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Bệnh thường do tụ cầu gây nên mà tỷ lệ kháng thuốc của loại vi khuẩn này lại rất cao nên việc điều trị trở nên khó khăn.

Bạn nên tiếp tục trở lại bệnh viện da liễu để các thầy thuốc tái khám, và dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại. Bạn phải điều trị kiên trì, đúng phác đồ, đủ ngày và không được tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số biện pháp chữa trị theo y học cổ truyền như: thuốc uống - dùng bài thuốc gồm các vị kim ngân hoa 20g, xuyên tâm liên 12g, hoàng cầm 10g, cúc hoa 12g, chi tử 10g, liên kiều 10g, xích thược 8g, thổ phục linh 12g, vỏ hạt đậu xanh 19g, cam thảo sống 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần sáng và chiều. Nếu có sốt, môi khô, miệng khát, nóng vùng đầu gia thêm sinh địa 12g, thiên hoa phấn 10g; nếu ngứa quá nhiều gia thêm bạch tiên bì 12g, khổ sâm 12g, tỳ giải 12g; nếu tổn thương sinh mủ kèm theo sốt gia thêm long đởm thảo 12g, bồ công anh 16g. Dùng thuốc gội đầu: dùng cúc hoa, bạch tiên bì, bồ công anh (mỗi vị 30g), kim ngân hoa 20g, phèn chua 20g, ké đầu ngựa 60g, hùng hoàng 10g, đại hoàng 16g, sắc lấy nước gội đầu 2 lần trong ngày, mỗi lần gội trong 15 phút. Thuốc bôi - dùng đại hoàng, hoàng bá, hùng hoàng, lưu hoàng (mỗi loại 15g), tất cả sấy khô, tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày bôi 2 lần vào các vùng tổn thương sau khi gội đầu.

Ths.Hoàng Khánh Toàn

(Bệnh viện 108, Hà Nội)

Thuốc Nam chữa ngộ độc thực phẩm

Hằng năm tại nước ta, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn thường xảy ra. Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc, có những vụ ngộ độc rất thương tâm, cả nhà cùng bị do ăn phải nấm độc, cá nóc... Để giảm tử vong thì mọi người trong chúng ta cần phải có kiến thức về sơ cấp cứu giải độc cho nạn nhân càng sớm càng tốt.

Chữa các loại trúng độc

Cách 1: Đậu xanh nghiền sống, hòa đều trong nước, uống thật nhiều cho nôn ra để giải độc chất.

Cách 2: Lấy một nắm to lá rau muống, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống.

Chữa ngộ độc cua: Lấy một nắm to lá tía tô, sắc đặc uống nóng là khỏi.

Chữa ngộ độc thạch tín: Thạch tín là một chất cực độc, nếu chẳng may bị ngộ độc bởi chất này nhưng chưa kịp nạn nhân đưa tới bệnh viện, có thể lấy một vốc đậu ván trắng giã nhỏ, hòa với nước uống ngay thì có thể cứu được, sau đó phải khẩn trương đưa bệnh nhân tới bệnh viện để tiếp tục cấp cứu.

Chữa ngộ độc thịt chim: Vô tình ăn phải thịt chim có độc, da sẽ bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, hoặc xây xẩm mặt mày, nôn ói... lấy một nắm đậu ván trắng, nghiền sống, hòa với nước lạnh cho uống thì khỏi.

Chữa ngộ độc thịt gia súc: Nếu bị nhiễm độc thịt gia súc, lấy một nắm đậu ván trắng, nướng cháy, nghiền mịn như bột, mỗi lần uống dùng 3 đồng cân hòa nước uống, rất có hiệu quả.

Chữa trúng độc mật cá nóc: Dùng rượu Cô-nhắc 1 ly (30ml) uống vào để giải độc. Hoặc hoa hòe sao 20g, sắc 2 chén nước còn 8ml, uống để giải độc.

Chữa trúng độc mật cóc, trứng cóc: Dùng một nắm lá khổ qua tươi (20g) giã nhuyễn vắt lấy nước uống giải độc, nhưng phải uống ngay sau khi ăn 3-5 phút, nếu lâu quá sẽ không có hiệu quả.

Chữa ngộ độc các loại cá có độc: Dùng các vị thuốc nam có tác dụng giải độc như: Tử tô 40g, nấu sôi với 2 chén nước còn 1 chén, uống sẽ có tác dụng giải độc.

- Đông qua (cây bí) còn tươi 400g, giã vắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Vảy cá các loại 50g đốt thành tro, dùng một muỗng canh hòa với nước uống cũng có tác dụng giải độc.

- Đậu đen 100g nấu với 1 lít nước cho nhừ, uống nhiều lần trong ngày cũng có tác dụng giải độc.

Chữa ngộ độc sắn: Khi bị ngộ độc sắn, mới đầu cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, rạo rực khó chịu, tiếp theo là nôn mửa, có người còn đau bụng. Dần dần sắc mặt tái đi, khó thở. Thở nhanh và nóng, lấy một chén đậu xanh giã nát, đun sôi để nguội, lọc lấy nước, chia 2 phần uống cách nhau khoảng 1-2 giờ sẽ giải được chất độc.

Chữa ngộ độc nấm: Không may bị ngộ độc nấm hãy dùng rau má 4 lạng, đường phèn 2 lạng, hai thứ cho vào ấm sắc lấy nước uống. Hoặc có thể dùng rau má 4 lạng, củ cải 1 cân, hai thứ giã nát, ép lấy nước uống.

Chữa khi ăn nhầm thức ăn có độc: Rau ngổ 1 nắm độ 30g, bí đao 30g, 1 muỗng cà phê muối, giã nhỏ vắt lấy nước uống có tác dụng giải độc.

- Đọt khổ qua 1 nắm độ 30g, giã nát vắt lấy nước uống giải độc.

- Đậu xanh 1 muỗng canh, đậu đen 1 muỗng canh, cỏ mần trầu 30g, bù ngót 30g, bí đao 30g, tất cả giã nát vắt lấy nước uống. Lòng trắng trứng gà 1 cái, 1 muỗng cà phê đường cát, hòa chung các thứ trên cho đều, uống nhiều lần trong ngày.

Bài thuốc uống giải độc: Cỏ mần trầu 20g, cam thảo nam 10g, lá bù ngót 10g, muồng trâu 10g, cỏ mực 10g, ké đầu ngựa 10g, đậu nành khô 10g, tất cả sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày, trẻ em tùy theo tuổi mà uống giảm xuống 1/2, 1/4, 1/8 liều người lớn.

Theo SK&DS

Thuốc Nam chữa cổ trướng

Bệnh cổ trướng trong y học cổ truyền tức là bệnh xơ gan của y học hiện đại. Xơ gan là do các tổ chức ở gan: tổ chức mô gan, tổ chức liên kết, hệ thống mật quản, tĩnh mạch… mỗi bộ phận này bị tổn thương ảnh hưởng đến toàn bộ tổ chức gan dẫn đến xơ gan bằng hai quá trình: viêm và thoái hóa nhu mô gan và xơ hoá tổ chức liên kết. Căn cứ vào quá trình diễn biến, tình hình nhẹ nặng và đặc điểm lâm sàng, Đông y có các bài thuốc điều trị theo từng thời kỳ:

Thời kỳ đầu: Biểu hiện bụng to, đầy hơi, mắt vàng, gan bàn tay nóng, ăn kém, hay nôn oẹ, có sốt nhẹ, lưỡi nhờn, mạch huyền hoạt. Phép chữa: sơ can kiện tỳ, tiêu tích (làm cho gan thư thái, tỳ vị mạnh và tiêu tức là điều hoà gan và tỳ vị).
Rau má

Dùng Toa căn bản gồm: rau má 20g, lá mơ 16g, cỏ mần trầu 12g, ké đầu ngựa 12g, cỏ mực 12g, củ sả 20g, cam thảo đất 12g, rễ cỏ gianh 16g, vỏ quýt 12g, gừng tươi 12g. Đổ 1 lít nước sắc lấy 400ml chia làm 3 lần uống khi đói và khi đi ngủ.

Nếu táo bón, thêm lá muồng trâu 16g.

Nếu đại tiện lỏng, thêm hoài sơn 16g, biển đậu 16g.

Thời kỳ phúc thuỷ (bụng có nước): Biểu hiện bụng càng ngày càng to hơn, mặt vàng và khô, cơ thể gầy mòn, mỏi mệt, hay ngủ, mặt hốc hác, cầu mắt lõm xuống, xương má gồ lên, đái ít, lưỡi đỏ hoặc có rêu vàng, mạch nhu hoãn hoặc trầm tế huyền sác, dùng bài thuốc sau, uống kèm với toa căn bản. Dùng bài thuốc: hắc sửu (bìm bìm) sao 40g, mộc hương 20g, thanh bì (sao) 16g, bình lang 16g, trần bì (sao) 16g, chỉ thực (sao) 16g, la bạc tử (sao) 20g, rễ cỏ gianh 20g. Các vị sao xong hợp lại sấy (phơi) khô, nghiền thành bột nhỏ mịn, đựng vào lọ kín, mỗi lần dùng 12g chiêu với nước chín, ngày 2 lần uống kết hợp uống thuốc sắc toa căn bản.

Sau 6 giờ sáng và 2 giờ chiều, uống toa căn bản.

9 giờ sáng và 6 giờ chiều, uống thuốc hoàn.

Nếu thấy bệnh nhân cơ thể suy yếu, có thể cho uống thêm bài thuốc bổ sau: Củ mài (hoài sơn) 20g, củ sả 16g, rễ vú bò (sao vàng) 16g, rau má 20g, bố chính sâm (tẩm nước gừng sao) 20g, ý dĩ (tẩm nước gừng sao) 20g, rễ đinh lăng nhỏ lá (tẩm nước gừng sao) 20g. Đổ 600ml nước sắc lấy 300ml chia 2 lần uống.

Thời kỳ sau (bệnh nặng): Biểu hiện bụng to, gân xanh nổi lên, mặt xanh bợt hoặc đen sạm, gầy còm chỉ thũng, sau khi ăn đầy tức không chịu nổi, chân răng chảy máu, đại tiểu tiện bất thường, buồn phiền không yên, quá hơn nữa sẽ toát mồ hôi rồi chuyển vào giật quyết lạnh và hôn mê dẫn đến tử vong.

Thời kỳ này phải kết hợp điều trị bằng phương pháp y học hiện đại.

(suckhoe-doisong)

Thương nhĩ tán – bài thuốc hay chữa viêm mũi dị ứng

Không chỉ thuốc Tây mới giúp bạn thoát khỏi các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng. Bài thuốc cổ nổi tiếng của Trung Quốc Thương nhĩ tán có hiệu quả tốt với bệnh này, công thức chỉ gồm 4 vị thuốc dễ kiếm.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bệnh viêm mũi dị ứng đang có xu hướng tăng do môi trường ngày càng ô nhiễm. Các thống kê cho thấy cứ 16 người thì một mắc bệnh này. Hơn 6,3% dân số mắc bệnh này.

Thương nhĩ tán (còn gọi là Thương nhĩ tử tán) là bài thuốc của danh y Nghiêm Dụng Hoà (Trung Quốc). Thành phần gồm thương nhĩ tử (hạt ké đầu ngựa) 7 g, tân di hoa 15 g, bạch chỉ 30 g, bạc hà 1,5 g. Tất cả sấy hoặc phơi khô, tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6 g. Theo cổ nhân, nếu dùng nước sắc củ hành và lá trà tươi để uống bột thuốc thì rất tốt.

Thương nhĩ tán có tác dụng làm thông mũi, chống đau đầu, thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang mà Tây y vẫn gọi là viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp và mạn tính, viêm xoang cấp và mạn tính với triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi nhiều, ngạt mũi...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hạt ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, ức chế miễn dịch, hưng phấn hô hấp. Bạch chỉ giúp kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giải nhiệt. Tân di hoa tiêu viêm, giảm phù nề, chống dị ứng, kháng khuẩn, làm hưng phấn hô hấp. Còn bạc hà cũng có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, giảm ho, trừ đàm, giảm ngứa và lợi mật.

Ngoài dạng bột truyền thống, Thương nhĩ tán còn được sử dụng dưới hai hình thức: dùng nguyên bài sắc uống hoặc gia giảm theo thể trạng và tính chất bệnh lý. Khi sắc, cần cho bạc hà vào sau, còn tân di phải chùi hết lông hoặc cho vào túi vải để tránh gây ngứa.

Hiện nay, bài thuốc Thương nhĩ tán được sản xuất thành nhiều biệt dược dưới các dạng hoàn mềm, hoàn cứng, trà tan, cốm thuốc, viên nang..., rất tiện lợi cho bệnh nhân. Có thể kể đến các tên Tỵ viêm hoàn, Tỵ viêm phiến, Tỵ uyên hoàn... do Trung Quốc sản xuất, có gia giảm một số vị thuốc, hoặc viên nang Fitôrhi-f sản xuất ở Việt Nam, giữ nguyên công thức cổ của Nghiêm Dụng Hòa.

ThS. Hoàng Khánh Toàn, Bệnh viện 108/VnExpress

Chữa viêm mũi bằng thảo dược

Bạc hà, gừng tươi, vỏ quýt, tía tô, quế chi... là những vị thuốc mà Đông y dùng chữa viêm mũi. Liều lượng và cách phối hợp phải tùy thuộc vào thể bệnh.

Viêm mũi cấp tính thông thường

Nguyên nhân: Do ngoại cảm, phong hàn.

Triệu chứng: Ngứa mũi, hắt hơi, nặng đầu, mỏi tay chân và đau lưng, chảy nước mũi trong, loãng, sau dần trở nên đặc, nghẹt mũi, nặng đầu, sốt nhẹ, người mệt mỏi.

Bài thuốc: Hoắc hương, hậu phác, bạc hà, vỏ quít mỗi thứ 10 g, bạch chỉ 8 g, gừng tươi, mạn kinh tử, tô diệp mỗi thứ 12 g. Sắc với 600 ml nước còn lại 300 ml. Uống ấm, trùm chăn cho ra mồ hôi. Ngày 3 lần, mỗi lần 100 ml (nửa chén). Ngày thứ 2 không trùm chăn nữa. Uống liền 3 ngày.

Viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân: Viêm mũi dị ứng cũng là viêm mũi cấp nhưng nguyên nhân có liên quan đến yếu tố dị ứng gây viêm như: khí hậu lạnh, nóng, bụi bặm, khói thuốc, phấn hoa, lông thú, thức ăn, thuốc…

Triệu chứng:

-Viêm mũi chu kỳ: hắt hơi liên tục, cay mắt, đỏ và chảy nước mắt. Nước mũi trong như nước lã, chảy đầm đìa. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, nặng đầu. Bệnh kéo dài 3 đến 5 ngày thì hết. Bệnh giảm dù không điều trị hoặc khi thay đổi chỗ ở đến nơi không khí trong lành (nhưng khi về nơi ở cũ thì bệnh lại tái phát).

Nếu để bệnh kéo dài và tái phát nhiều lần thì diễn biến sẽ nặng hơn, niêm mạc mũi dần bị thoái hóa và bị nhiễm trùng, bệnh nhân xì mũi vàng, thỉnh thoảng bị sốt nhẹ và nhức đầu, mũi bị nghẹt thường xuyên.

- Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ: Có 2 đặc điểm thêm vào các triệu chứng trên là bệnh xuất hiện không theo thời tiết và mỗi lần hắt hơi chỉ vài cái nhưng cơn nghẹt mũi kéo dài. Niêm mạc mũi luôn bị phù nề nên dễ bị thoái hóa dẫn đến viêm mũi mạn tính.

Bài thuốc: Hoàng kỳ 16 g, phòng phong 10 g, bạch truật 12 g, quế chi 8 g, đẳng sâm 16 g, bạch thược 12 g, ma hoàng 4 g, tế tân 8 g, gừng tươi 3 lát, đại táo 3 quả. Sắc với 600 ml nước còn lại 300 ml thuốc. Uống ấm ngày 3 lần, mỗi lần 100 ml.

Viêm mũi dị ứng mạn tính: Hoắc hương, kinh giới, phòng phong, bản lam căn mỗi thứ 12 g; ké đầu ngựa 16 g, bạc hà 8 g, tân di hoa 8 g, bạch chỉ, cát cánh, cam thảo mỗi thứ 6 g, hạ khô thảo 10 g. Sắc với 600 ml nước còn lại 300 ml thuốc. Uống ấm ngày 3 lần, mỗi lần 100 ml. Nếu nước mũi trong, thêm khương hoạt 12 g. Nếu nước mũi vàng đục, thêm hoàng cầm 12 g, tang bạch bì 12 g.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Cỏ xước lưu thông huyết

Cây cỏ xước còn gọi là ngưu tất nam, thành phần trong cỏ xước chủ yếu là nước protide, glucide, xơ, tro... chứa acide oleanolic. Hạt có chứa hentriacontane và saponin...

Theo Đông y, cỏ xước có vị chua, đắng, tính bình (có tài liệu nói tính mát), tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm lưu thông huyết, còn có khả năng chống viên tốt ở giai đoạn mạn và cấp tính, tác dụng bổ gan thận, mạnh gân cốt, được sử dụng để chữa viêm khớp, phụ nữ sau sinh máu hôi không sạch làm giảm cholesterol trong máu, chữa tăng huyết áp, xơ vữa động mạch...

Liều dùng trung bình mỗi ngày cho dạng thuốc sắc là 3 - 9g.

Chữa chứng sổ mũi, sốt: Cỏ xước 30g, đơn buốt 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

Chữa quai bị: Lấy cỏ xước giã nhỏ chế thành nước súc miệng và uống trong; còn bên ngoài lấy lượng vừa đủ giã đắp vào nơi quai bị sưng đau.

Chống co giật (kể cả bại liệt, phong thấp teo cơ, xơ vữa mạch máu): rễ cỏ xước 40 – 60g sắc lấy nước thuốc uống nhiều lần trong ngày.

Chữa viêm gan, viêm thận (kể cả viêm bang quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi): Cỏ xước 15g, cỏ tháp bút 15g, mộc thông 15g, mã đề (hay hạt lá bông) 15g, sinh địa 15g, rễ cỏ tranh 15g, sắc lấy nước uống với bột hoạt thạch 15g, chia ba lần.

Chữa trị viêm cầu thận (phù thũng, đái đỏ, đái són, viêm gan virus, đái vàng thẫm, da vàng, viêm bang quang, đái ra máu): Rễ cỏ xước 30g, rễ cỏ tranh 15g, mã đề 15g, mộc thông 15g, huyết dụ 15g, lá móng tay 15g, huyền sâm 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Chữa các chứng bốc hỏa

(nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, ù tai, tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, khó ngủ, đau nhức dây thần kinh, rút gân, co giật, táo bón): Rễ cỏ xước 30g, hạt muồng sao 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang chia 3 lần; thuốc có công hiệu an thần.

 

Chữa thấp khớp đang sưng: rễ cỏ xước 16g, nhọ nồi 16g, hy thiêm thảo 16g, phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g, sao vàng sắc lấy ba lần nước thuốc, sau trộn chung cô sắc đặc chia 3 lần uống. Ngày uống 1 thang trong 7 – 10 ngày liền. Hoặc cỏ xước 40g, hy thiêm 30g, thổ phục linh 20g, cỏ mực 20g, ngải cứu 12g, quả ké đầu ngựa 12g, sắc lấy nước thuốc đặc uống trong ngày.

Viêm đa khớp dạng thấp: Rễ cỏ xước tẩm rượu sao 20g, độc hoạt 12g, tang ký sinh 16g, dây đau xương 16g, tục đoạn 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, tần giao 12g, quế chi 8g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g, tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trong 10 ngày.

Chữa bệnh gút: Lá lốt 15g, rễ bưởi bung 15g, rễ cây vòi voi 15g, tất cả thái mỏng sao vàng, rồi sắc lấy nước đặc chia ba lần uống trong ngày. Ngày dùng 1 thang, trong 7 – 10 ngày liền.

Chữa kinh nguyệt không đều, huyết hư: Rễ cỏ xước  20g,  cỏ cú (tứ chế) 16g, ích mẫu 16g, nghệ xanh 16g, rễ gai (gai lá làm bánh) 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống 10 ngày. Không dùng cho người có thai.

Chữa suy thận, phù thũng, nặng chân, vàng da: Rễ cỏ xước sao 30g, mã đề cả cây 30g, cúc bách nhật cả cây 30g, cỏ mực 30g, sắc ngày uống 1 thang, chia 2 – 3 lần, uống liền trong  7 – 10 ngày.

Chữa trị mỡ máu cao (kể cả xơ vữa động mạch, huyết áp cao, nhức đầu chóng mặt, ù tai, mờ mắt): Cỏ xước 16g, hạt muồng sao vàng 12g, xuyên khung 12g, hy thiêm 12g, nấm mèo 10g, đương quy 16g, cỏ mực 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, khi uống vớt bã nấm mèo ra ăn, nhai kỹ chiêu với nước thuốc. Cần uống liên tục 20 – 30  ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại

Cỏ hôi – kháng sinh thảo dược

Cây cỏ hôi, trong dân gian thường gọi là cây cứt lợn, cây bù xít. Là một loài cây nhỏ cao khoảng 30 - 50cm. Lá mọc đối, hình trứng, mép có răng cưa tròn. Toàn thân và lá đều có lông. Hoa nhỏ, màu tím hay xanh trắng. Quả bế có ba sống dọc, màu đen. Loài cây này có mùi rất hắc khi vò ra nhưng lại có mùi thơm khi nấu. Cây mọc hoang khắp nơi. Nhân dân ta từ lâu đã sử dụng loài cây này như một vị thuốc quí để chữa rất nhiều loại bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc phần cây trên mặt đất. Thu hái toàn cây bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô, nhưng thường hay dùng tươi. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng. Thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu ... Đặc biệt, qua nghiên cứu các nhà khoa học nhận thấy trong nước ép cây cỏ hôi có chất kháng khuẩn chống viêm, chống phù nề, ngoài ra có tinh dầu nên có tác dụng xông trong các trường hợp viêm mũi xoang.

Chữa viêm xoang mũi, viêm mũi dị ứng:

Cỏ hôi 100g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, đem nhỏ vào lỗ mũi, mỗi lần 2 - 3  giọt, ngày 2 lần. Chú ý khi nhỏ nên kê gối dưới hai vai để lỗ mũi dốc ngược giúp cho thuốc ngấm vào xoang dễ dàng. Hoặc cỏ hôi 100g, lá long não 50g, lá chanh 10g. Tất cả đều dùng tươi. Các vị thuốc rửa sạch, sắc với 300ml nước, còn 100ml nước, đổ nước ra bát xông lên mũi, ngày xông 3 lần. Mỗi lần xông nên hâm nóng lại nước sắc. Dùng trong 7-10 ngày. Hoặc cỏ hôi 30g, kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 12g, cam thảo đất 16g. Sắc với 3 bát nước, còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Nên uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 10 ngày.

 

Chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh: Cỏ hôi 20g, hy thiêm 12g, hương phụ chế 10g, ích mẫu thảo 12g, ngải cứu 16g. Cho 600ml nước sắc còn 150ml, sắc 2 lần, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 7 - 10 ngày. Hoặc 30 - 50g lá cỏ hôi tươi, rửa sạch giã nhỏ, cho thêm ít nước sôi để ấm, vắt lấy nước cốt uống. Ngày uống 1 lần vào buổi sáng. Uống trong 4 ngày.

Trị gàu ở tóc: 200g cỏ hôi tươi, 20g bồ kết khô, cỏ hôi rửa sạch cùng với bồ kết nấu nước gội đầu. Bài thuốc này có công dụng giúp đầu sạch,  trơn tóc, sạch gầu. Mỗi tuần nên gội đầu từ nước của cây cỏ hôi và bồ kết 2-3 lần.

Chữa viêm họng do lạnh: Cỏ hôi 20g, kim ngân hoa 20g, lá giẻ quạt 6g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Dùng trong 3-5 ngày.

Chữa sỏi tiết niệu: Cỏ hôi 20g, kim tiền thảo 16g, râu ngô 12g, mã đề 20g, cam thảo đất 16g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, chia uống 2 lần trong ngày. Uống trong 7 ngày. BS. Nguyễn Huyền