Lưu trữ cho từ khóa: tỳ vị hư nhược

Vị thuốc từ quả đu đủ

Trong đông y, đu đủ có tên mộc qua, tính hàn, vị ngọt, thanh nhiệt, bổ tỳ. Đu đủ ăn vào mùa nào cũng tốt cho sức khoẻ. Mùa xuân, hè ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Mùa thu – đông, ăn đu đủ có tác dụng nhuận táo, ôn bổ, tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cứ trong 100g quả đu đủ có 74-80mg vitamin C và 500-1.250 IU caroten. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Đặc biệt, trong đu đủ có nhiều vitamin C và caroten nên đu đủ có tác dụng chống ôxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Do chứa nhiều các thành phần trên nên đu đủ rất hữu ích trong việc phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư, vô hiệu hóa những chất có hại cho làn da, tránh da nhăn sớm, chống lại những độc tố và giữ cho da khỏe mạnh; tăng sức đề kháng cho cơ thể và là một trong những vũ khí đắc lực chống lại căn bệnh viêm túi mật xuất hiện nhiều ở phụ nữ. Quả đu đủ thường được ăn xanh như một loại rau (làm nộm và hầm) và ăn chín như một loại trái cây. Đu đủ xanh và chín ngoài cung cấp dinh dưỡng còn có tác dụng tốt trong việc chữa bệnh. đu đủ xanh dùng để điều chế thuốc chữa lệch khớp xương hoặc thuốc tiêm giảm đau do các dây thần kinh gây nên. Đu đủ chín rất mềm, có vị ngọt, không chứa độc tố, lành tính nên thích hợp cho người già, trẻ em và những người đang trong giai đoạn dưỡng bệnh. Ngoài ra, nhựa và hạt đu đủ xanh được sắc làm thuốc chống các loại ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, chữa hen phế quản trẻ em và kích thích chức năng hoạt động của gan, mật. Rễ cây đu đủ sắc lấy nước uống chữa chứng tiểu rắt, buốt…

Một số bài thuốc:

Trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, ăn liên tục 3-5 ngày.

Chứng ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín, chuối, củ cà rốt mỗi thứ 100g; xay trong nước dừa non. Thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày.

Làm lành các vết loét trên da: Trộn nước đu đủ chín với một chút bơ sau đó bôi lên vết loét. Cách làm này có tác dụng làm se bề mặt và nhanh chóng làm liền vết thương.

Trị ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g hầm ăn, ngày ăn 2 lần vào trưa và tối, ăn trong 3-5 ngày.

Chứng tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ xanh 30g, khoai mài 15g, sơn tra 6g, các thứ rửa sạch đem nấu cháo ăn trong ngày.

Tạo sữa cho bà mẹ đang nuôi con bú: Một quả đu đủ non hầm với một cái móng giò, ăn vào các bữa ăn hàng ngày.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh vì dễ gây sẩy thai.

Theo Netlife

Những bài thuốc hay chữa bệnh tiểu đường

KTNT - Tiểu đường đang là căn bệnh phổ biến hiện nay. Bên cạnh việc chữa trị bằng Tây y, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y để bạn đọc tham khảo và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Bài thuốc từ dâm bụt

Tên khoa học: Hibiscus Rosa-sinensis. Họ Bông (Malvaceae). Tên gọi khác: xuyên cận bì, bạch hoa, mộc cẩn căn. Cây mọc ở dưới chân núi nơi trảng nắng, ven lộ, quanh vườn, đình, được trồng ở khắp nơi để làm hàng rào, bờ giậu.

Hoa hái từ tháng 7 - 10, loại bỏ tạp chất phơi hoặc sấy khô. Vỏ rễ hái vào mùa thu, rửa sạch phơi khô, xắt thành sợi.

Hoa dâm bụt có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết.

Vỏ rễ: Có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, sát trùng, trị ngứa.

Liều dùng: Hoa 6 - 12g. Vỏ rễ 3 - 10g.

Một số bài thuốc chữa tiểu đường:

Bài 1: Rễ dâm bụt tươi 30 - 60g. Sắc uống thay nước trà.

Bài 2: Rễ dâm bụt tươi 60g, thịt heo 60g, đăng tâm thảo 20g, hầm lấy nước uống.

Bài 3: Rễ dâm bụt tươi 15g, hoài sơn 30g. Sắc uống.

Vỏ dưa hấu

Tên khoa học: Citrullus Vulgaris Schrad. Họ Bầu Bí (Cucurbitaceae). Tên gọi khác: Thủy qua, tây qua bì.

Thu hái và chế biến vào mùa hạ. Dùng dao gọt lớp vỏ bên ngoài, phơi hay sấy khô.

Vỏ dưa sau khi ăn xong dùng dao gọt bỏ lớp vỏ quả và lớp thịt quả, để riêng phơi khô. Khi dùng rửa sạch.

Tính năng: Vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giáng áp.

Liều dùng: 10 - 30g.

Người bên trong có hàn thấp nhiều không nên dùng.

Để chữa tiểu đường có thể áp dụng cách sau:

Vỏ dưa hấu, câu kỷ tử 30g, đẳng sâm 10g, sắc uống.

Rễ cây chối già

Tên khoa học: Musa Paradisiaca. Họ chuối (Musaceae). Tên gọi khác: Ba tiêu đầu.

Thu hái và chế biến: Đào rễ cây chuối già, dùng tươi hay thái phiến phơi khô.

Tính năng: Vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, lương huyết, tán ứ, chỉ thống, giáng áp.

Liều dùng: 30 - 120g.

Người tỳ vị hư nhược không được dùng.

Một số bài thuốc chữa tiểu đường:

Bài 1: Rễ chuối già tươi 60g, mật ong vừa đủ. Đem rễ chuối già giã nhỏ vắt lấy nước cốt hòa mật ong, chia uống 3 lần trong ngày.

Bài 2: Rễ chuối già khô 30g, thiên hoa phấn 30g, sắc uống.

Bài 3: Rễ chuối già tươi 150g, giã vắt lấy nước uống.

Lá ổi

Tên khoa học: Psidium guyjava. Họ Sim (Myrtaceae). Tên gọi khác: phan đào diệp, phan cẩm diệp.

Thu hái và chế biến: Lá hái vào mùa hạ, thái nhỏ phơi hoặc sấy khô.

Quả: Hái lúc quả chín, ép lấy nước.

Tính năng: Vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng thu liễm chỉ tả, tiêu viêm chỉ huyết, hạ đường huyết.

Liều dùng: Khô 10 - 15g, tươi 15 - 30g.

Người tiêu chảy do nhiệt không được dùng.

Chữa tiểu đường:

Bài 1: Lá ổi 30g (tươi 50g), sắc uống thay nước trà.

Bài 2: Lá ổi, lá bạch quả 15g, râu ngô 30g sắc uống.

Bài 3: Quả ổi tươi ép lấy nước, mỗi lần uống 30ml, 2 lần/ngày.

Bài 4: Lá ổi non 50g, lá sa kê tươi 100g, trái đậu bắp tươi 100g. Nấu nước uống cả ngày.

Theo Phương Đình Nguyễn (kinhtenongthon.com.vn)