Lưu trữ cho từ khóa: bong vẩy

Cách chữa trị nước ‘ăn’ chân?

Bạn đọc địa chỉ mail hoangviet…@hotmail.com hỏi: Quê tôi mấy ngày qua chìm trong lũ. Cả làng, thậm chí cả huyện đều bị nước “ăn” chân ở các mức độ khác nhau. Nước đã rút nhưng vẫn còn di chứng. Xin hỏi, làm thế nào để chữa trị?

Trả lời:

Mùa lũ, nước ăn chân là căn bệnh phổ biến. Hiện tượng là các kẽ ngón chân ngứa ghê gớm, nước vàng chảy ra có mùi hôi. Hiện tượng gọi là nước “ăn” chân ấy về thực chất là bệnh nấm kẽ chân, gây ra do tiếp xúc với nguồn nước bẩn chứa phân người và gia súc, lá cây mục nát, xác súc vật chết… Khi không phải mùa lũ lụt, bệnh này vẫn có thể gặp ở người mồ hôi chân nhiều, rối loạn hệ thần kinh thực vật, giày dép chật làm xước da, mang giày kín thường xuyên…

 

Bệnh nước ăn chân thường xuyên xuất hiện ở những vùng lũ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Quan sát bệnh nước “ăn” chân, ta thấy các kẽ ngón chân có các vết nứt (nhất là kẽ ngón 3 và 4), da trắng bợt, rất ngứa. Ngoài biểu hiện ở kẽ ngón chân, còn có ở những nơi khác: bong vẩy ở từng đám nhỏ, phát triển ở đầu ngón chân hay lòng bàn chân những mụn nước nhỏ, liên kết với nhau thành bọc lớn, ngứa và đau, gây lở loét, có thể bội nhiễm sinh mủ, kèm cả viêm móng.

Để tránh nước “ăn” chân, trước hết phải có nguồn nước sạch để rửa sau mỗi lần lội nước. Đặc biệt buổi tối phải rửa kỹ và lau khô các kẽ chân. Nếu cẩn thận, có thể ngâm chân chừng 10 phút trong nước lá chè (lá già, không dùng để uống), nước lá ổi, vỏ cây ổi, vỏ câybạch đàn, tràm…

Trong dân gian, để trị nước “ăn” chân, mỗi ngày nên ngâm chân 2 lần, mỗi lần 20 phút với một trong các thứ nước sau:

- các loại nước sắc nói trên, nhưng sắc đậm hơn, có pha 5% muối ăn.

- nước phèn chua bão hoà (một cục phèn chua bằng quả trứng trong 1lít nước sôi).

- lấy lá cỏ mực (nhọ nồi), muồng trâu, muồng ngủ giã nát, thêm một chén nước vắt lấy nước cốt bôi vào kẽ chân mỗi ngày vài lần.

- lấy lá trầu không hoặc búp ổi vò nát, sát nhẹ vào các ngón chân.

Còn theo Tây y, bôi các thuốc trị nấm như:

- Trosyd (Thioconazol) cream 1%, bôi 1-2lần/ngày trong 4 đến 6 tuần cho khỏi hẳn.

- Sporiline 1lần/ngày trong 6 tháng.

Có thể dùng thêm những loại thuốc uống để hỗ trợ, nhưng việc uống thuốc phải thận trọng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Meo.vn (Theo VNN)

Chăm sóc cơ thể với đường

Không chỉ là một loại gia vị trong nhà bếp, đường còn là thành phần chính hỗ trợ đắc lực trong các “phi vụ” làm đẹp tại nhà của các chị em, nhất là tạo nên một loại hỗn hợp tẩy tế bào chết toàn thân với nguyên liệu tự nhiên.

Nguyên liệu:

- 1 quả chuối chín.

- 3 thìa to đường.

- 1/4 thìa cà phê tinh dầu (chọn bất cứ mùi nào mà bạn thích).

Thực hiện:

Chuối chín lột vỏ, cắt nhỏ, cho vào bát nghiền nhuyễn. Cho đường và tinh dầu vào trộn đều. Khi nghiền hỗn hợp đừng nghiền quá lâu khiến hỗn hợp bị chảy nước. Làm ướt da toàn thân, thoa đều hỗn hợp này lên khắp cơ thê massage nhẹ nhàng ở vùng da mỏng, và mạnh tay hơn với cùng da dày hơn như cùi chỏ, gót chân, mắt cá… Sau đó tắm sạch lại với nước ấm.

Công dụng:

Đường có tác dụng vừa có khả năng tẩy tế bào chết, vừa trả lại làn da mềm mại và trắng sáng. Chuối có chứa nhiều lượng vitamin phong phú, rất cần thiết cho việc tái tạo da và cung cấp dưỡng chất cho da, nhất là da khô. Tinh dầu giúp da bạn mềm mượt và mùi thơm giúp bạn được thư giãn.

Lưu ý:

- Đối với làn da nhạy cảm, bạn có thể sử dụng đường nâu (brown sugar) thay cho đường cát.

- Chuối nên chọn quả vừa chín tới sẽ mang lại nhiều tác dụng cho da hơn.

- Nên chọn mùi tinh dầu cơ bản như sả, quế, lavender, vanilla bởi tác dụng giúp tinh thần thư giãn. Chọn tinh dầu dừa sẽ giúp giữ ẩm cho da.

Những công dụng khác từ đường:

- Ngoài việc làm hỗn hợp tẩy tế bào chết, bạn còn có thể dùng đường trộn cùng với dầu ô liu để tẩy tế bào chết ở những vùng da sậm màu, trả lại vẻ trắng sáng, giảm bớt độ chai sần.

- Trộn một thìa đường vào hộp kem dưỡng da, rồi sử dụng loại kem mới này sẽ giúp đem lại sức sống mới, cũng như độ sáng bóng, giảm vết thâm trên da.

- Nên thoa một lớp đường mỏng lên da trước khi waxing (tẩy lông) sẽ giúp da bạn không bị khô và bong vẩy do tác dụng phụ từ việc waxing.

- Để giữ son môi lâu phai, sau khi thoa son, bạn bôi lên môi một lớp đường khoảng 30 giây, sau đó dùng khăn giấy lau nhẹ lớp đường. Cuối cùng thoa lên lớp son bóng. Bạn sẽ cảm thấy độ mềm mại cũng như căng mịn của đôi môi.

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Nấm và thuốc chữa

Có rất nhiều loại bệnh da do nấm gây nên như nấm thân, nấm kẽ, nấm tóc, nấm móng, lang ben... tuy nhiên trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản về bệnh nấm thân (hắc lào) và nấm kẽ (nước ăn chân), là hai bệnh dễ có nguy cơ bùng phát trong điều kiện thời tiết ẩm ướt hiện nay.

Nấm hắc lào.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều hơn ở tuổi thanh thiếu niên và trung niên.

Biểu hiện làm bệnh nhân khó chịu nhất là ngứa ở vùng da bị tổn thương, ngứa cả ngày lẫn đêm, ngứa nhiều hơn khi về đêm, khi đổ mồ hôi, hoặc khi thời tiết nóng bức... Tổn thương cơ bản là các đám đỏ hình tròn, bầu dục hoặc đa cung, đường kính, số lượng khác nhau. Ranh giới rõ, có bờ viền, bờ có mụn nước, giữa có xu hướng lành, khô, bong vẩy nhẹ, phát triển ly tâm lan dần ra ngoại vi. Bệnh có thể gặp ở bẹn, chân tay, mặt, bụng, ngực... Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ lây sang những vị trí khác của cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da, chàm hóa hoặc dễ dàng lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua quần áo.

Nguyên tắc điều trị: Phát hiện sớm, điều trị sớm, tránh lây lan trong tập thể; Điều trị liên tục, đủ thời gian, đúng phác đồ; Không cào gãi, chà sát; Kết hợp vệ sinh phòng bệnh ngoài da với tắm giặt, phơi nắng chăn màn, quần áo; kết hợp điều trị tại chỗ với điều trị toàn thân.

Những loại thuốc cổ điển như ASA, BSI... cũng có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, có thể làm sạm da. Trong tuần 1: Bôi BSI 2% hai lần sáng, chiều; sang tuần 2: Sáng bôi BSI 2%; Chiều bôi mỡ Benzosali; từ tuần 3: bôi mỡ Benzosali 1lần / ngày đến khi mịn da.

Hiện nay đã có những loại thuốc mới, có thể bôi hoặc uống. Thuốc bôi như ketoconazol, miconazol, clotrimazol... Những thuốc này có ưu điểm là không có màu, mùi thơm, không gây lột da, không sưng đau nhưng cũng có thể gây ra những dị ứng nhẹ. Những dị ứng này sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.

Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần có thể phải dùng thuốc chống nấm dạng uống. Thuốc cổ điển được sử dụng là Griseofulvin. Thuốc được dùng trong nấm da mạn tính, tái phát dai dẳng điều trị bằng phác đồ thông thường không hết, hoặc nấm móng, nấm tóc, nấm da do chủng Tricophyton rubrum; thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai, người mắc bệnh gan thận, người già, trẻ em, làm việc trên cao, người vận hành máy móc; Liều dùng 1000mg/24h, thời gian uống thuốc 30 ngày. Hiện nay có thể dùng Ketoconazol (nizoral)200mg, 2viên/24h. Tuy nhiên việc dùng thuốc gì và liều lượng như thế nào cần phải được thầy thuốc chuyên về da liễu khám và chỉ định, nếu tự ý dùng có thể sẽ xảy ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Nấm kẽ

http://www.xaluan.com/images/news/Image/2009/08/03/1249289179.img.jpg

Căn nguyên của bệnh là do vi nấm epidermophyton, nấm trichophyton hay còn do nấm candida albicans. Bệnh bắt đầu ở giữa kẽ ngón chân thứ 3 và thứ 4. Kẽ ngón có hiện tượng bong xước da, màu hơi vàng, chảy dịch, có thể xuất hiện mụn nước. Bệnh thường gặp ở những người do nghề nghiệp phải tiếp xúc nước nhiều giờ liên tục nhiều ngày như nông dân, người làm vệ sinh cống rãnh, vận động viên bơi lội... nên trong dân gian hay gọi là nước ăn chân, tuy nhiên điều cần chú ý, nếu căn nguyên do nấm thì không nguy hiểm, nhưng nếu căn nguyên do nhiễm khuẩn mà bệnh nhân chủ quan không đi khám có thể dẫn tới nhiễm khuẩn toàn thân.

Về điều trị, thường sử dụng ketoconazol hoặc miconazol bôi tại chỗ, ngoài ra những người thường xuyên phải dầm trong nước bẩn, cần rửa chân bằng nước muối loãng, nước lá trầu không hay nước chè... sau đó lau thật khô mới được đi giày tất. Bên cạnh đó, cần thường xuyên dùng dung dịch cồn iốt nồng độ thấp hoặc các loại bột có tác dụng diệt nấm ở bàn chân và kẽ ngón chân.

Theo Xualuan.com

Chăm sóc da mùa đông với dầu thơm

Các loại hỗn hợp dầu thơm sẽ giúp bạn chăm sóc da trong mùa đông. Không những chống khô da, làm mềm, mịn da, dầu thơm còn có tác dụng chống nhăn và chống nắng hiệu quả.

Làn da vào mùa đông thường bị khô và thiếu nước, do vậy, nhiều người ngay lập tức lựa chọn các loại kem giữ ẩm và kem chống nắng có sẵn trên thị trường. Điều đó cũng tốt bởi da của chúng ta khó có thể thích ứng một cách tự nhiên với những điều kiện thay đổi của khí hậu. Và nếu như không được chăm sóc, ảnh hưởng của thời tiết có thể gây hại cho da trong cả một thời gian dài.

Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất cứ một biện pháp chăm sóc da nào, bạn cần phải hiểu rõ nguyên nhân cũng như những biểu hiện trên da:

- Thời tiết khô hanh làm cho da của chúng ta mất đi độ ẩm của lớp ngoài cùng khiến da dễ bị dị ứng, dẫn đến việc hình thành sắc tố và các nếp nhăn.

- Các lỗ chân lông trên da nở ra khiến da dễ bị nhiễm trùng.

- Da bị bong vẩy và ngứa.

- Da bị xám và sần sùi cũng rất phổ biến vào mùa đông

Vì vậy, chúng ta nên thận trọng và hãy lựa chọn các sản phẩm bảo vệ da tự nhiên không gây dị ứng mà có thể làm mềm da. Các loại dầu thơm thường có tác dụng tổng hợp để chăm sóc da trong suốt mùa đông.

Dưới đây là một số hỗn hợp dầu thơm giúp bạn chăm sóc da hiệu quả:

- Làm sạch khuôn mặt của bạn với nước hoa hồng tự nhiên hoặc nước hoa oải hương, hoặc tinh dầu cam (chỉ cần nhỏ một giọt vào một bát nước là đủ).

- Nước ép từ cây lô hội cũng là một sự lựa chọn tốt.

- Rửa sạch mặt của bạn với hỗn hợp bột yến mạch được hỗn hợp với lê, cam và quả hạnh nghiền nhỏ cùng với một nửa giọt dầu gỗ đàn hương hoặc hương trầm.

- Kem thoa mặt mịn màng với các loại tinh dầu cam, bạch đậu khấu hay đàn hương sẽ giúp bạn mang lại sự bừng sáng ngay tức khắc cho khuôn mặt của bạn

- Kem thoa mặt với bột sữa được trộn với một phần mười giọt dầu hoắc hương sẽ góp phần khắc phục sự nhạy cảm của da và giúp loại bỏ các nếp nhăn.

Ngoài ra bạn cũng có thể tạo một màn chắn bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời một cách hiệu quả tối đa khi sử dụng hỗn hợp dầu thoa như sau:

- Trộn một thìa dầu Jojoba và một thìa dầu lê sau đó thêm vào một giọt dầu hoắc hương, một giọt dầu phong nữ, một giọt tinh dầu trà xanh, và 2 giọt dầu từ hạt cà rốt. Hỗn hợp này khi được sử dụng hàng ngày không những có thể giúp da chống được các tia tử ngoại mà còn giúp bạn tránh được sự hình thành sắc tố da trên khuôn mặt và cơ thể.

- Ngoài ra, đừng quên lựa chọn cho mình một chế độ ăn uống hợp lý với trái cây và các đồ uống phù hợp vào ban đêm. Bên cạnh đó, bạn cũng cũng nên uống nhiều và hãy uống nước, càng nhiều sẽ càng tốt cho tiêu hóa.

(Theo aFamily)

Bạn biết gì về bệnh đỏ da toàn thân?

Da bệnh nhân đỏ khắp người, đỏ như con tôm luộc từ đầu đến chân. Phù nề toàn thân, tiết dịch hoặc đỏ da bong vảy khô. Các phương pháp điều trị đều kém có hiệu quả. Bệnh thường xuất hiện thứ phát do nhiều nguyên nhân gây nên. Việc sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân dẫn đến đỏ da toàn thân do thuốc, bệnh có thể gây tử vong.

Bệnh đỏ da toàn thân (ĐDTT) có thể do nhiều nguyên nhân nhưng hay gặp nhất là do thuốc thường chiếm 2-3% bệnh nhân nhập viện. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ. Đa số các trường hợp bệnh phản ứng nhẹ, thường kèm ngứa, triệu chứng giảm sau ngưng thuốc. Tuy nhiên cũng có trường hợp nặng đe dọa tính mạng bệnh nhân và khó tiên lượng.

Nguyên nhân gây ĐDTT là gì?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Đỏ da bong vẩy ở tay.

- Bệnh ĐDTT tiên phát hay gặp trong bệnh willson-brocq: bệnh nhân xuất hiện đỏ da lan dần toàn thân, kèm theo xuất hiện hạch ngoại vi.

- ĐDTT thứ phát: Sau những bệnh da có từ trước như vảy nến, Liken phẳng, chàm cấp, vảy nến đỏ nang lông, Pemphigus dạng vảy lá; sau một bệnh nhiễm khuẩn, chủ yếu do liên cầu; do bệnh máu ác tính: leucemie, u sùi dạng nấm (mycosid fongoid), biểu mô bào lưới, hodgkin; ĐDTT bẩm sinh; ĐDTT do thuốc hay gặp nhất so với các nguyên nhân khác. ĐDTT do thuốc là một trong những biểu hiện lâm sàng của dị ứng nhiễm độc da với các thể: hồng ban đa dạng, hội chứng Steven Johnson, hội chứng Lyell, hồng ban cố định nhiễm sắc. ĐDTT do thuốc được xem như một bệnh da cấp cứu. Thường do dùng dài ngày, liều cao, hay gặp trong quá trình điều trị bằng các thuốc kháng sinh: penicillin, streptomycin, sulfamide chậm, clorocid, quinine; thuốc an thần: gacdenan, bacbiturate; thuốc hạ nhiệt giảm đau: pyramidon; thủy ngân, asen, cà độc dược, mã tiền... những thuốc này hay gây dị ứng ở những bệnh nhân có cơ địa mẫn cảm.

Biểu hiện của bệnh ĐDTT như thế nào?

Bệnh xuất hiện đột ngột sau khi dùng thuốc dưới các dạng tiêm, uống, xông, hoặc bôi, bệnh nhân thấy sốt cao kèm theo rét run, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, cơ thể mệt mỏi uể oải; ngứa da, thường ngứa ở đầu chi và mi mắt nhiều hơn ở những nơi khác trên cơ thể. Sau 1-2 ngày bệnh đến giai đoạn toàn phát: bệnh nhân tiếp tục ngứa khắp người, ở đầu chi và mi mắt ngứa nhiều hơn; da đỏ: có thể là những đốm màu hồng nhỏ như đầu ghim, cúc áo, ranh giới không rõ so với da lành, sau đỏ da lan rộng nhanh chóng chiếm toàn bộ da cơ thể. Có thể bong vảy da ở vùng da mỏng, vảy bong như vảy phấn; vùng da dày bong thành mảng nhất là lòng bàn tay, bàn chân; có nhiều mụn nước, phù và chảy nước. Đồng thời với tổn thương da, còn xuất hiện các triệu chứng: nổi hạch nhiều nơi, hạch to, di động và đau; gan to, có biểu hiện rối loạn chức năng; phù, tiểu ít, có albunin niệu, hồng cầu, bạch cầu, và trụ niệu; trường hợp nặng có thể vô niệu; urê huyết cao, rối loạn điện giải.

Thời kỳ lui bệnh, thường khoảng từ ngày thứ 10 trở đi, nếu được điều trị tốt, bệnh nhân đỡ sốt, hoặc hết sốt, da bớt đỏ dần và trở nên sẫm màu; ngứa nhiều hơn so với thời kỳ toàn phát, nhưng bong vảy lại giảm dần; tuy thương tổn da thuyên giảm nhưng lại xuất hiện các rối loạn chức năng của các cơ quan như: Rối loạn dự trữ kiềm, toan hóa máu; urê huyết cao; rối loạn điện giải, rối loạn chức năng gan, thận; nhiều tai biến dẫn đến cấp cứu nội khoa cũng hay xảy ra ở thời kỳ này. Bệnh tiến triển qua được các rối loạn chức năng nội tạng, bệnh nhân phục hồi dần, nước tiểu tăng, da hết bong vảy, nền da sạm, hơi đen kéo dài khoảng vài tháng.

Điều trị bệnh

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Đỏ da bong vẩy ở chân.

Điều trị tại chỗ, cho bệnh nhân tắm thuốc tím pha loãng 1%o; xoa bột tale toàn thân, hoặc cởi trần nằm trên bột tale. Dùng thuốc bôi các vết tổn thương chảy nước, loét bằng dung dịch sát khuẩn như milian, bạc nitrat 0,5-1%; bôi oxyt kẽm, mỡ salicylé 2%, flucin lên các vùng da bong vẩy, bôi miệng bằng glycerin borate; nhỏ mắt bằng thuốc chống nhiễm khuẩn.

Chế độ ăn: nên ăn nhạt nếu có thương tổn thận; tránh thức ăn có chất đạm nếu bệnh nhân có urê huyết cao. Truyền dịch để cân bằng điện giải, dùng các dung dịch mặn, ngọt đẳng trương; vitamin C; truyền nhỏ giọt tĩnh mạch chậm cho corticoide 1-2mg/kg cân nặng; lợi tiểu chống phù; bảo vệ chức năng gan, thận; chống bội nhiễm, chống dị ứng, hạ sốt, giảm đau chống viêm.

Làm gì để phòng bệnh?

Nên kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm; tránh mọi yếu tố như thuốc, vật lý, cơ học, hóa chất có thể gây tổn thương da; trong gia đình có người bị dị ứng do thuốc thì các thành viên khác nên cẩn thận khi phải dùng thuốc chữa bệnh; khi dùng thuốc nên ghi nhận những thuốc đã dùng và theo dõi trong vài ngày sau để phát hiện những biểu hiện bệnh ở da. Đối với người bệnh, cần điều trị đúng chỉ định của thầy thuốc, không nên dùng kháng sinh và corticoid một cách tùy tiện; thận trọng khi sử dụng thuốc chữa bệnh; chỉ dùng những thuốc thật cần thiết. Đối với các trường hợp bệnh nặng, tỏa lan và biến chứng vào nội tạng, cần chuyển bệnh nhân lên điều trị ở cơ sở chuyên khoa da liễu.

Theo SK&ĐS