Lưu trữ cho từ khóa: tóc rụng

Bài thuốc hỗ trợ điều trị tóc rụng

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc như do dinh dưỡng, căng thẳng trí óc, sau sinh đẻ, sau chấn thương mất máu, các bệnh lý nội tiết, béo phì, do dùng thuốc,… Tùy từng nguyên nhân mà có cách điều trị cụ thể. Ngoài ra có thể dùng một số bài thuốc sau có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả rụng tóc, giúp tóc mọc nhanh và mượt.

Bài 1:

Đương quy 500g, thỏ ty tử (dây tơ hồng) 300g, bá tử nhân 500g. Tất cả nghiền thành bột mịn uống, ngày 3 lần, mỗi lần 10g.

bai-thuoc-ho-tro-dieu-tri-toc-rung

Hoa vừng.

Bài 2:

Hạt vừng đen rang chín, tán nhuyễn, nấu lên, khi ăn cho thêm đường, ăn thường xuyên có tác dụng chữa rụng tóc, kích thích tóc mọc nhanh, đen mượt.

Bài 3:

Câu đằng 15g, nữ trinh tử 18g, chế thủ ô 60g, hạn liên thảo 18g, sinh địa hoàng 20g, thục địa hoàng 30g, thiên môn đông 18g, bá tử nhân 20g, đan sâm 30g, huyền sâm 18g, cát cánh 9g, đại hoàng 6g, mạch môn đông 18g, phục linh 12g, viễn chí sao 9g, hổ trượng 18g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần. Dùng 7-10 ngày.

Bài 4:

Dầu vừng 120g, đương quy 5g, tử thảo 3g, sáp ong 15g. Cách làm: Đương quy và tử thảo sao với dầu vừng cho đến khi khô cháy, sau đó vớt bỏ bã thuốc, bỏ sáp ong vào đun tiếp cho tan rồi dùng vải thô lọc bỏ tạp chất, để nguội cho thành dạng cao. Mỗi ngày dùng cao thuốc xoa lên vùng tóc rụng 2 lần.

bai-thuoc-ho-tro-dieu-tri-toc-rung

Hoa mào gà.

Bài 5:

Cúc hoa 60g, màn kinh tử 30g, bách diệp (khô) 30g, xuyên khung 30g, tang bạch bì 30g, bạch chỉ 30g, tế tân (bỏ mầm) 30g, hạn liên thảo (lấy cả lá, hoa và rễ) 30g. Tất cả các vị thuốc trên đều nghiền thành bột mịn, mỗi lần lấy 60g bột thuốc cho vào 5 bát nước vo gạo để chua, sắc lấy 3 bát, lọc bỏ cặn, dùng nước đó gội đầu thường xuyên có tác dụng chữa gàu, hói đầu và rụng tóc.

Bài 6:

Thục địa 60g, phục linh 20g, nhục thung dung 30g, thỏ ty tử 30g, hà thủ ô đỏ 30g, hà thủ ô trắng 30g,đương quy 30g, viễn chí 30g, tử hà sa 30g, hoài sơn 30g, đan bì 30g, câu kỳ tử 45g, hắc chi ma 30g, ngưu tất 30g, sơn thù 30g, nữ trình tử 25g. Tất cả các vị thuốc tán bột mịn, hoàn thành viên, mỗi viên 9g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống một viên với nước đun sôi để ấm.

Bài 7:

Hoa vừng 60g, hoa mào gà 60g, rượu trắng 500ml, giã nhỏ 2 thứ trên ngâm với rượu khoảng 15 ngày, lấy nước thuốc bôi vào vùng da đầu bị rụng tóc, ngày bôi 3 lần có tác dụng chữa rụng tóc, kích thích mọc tóc.

BS. Thúy An

Theo Suckhoedoisong.vn

Những lý do khiến tóc thưa dần

Cơ thể đang bị dị ứng, lạm dụng máy sấy tóc, máy uốn tóc, nang tóc bị tắc nghẽn do vệ sinh không tốt, dùng dầu gội không hợp với tóc, thay đổi hormone… là những nguyên nhân khiến tóc phái nữ ngày càng thưa dần.

nhung-ly-do-khien-toc-thua-dan

Chưa cung cấp đủ dưỡng chất cho tóc

Để có mái tóc bồng bềnh óng ả, bạn nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng của mình. Những dưỡng chất thiết yếu cho mái tóc là protein, axit béo Omega-3, vitamin B, sắt và biotin. Những dưỡng chất này có trong rất nhiều loại thực phẩm. Vì vậy, hãy chú ý hơn tới thực đơn của mình để có mái tóc khỏe mạnh và cơ thể dẻo dai.

Cơ thể đang bị dị ứng

Dị ứng có những biểu hiện vô cùng khác nhau và rụng tóc cũng là một trong số đó. Dị ứng thường khiến các mao mạch co lại, làm lượng máu lưu thông ít hơn và ảnh hưởng tới sự phát triển của nang tóc. Nếu thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường, bạn nên làm các bài kiểm tra dị ứng và loại bỏ các tác nhân gây dị ứng này.

nhung-ly-do-khien-toc-thua-dan

Quá lạm dụng máy sấy tóc/ máy uốn tóc

Nhiệt độ cao rất hại cho tóc. Lạm dụng máy sấy tóc và máy uốn tóc không chỉ làm hỏng ngọn tóc mà còn khiến cho sợi tóc khô và dễ gãy, từ đó tóc trở nên mỏng và dễ rụng hơn. Để giảm bớt thương tổn cho mái tóc, bạn nên sử dụng sản phẩm bảo vệ tóc trước khi xử lý nhiệt và giảm bớt nhiệt độ của máy sấy, mặc dù việc này sẽ khiến bạn mất thời gian hơn trong việc tạo kiểu tóc.

Nang tóc bị tắc nghẽn

Cũng giống như việc lỗ chân lông trên da mặt bị bít kín bởi dầu thừa và mỹ phẩm, nang tóc cũng có thể bị tắc nghẽn bởi lượng dầu thừa trên tóc và các tế bào chết. Nếu đất không tốt thì cây trồng không thể phát triển được, tóc cũng như vậy. Hãy đảm bảo da đầu luôn sạch sẽ để tạo điều kiện tốt cho tóc mọc nhiều hơn.

Dùng dầu gội không phù hợp với tóc

Dầu gội đầu là thứ tiếp xúc với tóc của bạn thường xuyên, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mái tóc. Bạn nên tham khảo ý kiến của các nhà tạo mẫu tóc, họ sẽ kiểm tra chất lượng tóc và từ đó đưa ra các lời khuyên về loại sản phẩm chăm sóc phù hợp với mái tóc của bạn nhất.

nhung-ly-do-khien-toc-thua-dan

Thay đổi hormone

Tóc rụng nhiều hơn và mái tóc mỏng có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp hoặc báo hiệu giai đoạn tiền mãn kinh. Bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra những thay đổi trong nội tiết tố. Sự thay đổi trong hormone cũng có thể là nguyên nhân khiến mái tóc của bạn kém hoàn hảo.

Theo nld.com.vn

Tóc rụng nhiều có phải do Stress?

Em 24 tuổi, là con gái, em đang làm về công nghệ thông tin nên thường xuyên thức khuya và tiếp xúc với máy tính rất nhiều. Mỗi ngày em ngủ khoảng 6 tiếng.

Dạo gần đây tóc em bị rụng rất nhiều. Bác sĩ cho em hỏi việc rụng tóc nhiều như vậy là do stress hay là có nguy cơ dẫn tới bệnh lý nào khác không ạ? Cách nào để trị rụng tóc hiệu quả? Em cảm ơn bác sĩ!(Thu Hien)

Trả lời:

Tóc của người bình thường có thể rụng 50-100 sợi/ngày, người ta gọi đó là rụng tóc sinh lý. Do vậy khi tóc rụng nhiều hơn 100 sợi/ngày và xảy ra trong thời gian dài thì mới là rụng tóc bệnh lý và cần được điều trị. Có nhiều nguyên nhân gây ra rụng tóc như sau:

Nguyên nhân tại chỗ của tóc: hói di truyền (có tính chất gia đình, thường gặp nhất trong tất cả các nguyên nhân gây rụng tóc), bệnh da đầu (nấm tóc, viêm nang lông)…

Có bệnh lý toàn thân như: bệnh tuyến giáp, thiếu máu, hay sau một đợt nhiễm trùng nặng (nhiễm siêu vi, sốt rét, sốt xuất huyết) hoặc vừa trải qua một phẫu thuật.

Do nội tiết tố và stress: sinh con, mãn kinh, lo lắng căng thẳng…

Chế độ ăn: thiếu protein, thiếu sắt…

Một số thuốc gây rụng tóc: vitamin A liều cao, thuốc điều trị viêm khớp, trầm cảm, bệnh tim mạch, thuốc ngừa thai…

Chăm sóc tóc không đúng cách: nhuộm tóc, duỗi tóc…

Trước hết cần xác định rụng tóc của bạn có phải bệnh lý hay không, sau đó xem xét trường hợp này rơi vào nhóm nguyên nhân nào kể trên. Theo mô tả của bạn, rất khó để xác định nguyên nhân rụng tóc, chỉ có thể nghĩ nhiều nhất đến stress. Nếu đúng là như vậy, bạn cần sắp xếp công việc và sinh hoạt điều độ hơn, có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất dinh dưỡng…Trong trường hợp đã không còn stress mà tình trạng rụng tóc không cải thiện, bạn cần đến các phòng khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị chính xác.

Chúc bạn luôn khỏe mạnh và thành công trong công việc!

Ths. Bs. Nguyễn Trọng Hào
Bệnh viện Da liễu TP HCM

(Theo VNE)

Bài thuốc dành cho tóc bạc sớm, rụng nhiều

 

Dưới đây là 3 phương thuốc theo hướng dẫn của lương y Như Tá dành cho tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều…

- Dùng các vị thuốc: kim ngân hoa 60 gr, quyết minh tử, khiếm thực (mỗi loại 15 gr), phá cố chỉ 120 gr. Cách làm: Đem tất cả phơi khô tán thành bột, rồi cho mật ong vào luyện hoàn (vò thành viên tròn nhỏ), cho vào lọ đậy kín để dành dùng dần. Ngày dùng hai lần, mỗi lần dùng 20 gr hòa với một ít rượu (hoặc nước muối pha thật loãng). Phương thuốc này dùng cho người có tóc bạc sớm và bị tình trạng di tinh.

- Dùng các nguyên liệu: quả dâu chín khoảng 10 kg, địa cốt bì 500 gr, thương truật 500 gr.

Cách chế biến: Dùng nước vo gạo để ngâm vị thuốc thương truật nửa ngày rồi lấy ra cạo sạch vỏ, phơi khô, tán thành bột mịn. Dùng nước nóng ngâm vị thuốc thương truật một lát rồi rửa sạch, để ráo khô, cũng nghiền thành bột mịn. Quả dâu chín rửa sạch ép lấy nước. Đem hai loại bột đã tán mịn nói trên hòa đều vào nước dâu ép cho vào lọ, đậy kín lại rồi đem để ngoài trời lấy nắng vào ban ngày và lấy sương vào ban đêm. Phơi cho cạn khô nước rồi lấy ra nghiền thành bột, rồi cho mật ong vào luyện thành viên như bài ở trên. Cho vào lọ để dùng dần. Mỗi lần dùng 20 gr, dùng chung với nước cơm (lấy lúc cơm nấu gần cạn), ngày dùng 2 lần khi bụng đói. Phương thuốc này có công dụng giúp tóc đen hơn, tuy việc chế biến khá công phu.

- Dùng các nguyên liệu: hà thủ ô 0,5 kg, sanh địa 1,5 kg, mật ong 250 gr (lấy mật ong rừng thì càng tốt).

Cách chế biến như sau: trước tiên lấy 4 lít nước nấu với vị tây thảo cho chín mềm rồi gạn lọc lấy nước. Kế đó cũng làm như vậy đối với vị hà thủ ô. Sau đó hòa hai nước trên lại và đem nấu với lửa nhỏ riu riu thành cao, khi nước bắt đầu cô đặc lại thì cho mật ong vào khuấy đều tay đến khi sôi lại là được. Để nguội cho vào lọ đậy kín để dùng dần. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần nửa muỗng súp hòa với nước chín (còn nóng ấm), dùng lúc bụng đang đói. Phương thuốc này dùng cho người tóc bạc sớm và rụng nhiều.

 

Tóc rụng nhiều, em có nên uống thuốc giúp mọc tóc?

Em có tiền sử rối loạn nội tiết, tóc em mỏng và rất hay rụng, nhiều khi vuốt nhẹ mà tóc rụng chẳng có cảm giác gì.

Chào bác sĩ,

Em có tiền sử rối loạn nội tiết. Tóc em mỏng và rất hay rụng, nhiều khi vuốt nhẹ mà tóc rụng chẳng có cảm giác gì. Nhưng da đầu lại rất nhạy cảm, khi giật tóc ở 2 bên thái dương thấy đau buốt, miên man theo mặt da đầu vùng đó. Em muốn có mái tóc dày hơn.

Có người quen mách nhỏ em là uống thuốc giúp mọc tóc vậy không biết với tình trạng em kể trên thì có thể uống thuốc mọc tóc được không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp cám ơn bác sĩ nhiều.(Hạnh, 23 tuổi – Hải Phòng)

Ảnh minh họa: internet

Trả lời:

Bạn Hạnh có trình bày trong thư bạn có tiền sử rối loạn nội tiết, nhưng lại không nói rõ là rối loạn nội tiết gì? mức độ ra sao và đã điều trị gì rồi?

Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều nội tiết tố (còn gọi là hoormon) được tiết ra từ các tuyến nội tiết và các tuyến này đều có liên quan mật thiết với nhau.

Tóc rụng có rất nhiều nguyên nhân: từ đơn giản là do xà phòng gội đầu, đến gàu (do nấm), viêm nang lông… đến các bệnh lý khác ví dụ bệnh lý nội tiết như bệnh cường giáp… Tùy theo nguyên nhân mà tính chất, kiểu rụng tóc cũng khác nhau (tóc rụng từng mảng hay vài sợi, rụng cả gốc hay gãy ngang…) và vì vậy mà cách điều trị cũng khác nhau.

Mái tóc dày và óng mượt là niềm mơ ước của phụ nữ. Để có được mái tóc dày cần có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt điều độ, chăm sóc tóc đúng cách và điều trị đúng nếu có bệnh lý liên quan đến chứng rụng tóc. Bạn không thể nghe “người quen không phải bác sĩ” bày, tự mua thuốc về uống mà coi chừng “tiền mất tật mang” đó.

AloBacsi khuyên bạn nên đi khám BS chuyên khoa Da liễu hay chuyên khoa Nội tiết (nếu cần) để xác định nguyên nhân chứng rụng tóc này, điều trị thì bệnh sẽ đỡ thôi.

Chào bạn!

BS-CK1 Bùi Thường Hương Thy

(Theo Alobacsi)

Rụng tóc – Dùng thuốc gì?

Rụng tóc là một triệu chứng khá phổ biến mà bất kỳ người nào gặp phải cũng lo lắng. Tuy nhiên hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh có thể thúc đẩy quá trình mọc lại tóc nhờ vào thuốc.

Finasteride và minoxidil là hai loại thuốc có thể điều trị khỏi được vài hình thức rụng tóc. Cả hai loại thuốc này đều gây tác động đến chu trình mọc tóc và gia tăng chiều dài cũng như đường kính của sợi tóc nhưng với cơ chế khác nhau. Có hai hình thức rụng tóc khá phổ biến là Androgenetic alopecia (rụng tóc do nội tiết tố nam) và Alopecia areata (rụng tóc từng mảng). Cả hai hình thức rụng tóc này đều quan hệ đến sự biến đổi có thể phục hồi được của chu trình mọc tóc.

Rụng tóc thể Androgenetic alopecia

Là một tình trạng rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra và cả hai giới nam – nữ đều có thể mắc phải. Tình trạng này có thể được hiểu là rụng tóc hay hói đầu ở nam giới và rụng tóc ở nữ giới. Tóc thường rụng và thưa dần ở lứa tuổi từ 12 – 40 ở cả hai giới và khoảng 50% dân số có biểu hiện này trước 50 tuổi.

Mục đích của việc điều trị là làm tăng lượng tóc bao phủ da đầu và làm chậm lại sự rụng tóc. Finasteride uống và dung dịch minoxidil 2 – 5% xịt tại chỗ là phương pháp điều trị Androgenetic alopecia phổ biến hiện nay. Cả hai loại thuốc đều có tác dụng làm gia tăng lượng tóc bao phủ da đầu và chậm lại sự rụng tóc. Tuy nhiên, cả hai đều không thể phục hồi được toàn bộ lượng tóc và không phải mọi người được áp dụng đều có đáp ứng giống nhau. Thời gian điều trị cần thiết phải từ 6 – 12 tháng mới có thể cải thiện được sự mọc tóc. Việc điều trị liên tục rất cần thiết để duy trì kết quả. Nếu ngưng điều trị, tóc có thể bị rụng lại sau 6 – 12 tháng và tình trạng sẽ trở lại giống như lúc ban đầu chưa điều trị.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể điều trị hữu hiệu cho người hói đầu hoàn toàn hay người rụng không còn sợi tóc nào ở hai bên thái dương.

Finasteride được dùng an toàn và hấp thu rất tốt. Thời gian điều trị kéo dài từ 1 – 2 năm. Tác dụng phụ thường xảy ra là các rối loạn về tình dục như: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, không xuất tinh… Các rối loạn này sẽ mất dần khi điều trị kéo dài hay biến mất hoàn toàn khi ngưng điều trị.

Minoxidil kích thích sự mọc tóc khi bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có Androgenetic alopecia. Nó có tác dụng kéo dài giai đoạn tăng trưởng và làm trưởng thành các nang tóc chín non vì bất cứ nguyên nhân nào. Khi được dùng để điều trị Androgenetic alopecia, minoxidil có thể giúp cho tóc mọc ở những bệnh nhân bị rụng tóc từng vùng, chứng thiếu lông – tóc bẩm sinh, hội chứng kém phát triển. Thuốc có tác dụng làm giãn mạch, vốn từng được dùng để điều trị tăng huyết áp và sau đó người ta phát hiện thêm đặc tính kích thích sự mọc tóc mà cơ chế tác dụng vẫn còn chưa rõ nhưng dường như độc lập với việc giãn mạch.

Minoxidil có thể được dùng tại chỗ với các nồng độ 2% và 5%, xịt 2 lần mỗi ngày. Tác dụng phụ chủ yếu ở ngoài da như: khô da, ngứa, đỏ da – tróc vẩy nhẹ… Minoxidil cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng hay viêm da tiếp xúc dị ứng với ánh sáng. Tình trạng rậm lông tóc cũng có thể xảy ra cho nữ giới khi dùng minoxidil nhưng hiếm gặp ở phái nam.

Minoxidil 2% hay 5% đều có thể gây xáo trộn nhịp tim, huyết áp tâm thu cũng như tâm trương với liều dùng 2 lần mỗi ngày nhất là đối với dung dịch 5%.

Đối với nữ giới cũng bị rụng tóc kiểu Androgenetic nhưng thường được che phủ bởi các kiểu tóc dài. Tóc rụng ở nữ có tính cách lan tỏa khắp da đầu nhưng thường gặp ở vùng trán hay hai bên thái dương. Minoxidil hiện vẫn là thuốc điều trị tại chỗ thích hợp nhất cho phái nữ bị rụng tóc kiểu này. Dung dịch minoxidil được dùng xịt tại chỗ 2 lần mỗi ngày. Các hình thức tác dụng phụ của thuốc cũng xảy ra tương tự như ở nam giới nhưng tình trạng mọc nhiều lông có thể xuất hiện nhiều hơn ở 3-5% bệnh nhân nữ dùng minoxidil. Vị trí mọc nhiều lông thường xảy ra ở chân mày, hai bên gò má và đôi khi có ở cằm, môi trên. Tác dụng gây rậm lông này sẽ giảm hay biến mất sau khoảng 1 năm, ngay cả khi vẫn tiếp tục dùng minoxidil.

Finasteride không được dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay có thể mang thai vì việc ức chế 5 alpha- reductase có thể gây dị dạng cho lá phôi ngoài của phôi thai nam.

Nang có tóc và nang không tóc.

Rụng tóc thể Alopecia areata

Rụng tóc từng mảng là một bệnh tự miễn khá phổ biến. Tóc rụng thành từng đốm tròn, nhỏ lốm đốm trên da đầu và có thể xâm lấn toàn bộ da đầu gây rụng tóc toàn thể. Bệnh này có thể xảy ra cho cả hai giới nam – nữ và ở tất cả mọi lứa tuổi. Bệnh có thể giảm tự nhiên và thường hay tái phát. Các bệnh nhân này đa số khỏe mạnh nhưng thường bị bạch biến hay các bệnh về tuyến giáp nhiều hơn người khác.

Bệnh nhân bị Alopecia areata được điều trị đồng thời giữa sự điều hoà hệ miễn dịch với glucocorticoides, điều trị miễn dịch tại chỗ, anthralin hay minoxidil. Các điều trị này kích thích sự mọc tóc nhưng không ngăn ngừa rụng tóc và gần như không ảnh hưởng đến tiến trình bệnh lý. Việc điều trị được tiếp tục cho đến khi nào bệnh giảm và các đốm rụng tóc có tóc mọc lại đầy đủ, có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Việc chọn lựa cách điều trị tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân và mức độ trầm trọng của sự rụng tóc. Sự điều trị có hiệu quả tốt nhất ở các trường hợp rụng tóc vừa phải và không có hiệu quả trong các trường hợp rụng tóc hoàn toàn. Các nang tóc không bị phá hủy ở các bệnh nhân bị Alopecia areata và khả năng mọc tóc lại vẫn còn duy trì.

(Theo SK&ĐS)