Lưu trữ cho từ khóa: xạ trị

Phẫu thuật bảo tồn vú: Hy vọng cho bệnh nhân ung thư vú

Phụ nữ bị ung thư vú có cơ hội sống sót cao hơn khi chọn phẫu thuật bảo tồn vú kết hợp với xạ trị, thay vì chọn phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vú bị ung thư.

Nhiều phụ nữ khi được chẩn đoán bị ung thư vú thường chọn phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vú bị ung thư càng nhanh càng tốt để có cơ hội sống sót cao nhất.

Tuy nhiên, một nghiên cứu kéo dài 10 năm của các nhà khoa học tại Mỹ cho thấy quan điểm trên là chưa chính xác.

ung-thu-vu
Ung thư vú càng được phát hiện sớm thì cơ hội sống sót càng cao -
Ảnh: Shutterstock

Theo đó, bệnh nhân có cơ hội sống sót cao nhất khi chọn phẫu thuật bảo tồn vú, tức cắt bỏ phần vú bị ung thư; sau đó tiến hành xạ trị trong vòng 5 đến 6 tuần để đảm bảo tiêu diệt hết các tế bào ung thư.

Đó là kết quả cuộc nghiên cứu 112.154 phụ nữ bị ung thư vú trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2004.

Trong số này, có khoảng 55% phụ nữ chọn phẫu thuật bảo tồn vú. Những người còn lại chọn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú.

Nghiên cứu được công bố trên chuyên san Cancer cho thấy phụ nữ chọn phẫu thuật bảo tồn vú kết hợp với xạ trị thì tăng khả năng sống sót lên 13%.

Phương pháp điều trị ít xâm lấn này có thể mang lại cho bệnh nhân cơ hội sống sót cao hơn ở những bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn 1 hoặc 2, Daily Mail dẫn lời tiến sĩ E Shelley Hwang từ Viện Ung thư Duke ở Bắc Carolina (Mỹ), người đứng đầu cuộc nghiên cứu.

(Theo Thanhnien)

Hóa trị và xạ trị trong ung thư là như thế nào?

Con chưa hiểu lắm về hóa trị và xạ trị, con nhờ bác sĩ tư vấn. Có phải hóa trị là nhẹ hơn xạ trị không?

Con chào bác sĩ,
 
Thưa bác sĩ, cô con năm nay 62 tuổi bị ung thư vú, đã mổ ở bệnh viện Gia Định. Nhưng tình trạng của cô con là phải hóa trị. Con chưa hiểu lắm về hóa trị và xạ trị, con nhờ bác sĩ tư vấn.
 
Theo con được biết hóa trị là nhẹ hơn xạ trị (vì xạ trị làm rụng tóc rất nhiều) còn hóa trị rất đau đớn nhưng không ảnh hưởng sức khỏe. Kiến thức của con như vậy không biết có đúng không? Con mong bác sĩ giải thích giúp con. Con xin chân thành cám ơn. - (Truc Phuong – an…@gmail.com)

BS-CK1 Bùi Thường Hương Thy:

Chào cháu,

BS sẽ giải thích cho cháu dễ hiểu như thế này:

- Hóa trị là phương pháp dùng thuốc (truyền, chích, uống) đưa vào cơ thể để diệt các tế bào ung thư (còn gọi là K), như thế thuốc này sẽ lưu hành trong máu rồi đến tổ chức, cơ quan bị K.

- Xạ trị là phương pháp dùng các chất phóng xạ tác động tại vùng có tế bào K, có thể là xạ trị ngoài (dùng máy chiếu tia xạ từ ngoài), hay xạ trị trong (đặt túi có chứa hoạt chất phóng xạ vào ngay chổ K hay gần đó).

Hóa trị hay xạ trị gì cũng đều có nhiều tác dụng phụ. Ví dụ:

+ Hóa trị hay gây mệt, buồn nôn, nôn, rụng tóc, táo bón hay tiêu chảy, dễ bị nhiễm trùng, giảm các tế bào máu…

+ Xạ trị do tác động tại chỗ nên sẽ gây đau, mệt, đỏ da, tăng sắc tố da, sẹo da, viêm mô tế bào, và giảm bạch cầu hạt nên dễ bị nhiễm trùng…

Không thể nói là hóa hay xạ trị cái nào là nặng hay nhẹ được, mà tùy thuộc vào loại K, vị trí K, mức độ di căn (tức phân độ K), tổng trạng của người bệnh và các bệnh lý kèm theo (ví dụ cao huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường…) mà quyết định phẫuu thuật hay hóa trị hay xạ trị hay kết hợp cả 2 hay cả 3 phương pháp trên.

Ví dụ có những K ở những vị trí không thể xạ trị được buộc lòng phải hóa trị, hoặc bệnh nhân có những bệnh lý chống chỉ định hóa trị, khi đó BS sẽ quyết định cho xạ trị tại chỗ. Và tất cả các phương pháp trên đều gây đau đớn (dù nhiều hay ít) cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh.

Như vậy cháu đã hiểu rõ rồi chứ gì! Hy vọng cháu sẽ hỗ trợ tinh thần thêm cho cô cháu vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chào cháu!

(Theo Alobacsi)

Dùng phóng xạ chữa ung thư gan

Hạt phóng xạ sẽ được đưa vào tận vị trí khối u để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này chưa được áp dụng tại Việt Nam, được bác sĩ Singapore công bố tại hội nghị về gan mật tổ chức ở Đà Nẵng hôm 18/8.

Giáo sư Chow Kah Hoe, giảng dạy tại trường đào tạo Y khoa sau đại học Duke-NUS Singapore, Trưởng khoa phẫu thuật Gan Mật Tụy Bệnh viện Đa khoa Singapore cho biết, phương pháp chữa trị mới này có thể giúp người mắc ung thư gan kéo dài sự sống trung bình 20 tháng. Trường hợp đáp ứng tốt bệnh nhân có thể sống lên đến vài năm.

Bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp này khi khối u nằm rải rác trong gan nên không thể cắt bỏ, ung thư chưa di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể và những người không bị suy gan.

Các bác sĩ sẽ đặt ống dẫn vào tĩnh mạch háng của bệnh nhân rồi đưa đầu ống đến đúng vị trí khối u. Sau đó khoảng 20.000-30.000 tia microspheres nhỏ có chứa thành phần kích hoạt yttrium - 90 sẽ được đưa vào. Những tia phóng xạ nhỏ tự tìm đường đến khu vực có khối u.

"Các tia phóng xạ có đường kính khoảng 1/3 của sợi tóc tấn công vào khối u ở gan và tiêu diệt chúng", giáo sư Chow giải thích. Ông nhấn mạnh so với xạ trị truyền thống, các tia xạ của phương pháp này được đưa đến một điểm cụ thể, trái với phương pháp chữa bệnh thông thường khi các tế bào xung quanh khối u cũng bị ảnh hưởng.

Phương pháp điều trị này được Bệnh viện Đa khoa Singapore áp dụng trên 200 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân được kéo dài sự sống trung bình sau phẫu thuật là 20 tháng. Song cũng có trường hợp sau khi điều trị, các khối u sẽ teo dần và có thể được cắt bỏ bằng sóng cao tần giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống hơn.

Chi phí điều trị theo phương pháp mới tại Singapore hiện tương đương với 500 triệu đồng. Việt Nam chưa áp dụng phương pháp điều trị này mà chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Theo các bác sĩ chuyên khoa gan mật tại Việt Nam, nguyên nhân chính của ung thư gan là do virus viêm gan. Loại virus này xuất hiện ở người châu Á nhiều hơn người châu Âu.Virus viêm gan B phổ biến hơn ở Đông Nam Á, trong khi một số vùng khác của châu Á thì virus viêm gan C lại phổ biến hơn.

Khi so sánh giữa một người có mắc bệnh viêm gan hoặc mang virus viêm gan và người không mang mầm bệnh, người mắc bệnh viêm gan hoặc mang virus viêm gan có nhiều khả năng mắc chứng ung thư gan hơn người không mang mầm bệnh. Viêm gan B gây ra khả năng mắc ung thư cao hơn viêm gan C.

Ung thư gan thứ phát có thể xảy ra khi một cơ quan khác trong cơ thể bị ung thư và di căn đến gan. Ở nhiều vùng ở châu Á, ungthư gan nguyên phát xảy ra nhiều hơn, trong khi ở châu Âu, ung thư gan thường là thứ phát.

Ung thư gan nguyên phát khó chữa trị hơn bởi virus viêm gan B gây ra những tổn thương để lại sẹo và làm gan chai lại, gây ra chứng xơ gan. Chứng xơ gan, ngay cả khi không phát triển thành ung thư gan cũng đã là một bệnh nghiêm trọng. Bệnh nhân thường phát hiện ung thư khi bệnh đã vào giai đoạn muộn.

Chiều 17/8, tại Lễ phát động phong trào toàn dân chung tay "đánh gục" virus viêm gan do Hội Gan mật Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị ngành y tế tăng cường truyền thông để người dân biết được tác hại của viêm gan virus và phòng bệnh.

Bà Doan cũng yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để phong trào thực sự được duy trì một cách có hiệu quả, thực hiện các biện pháp chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con.

 (Theo VNE)

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt không nhất thiết phải phẫu thuật

Những người ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu có thể theo dõi bệnh thay vì tiến hành phẫu thuật ngay, theo New York Times.


Điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu đã có thêm nhiều lựa chọn - Ảnh: Shutterstock

Một thí nghiệm lâm sàng có quy mô lớn đã được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả giữa phẫu thuật tuyến tiền liệt và chiến lược "chờ đợi đề phòng" ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu.

Sau ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở nam giới.

Thực tế cho thấy, 90% nam giới mắc bệnh ở giai đoạn đầu chọn điều trị ngay bằng phẫu thuật hoặc xạ trị.

Nghiên cứu kể trên được tiến hành tại Trung tâm Minneapolis Veterans Affairs chuyên nghiên cứu bệnh mãn tính (Mỹ).

Đối tượng nghiên cứu là 731 đàn ông ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Một nửa trong số này biết mình mắc bệnh qua xét nghiệm kháng nguyên đặc trưng tuyến tiền liệt (PSA).

Những người này tự chọn phẫu thuật hoặc chỉ quan sát căn bệnh mà không tiến hành điều trị cho đến khi bệnh có dấu hiệu tiến triển.

Sau 15 năm, đã có 354 người chết. Hầu hết những người này chết vì những nguyên nhân khác, không phải vì căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Không có sự khác biệt về tỷ lệ người chết ở nhóm đã tiến hành phẫu thuật và tỷ lệ người chết ở nhóm không điều trị bệnh.

Chỉ có khoảng 52 người, chiếm 7%, chết vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở nhóm đã phẫu thuật và nhóm không điều trị.

Tuy nhiên, ở quá trình phân tích lần hai, các nhà nghiên cứu phát hiện có sự khác biệt quan trọng giữa hai nhóm.

Theo đó, phẫu thuật có thể có lợi cho những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu có chỉ số PSA cao khi giảm được 13% nguy cơ tử vong so với nhóm không tiến hành điều trị.

Tiến sĩ Timothy J. Wilt, Giáo sư Y khoa tại Trung tâm Minneapolis Veterans Affairs chuyên nghiên cứu bệnh mãn tính, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu giúp người bệnh ở giai đoạn đầu có đủ tin tưởng hơn để lựa chọn chờ đợi và theo dõi bệnh thay vì tiến hành phẫu thuật ngay.

(Theo Thanhnien)

Ung thư trực tràng giai đoạn 1-3 nếu phẫu thuật và xạ trị thì khỏi bệnh được không BS?

Nếu ở giai đoạn 4 thì phương pháp trên có thể kéo dài sự sống được bao nhiêu năm?

Thưa các bác sĩ!

Cháu có câu hỏi nhờ các bác sĩ giải đáp giúp: Về bệnh ung thư trực tràng, cháu đã tìm hiểu qua mạng internet thì được biết tùy từng giai đoạn sẽ đưa ra tiên lượng tốt hay xấu. Cháu muốn hỏi thêm:

- Nếu ở giai đoạn từ 1-3 thực hiện phẫu thuật và xạ trị thì có thể khỏi được không hay tối đa cũng chỉ có thể sống thêm được 5 năm?

- Nếu ở giai đoạn 4 thì phương pháp trên có thể kéo dài sự sống được bao nhiêu năm?

Rất mong nhận được thông tin phản hồi của các bác sĩ. Trân trọng cảm ơn! - (Nguyen Thi Thuy)

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn,

Trước hết, bạn tham khảo điều trị căn bản của từng giai đoạn ung thư trực tràng sau đây:

- Giai đoạn 1: chỉ cần phẫu thuật, không cần hóa trị.

- Giai đoạn 2 hoặc 3, có hai lựa chọn điều trị như sau:

+ Phẫu thuật trước rồi sau đó hóa xạ trị kết hợp

+ Hóa trị trước, cho khối u nhỏ lại sau đó mới phẫu thuật rồi lại hóa trị bổ sung.

- Giai đoạn 4, phương pháp điều trị sẽ là hóa trị và có thể kết hợp phẫu thuật hoặc xạ trị tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Tiên lượng của ung thư trực tràng tùy thuộc vào các yếu tố: giai đoạn bệnh, tại thời điểm phẫu thuật khối u có bị vỡ hay không, kết quả giải phẫu bệnh (loại tế bào đó là loại gì). Điều trị hóa trị chỉ là để giúp giảm nguy cơ tái phát và tử vong.

Khả năng sống và tái phát lệ thuộc vào từng giai đoạn bệnh, ở giai đoạn sớm cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng là 5 năm là 75 - 90%, giai đoạn 2 cơ hội là 60%, và giai đoạn 3 là 30 - 45%. Ở giai đoạn 4, cơ hội là 5%. Ở giai đoạn 2 và 3, hóa trị sẽ giúp giảm tái phát.

Bên cạnh điều trị trên, bệnh nhân cần ăn nhiều rau quả, tập thể dục thể thao, tinh thần thoải mái và tái khám đều đặn.

Thân mến!

Meo.vn (Theo alobacsi)

Phương pháp nào điều trị ung thư ?

Bạn tôi năm nay 55 tuổi, không lấy chồng , không có con, đã mãn kinh 3 năm, gần đây thấy đau bụng vùng hạ vị, đi khám bệnh được bác sỹ chẩn đoán là ung thư buồng trứng trái, cần nhập viện điều trị ngay. Vậy tôi xin hỏi hiện nay điều trị ung thư có những phương pháp nào? Hiệu quả có cao không?

Xuân Lý – Hải Dương

Hiện nay có ít nhất bốn phương pháp để điều trị ung thư: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch trị liệu. Mục đích các phương pháp này là tiêu diệt tế bào ung thư mà cố gắng không gây tổn thương cho tế bào bình thường. Mỗi phương pháp có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau. Tiến bộ về kỹ thuật đã tăng hiệu quả và an toàn của các phương pháp và nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.

Khi một ung thư đã được xác định thì bác sĩ phải thảo luận với bệnh nhân về tất cả các phương thức trị liệu có thể được áp dụng, đồng thời cần hỗ trợ tinh thần bằng tâm lý trị liệu động viên tinh thần, xây dựng tinh thần lạc quan tin tưởng cho người bệnh là rất quan trọng và cần thiết.

- Phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cổ điển nhất nhưng cũng rất công hiệu đặc biệt là với ung thư thu gọn ở một phần nào đó của cơ thể. Khi phẫu thuật, tế bào ung thư được lấy đi càng nhiều càng tốt (phẫu thuật tối đa). Đôi khi tế bào lành cũng được cắt bỏ để chắc chắn là tế bào ung thư lẫn vào đã được loại bỏ hết. Hiệu quả tùy thuộc vào một số yếu tố: U bướu thu gọn ở một chỗ và chưa di căn; Tế bào ung thư tăng sinh chậm; Vị trí của u bướu; Khả năng chuyên môn của phẫu thuật viên; Công hiệu của các dịch vụ hỗ trợ như thuốc mê, kiểm soát ngừa nhiễm trùng, tiếp máu, dụng cụ phẫu thuật và chăm sóc sau khi mổ.

Xạ trị chữa ung thư tuyến giáp.

- Xạ trị

Quá nửa các loại ung thư được áp dụng chữa bằng xạ trị. Thông thường radiation được dùng cho ung thư không chữa được bằng phẫu thuật hoặc khi đã phẫu thuật mà có lo ngại ung thư tái phát. Sự thành công tùy thuộc vị trí của ung thư; mức độ mẫn cảm với phóng xạ; u thu gọn và không di căn. Mục đích xạ trị là để tiêu diệt tế bào ung thư và làm teo khối u bằng các làn sóng hoặc phân tử như proton, electron, rơngen -ray, gamma-ray. Có hai cách xạ trị:

a) Đưa hẳn vào u ung thư, sau khi mổ thì radiation chứa trong vật đựng được bác sĩ đặt ngay ở nơi mổ

b)Dùng máy để hướng radiation vào u bướu và tế bào ở xung quanh, có tác dụng tiêu diệt hữu hiệu trên tế bào ung thư đang tăng trưởng nhanh hơn là tế bào thường.

Tia xạ được đưa vào cơ thể với phân lượng rất nhỏ trong vòng ba hoặc bốn tuần lễ để có tác dụng mạnh lên tế bào ung thư và giới hạn ảnh hưởng lên tế bào lành. Tác dụng phụ thông thường là mệt mỏi, thay đổi trên da, ăn mất ngon.

- Hóa trị

Được dùng khi ung thư đã lan ra ngoài vị trí ban đầu hoặc khi có di căn ở nhiều địa điểm. Phương pháp sẽ hữu hiệu hơn nếu ung thư nhạy cảm với hóa chất; bướu còn nhỏ; khi bệnh nhân khỏe mạnh, có sức chịu đựng với tác dụng ngoại ý của thuốc. Có nhiều loại hóa chất khác nhau, mỗi hóa chất có tác dụng riêng biệt với từng ung thư bằng cách làm ngưng sự phân chia và sinh sản của tế bào ung thư. Khi không có sự phân bào thì tế bào tan vỡ, u bướu sẽ teo lại.

Hóa trị đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân và cũng giúp nhiều người khác giảm bệnh. Không như xạ trị hoặc phẫu thuật đòi hỏi khối ung thư thu gọn, hóa chất có thể phân tán khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư ở các nơi mà các phương pháp khác không thể giải quyết. Thuốc có thể uống nhưng đa số là truyền qua tĩnh mạch. Tác dụng phụ thường thấy là ói mửa, rụng tóc, mệt mỏi, dễ nhiễm trùng, thiếu máu.

- Miễn dịch trị liệu

Nói đến điều trị ung thư ta thường nghĩ ngay tới tiêu diệt tế bào bệnh bằng hóa chất, phóng xạ hoặc dao kéo phẫu thuật. Các phương pháp này rất công hiệu nhưng ít nhiều cũng gây tổn thương cho tế bào lành. Miễn dịch trị liệu không ảnh hưởng tới tế bào lành nhưng rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Mục đích của trị liệu này là tăng cường khả năng chống trả với bệnh tật của cơ thể, tăng sức chịu đựng của bệnh nhân với tác dụng ngoại ý của hóa trị, xạ trị đồng thời ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư.

Phương pháp này hiện nay đang được nghiên cứu kỹ càng và có nhiều triển vọng sáng sủa cho người bệnh.

Ngoài ra, tình trạng tâm trí của người bệnh cũng có ảnh hưởng tới kết quả điều trị ung thư và các bệnh nan y khác. Một hiểu biết cặn kẽ về bệnh tật, một thái độ sống tích cực, tinh thần lạc quan sẽ làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để đối phó với khó khăn của bệnh tật.


BS. Vũ Cường

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Xạ trị sau phẫu thuật giảm khả năng ung thư vú tái phát

Các nhà khoa học cho biết xạ trị giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát ung thư vú ở bệnh nhân trải qua phẫu thuật bỏ khối u.


Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Oxford, Anh phát hiện ra rằng xạ trị ngay sau khi phẫu thuật có thể giảm 50% khả năng bệnh tái phát.

Nghiên cứu này đã đánh giá số liệu từ hơn 10.000 phụ nữ trong thời gian hơn 10 năm và thấy rằng xạ trị có thể giảm nguy cơ ung thư vú lan rộng tới các phần khác của cơ thể và cứu mạng sống của nhiều người.

Tất cả phụ nữ tham gia nghiên cứu này trải qua phẫu thuật cắt bỏ u và được theo dõi trong giai đoạn 10 năm.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh tiến triển bệnh giữa bệnh nhân thực hiện xạ trị với những bệnh nhân không tiến hành liệu pháp xạ trị. Kết quả cho thấy xạ trị giảm khả năng ung thư vú tái phát và cải thiện tỉ lệ sống cho bệnh nhân.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Ung thư Anh, Hiệp hội Tim mạch Anh và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh.

Meo.vn (Theo Anninhthudo)

Ung thư vú sau điều trị, kiêng ăn gì?

Chuyên trang Khoẻ & Vui có nhận được thư của bạn đọc Nguyễn Nha Trang, 45 tuổi, ngụ ở Củ Chi (TP.HCM). Trong thư chị Trang cho biết bị ung thư vú, đã hoá trị 4 chu kỳ và xạ trị 25 lần. “Tôi xin đại diện một nhóm chị em cũng bị ung thư giống tôi nêu một số thắc mắc. Mong bác sĩ vui lòng giải thích để chúng tôi được rõ. Hiện chúng tôi rất hoang mang, lo sợ”, chị viết. Chúng tôi đã nhờ TS.BS Trần Văn Thiệp, trưởng khoa điều trị ngoại 3 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trưởng bộ môn ung thư học khoa y đại học Y dược TP.HCM có đôi lời trao đổi cho những thắc mắc này, mong rằng hữu ích cho cả những bạn đọc khác.

Trong giai đoạn vô hoá chất, khi vô thuốc xong về nhà, qua hôm sau nếu ăn nho thì coi như công cốc phải không?

Hiện nay với các bệnh nhân được hoá trị hay xạ trị, các bác sĩ thường khuyên không uống các chất chống oxy hoá, vì chất này bảo vệ tế bào bình thường của cơ thể khỏi bị gây độc thì cũng có thể làm giảm tác dụng của hoá trị, xạ trị đối với tế bào ung thư. Trái nho có chất chống oxy hoá (resveratrol ở vỏ và polyphenol ở hạt) nên nhiều bệnh nhân không dám ăn nho trong lúc điều trị. Tuy nhiên, ăn một vài trái nho thì không đến nỗi làm mất tác dụng của thuốc.


Người đang điều trị ung thư không nên dùng nhiều thực phẩm chứa chất chống oxy hoá như nho, cũng nên hạn chế thịt đỏ như thịt bò do chứa nhiều chất béo (chứ không phải vì nuôi tế bào ung thư như có người nghĩ). Ảnh: Hồng Thái

Ung thư vú sẽ tái phát sau một năm?

Sau điều trị, ung thư vú có thể tái phát tuỳ giai đoạn bệnh và một số yếu tố khác liên quan tới đặc điểm sinh học của cơ thể. Nếu tái phát thì thường xảy ra trong hai năm đầu sau điều trị, tuy nhiên việc theo dõi tái phát cần được thực hiện theo định kỳ và lâu dài.

Tại sao tôi được chỉ định uống thuốc Tamoxifen năm năm, còn có chị bị giống hệt thì bác sĩ không cho uống? Thuốc này theo tờ hướng dẫn có tác dụng phụ nguy hiểm như ung thư tử cung… Vậy tôi không uống có được không?

Chị được chỉ định uống Tamoxifen năm năm là điều đáng mừng vì xét nghiệm định thể ER, PR của chị dương tính, do đó thuốc mới có tác dụng làm giảm tái phát ung thư. Bạn của chị không được cho uống thuốc này có thể do xét nghiệm ER, PR âm tính nên việc dùng thuốc này không có lợi ích.

Khi đang vô hoá chất lần ba thì tôi bị mất kinh và bác sĩ điều trị nói uống Tamoxifen sẽ làm mất kinh luôn. Nếu đang uống thuốc mà có kinh thì rất nguy hiểm. Vậy “nguy hiểm” ở đây có phải là ung thư tử cung không?

Khi đang hoá trị mà bị mất kinh là do tác dụng của hoá chất. Tình trạng mất kinh tuỳ thuộc vào loại hoá chất điều trị. Tamoxifen cũng có tác dụng làm chu kỳ kinh nguyệt ít đi. Đang điều trị Tamoxifen mà có kinh nguyệt kéo dài và bất thường nên được khám phụ khoa để đánh giá tác dụng phụ của thuốc có làm dày nội mạc tử cung hay không. Tuy nhiên, ung thư nội mạc tử cung gây ra do dùng Tamoxifen rất hiếm gặp: chỉ 1 – 2/1.000 với thời gian điều trị và theo dõi lâu dài. Chị nên yên tâm điều trị vì Tamoxifen làm giảm tái phát ung thư vú rất cao.

Nếu bị ung thư vú thì không được ăn các sản phẩm làm từ đậu nành phải không? Trên mạng và một tờ báo có đăng bài như thế?

Trước đây các nghiên cứu cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành có chứa isoflavone là chất giống như estrogen có thể làm ung thư vú phát triển. Nhưng isoflavone cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú, nhất là bệnh nhân châu Á như chúng ta. Chị có thể yên tâm uống sữa đậu nành và ăn đậu hũ nếu thích.

Cần tránh ăn những món gì và nên ăn những gì để tốt cho sức khoẻ? Bệnh này sau khi điều trị xong thì sống được bao nhiêu năm nữa? Nghe nói không được ăn thịt bò vì thịt bò nuôi tế bào ung thư mau phát triển, có đúng không?

Sau điều trị ung thư vú, nếu có chế độ ăn và luyện tập phù hợp sẽ góp phần làm giảm tái phát ung thư cũng như các lợi ích khác cho cơ thể. Bệnh nhân nên dành thời gian tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, đơn giản nhất là đi bộ, tránh tăng cân, béo phì. Cần ít ăn thịt đỏ nói chung vì có nhiều chất béo không tốt cho sức khoẻ nói chung, chứ không phải ăn thịt bò sẽ nuôi tế bào ung thư mau phát triển như chị đã nghe nói. Ngoài ra, nên ăn nhiều trái cây, cá và ngũ cốc, kể cả đậu nành.

Chúc chị sống khoẻ.

Có phải bị tái phát ung thư đại tràng?

Ba tôi bị ung thư đại tràng, đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, mở hậu môn nhân tạo vào năm 2007 và hoá trị liên tiếp từ sau khi mổ đến nay tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Hiện cách một tuần, ba tôi vào hoá trị một lần nhưng chỉ số CEA và CA 19.9 càng ngày càng tăng cao. Mong được bác sĩ cho lời khuyên… Hương Xuân (spring198711@...)

TS.BS Trần Văn Thiệp: Ung thư đại tràng chỉ số CEA và CA 19.9 là yếu tố gợi ý theo dõi tái phát sau khi điều trị. Khi các dấu hiệu này tăng thì bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm khác về siêu âm, nội soi để xác định chẩn đoán. Trường hợp ba của chị cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ đang điều trị để có hướng dẫn cụ thể.

TS.BS TRẦN VĂN THIỆP

Meo.vn (Theo SGTT)

40 năm vẽ tranh giúp vợ chữa bệnh

“Monica không chỉ là vợ mà còn là người bạn thân thiết nhất của tôi” - ông Ronald Searle (91 tuổi, một nghệ sĩ vẽ tranh biếm họa) đã nhận xét như thế về người vợ vừa mới qua đời của mình.

 

Một bức họa ông Ronald vẽ tặng bà Monica -  Ảnh: Dailymail

Gặp nhau lần đầu tại Paris vào năm 1958, Ronald và Monica đã dành thời gian dài tìm hiểu nhau trước khi tổ chức đám cưới và dọn về sống ở vùng núi Haute-Provence (miền nam nước Pháp). Vài năm sau ngày cưới, Monica bị ung thư vú và bác sĩ tin rằng bà chỉ có thể sống tối đa vài tháng.

Không tuyệt vọng, ông Ronald đã động viên bà Monica tích cực chữa bệnh. Thời điểm năm 1969, liệu pháp hóa trị và xạ trị vẫn còn ở dạng sơ khởi, bệnh nhân luôn phải chịu những tác dụng phụ đầy đau đớn. Chứng kiến cảnh vợ đau đến nghẹn lời trên giường bệnh, ông Ronald tự nhủ phải tìm cách động viên tinh thần vợ.

“Tôi chỉ biết vẽ và thế là tôi đã vẽ những khoảnh khắc đáng yêu ở nàng. Trong mỗi bức tranh đều xuất hiện những nụ cười đầy lạc quan và hi vọng. Tôi đặt tên nhân vật nữ là bà Mole” - ông Ronald cho biết.

Kỳ diệu thay, những bức tranh trên phần nào giúp sức khỏe bà Monica hồi phục nhanh chóng sau 47 lần hóa trị, xạ trị đầy khắc nghiệt. Ông Ronald khẳng định: “Khi Monica nhìn vào những bức tranh này, ánh mắt của bà lại ánh lên niềm hi vọng”.

Hai người sau đó đã tiếp tục có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau trước khi bà Monica qua đời vào tháng 7-2011.

“Nguyện vọng của Monica là sẻ chia những bức tranh này cho những ai cần chúng. Và tôi quyết định sẽ xuất bản một tuyển tập các bức tranh trên trong tháng hành động để nâng cao nhận thức về ung thư vú. Một phần tiền sẽ được dùng cho hoạt động từ thiện” - ông Ronald cho biết.

Meo.vn (Theo Dailymail)

Mẹ bệnh, có nên cho bé bú?

Một số người cho rằng, khi mẹ bị tiêu chảy và sốt thì không nên cho bé bú. Theo họ, đây là thời điểm nhạy cảm, dễ lây bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho rằng, trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, ngoài những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối và tương đối, bà mẹ nên cố gắng cho con bú.

Những trường hợp có chỉ định tuyệt đối không cho con bú gồm: bệnh lao đang tiến triển; ung thư đang được điều trị bằng xạ trị và phẫu trị; HIV/AIDS.

Những trường hợp chống chỉ định tương đối: viêm gan B đang tiến triển, rubella, thủy đậu, bà mẹ suy kiệt nặng...

Ngoài những trường hợp nói trên, bà mẹ nên cho con bú. Khi mẹ bị sốt hay ho, cảm, tiêu chảy, táo bón… vẫn có thể cho bé bú. Bác sĩ Ngọc Diệp phân tích, nếu mẹ bị các bệnh như ho, cảm…thì chất lượng sữa vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để tránh cho bé không lây bệnh, bà mẹ nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc qua đường hô hấp như hôn trẻ, hắt xì trước mặt trẻ…

Mục đích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là giúp trẻ hoàn thiện và phát triển về tinh thần và thể chất, nên ngoài những trường hợp chống chỉ định trên, bà mẹ nên cho con bú bất cứ lúc nào bé cần. Nếu vẫn chưa chắc chắn, bà mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng để có được lời khuyên tốt nhất.

Meo.vn (Theo PNO)