Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
‘Bún ngan ở khắp ngóc ngách Hà Nội anh đều đã ăn qua, nhưng chưa chỗ nào thấy ngon như ở đây’, một người bạn sành ăn nói vậy và dắt tôi đến đoạn ngã tư phố Hai Bà Trưng giao với Ngô Quyền.
Khi dừng xe, hơi ngạc nhiên khi anh bạn ‘lôi’ tôi vào một quán vỉa hè, trông khá tối tăm, chỉ sáng hơn nhờ ánh đèn điện của những gian hàng kế bên. Lạ hơn nữa là vào cái buổi tối mùa đông se lạnh này thế này, cũng có khá nhiều người ‘kì quặc’ như chúng tôi, mặc cho gió thổi lạnh tê người, vẫn ngồi co ro vừa xì xụp ăn, vừa rôm rả chuyện trò. ‘Quán này mở hơn chục năm nay rồi, chỉ bán vào buổi tối. Đừng khinh nó là quán vỉa hè, đồ ở đây chẳng rẻ đâu nhé. Thế mà vẫn đông, vì ngon mà!’, bạn tôi khẽ giới thiệu. Quả thật, nhìn dọc khách nhấp nhô đông đúc, tôi cũng tin lời anh.
Đây là suất bún chấm.
Trông không đầy đặn lắm nhưng miếng thịt nào cũng to ngon.
Chúng tôi gọi một bán bún chấm, một bát bún nước và một bát tiết luộc. Chỉ 5 phút sau, đồ ăn đã ra. Ở đây, bát gì cũng to nhưng không đầy ắp mà trông hơi ‘điêu điêu’. Tôi thấy hơi bất mãn. Tạm gác suy nghĩ thiếu cảm tình đó, tôi bắt đầu cầm thìa đũa lên, nếm thử thứ bún ngan mà theo lời anh bạn mình là ‘ngon nhất Hà Nội’.
Quả nhiên, anh ấy không hổ danh người sành ăn. Vừa dùng thử chút nước canh nóng hổi tôi đã không thể không gật gù: ‘Công nhận nước dùng ở đây ngọt thật, ngọt ngon chứ không phải ngọt mì chính’. Trong cái buổi tối lành lạnh, bụng lại đang rỗng tuếch, húp được miếng nước canh ‘đẳng cấp’ thế này quả là giá trị. Bát bún vơi nhưng được cái miếng ngan nào cũng to, mềm, có nhiều măng khô nhai giòn giòn sật sật, cộng với nước canh ngọt lịm, quả xứng đáng có danh hiệu ‘đệ nhất bún ngan’… vỉa hè.
Thấy tôi cắm đầu cắm cổ ăn, anh bạn bảo: ‘Em ăn thêm cả tiết luộc nữa mới ngon!’. Giờ thì tôi mới để ý đến bát tiết luộc nóng, những miếng tiết óng lên màu nâu sậm đang bốc khói như mời chào. Nhìn qua thấy trong bát chỉ có chừng 5-7 miếng to to, nhiều măng khô và nước dùng. Tôi nhanh nhảu gắp một miếng, thổi phù phù cho bớt nóng rồi đưa lên miệng cắn. Lần này thì tôi có cảm giác thích thú thực sự. Tiết rất mềm lại hơi dai dai, nhai vài đường cơ bản là tan nhanh trong miệng. Chấm với chút nước mắm gia vị chanh nữa thì đúng là ngon ‘tuyệt cú mèo’. Ăn hết một miếng tôi không thể ngừng được, tiếp tục vừa xuýt xoa vừa ‘chén’ miếng thứ hai.
Một ‘đĩa chặt’.
Bát tiết luộc ở đây ngon nhưng khiêm tốn quá, khua đũa vài cái, ‘ăn đùa’ trong ít phút đã hết veo, mà bụng dạ thì vẫn thấy lỏng lẻo, giá lại đắt ngang một suất bún ngan bình thường là 20.000 đồng/bát. Tuy nhiên, chắc nhiều người cũng giống như tôi, mặc dù bị ‘chém’ song vẫn thấy đáng đồng tiền bát gạo. Tôi chợt nhận ra một điều thú vị nữa, có khi những tối mùa đông thế này, ngồi ‘ôm’ một bát tiết luộc hay một bát bún giữa cái vỉa hè hun hút gió lại làm người ta thấy sướng làm sao.
Khi đã tạm ấm ruột, tôi đảo mắt nhìn xung quanh thấy hầu như nhóm nào đến đây ăn cũng gọi một ‘đĩa chặt’, có nghĩa đĩa ngan đã chặt sẵn để nhâm nhi. Anh bạn tôi lại bật mí thêm một kinh nghiệm: ‘Em để ý mà xem, những cửa hàng chuyên bún gà, vịt hay ngan nào mà càng bán được nhiều đĩa chặt thế kia thì nước dùng của họ càng ngon. Vì như thế chứng tỏ số lượng ngan gà vịt họ bán một ngày nhiều thì nước luộc càng chất lượng. Em ăn thử rồi chắc cũng thấy phải không?’. Nói chung, từ đầu tới cuối, nghe anh bạn nói tôi chỉ biết gật gù, vì cái gì anh nói cũng chuẩn, cũng hay, mà đồ ăn thì tôi cũng đã chén sạch. Bản thân tôi, sau ngày hôm nay lại thu thập thêm được một đỉa chỉ ẩm thực vỉa hè lí tưởng và tự nhủ: ‘Chắc chắn lần sau sẽ rủ bạn bè tới đây họp nhóm!’.