Lưu trữ cho từ khóa: khàn tiếng

Giọng của bé lúc nào cũng khàn khàn là do bệnh gì?

Cháu ngoại tôi 5 tuổi, từ nhỏ cháu khỏe mạnh nhanh nhẹn và rất thông minh. Tuy nhiên, giọng của cháu lúc nào cũng khàn khàn. Liệu cháu bị bệnh gì ở họng? – (Nguyễn Thị Vân Anh)

giong-cua-be-luc-nao-cung-khan-khan-la-do-benh-gi

Ảnh minh họa – Internet

Họng và thanh quản đem lại tiếng nói cho con người, nhờ sự rung động của hai dây thanh khi luồng không khí đi ra từ phổi.

Khi trẻ bị mất tiếng hoặc nói khàn tức là bộ phận này đã bị tổn thương. Khàn tiếng do nhiều nguyên nhân, thường gặp trong viêm thanh quản cấp. Bệnh thường khởi phát bằng một nhiễm khuẩn hô hấp trên: sau khi sổ mũi, xuất hiện triệu chứng đau họng, ho, khàn tiếng. Nếu điều trị hết viêm thì sẽ hết khàn tiếng.

Theo thư bạn mô tả thì rất có thể cháu ngoại bạn bị khàn tiếng tăng động. Khàn tiếng tăng động ở trẻ nhỏ do trẻ dùng giọng quá sức mà chủ yếu do la hét nhiều khi khóc hoặc chơi đùa trên cơ sở yếu tố nhược cơ dây thanh sẵn có. Biểu hiện bằng khàn tiếng ở những mức độ khác nhau mà không tương ứng với các thay đổi ở thanh quản khi khám bệnh.

Quan sát khi phát âm trẻ thường phải gắng sức, trương lực cơ cổ căng, sức nén của thành bụng mạnh. Khàn tiếng tăng động ở trẻ thường kéo dài rất lâu. Nếu không tích cực chữa trị có thể phát sinh những biến đổi không hồi phục của dây thanh như teo bờ tự do dây thanh làm cho trẻ khàn tiếng vĩnh viễn, nói thường xuyên mệt.

Điều trị phục hồi giọng bằng uốn nắn cách phát âm cho trẻ. Kiên trì thuyết phục trẻ không được la hét; Điều trị chống viêm kèm theo khi có hiện tượng viêm nhiễm; Điều trị sớm khi trẻ có biểu hiện của viêm mũi họng. Tuy nhiên, khàn tiếng cũng có thể do u xơ dây thanh, dị tật dây thanh âm… Nếu có điều kiện bạn cho cháu đi khám nội soi vòm để chẩn đoán xác định.

BS.Trần Thanh Hà

Theo Suckhoedosiong.vn

Khàn tiếng – Chớ nên xem thường

Bỗng dưng tiếng nói bị khàn, nhiều người nghĩ có lẽ bị viêm họng vài ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu một số bệnh họng, dây thanh, thậm chí là ung thư.

khan-tieng-cho-nen-xem-thuong

Ảnh minh họa: internet

“Kết” những người… nói nhiều

Thanh quản đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành tiếng nói. Thanh quản có hai dây thanh âm, bình thường khi thở, hai dây thanh mở ra. Khi phát âm, hai dây thanh khép sát nhau ở đường giữa, dưới áp lực luồng khí từ phổi lên, niêm mạc dây thanh bắt đầu có sóng rung lên, tạo ra tiếng nói.

TS-BS Trần Việt Hồng – Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhân Dân Gia Định cho biết, khàn tiếng là khi hai dây thanh không đóng kín, hoặc bị tổn thương, dày cứng, rung động không đều.

Ở những người có tính chất công việc phải nói nhiều như giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ, bán hàng… hoặc trẻ nhỏ hay la hét, chơi đùa… dây thanh có lúc bị căng quá mức. Niêm mạc của hai dây thanh va chạm nhiều, gây sung huyết phù nề, từ đó tạo thành u lành tính như hạt xơ dây thanh, u nang, polyp dây thanh… làm khàn tiếng.

Khi bị viêm mũi, viêm VA, dịch mũi sẽ chảy xuống, làm viêm thanh quản, cũng gây khàn tiếng. Những người bị axit ở dạ dày trào ngược lên làm hai dây thanh phù nề, lâu ngày cũng diễn tiến thành viêm dây thanh, phù nề niêm mạc. Những người nghiện rượu, thuốc lá, sống ở môi trường ô nhiễm; mắc một số bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, mất tính đàn hồi của dây thanh do tuổi tác… cũng dễ bị khàn tiếng. Ngoài ra, gần đây có nhiều bệnh nhân bị liệt thanh quản do chấn thương sọ não, tổn thương vùng cổ, sau các phẫu thuật mổ tuyến giáp, phẫu thuật ở cổ, phổi trung thất, sọ não, hay do một số bệnh lý u, ung thư từ cổ đến phổi…

khan-tieng-cho-nen-xem-thuong

Can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao

Theo TS-BS Trần Việt Hồng, ở trẻ nhỏ, nếu khàn tiếng do la hét quá nhiều thì sau vài ngày hạn chế nói, la hét, bệnh sẽ tự hết. Nhưng cũng có trường hợp la hét quá nhiều, quá to, gây tụ máu dây thanh, dẫn đến viêm thanh quản cấp, nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ gây phù thanh quản cấp, gây khó thở, thiếu oxy não, chậm trễ có thể gây tử vong.

Nếu bị khàn tiếng do các bệnh nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh mũi xoang, viêm họng, VA, cần điều trị nguyên nhân gây bệnh thì khàn tiếng sẽ giảm.

Trường hợp khàn tiếng do u lành tính, hạt xơ, u nang, polyp, phù reinke, u hạt, cần phải phẫu thuật loại bỏ u. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ sẽ khó hơn người lớn vì trẻ là lứa tuổi năng động, không ý thức được bệnh nên nguy cơ tái phát rất cao. Cần khuyên các cháu hạn chế nói và uống nước nhiều khi thời tiết nóng.

Một số trường hợp khàn tiếng do thanh môn khép không kín khi phát âm, teo dây thanh, liệt dây thanh… thì có thể phẫu thuật ở cổ để cấy vật liệu đẩy dây thanh bên liệt vào trong; Hoặc cấy tiêm mỡ tự thân vào dây thanh để giúp dây thanh khép kín.

Trước và sau phẫu thuật, việc phục hồi giọng bằng cách luyện âm và biết phát âm đúng cách đóng vai trò rất quan trọng. Phương pháp này đơn giản, ít tốn kém, do các chuyên gia thanh học hướng dẫn.

“Những bệnh nhân khi bị khàn tiếng, đã điều trị nội khoa, hoặc nghỉ ngơi, hạn chế nói trong một – ba tuần mà vẫn còn khàn tiếng thì nên đến bác sĩ tai mũi họng để khám nội soi thanh quản, kiểm tra tổn thương thực thể dây thanh” – TS-BS Trần Việt Hồng khuyến cáo.

Theo Phunuonline.com.vn

Cần khám và điều trị bệnh khản tiếng thế nào?

Tôi bị khản giọng, ngày thứ 2 thì gần như mất hẳn tiếng, cổ họng đau rát. Tôi đã dùng kháng sinh gần 1 tuần nhưng vẫn chưa khỏi. Xin hỏi tôi cần khám và điều trị thế nào? Liệu có nguy hiểm không?

[email protected]
/* */

can-kham-va-dieu-tri-benh-khan-tieng-the-nao

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn,

Khản tiếng là dấu hiệu của nhiều bệnh liên quan tới vùng hạ họng, hay gặp hơn cả là do viêm thanh quản. Thanh quản là đường dẫn khí tương ứng với phần trên và phần giữa của cổ, có 2 dây thanh đới khi rung lên tạo nên âm sắc cho giọng nói, vì vậy mọi hiện tượng viêm hay kích thích thanh quản đều ảnh hưởng đến âm sắc.

Nhiễm lạnh (uống nước đá lạnh), nói nhiều, uống nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá, stress (căng thẳng thần kinh), mỏi mệt về thể chất, dị ứng hay hít phải chất lạ nào đó; tình trạng nhiễm khuẩn vùng lân cận (viêm xoang, mũi hay phế quản), cũng có thể gây viêm thanh quản.

Về điều trị: nếu viêm thanh quản cấp thì chỉ cần cho thanh quản nghỉ ngơi, xông hơi, uống nước nóng pha chanh hay mật ong, bỏ thuốc nếu hút thuốc… Cũng cần biết rằng, viêm thanh quản do virut thì điều trị bằng kháng sinh là không cần thiết.

Nếu do khối u, hay polyp thì cần phẫu thuật… Trường hợp của bạn đã dùng thuốc kháng sinh mà không khỏi, cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để tìm nguyên nhân thì điều trị mới hiệu quả.

Nên nhớ mọi trường hợp khản tiếng kéo dài hoặc có khó khăn khi nuốt đều phải đi khám nội soi hạ họng vì có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng vùng hầu họng (ung thư vòm, polyp thanh quản).

BS. Trần Quang Nhật

Theo Suckhoedoisong.vn

Các bài thuốc điều trị mất tiếng

Mất tiếng hay còn gọi là khan tiếng, đây là một loại bệnh mà triệu chứng đặc biệt là phát ra tiếng nói không rõ, âm thanh khàn, thậm chí không thể phát âm được. Theo Đông y, trong triệu chứng này, phổi và thận có quan hệ mật thiết nhau.

Trên lâm sàng chia ra 4 loại hình

Loại hình phong hàn: triệu chứng thường thấy là phát bệnh nhanh, tiếng nói không rõ, âm khàn, đau đầu, sổ mũi, ho không ra tiếng, lạnh run phát sốt.

Loại hình phong nhiệt: triệu chứng thường thấy là phát ra âm thanh không rõ, âm thanh nặng đục, miệng nóng, cổ khô, ho ra đờm vàng đặc.

Loại hình phế nóng: triệu chứng chủ yếu là đổ mồ hôi, âm khàn, miệng khô họng nóng, ho khan không đờm.

Loại hình phế thận âm hư: triệu chứng thường thấy là bệnh khởi phát từ từ, dần dần âm khàn, họng khô lâu ngày không hết, hoặc ho khan không đờm, tâm ngũ phiền nhiệt, choáng váng ù tai, lưng gối mỏi nhừ.

Trong y học hiện đại, chứng này có thể thấy ở các bệnh viêm đường hô hấp, viêm họng hạt.

cac-bai-thuoc-dieu-tri-mat-tieng

Ảnh minh họa – Internet

Các bài thuốc điều trị

Bài thuốc 1:

hạnh nhân 3g, quế chi 1g.

Thành phần 2 vị trên phải là tỷ lệ 3/1. Hạnh nhân bỏ vỏ, hạt. Quế chi mài thành bột, cho hạnh nhân vào giã nhuyễn, cho vào bao vải vắt lấy nước, mỗi ngày uống 5 – 6 lần.

Bài thuốc này có tác dụng thông phổi, tán hàn. Chủ trị mất tiếng do phong hàn dẫn đến chứng sổ mũi…

Bài thuốc 2: nước mía 100 – 150ml, gạo 50 – 100g.

Gạo vo sạch, đổ nước mía vào, đô thêm lượng nước thích hợp nấu cháo mỗi ngày ăn 1 – 2 lần.

Bài thuốc này có tác dụng thanh phế nhuận táo, có thể trị mất tiếng do phổi nóng, đổ mồ hôi dẫn đến.

Bài thuốc 3: đông qua thái khô 30 – 50g, gạo 100g.

Cho cả 2 vào nồi, đổ vào lượng nước thích hợp nấu cháo, cho thêm ít dầu lạc.

Bài thuốc này có tác dụng trị mất tiếng do phổi nóng, toát mồ hôi dẫn đến, có tác dụng thanh phế nhuận táo.

Bài thuốc 4: củ cải tươi lượng thích hợp, một ít nước gừng tươi. Củ cải tươi bỏ vỏ, giã nhừ, vắt lấy nước, pha nước gừng tươi vào, mỗi ngày uống một lượng tùy thích.

Bài thuốc này chủ trị âm khàn không rõ, ho không thoải mái, sổ mũi do ngoại cảm phong hàn dẫn đến, có tác dụng thông phổi khử hàn, uống lâu ngày có hiệu nghiệm rất rõ.

BS. Thu Hương

Theo Suckhoedoisong.vn

Khàn tiếng kéo dài – Nguy cơ bị ung thư thanh quản

Người bị khàn tiếng kéo dài mà không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể bị ung thư thanh quản.

Theo PGS. TS. Lương Thị Minh Hương, Khoa Nội soi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khàn tiếng là sự rối loạn về phát âm. Nguyên nhân khàn tiếng có thể do viêm nhiễm, khối u, liệt dây thanh, chấn thương hay do dị vật.

Tùy theo nguyên nhân khàn tiếng các bác sỹ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Đối với nguyên nhân khàn tiếng do bị viêm nhiễm vi khuẩn thì điều trị bằng kháng sinh, đối với nguyên nhân do vi rút thì điều trị bằng thuốc giảm viêm, giảm phù nề. Đối với nguyên nhân do khối u thì tuỳ thuộc vào lành tính hay ác tính sẽ có cách điều trị khác nhau, thông thường là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đối với nguyên nhân do dị vật thì tiến hành phẫu thuật lấy dị vật ra.

khan-tieng-keo-dai-nguy-co-bi-ung-thu-thanh-quan

Ảnh minh họa

Cũng theo PGS. TS. Lương Thị Minh Hương, nếu không điều trị kịp thời và phù hợp thì khàn tiếng có thể gây ra biến chứng, ảnh hưởng đến giao tiếp, sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Tùy theo nguyên nhân gây khàn tiếng có thể gây những biến chứng khác nhau.

Ví dụ viêm thanh quản cấp mà không được điều trị sẽ dẫn đến viêm thanh quản mãn. Viêm thanh quản mãn mà không được điều trị sau này có thể gây ra các khối u lành tính ở thanh quản như: hạt sơ dây thanh, poluyp dây thanh hoặc u nang dây thanh.

Các viêm nhiễm gây khàn tiếng lâu dài mà không điều trị, đặc biệt là nam giới có cơ địa thuận lợi mắc bệnh như hút thuốc lá, uống rượu thì có thể dẫn đến ung thư thanh quản.

Cách tốt nhất để phòng ngừa khàn tiếng là tránh bị viêm họng, tránh nói nhiều, nói lớn và hãy nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… Trong trường hợp khàn tiếng kéo dài cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị.

(Theo VnMedia)

Bạn sẽ làm gì khi bị khàn giọng?

Khàn giọng (khan tiếng) có thể là một tình huống cấp tính của tắc nghẽn thanh quản, gây nguy hiểm tức thời đòi hỏi phải giải quyết cấp cứu như sốc phản vệ, bỏng đường hô hấp, dị vật, bệnh bạch hầu thanh quản… nhưng phần lớn đa số lành tính có thể can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng là dấu hiệu đe dọa tiềm ẩn của chứng bệnh ung thư. Vậy bạn sẽ làm gì khi mình khàn giọng?

khan-giong
Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây khàn giọng

Nguyên nhân tiên phát:

- Viêm thanh quản cấp tính: viêm thanh quản do virút, viêm thanh quản do vi khuẩn, viêm nắp thanh quản cấp tính, viêm phế quản do vi khuẩn.

- Viêm thanh quản mãn tính: khói thuốc lá tiếp xúc: kích thích và gây viêm thanh quản phù nề dây thanh âm.

Hét to, nói to… nhiều (nguyên nhân phổ biến nhất); trào ngược dạ dày (trào ngược viêm thanh quản); polyp thanh quản, Khối u thanh quản; dị vật; nang dây thanh.

- U hạt chấn thương (Traumatic Granuloma) do từ đặt nội khí quản.

Nguyên nhân thứ phát: do suy giáp, nhược cơ, liệt hành tủy, các bệnh hệ thống khác: viêm khớp dạng thấp, gout, lupus đỏ hệ thống, chấn thương (ví dụ như đặt nội khí quản).

Nguyên nhân gây tổn thương thần kinh thanh quản: phẫu thuật (tuyến giáp, cổ, ngực); các bệnh ác tính: ung thư tuyến giáp, ung thư thực quản, ung thư phổi; bệnh lý thần kinh: bệnh thần kinh đái tháo đường, bệnh lý thần kinh do virút.

Nguyên nhân gây khàn giọng chức năng (không có nguyên nhân gây tổn thương thực thể): chứng khó phát âm do co thắt, chứng tắt tiếng (hoàn toàn không có tiếng nói)…

Những yếu tố thuận lợi:

Khô niêm mạc thanh quản, ví dụ: độ ẩm thấp, tắc nghẽn mũi, hút thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc phản ứng phụ của thuốc(như thuốc kháng histamine, hít steroids, và những chất chống tiết cholin (anticholinergics); nhiễm trùng đường hô hấp trên; mất tính đàn hồi của dây thanh âm do tuổi tác (lão hóa của giọng nói).

Điều trị khàn giọng như thế nào?

Việc điều trị sẽ dựa vào những nguyên nhân gây bệnh. Điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi(hạn chế nói), luyện âm, dùng thuốc men và/ hoặc phẫu thuật. Các biện pháp không cần phẫu thuật là chữa trị chọn lựa đầu tiên đối với hầu hết các tổn thương lành tính của thanh quản. Bạn nên lưu ý: bất kỳ bệnh nhân bị khàn giọng kéo dài trên 3 tuần không rõ nguyên nhân cần khám và xét nghiệm để loại trừ bệnh ác tính.

Chữa trị không phẫu thuật

Giữ gìn giọng nói: hạn chế nói được sử dụng cho viêm thanh quản cấp tính, nói chung là các trình trạng khác gây sưng, phù nề cấp tính thanh quản. Trong giai đoạn nghỉ ngơi, bạn nên hạn chế các hành vi lạm dụng giọng nói, hát để ngăn chặn thiệt hại thêm dây thanh âm, thời gian khoảng từ một tuần đến vài tuần tùy thuộc vào từng bệnh lý và cân bằng vấn đề khác, như bạn cần phải sử dụng tiếng nói tại nơi làm việc.

Điều trị bằng thuốc men: gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid, thuốc tiêu nhầy, thuốc chống trào ngược, và các thuốc chống viêm non- steroid. Cụ thể:

Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản (nếu nghi ngờ): lưu ý về chế độ ăn uống. Các thuốc điều trị bệnh dạ dày như thuốc  ức chế bơm proton, thuốc kháng tiết acid, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày…

Điều trị các bệnh như trên đã đề cập như: nghiện rượu, dị ứng viêm phế quản, viêm thanh quản…

Luyện âm: bác sĩ sẽ hướng dẫn các kỹ thuật để giảm thiểu các hành vi có hại và những cách thức để đạt được hiệu quả phát âm tốt. Bao gồm: kỹ thuật vệ sinh thanh âm, thư giãn và hít thở, các bài tập luyện âm (gồm các bài tập để tăng cường các dây thanh âm, giúp thư giãn và tập thở và các bài tập nhằm cải thiện). Luyện âm có thể hỗ trợ  điều trị có hiệu quả cho cả hai tình huống do tổn thương thực thể (như nốt sần và polyp) và do nguyên nhân không có tổn thương thực thể (như khàn tiếng do căng cơ).

Nên khám bác sĩ nếu:

- Khó thở hoặc khó nuốt.

- Khàn giọng kèm theo chảy nước dãi, nước mũi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Trẻ em dưới 3 tháng tuổi bị khan giọng.

- Khàn giọng kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ em, hoặc 3 tuần đối với người lớn.

Chuyển đến  bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng: nếu như việc điều trị xem ra không thay đổi và không có cải thiện, để kiểm tra tỉ mỉ giọng nói và làm các đánh giá sâu hơn nhờ những phương tiện chẩn đoán như nội soi…

Chữa trị bằng phẫu thuật việc điều trị bằng phương pháp này: tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ mà hướng xử lý khác nhau, như: từ tiêm chích thuốc, điều trị bằng laser, mổ nội soi hoặc mổ hở với phạm vi khác nhau.

Với chứng khó phát âm do co thắt (spasmodic dysphonia): điều trị bằng chích botulinum toxin hoặc vào các cơ nhẫn – phễu sau, hoặc vào các cơ nhẫn – giáp.

Thường hay gặp là phẫu thuật những tổn thương như nang dây thanh (thường được chỉ định cắt càng sớm càng tốt), các nốt sần và các polyp nếu có, hiệu quả nhất hiện nay là qua ống  nội soi mềm. Ngoài ra, với trường hợp ung thư thanh quản thì tùy thuộc mức độ mà bác sĩ có thể áp dụng phẫu thuật bảo tồn hay cắt một phần thanh quản, hay cắt bỏ thanh quản toàn phần, sau phẫu thuật này người bệnh phải thở qua lỗ mở của khí quản trực tiếp khâu nối ra vùng da ở cổ, đi kèm tia xạ và vô hóa chất.

- Bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật  khác nhau để điều trị liệt dây thanh âm (vocal cord paralysis.)…

Tự chăm sóc tại nhà

Khàn giọng có thể diễn ra trong khoảng thời gian  ngắn (cấp tính) hoặc lâu dài (mãn tính).

Nghỉ ngơi và theo thời gian có thể cải thiện khàn giọng. Khóc, la hét, và nói quá nhiều hoặc hát to quá có thể làm cho khàn tiếng nhiều hơn. Bạn nên kiên nhẫn, bởi vì quá trình chữa bệnh có thể mất vài ngày đến vài tuần.

Không nói chuyện, trừ khi bạn cần thiết phải nói và tránh thì thầm. Thì thầm có thể làm căng các dây thanh âm nhiều hơn là nói.

Tránh dùng thuốc chống sung huyết như để thông mũi, vì thuốc  thông mũi làm khô dây thanh âm và kéo dài tình trạng khan tiếng.

Nếu bạn hút thuốc, nên giảm bớt hoặc ngừng hút thuốc (thuốc và rượu đều là chất kích thích, rượu còn làm mất nước). Giảm dùng caffeine.

Làm ẩm không khí với bình phun hơi nước hoặc uống nước đầy đủ và có thể dùng tắc chưng đường phèn… giảm phần nào khan tiếng.

(Theo SKDS)

Bệnh khàn tiếng có di truyền không?

Con tôi được 41 tháng, lúc cháu biết nói tiếng một thì tiếng của cháu còn trong, khi nói câu dài tiếng hơi khàn khàn, càng ngày cảm thấy càng khàn hơn.

Vậy cháu mắc bệnh gì hay khàn tiếng bẩm sinh? Ông nội của cháu tiếng nói cũng rất khàn, khàn tiếng có di truyền không?Nguyễn Thị Dung

ThS.BS Nguyễn Trương Khương cho biết:

Nguyên nhân thường gặp gây khàn tiếng ở trẻ em bao gồm viêm mũi, viêm VA, trào ngược thanh quản, sử dụng thanh quản quá mức (khóc, la) và một số bệnh lý như u nhú thanh quản, hạt, polyp hoặc nang dây thanh âm.

Khi viêm mũi, viêm VA tái phát nhiều lần, dịch viêm từ mũi và VA sẽ chảy xuống thanh quản làm viêm thanh quản gây khàn tiếng. Khàn tiếng sẽ bớt nếu điều trị viêm mũi và viêm VA đúng cách.

Khàn tiếng ở những bệnh nhân do trào ngược thanh quản thường đi kèm với các triệu chứng như thường hay ợ, buồn nôn hoặc nôn sau ăn, ho vào buổi tối hoặc khi nằm. Khi axit ở dạ dày trào ngược lên thanh quản sẽ làm hai dây thanh phù nề lâu ngày có thể diễn tiến thành hạt dây thanh gây khàn tiếng ngày một tăng dần.

Khàn tiếng ở những bệnh nhi sử dụng thanh quản quá mức như khóc la, nói nhiều thường biểu hiện có những đợt khàn tiếng, đặc biệt sau những đợt vui đùa quá mức, sau đó sẽ dần dần đỡ nếu giảm nói nhiều, khóc nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp diễn tiến thành hạt dây thanh hoặc nang dây thanh gây khàn tiếng kéo dài ngày một nhiều.

U nhú thanh quản là bệnh lý rất hiếm xảy ra, khoảng 4,5/100.000 người. Bệnh do nhiễm virút HPV (human papilloma virus) type 6 và type 11. Bệnh có những u nhú nhỏ mọc ở hai dây thanh, thanh quản và lan dần đến dưới thanh quản hoặc bên trên của thanh quản. Triệu chứng của bệnh xảy ra rất sớm, thường bé có biểu hiện khóc yếu, nuốt khó, thở có tiếng và ho, dần dần trẻ sẽ có tiếng rít khi thở rất rõ và khàn tiếng tăng dần cho đến khi khó thở nếu không phẫu thuật.

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý thanh quản, cách tốt nhất là thực hiện nội soi thanh quản. Ở những trẻ lớn hợp tác tốt có thể tiến hành nội soi ống mềm với gây tê tại chỗ. Đối với trẻ nhỏ nên thực hiện nội soi thanh quản dưới gây mê toàn thân.

Khi có chẩn đoán chính xác, việc điều trị sẽ cụ thể và hiệu quả.

BACSI.com (Theo Tuổi trẻ)

Khi viêm họng chữa mãi không khỏi

Có rất nhiều người bị viêm họng uống hết kháng sinh này đến kháng sinh khác nhưng bệnh vẫn không hết. Theo lý giải của PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng – Trưởng khoa tai mũi họng, BV. Cấp cứu Trung Vương, với những bệnh nhân này, viêm họng là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Uống bao nhiêu thuốc… đau vẫn hoàn đau!

Ho, đau họng, khàn tiếng anh Hoàng Tiến Nam được bác sĩ chẩn đoán bị viêm họng. Anh uống thuốc 10 ngày thì hết bệnh. Nhưng khoảng nửa tháng sau anh lại bị ho, họng sưng tấy, khi nuốt đồ ăn nước uống luôn có cảm giác như có gì đó chèn ngang họng bác sĩ lại chẩn đoán anh bị viêm họng, uống 15 ngày thuốc anh đỡ bệnh. Nhưng một thời gian sau anh lại bị lại. Chỉ đến khi bác sĩ tiến hành nội soi mới phát hiện anh bị bệnh trào ngược dạ dày.


Cổ họng đau rát, nuốt nước cũng đau anh Nguyễn Minh Nhật đi khám bác sĩ thì được biết bị viêm họng. Anh uống thuốc 2 tuần, bệnh có giảm hơn nhưng ngay sau đó bệnh lại tái phát. Anh Nhật lại tiếp tục uống thuốc viêm họng. Bệnh hết. Nhưng không lâu sau đó tình trạng bệnh cũ lại xuất hiện. Mãi sau này anh Nhật mới được phát hiện là bị viêm xoang.
Chị Mỹ L. họng sưng, đỏ, mưng mủ bác sĩ cho rằng chị bị viêm họng rồi kê đơn thuốc. Bệnh không thuyên giảm, bác sĩ đổi thuốc cho chị. Hết thuốc đau vẫn hoàn đau. Chị L. bần thần khi kết quả xét nghiệm cho thấy chị mắc bệnh lậu vì “quan hệ” bằng miệng.

PGS.TS.BS. Đặng Xuân Hùng cho biết, viêm họng là viêm hệ thống niêm mạc họng. Có 3 loại viêm họng viêm họng mũi, viêm họng miệng và viêm họng thanh quản. Viêm họng mũi là do môi trường, viêm họng miệng là do nói nhiều và viêm họng thanh quản là do hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Theo PGS. Đặng Xuân Hùng, viêm họng do nhiều nguyên nhân như siêu vi, vi trùng hoặc nấm. Trong đó, trên 80% do siêu vi, chỉ có một số nhỏ do nhiễm trùng.

Tuy nhiên, rất nhiều người cứ nghĩ viêm họng là do nhiễm trùng nên dùng kháng sinh. Điều này rất nguy hiểm, nếu viêm mũi họng do siêu vi dùng kháng sinh sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết. Thực tế, trong điều trị bệnh viêm mũi họng điều quan trọng chưa phải là kháng sinh mà quan trọng nhất là “tổng vệ sinh” tai mũi họng. Cụ thể, cần có chế độ vệ sinh hàng ngày như súc họng bằng nước muối sinh lý; súc rửa mũi 1 - 2 lần bằng nước biển sâu và nhỏ nước rửa tai.

Hậu quả khó lường

TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn (Bộ môn Nhi - ĐH Y Dược TP.HCM), thư ký Chi hội Tiêu hóa nhi Việt Nam cho biết, rất nhiều người bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bị viêm họng. Trong những trường hợp bị viêm họng do bệnh trào ngược nếu không điều trị bệnh trào ngược thì bệnh viêm họng sẽ không khỏi và tái phát nhiều lần. Riêng bệnh trào ngược nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, các biến chứng của bệnh trào ngược có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản. Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống và biến chứng nặng nề nhất lên thực quản là “thực quản Barrett”, là tình trạng thực quản bị viêm chít hẹp lại, gây khó khăn cho sự lưu thông thức ăn từ trên xuống.

Người bệnh dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Hoặc bị khàn tiếng do dây thanh trong cổ họng bị dày lên, hậu quả của tình trạng dịch acid ở dạ dày trào vào vùng hầu họng. Gần đây, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan mật thiết ở những người bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng…

PGS. Đặng Xuân Hùng khuyến cáo, để điều trị triệt để bệnh viêm họng cần phải khám, tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu như vậy mới mong chữa khỏi bệnh và tránh bị các biến chứng nguy hiểm

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Con tằm và vị thuốc bạch cương tàm

Bạch cương tàm còn gọi là cương tàm, cương trùng, thiên trùng.Vị thuốc bạch cương tàm có nguồn gốc từ con tằm ăn lá dâu, còn gọi là tằm vôi (có màu trắng như vôi), bị chết do nhiễm một loại vi khuẩn (Botrytis bassiana Bals) gây ra. Bạch cương tàm có hình ống tròn, nhiều vết nhăn, teo, cong. Dài chừng 2 - 5 cm, đường kính 4 - 7 cm. Vỏ ngoài màu xám trắng, có lớp bột sắc trắng. Đầu, chân và các đốt đều có thể phân biệt rõ ràng. Bên ngòai thể thường lẫn đám tơ quấn quanh. Phần đầu sắc nâu vàng, giống hình tròn, chân 8 đôi, dạng nổi lên. Mùi hơi khắm, vị hơi đắng.

Bộ phận dùng làm thuốc là cả con tằm vôi. Cách chế biến: Trước hết đem bạch cương tàm ngâm vào nước vo gạo khoảng một ngày đêm cho ra hết nhớt, sau đó rửa nhiều lần bằng nước sạch, vớt ra, nhặt bỏ các sợi tơ vàng còn bám trên mình tằm, ngắt bỏ miệng màu đen, để khô se rồi mới đem sao lửa nhỏ cho tới khô hoàn toàn. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm thấp, bụi bẩn. Hiện nay sản xuất bạch cương tàm bằng cách phun vi khuẩn Batrytis Bassiana Bals lên mình tằm đủ tuổi ( có độ dài thích hợp, khoảng 4 - 5cm, đường kính thân khoảng 5mm). Sau khi bị phun nhiễm khuẩn, tằm bị chết cứng và trắng ra, sau đó được chế biến và sử dụng làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, bạch cương tàm có vị mặn cay, tính bình, quy 4 kinh tâm, can, tỳ phế. Có tác dụng khu phong hóa đàm, được dùng chữa bệnh như sau:
Chữa đau đầu do phong nhiệt: Bạch cương tàm, cao lương khương lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, uống mỗi lần 1,5g với nước sắc đại táo. Hoặc bạch cương tàm 6g, mộc tặc 6g, kinh giới 6g, tang diệp 9g, sinh cam thảo 3g, sắc uống ngày 1 thang. Uống 3-5 ngày.

Con tằm và vị thuốc bạch cương tàm.

Chữa viêm amiđan, cổ họng có nhiều đờm:

Bạch cương tàm 10g, phèn chua 5g, phèn đen 5g. Tất cả trộn đều, tán thật mịn, cho vào lọ để dành. Khi dùng, lấy lá bạc hà 5g, sinh khương 5g, sắc với ít nước (đã hòa tan 2g bột nói trên). Lấy nước này chấm vào cổ họng cho nôn ra hết đờm.

Chữa khản tiếng, đau họng do viêm họng:

Bạch cương tàm 5g, phèn chua 1g, phèn đen 1g, 3 vị tán nhuyễn, lấy 2g sắc với lá bạc hà 1g và gừng tươi 1g, lấy nước súc miệng và ngậm. Hoặc bạch cương tàm 6g, thiên nam tinh 6g, sấy khô tán bột, uống với nước gừng tươi.

Chữa mất tiếng, khàn tiếng do viêm thanh quản:

Bạch cương tàm, kha tử, 2 vị lượng bằng nhau 10g, tán bột dùng để ngậm và nuốt dần, ngày 3-5 lần.
Chữa ngứa da, mày đay:
Bạch cương tàm, khổ sâm, địa phụ tử mỗi thứ 10g, ma hoàng 5g, thích tật lê 15g, sắc uống ngày 1 thang. Uống 1 tuần.

Sản phụ thiếu sữa:

Bột bạch cương tàm 6g uống với rượu nhạt ngày 1 lần. Uống 5-7 ngày.

Hỗ trợ điều trị liệt dương, di tinh:

Dùng bột bạch cương tàm 5g, chiêu với 1 chén nhỏ rượu trắng, ngày uống 2 lần, uống sau bữa ăn khoảng 2 giờ. Dùng 3 - 4 tuần liền. Hoặc: Bạch cương tàm 40g ngâm vào 400ml rượu gạo 30-35 độ. Sau 3 - 4 tuần là có thể dùng được, ngày uống 3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống vào trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Chữa các vết nám, sạm đen trên da mặt:

Bạch cương tàm tán bột, lấy một lượng vừa đủ hòa với nước đun sôi để nguội thành thứ bột sền sệt, dùng để bôi lên da mặt, bôi vào các vết sạm trước khi đi ngủ, làm liên tục nhiều ngày sẽ có hiệu quả tốt.

Chữa tàn nhang, mụn trứng cá:

Bạch cương tàm, bạch đinh hương, bạch khiên ngưu, bạch tật lê, bạch cập mỗi loại 110g; bạch chỉ 75g, bạch phụ tử 18g, bạch linh 18g, tạo giác 50g, một ít bột đậu xanh. Tạo giác bỏ vỏ, tước xơ rồi đem sấy khô cùng các vị thuốc khác, tất cả tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi tối, lấy một lượng thuốc vừa đủ hòa với nước ấm rồi thoa đều lên mặt thành một màng mỏng, sau khoảng 30 phút thì rửa sạch. Làm thường xuyên sẽ có công dụng giảm các vết tàn nhang, mụn trứng cá, giúp da sáng mịn và mềm mại.

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Khản giọng, coi chừng nguy hiểm

Khản tiếng hoặc mất giọng rất có thể do virus tấn công thanh quản. Nếu không điều trị sớm, dứt điểm có thể bị mất giọng vĩnh viễn hoặc bị ung thư thanh quản.

Chị  N. (36 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) bị chứng mất giọng. Lúc đầu chị chủ quan cho rằng không có vấn đề gì nghiêm trọng, để một thời gian thì sẽ hết. Nhưng sau 5 ngày, bệnh không thuyên giảm mà ngày một trầm trọng.

Chủ quan, dễ mắc bệnh

Được một người bạn cũng bị bệnh tương tự mách nước, chị đến bệnh viện khám thì mới biết mình bị “viêm thanh quản”, phải uống thuốc và điều trị trong hai tuần. “Bác sĩ nói, nếu để tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa, tôi sẽ bị ung thư thanh quản”, chị N. tâm sự.

Trường hợp chị V. (38 tuổi, ngụ quận 9, TP HCM) lại khác. Do là nhân viên bán hàng nên chị  thường xuyên nói nhiều, và thường thấy khản tiếng. Một đợt thấy rát họng, chị ra tiệm mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đi khám, bác sĩ cho biết thanh quản của chị bị viêm nhiễm nặng, lở loét. Chị V. mất nửa tháng điều trị và tốn cả chục triệu đồng bệnh mới hết. “Tôi cứ nghị khản giọng vì tôi hay nói, và nó sẽ nhanh khỏi nếu nói ít đi, chứ đâu nghĩ sự tình lại trầm trọng như vậy”, chị V. than thở.

 

Bệnh nhân chờ khám tại BV Tai Mũi Họng, TP HCM.

Các bác sĩ̃ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho hay, khản giọng hoặc mất giọng rất dễ do một loại virus siêu vi gây ra. Loại siêu vi này tấn công vào thanh quản, gây tổn hại trực tiếp và làm lở loét phần cuống họng, khiến người bệnh bị đau rát và khó khăn trong khi nói. Hiện, hằng ngày có khá nhiều bệnh nhân đến điều trị chứng mất giọng, khàn tiếng tại Khoa nội soi bệnh viện này.

Điều trị kịp thời

Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể về căn bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, do môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, cộng với sự thay đổi bất thường về nhiệt độ nên tình trạng mất giọng xảy ra ngày càng nhiều. Thế nhưng, hiện nhiều người dân vẫn rất chủ quan với bệnh này, cứ nghĩ bệnh sẽ tự khỏi nên dễ để bệnh trầm trọng mới chịu đi khám.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, không nên coi thường chứng khàn tiếng hay mất giọng. Không thể chủ quan nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi mà phải chăm sóc ngay khi bệnh mới chớm. Nên tránh xa nguồn ô nhiễm, súc miệng thường xuyên với nước muối. Trong vòng một tuần thấy bệnh tình không thuyên giảm thì phải đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Meo.vn (Theo BĐV)