BAGAN (tiếp theo) – MIẾN ĐIỆN (12-19 / 4 / 2010)

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Thăm xong ngôi chùa thứ 4 thì đã đến giờ cơm. Trời nắng nóng kinh khiếp, thế mà tui vẫn phải khoác áo mưa vì sợ ướt (mèo mà :D) Gì chứ tui biết tui, nắng nóng thế này mà tui hứng một thau nước vô người thì đảm bảo tối nay hay chậm nhất là ngày mai thì tui vô bệnh viện. Chúng tôi đề nghị được ăn món buffet Miến Điện. Chiếc xe ngựa lúc này như cũng ảnh hưởng bởi cái nóng nên lê bước chậm chạp trên những con đường cát bỏng. Chúng tôi được đưa đến một quán được giới thiệu là nổi tiếng nhất ở đây. Rửa mặt để rũ bớt cái nóng, món ăn được dọn ra nhanh quá, phải đến 10 đĩa, có 2 món mặn chính là cá kho và cà ri gà, còn các dĩa còn lại là món phụ giống như dưa ghém, cá kho khô, rau xào, canh của Việt Nam. Ngon ơi là ngon, có phải vì chúng tôi chỉ ăn bữa sáng rất tạm bợ không nhỉ. Người ta cứ nhăm nhăm xem chúng tôi ăn hết đĩa nào để mang đĩa vào lấy thêm cho chúng tôi. Mà ăn sao hết nhỉ, nghĩ thế nhưng vợ chồng chúng tôi cũng ráng mà nếm cho hết 10 đĩa. Tui thích nhất là món giá chua khô, họ làm giống bóp gỏi hay xào sơ, ăn chua chua mặn mặn vào cơm ghê luôn. Ăn xong no kềnh no càng, cũng đã 1g30 rồi, về khách sạn ngủ để trốn cái nắng 39oC thôi.

Mải ăn quên chụp hình, chỉ chụp được đĩa snack gồm đậu, gừng muối, lá me non xào

Xe đò giống VN thời 80
3g30 lại dậy, chả muốn ra khỏi cái phòng lạnh mát ấy tí nào, nhưng vì sự nghiệp đi chơi nên phải ráng mà thôi. Xe ngựa lại lọc cọc đưa chúng tôi đi tiếp đến các điểm trong chương trình.

Xe chui qua cái cổng thành, là nơi mà khi mua xe mới ai cũng mang đến đây cúng để mong được bình an, theo lời bác hướng dẫn. Không cúng là có chuyện.
Buổi sáng là đến các kiến trúc mang đậm chất Miến Điện rồi, giờ chúng tôi được đưa đến một ngôi chùa mang phong cách trang trí kiểu Phật giáo Ấn Độ, Maha-bodi Pagoda. À, cái vụ Pagoda & Temple & Paya cũng có phân biệt khi đặt tên chùa đấy, đại loại là chùa rỗng ruột có thể vào trong thì gọi là Temple/Pagoda, còn không thì gọi là Paya. Chùa này nằm trong tường thành của Thành phố Bagan Cổ, được xây từ thế kỷ thứ 13, do ông Vua là con được chọn (bằng cây dù) của ông Vua xây chùa Htilo-minlo đề cập ở bài trên. Thời điểm xây chùa này, do bị ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ rất mạnh, nên có những hình tượng Phật giáo trang trí trên tường, mái và nóc nhà, đồng thời cách xây dựng cũng khác biệt xa so với cách xây của Miến Điện (là hình chóp nhọn). Đỉnh của chùa này bị đổ sập trong trận động đất thế kỷ 17 và được phục dựng sau đó. Chùa này có đặc điểm là có hào nước xung quanh và hầm ngầm cho sư sãi ở.
Rời Maha-Bodi, chúng tôi sang chùa Mi-Nyein-Gon, được xem là nơi chụp ảnh bình minh rất đẹp ở Bagan, tiếc là chúng tôi lại đến vào buổi chiều. Leo lên những bậc thang hẹp không tay vịn, chui qua những ô cửa tò vò nhỏ tí, bước lên những bậc cấp dựng cao, chúng tôi đứng trên sân thượng của nơi đây và phóng tầm mắt về mọi phía.
Ánh nắng xiên của chiều tà tạo khung cảnh nơi đây trở nên đẹp đẽ lạ thường, những đền đài bắt nắng đỏ rực, những tán cây xanh đang thẫm màu dần, xa xa kia là một khách sạn sang trọng được xây dựng theo kiến trúc Bagan đặc thù, tất cả đem đến cho chúng tôi cái cảm giác phiêu bồng vô thực.
Nhưng chụp mặt trời lặn nơi đây lại không thích hợp, chúng tôi được đưa sang Shwe-san-daw Paya. Nhanh nhanh lên thôi, mặt trời sắp xuống rồi. Lại bước lên những bậc tam cấp cao dựng, chúng tôi lên được hành lang lộ thiên cao nhất nơi đây. Bóng chiều tà đã sẫm hơn nhiều, khói lam chiều cũng tạo cho khung cảnh xung quanh, là những vạt ruộng len lỏi giữa những đền đài, đã thu hoạch nên chỉ còn trơ đất màu vàng / đỏ, thêm cảm giác u tịch phiêu diêu. Những vạt ruộng này vẫn thuộc quyền của người dân Bagan, nhưng chính quyền vì muốn bảo tồn di tích nên dân không được ở trong những khu này nữa mà phải qua New Bagan, chỉ về đây mà làm ruộng thôi.
Chúng tôi đã khá thất vọng vì hôm nay trời có mây nhiều phía Tây, và bây giờ mới biết một điều là Bagan được bao quanh bởi những ngọn núi cao, mặt trời lặn trên những đỉnh núi đó. Vì vậy, bạn sẽ không có được cái cảm giác mặt trời đỏ ối lặn xuống đường chân trời như ta vẫn tưởng là sẽ thấy giống như ở những nới khác đâu. Tia mặt trời lúc này vẫn còn gắt lắm, và xuống rất nhanh (đỉnh núi mà).
Không còn mặt trời, nhiệt độ cảm tưởng được hạ xuống một cách rõ rệt, đứng trên cao thì cảm thấy se lạnh.
Trên đường về, thấy một số cái pagoda còn như mới tinh, bèn hỏi tại sao. Bagan hiện giờ không cho phép xây thêm chùa nữa, nhưng những nhà nào có tiền, thì có thể tìm một nền cũ (pagoda đã sụp đổ) và làm đơn, trình kiểu thiết kế, cách xây dựng, được duyệt thì sẽ được phép xây. Tất nhiên, xây dựng như bây giờ thì dùng xi măng mà làm thôi, kỹ thuật xây ngày xưa đã thất truyền lâu rồi.

Hai bác tài thả vợ chồng tui ở đền Shwe-zi-gon Paya. Trả tiền cho các bác. À, nói tới tiền nong, để nói luôn ở đây, vợ chồng chúng tôi bị làm giá. Trả cho xe ngựa 1 ngày là US$25, còn bác thuyết minh thì bảo đưa bác ấy bao nhiêu cũng được. Nghĩ tiền hướng dẫn viên tại Việt Nam cao hơn, nên chúng tôi đưa thêm US$10 nữa. Nhưng sau mới biết, giá chúng tôi trả cho xe ngựa cũng là đã cao, ừ thôi, ngày Tết mà; nhưng bác xe ngựa nói tiếng Anh giỏi mà chúng tôi không hề biết, đáng lẽ sẽ là người hướng dẫn luôn cho chúng tôi. Thế nhưng cái bác thuyết minh kia là anh, và bảo "mày im lặng để tao làm việc" và thế là đi theo chung, và thế là nghiễm nhiên có thêm tiền. Vụ này đến tối chúng tôi mới biết, do vô tình gặp bác em tại quán cơm, bác này thật thà phun ra thế, ack ack.

Vào Shwe-zi-gon Paya cũng vào lúc chập choạng, chụp hình lưu niệm để so với Shwe-da-gon. Chỉ bằng 1/20 hoặc thậm chí 1/50 so với bản chính ở Yangon thôi.
Chụp hình xong thì trời tối hẳn, chúng tôi đi bộ về khách sạn. Cạnh khách sạn chúng tôi ở là một quán cơm, vài quán bar, quán ăn kiểu Ý hoặc phương Tây, cửa hàng bán đồ lưu niệm + tạp hóa cho dân chúng, dài ra phía ngoài là nhà dân và mini hotel cũng khá nhiều, có những cái rất mới. Khu này vậy cũng có thể gọi là khá sầm uất. Do lễ Tết nên người ta dựng một sân khấu, trình diễn múa hát vui vẻ cho đêm nay. Đường bị chặn xe 1 làn, còn làn kia cho chạy, nên xảy ra tình trạng kẹt xe. Có cả xe cứu thương và chữa lửa, rất chu đáo.

Mua một cái bánh xèo Miến to đùng, chỉ 500 kyat (chạt), tính ra là 10K đồng Việt Nam. Có đủ thứ: đậu, hạt gì đó không biết, rau, trứng, giá, v.v.
Vào quán cơm cạnh khách sạn gọi cơm, trong khi chờ cơm thì nhâm nhi bánh xèo.
Chồng tui lại chọn món Miến, giá $2.5, và vì là 1 người nên có 1 món chính và 6 món phụ. Tui chọn cơm chiên kiểu Miến, ngon tuyệt vời. Cơm có vị chua, cay, có cả trứng chiên nguyên khối. Mở ngoặc chỗ này: tui đã bắt chước làm ở nhà, nhưng hạt cơm còn dẻo dính quá chứ không được tơi rời như người ta làm, để hôm nào làm lại mới được 😀
Ăn xong đi mua đồ lưu niệm. Chồng tui mua một cái váy longi của đàn ông ở Miến thường mặc (sẽ mặc trình diễn khi ở Inle Lake :lol:). Àh, dép tui bị đứt lúc đi chấm, giờ mới đi mua được một đôi dép kẹp để đi lại, dép xoàng thôi, đan bằng loại cây gì ở Miến, thế mà đi sướng ghê.

Tanaka để mài ra bôi mặt ở shop được bán từng khúc to đùng thế này, giá khá mắc, khoảng US$17-19/cây. Ở chợ thì bán từng viên nhỏ cỡ ngón tay cái đã là US$1.
Lang thang xung quanh, xem ca nhạc múa hát, đã rồi thì chúng tôi về nhà, tắm rửa đi ngủ thôi. Mai lại phải dậy sớm bay chuyến sáng đi Inle Lake, đã hẹn xe đưa ra sân bay.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: BAGAN (tiếp theo) – MIẾN ĐIỆN (12-19 / 4 / 2010) (https://www.meo.vn/bagan-tiep-theo-mien-dien-12-19-4-2010.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *