Chứng thiếu máu thiếu sắt của các thiếu nữ

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiNói chung ở tuổi dậy thì các em khỏe mạnh, ít bệnh tật, trừ những trục trặc nhỏ về chu kỳ kinh nguyệt lúc đầu và chứng thiếu máu rất thường gặp mà y học gọi là ‘chứng xanh lướt của thiếu nữ’ (chlorose). Đây là biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt trong giai đoạn cơ thể đang lớn nhanh cộng với nhu cầu phát triển các cơ quan sinh dục khi các em đã có kinh nguyệt hằng tháng.

Chứng thiếu máu thiếu sắt rất thường gặp ở các em gái mới lớn lên, chiếm khoảng 20% số thiếu nữ lứa tuổi học đường ở nước ta. Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở lứa tuổi này bao gồm:

Trước hết do nhu cầu sắt cao của cơ thể các em. Các em đã thấy kinh hằng tháng nên bị mất một lượng sắt đáng kể theo kinh nguyệt. Nhu cầu chất sắt cần hấp thu hằng ngày của các em trong giai đoạn này là 2,4mg, nghĩa là nhiều gấp đôi nhu cầu của một em trai cùng lứa tuổi chỉ cần 1,1mg/ngày. Nhu cầu sắt cao nhưng khẩu phần ăn hằng ngày của các em hầu như không đổi, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sắt của cơ thể, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Một nguyên nhân quan trọng khác là tỷ lệ nhiễm giun trong các em rất cao. Nhiều công trình điều tra nghiên cứu ở nước ta đã cho biết tình hình nhiễm các loài giun đường ruột trong lứa tuổi học sinh nước ta lên tới trên 80%, có nơi 100%, đặc biệt là hai loài giun đũa và giun tóc.

Giun tóc là một loài giun nhỏ (tên khoa học là Trichocéphale) dài 3-4cm, mình có hai phần rõ rệt: phần đầu dài và nhỏ như sợi tóc, phần dưới ngắn phình, lớn hơn chứa các bộ phận của giun. Trong cơ thể người, giun tóc thường ký sinh ở đoạn đầu ruột già (manh tràng), có khi vào cả ruột thừa, cắm phần đầu vào niêm mạc ruột hút máu để sống.

Loại giun này gặp phổ biến ở nước ta, số người mắc giun tóc rất nhiều, được xếp hàng thứ hai sau giun đũa nhưng ít được chú ý đến vì không gây những tác hại lớn như giun đũa. Tuy nhiên chính loài giun này lại là thủ phạm gây ra thiếu máu vì chúng hút máu hằng ngày của người bệnh. Trong những trường hợp nặng, số lượng giun tóc nhiều, chúng sẽ gây ra những tổn thương đáng kể ở niêm mạc ruột già và làm bệnh nhân bị thiếu máu nặng, da dẻ xanh xao, mệt mỏi, ù tai, hoa mắt. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột đã làm chứng thiếu máu của các em nặng thêm, do đó để điều trị bệnh nhất thiết phải thanh toán loại giun này.

Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và học tập của các em. Những em bị thiếu máu thiếu sắt thường hay buồn ngủ khi học, hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột, lao động và học tập chóng bị mệt, giảm khả năng nhận thức và kết quả học tập.

Việc đề phòng và điều trị chứng thiếu máu thiếu sắt ở các em không khó. Trừ những trường hợp bị thiếu máu nặng, người gầy yếu, xanh xao…, cần được khám bệnh tìm nguyên nhân điều trị sớm, đa số các em chỉ bị thiếu máu thiếu sắt nhẹ do biến đổi sinh lý của tuổi dậy thì nên không có gì đáng ngại. Các em chỉ cần ăn uống điều độ và đủ chất dinh dưỡng (protid, lipid, glucid, các vitamin, muối khoáng…) hằng ngày. Chú ý ăn những thức ăn có nhiều yếu tố tạo máu như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, đậu đỗ, rau tươi, quả chín. Nên ăn nhiều các loại rau quả có nhiều chất sắt (cải sen, cải soong, cần tây, đậu đũa, củ cải, cà chua, đu đủ chín…) và các loại quả chín chứa nhiều vitamin C (cam, quýt, bưởi, muỗm, nhãn…). Nếu thấy cần dùng thuốc điều trị thêm sẽ do bác sĩ chỉ định.

Để chủ động đề phòng thiếu máu thiếu sắt, các em nên uống bổ sung viên sắt kết hợp với acid folic theo liều hằng tuần, mỗi tuần một viên có chứa 60mg sắt nguyên tố, uống 16 tuần lễ trong một năm, sau đó nghỉ thuốc năm sau sẽ uống tiếp. Nên uống viên sắt có kèm theo acid folic và nếu có điều kiện nên dùng viên đa vi chất dinh dưỡng trong đó có sắt và acid folic.

Trường hợp có nhiễm thêm ký sinh trùng đường ruột, ngoài chế độ ăn uống và bổ sung viên sắt – folic, các em nhất thiết phải thanh toán xong những con giun nguy hiểm này. Đa số các loại thuốc chữa giun hiện nay đều có tác dụng với nhiều loại giun nên việc chữa giun không khó, các em cần thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc là được. Điều quan trọng là các em phải giữ vệ sinh ăn uống chu đáo, không để bị tái nhiễm.

BS. Kim Minh (SKDS)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Leave a Reply