Chứng đau quanh vai

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Đau vùng quanh vai là triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là nguyên nhân thường gặp.

Dấu hiệu nhận biết

Hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là tình trạng khoang giữa mỏm cùng vai và các gân cơ chóp xoay bị thu hẹp, tình trạng này dẫn đến các bệnh lý vùng vai như: viêm túi hoạt dịch, viêm gân, viêm khớp và tổn thương gân cơ chóp xoay. Khi bị hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai, người bệnh có biểu hiện đau ở khớp vai khi dang tay hay đưa cánh tay ra phía trước.

Dấu hiệu ban đầu để nhận biết hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là khi cố gắng xoay tay ra phía sau mông thì sẽ xuất hiện cơn đau nhói ở vùng vai. Đây là dấu hiệu chính để xác định bệnh. Sau đó, các cơn đau trở nên nhiều và nặng hơn; nếu người bệnh không thể tự dang tay được thì có thể gân chóp xoay đã bị rách.

Để giúp xác định hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là dùng hình ảnh X-quang khớp vai. Hình ảnh X-quang giúp tìm các dấu hiệu bất thường của cấu trúc xương hoặc hình ảnh của viêm khớp, và còn có thể xác định được tình trạng mỏm cùng hạ thấp hơn so với bình thường làm hẹp khoang dưới mỏm cùng hoặc gai xương. Chụp MRI được chỉ định khi nghi ngờ có tổn thương rách chóp xoay, viêm gân hay bệnh lý ở sụn viền.

Đôi khi siêu âm vùng vai cũng cho thấy được hình ảnh rách chóp xoay. Hiện nay các bác sĩ chuyên khoa dùng nghiệm pháp tiêm một lượng thuốc tê nhất định vào khoang dưới mỏm cùng, nếu người bệnh đỡ đau ngay thì nguyên nhân gây đau vai là do hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai. Đây cũng là nghiệm pháp dùng để loại trừ các bệnh lý khác ở vùng cổ gây đau ở khớp vai.

Điều trị

Ảnh minh họa.

Thường điều trị nội khoa sẽ được chỉ định trong giai đoạn đầu và thường kết hợp với các phương pháp như nghỉ ngơi, chườm lạnh, và phải được theo dõi đánh giá mức độ đáp ứng với điều trị. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các phương pháp khác như siêu âm sóng cao tầng, chiếu tia hồng ngoại, và khi có đáp ứng tốt với điều trị thì sẽ thực hiện các bài tập vật lý trị liệu.

Còn phẫu thuật điều trị được chỉ định khi không có cải thiện nào sau 6 tháng đến 1 năm điều trị nội khoa. Mục đích của phẫu thuật là để làm rộng khoảng cách giữa mỏm cùng và gân chóp xoay bằng cách làm sạch các tổn thương thoái hóa, các chồi xương và một phần của mỏm cùng vai. Nếu có tổn thương rách chóp xoay có thể sẽ được phục hồi.

Có hai phương pháp hiện đang được sử dụng là mổ hở và mổ nội soi, cả hai phương pháp đều có thể sửa chữa các tổn thương và làm giảm áp lực đè ép lên túi hoạt dịch và chóp xoay. Sau mổ, cánh tay người bệnh sẽ được treo hay mang nẹp để bất động, và phải tập vật lý trị liệu nhằm tránh cứng khớp, hạn chế phù nề sau mổ.

Điều trị phục hồi chức năng rất quan trọng, không chỉ trong các trường hợp không phẫu thuật mà ngay cả trong trường hợp sau phẫu thuật. Phục hồi chức năng nhằm tránh teo cơ và cứng khớp; đồng thời phục hồi sức mạnh của các cơ sau một thời gian bị bệnh.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

(Theo Khoemoingay)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Chứng đau quanh vai (https://www.meo.vn/chung-dau-quanh-vai.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *