Mẹ tôi bị bệnh sỏi thận đã mổ và ra viện. Khi ra viện, bác sĩ căn dặn phải chú ý chế độ ăn và uống nước nhiều để phòng tránh sỏi tái phát. Xin quý báo tư vấn cần ăn uống thế nào để tránh bệnh sỏi thận?
Sỏi thận được hình thành do sự gắn kết các tinh thể trong một chất nền ở thận hoặc đường tiết niệu. Những loại sỏi thận thường gặp là: sỏi oxalat, sỏi urat, sỏi phosphat và sỏi hỗn hợp các loại sỏi. Chế độ ăn có thể giúp phòng ngừa bệnh sỏi thận, nhưng phải tùy theo loại sỏi mà dùng chế độ ăn thích hợp để phòng bệnh.
Nguyên tắc chung nhất là phải uống từ 2 lít nước trở lên mỗi ngày. Nước tiểu nhiều calcium: ăn đủ calcium, giảm protein động vật, giảm muối và đường; kết hợp phòng tránh sỏi oxalat: tránh các thực phẩm chứa nhiều oxalat, vitamin C, ăn đủ calcium. Nước tiểu nhiều acid uric: giảm thức ăn có chứa purin, kết hợp phòng sỏi urat: giảm ăn thịt gà, hải sản để giảm lượng purin ăn vào, giảm sản xuất acid uric, ăn nhiều trái cây, rau quả để kiềm hóa nước tiểu và giảm nguy cơ tạo tinh thể acid uric. Phòng tránh sỏi phosphat cần hạn chế muối để giúp giảm bài tiết cystein trong nước tiểu, ăn nhiều trái cây, rau quả.
Tôi năm nay 32 tuổi, trong gia đình tôi có nhiều người bị bệnh gút. Tôi nghe nói bệnh này có liên quan đến chế độ ăn uống. Xin quý báo cho biết cách ăn uống thế nào để phòng được bệnh gút?
Nông Văn Bình (Hạ Lang – Cao Bằng)
Ăn uống không hợp lý là một yếu tố thúc đẩy xuất hiện bệnh và làm tái phát bệnh gút vì trên nhóm người có tăng acid uric máu, việc ăn nhiều thức ăn giàu protein có chứa hàm lượng purine cao sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy họ trở thành bệnh nhân gút, làm nhanh tái phát các cơn gút, khó kiểm soát bệnh và sớm trở thành gút mạn tính.
Nguyên tắc ăn uống phòng bệnh gút là ăn uống điều độ, không được nhịn đói, bỏ bữa. Không ăn các thức ăn chứa nhiều protein như: phủ tạng động vật: tim, gan, thận, lá lách, óc, trứng vịt lộn, trứng cá, cá trích, cá đối, cá mòi,… Hạn chế thức ăn nhiều đạm (thịt bò, thịt chó, hải sản…), nhiều mỡ. Có thể ăn các loại thịt màu trắng như thịt lườn gà, thịt thỏ.
Sữa và các sản phẩm làm từ sữa như sữa chua; dưa chuột, dưa hấu… là các thức ăn tốt cho việc phòng và chữa bệnh gút. Bánh mì, trứng, đa số các loại trái cây, rau quả (khoai tây, bí đao, bí đỏ, cải bắp, hành, tỏi… trừ cà chua) bệnh nhân gút đều có thể sử dụng.
Không dùng thức uống có cồn và chất kích thích như: rượu, bia, cà phê đặc. Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu, sẽ đào thải được nhiều acid uric ra ngoài.
Theo Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc – Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: Một trong những yếu tố quan trọng giúp giữ gìn sức khỏe bệnh nhân ung thư chính là dinh dưỡng. Đối với các bệnh nhân ung thư cần được xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, sử dụng những thức ăn tươi sạch và bổ dưỡng cho bệnh nhân để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
1. Rau bina (rau chân vịt)
Rau bina hữu ích trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt.Có thể kết hợp với tỏi trong danh sách này.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu glycol – chất dinh dưỡng trong rau bina và phát hiện ra rằng loại rau này có khả năng tiêu diệt sự phát triển những tế bào ung thư và các khối u. Rau bina hữu ích trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt.
2. Yến mạch
Bột yến mạch có tác dụng làm giảm căng thẳng. Chúng chứa các hóa chất thực vật có khả năng ngăn ngừa ung thư. Chúng giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú. Yến mạch cũng giống như bất kỳ loại ngũ cốc khác, chúng cung cấp lượng carbohydrates cao, điều này khiến cơ thể bạn được tiếp thêm năng lượng.
3. Cà chua kết hợp đậu nành
Chế độ ăn từ 3-4 bữa cà chua một tuần kết hợp với 1-2 bữa đậu nành hàng ngày có thể giúp ngăn chặn hiệu quả căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Tác dụng sẽ còn cao hơn nếu như ăn các sản phẩm tươi như cà chua nguyên quả và sữa đậu nành chưa qua nhiều công đoạn chế biến.
Có nhiều cách kết hợp để tận dụng hai thực phẩm này nhằm đa dạng hóa mùi vị, dễ ăn.
4. Bắp cải
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ăn nhiều rau họ cải như cải bắp, bông cải xanh và cải bruxen giúp chống lại sự phát triển của bệnh ung thư phổi.
5. Bông cải xanh
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ăn nhiều rau họ cải như cải bắp, bông cải xanh và cải bruxen giúp chống lại sự phát triển của bệnh ung thư phổi. Cách chế biến tốt nhất là hấp rau vì sulforaphane được giữ lại nhiều nhất khi nấu trong vòng 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C, hoặc hấp trong vòng 4 phút đủ chín vừa.
6. Rong biển
Là thực phẩm hàng đầu chống ung thư vú. Rong biển không chỉ giàu vitamin E và chất xơ, mà còn phong phú về hàm lượng i-ốt. Các nhà khoa học tin rằng thiếu hụt i-ốt là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư vú, do đó, ăn rong biển có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú.
7. Hẹ
Hẹ có chất bảo vệ tế bào rất hiệu quả, có chức năng chống oxy hóa gốc tự do, giảm nhẹ hay tránh gây tổn thương chức năng giữa màng tế bào và gen, từ đó bảo vệ tế bào chống lại sự xâm nhập của các chất gây ung thư, có tác dụng tăng cường sự miễn dịch cơ thể.
Hẹ có khả năng chống lại các chất gây ung thư.
8. Cần tây, sả
Cây sả, cần tây là những thực phẩm giàu chất xơ, khi vào trong ruột có thể đẩy nhanh tốc độ làm sạch các thức ăn thừa trong ruột, giảm các chất độc hại và thúc đẩy bài tiết cực kỳ hiệu quả, phòng chống ung thư đại trực tràng.
9. Tỏi
Thành phần tinh dầu có ích trong tỏi kích hoạt công năng nuốt của thực bào, tăng sức miễn dịch, từ đó nâng cao sức đề kháng. Tỏi ức chế sinh trưởng của vi khuẩn nitrobacterium trong dạ dày, giảm bớt sản sinh muối nitrat trong dịch vị. Trong tỏi còn chứa nhiều chất chống ung thư như nguyên tố vi lượng selen. Việc thường xuyên dùng tỏi giúp dự phòng phát sinh ung thư dạ dày, ung thư thực quản.
10. Măng tây
Chất glutathione trong măng Tây chống oxy hóa có khả năng phòng và điều trị bệnh ung thư. Măng tây là trong những loại rau đầu bảng giàu vitamin, axit nucleic và các thành phần khác có tác dụng nhất định trong phòng chống ung thư hạch, ung thư bàng quang, ung thư da.Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, măng tây chứa nhiều glutathione, một chất chống oxy hóa có khả năng phòng và điều trị bệnh ung thư rất hiệu quả. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành chữa trị cho nhiều trường hợp và thu lại kết quả rất khả quan.
11. Đậu tương
Theo các nhà nghiên cứu đậu phụ, sữa đậu nành được làm bằng đậu nành (đậu tương) có chứa isoflavone, lignin được coi là có tác dụng chống oxy hóa, có thể ức chế sự phát triển của ung thư cổ tử cung, giảm phân chia tế bào ung thư, đồng thời có ngăn chặn sự di căn của khối u hiệu quả.
12. Các loại nấm
Nấm có chứa các lớp polysaccharide giúp ức chế hoạt động của các chất gây ung thư, thúc đẩy hình thành kháng thể để cơ thể tạo ra miễn dịch với khối u, ức chế tế bào ung thư tăng trưởng để có thể đề kháng với nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư hạch, ung thư ruột kết, và đặc biệt là thực phẩm hàng đầu có tác dụng phòng chống ung thư gan.
13. Nghệ
Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, bột nghệ chứa hoạt chất curcumin giúp ngăn ngừa các tế bào ung thư vú phát tán. Curcumin và phenethyl isothiocyanate (PEITC), một chất tự nhiên có trong nghệ và rau họ cải, làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
14. Khoai lang
Chứa nhiều chất chống oxy hóa beta carotene, vitamin, chất khoáng và nhiều chất xơ, có hiệu quả phòng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ và là thực phẩm cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn có tên khoa học là Neisseria meningitidis gây ra.
Vi khuẩn gây nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống các màng bao quanh não và tủy sống nên được gọi là bệnh viêm màng não mủ. Vi khuẩn còn có thể gây nhiễm khuẩn huyết, gây choáng dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng có chứa vi khuẩn não mô cầu. Người bệnh và người lành mang trùng (người mang vi khuẩn não mô cầu ở họng mà không có biểu hiện bệnh) là nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh. Người ta ước tính người lành mang trùng chiếm khoảng từ 10 – 20% dân số.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 – 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư, doanh trại…) và các cơ địa suy giảm miễn dịch (cắt lách hoặc rối loạn chức năng lách, thiếu hụt bổ thể…).
Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh, thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, có thể tiêm văcxin phòng bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.
Hiện tại trên thế giới có nhiều loại văcxin ngừa não mô cầu nhưng tại Việt Nam, mới lưu hành văcxin “polysaccharide” chứa 2 tuýp huyết thanh A và C (có tên gọi là “Polysaccharide Meningococcal A+C Vaccine”). Cách chích ngừa văcxin “polysaccharide” chứa 2 tuýp huyết thanh A và C. Trẻ em > 2 tuổi và người lớn thì tiêm 1 liều, thời gian bảo vệ khoảng 3 năm (tiêm nhắc lại mỗi 3 năm).
Đau lưng là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ, người cao tuổi mắc bệnh nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau lưng: đau do sang chấn, do thoái hóa, vôi hóa đốt sống. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thường khiến mọi người vô tình bỏ qua vì cơn đau đến và lại qua đi.
Cột sống và những cơn đau
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau lưng, trong đó không loại trừ khả năng nó là triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng.
Đầu tiên, bệnh đau lưng có thể liên quan đến cột sống. Đặc biệt là với những người thường phải ngồi làm việc lâu và ít hoạt động thể chất. Những người phải ngồi nhiều như làm nghề thêu, dệt, mây tre đan ở nông thôn và những người phải đứng bất động lâu như công nhân đứng máy… cũng hay bị đau lưng. Nếu không có biện pháp phòng ngừa thì lâu dần sẽ bị lệch đốt sống và các gốc thần kinh cột sống. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn. Đôi khi điều này sẽ dẫn đến mất một phần khả năng lao động, người bệnh sẽ không thể làm một số công việc nào đó.
Khi xuất hiện cơn đau kéo dài và thường xuyên cần đi khám và kiểm tra đầy đủ. Ảnh: H.N
Nếu công việc của bạn buộc phải ngồi nhiều giờ hoặc phải đứng yên một chỗ, hãy cố gắng nửa tiếng một lần, vận động cho giãn gân cốt, ví dụ như đứng lên đi lại trong phòng, hoặc tốt hơn nữa là làm vài động tác thể dục lưng như cúi gập người về phía trước, sang hai bên và ngả ra phía sau… điều đó tránh cho cột sống bị teo.
Và sẽ rất tốt nếu bạn tập thể dục 10 – 15 phút mỗi ngày. Để phòng chống bệnh đau lưng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau. Nếu bạn bắt buộc phải đứng lâu, hãy cố gắng dồn trọng lượng cơ thể cho cả hai chân, hoặc thay đổi chân thường xuyên.
Nếu phải nâng vật gì đó từ dưới sàn nhà, hãy giữ lưng thẳng. Còn nếu mang vật nặng, hãy dừng lại để nghỉ nhiều hơn và đổi tay. Không nên đi giày cao hơn 4cm.
Không nên nằm ngủ trên bề mặt cứng. Còn nằm trên nệm quá mềm, khi ngủ cột sống của bạn bị võng xuống, khiến cho cơ bắp bị đè nặng. Ban đầu ngủ dậy bạn thấy mỏi lưng, sau đó dẫn đến bệnh đau lưng.
Đau lưng do chế độ ăn uống
Đau phần lưng còn do chế độ ăn uống không hợp lý. Thiếu các chất khoáng như canxi, phốt pho, kali và magiê có thể dẫn tới bệnh loãng xương, làm cho xương cột sống dễ gãy và xốp. Do đó cần phải ăn thường xuyên các loại thực phẩm như pho mát tươi béo, bắp cải, cà rốt, các loại đỗ, đậu côve, gạo, củ cải đỏ, hồ đào…
Chúng ta vẫn có thói quen ăn đường trắng, tuy vậy cũng nên hạn chế bởi cơ thể muốn hấp thụ được thì phải tiêu hao một số dưỡng chất và điều đó làm cho cột sống của chúng ta yếu đi.
Tuy nhiên, không phải khi nào bạn cảm thấy đau ở lưng tức là bệnh của bạn chính là đau lưng. Mà cơn đau đó còn có thể liên quan tới các cơ quan nội tạng. Đau ở tim có thể cảm thấy đau bên vai trái. Còn cơn đau âm ỉ ở vai phải có thể do triệu chứng bệnh của tuyến tụy.
Vì vậy, khi thấy xuất hiện cơn đau kéo dài và thường xuyên, hãy đi khám bác sĩ và tiến hành kiểm tra đầy đủ, không nên tự điều trị. Bởi khi có dấu hiệu đau lưng, chúng ta thường tự chữa bằng cách xoa bóp hoặc mát-xa, mà điều đó nhiều khi lại có hại.
Hiện tượng hạ can xi máu ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong hai tuần đầu sau sinh, do nhu cầu phát triển xương mạnh, đòi hỏi lượng can xi cung cấp rất lớn, nhưng sau khi cắt rốn, lượng can xi từ mẹ cung cấp cho con bị cắt đột ngột và nguồn can xi cung cấp từ bên ngoài qua sữa thường thiếu.
Một số nguyên nhân khác gây hạ can xi máu ở trẻ sơ sinh là do trong thời kỳ mang thai mẹ không được cung cấp đủ can xi, bị nhiễm độc thai nghén, nhau tiền đạo, đái tháo đường, đẻ khó; cường tuyến giáp, trẻ bị ngạt, sau đẻ trẻ bị thiếu ô xy máu,…
Ảnh minh họa
Biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị hạ can xi máu
Biểu hiện của thiếu can xi máu tùy thuộc vào mức độ, có thể gặp các dấu hiệu như: Khi ngủ trẻ hay bị giật mình và mỗi lần như vậy có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú càng khóc, có thể ngưng thở trong cơn khóc. Trẻ bị hạ can xi máu hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa,… Nếu không được điều trị tốt thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống,… Ở những trường hợp thiếu can xi nặng có thể ngưng thở, có những cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim, thậm chí tử vong.
Do đó, nếu trẻ sơ sinh có biểu hiện của hạ can xi máu cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để khám và điều trị thích hợp để tránh nguy cơ tử vong và các biến chứng phát triển xương của trẻ sau này.
Phòng ngừa như thế nào?
Để phòng ngừa hạ can xi máu ở trẻ sơ sinh, trong thời gian mang thai người mẹ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm chứa can xi như sữa, tôm, cá, cua,…; Khám thai định kỳ; Sau khi sinh, mẹ vẫn phải ăn uống đầy đủ chất, không ăn kiêng nhất là cua, tôm, cá và các thực phẩm khác có nhiều can xi; Phải cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau sinh, nhưng nếu chỉ bú sẽ mẹ mà không ra ánh sáng thì sự hấp thụ can xi sẽ giảm vì không có vitamin D cho nên các bà mẹ cần chú ý cho trẻ bú sớm và bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu, bú kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi và không nên kiêng cữ như nằm trong buồng tối, hạn chế trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều tuần, nhiều tháng sau đẻ dẫn đến cả mẹ và con đều có nguy cơ thiếu vitamin D gây giảm hấp thu canxi và hạ can xi máu.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra, bệnh dễ gây thành dịch.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 500 triệu – 1,5 tỉ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng nhiều nhất khi mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Kẻ gây bệnh cúm?
Vi rút cúm (Influenzae) hiện nay đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam. Vi rút cúm có rất nhiều chủng nhưng chủng A & B được xác định có khả năng biến đổi hằng năm, có khả năng gây bệnh nghiêm trọng và trở thành dịch trên phạm vi toàn cầu.
Do vậy, hằng năm WHO đều đưa ra khuyến cáo cho việc phòng ngừa cúm. Trong cúm A lưu hành hiện nay, thì cúm gia cầm H5N1 có độc lực cao, tử vong nhanh nhưng chưa có bằng chứng lây từ người qua người và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Một chủng cúm gây bệnh phổ biến từ đầu năm đến nay là chủng cúm mùa H1N1 (từng gây ra dịch năm 2009) đã xuất hiện trở lại.
Cho đến nay đã có bốn ca tử vong ghi nhận do chính chủng cúm này gây bệnh. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới, thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa như hiện nay được xem là điều kiện lý tưởng để vi rút cúm phát triển và gây bệnh.
Thời điểm giao mùa vi rút cúm rất dễ phát triển và gây bệnh vì vậy nên chích ngừa để phòng bệnh cúm – Ảnh minh họa: Shutterstock
Cúm lây đường nào?
Bệnh cúm có mức lây nhiễm rất cao do lây qua đường hô hấp. Khi tiếp xúc trực tiếp với người đang bị cúm: qua hắt hơi, bắt tay, hoặc gián tiếp như sờ tay nắm cửa, vòi nước bị nhiễm vi rút cúm, là người bình thường đã có nguy cơ bị mắc bệnh.
Vì vậy, những nơi có cộng đồng dân cư đông đúc như nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng hay khu nhà tập thể… rất dễ bùng phát dịch bệnh cúm.
Khởi phát của bệnh cúm là sốt cao, ho, đau họng, đôi khi gây nhầm lẫn như bệnh cảm lạnh (do các vi rút khác gây ra với bệnh cảnh nhẹ hơn).
Diễn tiến bệnh cúm sẽ nặng nề hơn cảm lạnh như đau nhức đầu, đau nhức cơ khiến người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm hoặc nhập viện, nhất là khi bị nhiều biến chứng xảy ra.
Các biến chứng của bệnh cúm: viêm đường hô hấp (như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát…), hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như: viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, và đặc biệt có khả năng gây tử vong cao cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh mạn tính.
Các tổ chức y khoa đã khuyến cáo cúm là yếu tố làm tăng nặng các bệnh lý này, như là: tái phát nhồi máu cơ tim, tăng khả năng đột quỵ trên bệnh tim mạch, làm xuất hiện cơn khó thở cấp của bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay khó kiểm soát đường huyết trên bệnh đái tháo đường.
Cách bảo vệ bản thân
Để bảo vệ bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng không bị mắc cúm, cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Các biện pháp thụ động: vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh trong đó phải rửa tay sạch thường xuyên, và vệ sinh môi trường sinh sống, nơi làm việc. Tăng cường sức khỏe bằng nghỉ ngơi và vận động hợp lý. Khi có dấu hiệu bị cúm phải đi khám kịp thời và cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.
2. Phòng ngừa chủ động: tiêm ngừa bằng vắc xin cúm ngay khi có thể. Vắc xin cúm được chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi. Công thức một liều vắc xin cúm 2012-2013 gồm 3 chủng: A/H3N2, A/H1N1 và chủng cúm B. Khoảng 2 tuần sau chủng ngừa, cơ thể sẽ tạo được đầy đủ kháng thể bảo vệ giúp phòng ngừa bệnh cúm. Những người bị di ứng với trứng gà hay thịt gà thì không nên tiêm vắc xin cúm do có khả năng bị dị ứng.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các đối tượng dễ lây nhiễm sau đây nên tiêm phòng vắc xin cúm:
– Nhân viên y tế
– Trẻ em từ 6 tháng – 8 tuổi
– Người già trên 65 tuổi
– Người mắc bệnh mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Việc tiêm ngừa cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành (trong đó có chủng cúm A/H1N1 đại dịch) mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc xin. Vì vậy nên tiêm ngừa vắc xin cúm ngay khi có thể để đảm bảo miễn dịch bảo vệ.
BS. Nguyễn Thị Minh Phượng
Khoa kiểm soát dịch bệnh – Viện Pasteur TP.HCM
Trong nhiều trường hợp tăng men gan là do lượng mỡ lắng đọng trong gan nhiều hơn bình thường, hay còn gọi là gan nhiễm mỡ. Theo nghiên cứu Dennis Lee, việc giảm 5 – 10 % cân nặng sẽ giúp bạn hạ thấp men gan và cải thiện sức khỏe nói chung.
Gan là cơ quan chịu trách nhiệm loại bỏ độc tố và chuyển hóa thức ăn trong cơ thể. Mỗi ngày trôi qua, gan dường như phải chịu thêm nhiều áp lực do sự tích tụ các độc tố tại gan gây nên.
Điều này khiến gan rất dễ bị tổn thương. Men gan tăng cao là triệu chứng xuất hiện rất sớm, báo hiệu lá gan cần được chăm sóc. Để đưa men gan về ngưỡng an toàn, bạn nên làm theo các bước sau:
1. Không uống bia rượu
Hay nói chính xác hơn là không dùng những đồ uống chứa cồn. Thông thường khi vào cơ thể, gan sẽ phải “xử lý” lượng chất cồn và đào thải chúng ra ngoài. Nhưng khi gan yếu hoặc lượng chất cồn quá nhiều thì điều ngược lại sẽ xảy ra, chất cồn sẽ “xử lý” gan, phá hủy tế bào gan. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên hạn chế uống bia rượu để bảo vệ lá gan. Đặc biệt khi gan bị viêm, men gan cao, người bệnh cần phải kiêng tuyệt đối bia rượu để giúp gan hồi phục nhanh.
2. Trao đổi với bác sĩ, dược sĩ về loại thuốc bạn đang sử dụng
Một số thuốc có thể gây hại cho gan và làm tăng men gan. Có những thuốc có thể gây độc tố ngay ở liều đầu tiên, nhưng cũng có những thuốc do sử dụng trong thời gian kéo dài nên gây tổn thương gan. Do đó, nếu bạn phát hiện men gan cao khi đang dùng một loại thuốc nào đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác.
3. Hạn chế ăn thực phẩm chế biển sẵn
Thức ăn nhanh rất tiện dụng và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên bạn không nên ăn chúng hàng ngày vì vấn đề sức khỏe. Thông thường trong các thực phẩm chế biến sẵn có chứa thêm chất bảo quản, chất phụ gia tạo màu, mùi vị…để tạo sức hấp dẫn cho khách hàng và bảo quản được lâu. Những chất hóa học tổng hợp này thường khó phân hủy và đào thải ra ngoài, nên tích tụ lại trong cơ thể, đặc biệt tại gan, gây nhiễm độc gan.
4. Tránh xa các độc tố môi trường (sơn tường, khói thuốc lá…)
Khói thuốc lá chứa nhiều độc tố không chỉ gây bệnh về phổi, mà còn hấp thu vào máu, chuyển hóa tại gan và gây tổn thương cho gan.
Trong thành phần của sơn (tường) có chứa nhiều dung môi hòa tan, dễ bay hơi trong không khí và nếu bạn thường xuyên hít phải loại dung môi này, nó có thể hấp thụ vào cơ thể, gây độc hại cho gan. Do đó, bạn nên học cách bảo vệ và tránh xa các độc tố này.
5. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước rất có lợi cho gan. Uống nước giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu và tăng cường khả năng hoạt động của các tế bào gan, giúp quá trình đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn. Để đạt được hiệu quả giải độc cho gan, mỗi ngày nên uống 2 lít – 2,5 lít nước, chia thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ nên uống từ 150 -200ml.
6. Giảm cân
Trong nhiều trường hợp tăng men gan là do lượng mỡ lắng đọng trong gan nhiều hơn bình thường, hay còn gọi là gan nhiễm mỡ. Theo nghiên cứu Dennis Lee, việc giảm 5 – 10 % cân nặng sẽ giúp bạn hạ thấp men gan và cải thiện sức khỏe nói chung. Bạn nên giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo và tăng khẩu phần rau quả chứa nhiều vitamin giúp gan đào thải độc tố tốt hơn.
7. Tập thể dục hàng ngày
Luyện tập thể dục hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn, mà còn giúp bạn cải thiện tuần hoàn máu. Gan cần cung cấp máu và chất dinh dưỡng liên tục để hoạt động tốt hơn.
Chúng ta thường không quan tâm nhiều đến sức khỏe của thận cho đến khi có vấn đề xảy ra. Nhưng bạn đừng chủ quan mà bỏ qua những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại có tác dụng giữ cho thận khỏe mạnh như dưới đây nhé.
Chắc hẳn chúng ta đã biết sỏi thận là hậu quả của việc các chất thải độc trong quá trình lọc đã đọng lại trong thận chứ không được đào thải ra ngoài. Nó có thể dẫn đến hậu quả là đau đớn ở thận hoặc nhiễm trùng bàng quang. Nếu không được điều trị, nó có thể biến thành nhiễm trùng huyết, tỏa khắp cơ thể và gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chúng ta thường có thói quen là không quan tâm nhiều đến sức khỏe của thận cho đến khi có vấn đề xảy ra. Nhưng phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Vì vậy, bạn đừng chủ quan mà bỏ qua những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại có tác dụng giữ cho thận khỏe mạnh.
Bạn có thể làm điều này bằng cách tạo ra những thay đổi nhất định trong chế độ ăn uống để giảm sự xuất hiện của các chất độc hại. Điều này đảm bảo giúp thận loại bỏ các thành phần chất thải nguy hại từ máu cũng như trục xuất nó ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu.
Một số biện pháp giúp thận khỏe mạnh:
1. Uống nhiều nước
Bạn có tự hỏi tại sao bạn cần uống 8-10 ly nước mỗi ngày? Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước, thận và máu của bạn sẽ không hoạt động tốt, thận sẽ không thể tạo ra các áp lực nước đủ lớn để đẩy các chất thải thông qua đường tiết niệu để ra ngoài cơ thể. Chất thải độc đọng lại trong thận là nguyên nhân gây ra sỏi thận. Vì vậy, để giữ cho thận khỏe mạnh, hãy uống đủ nước mỗi ngày, kể cả các loại nước khác ngoài nước lọc.
2. Ăn các loại thực phẩm làm sạch cơ thể
Trái cây và rau quả giúp thận loại bỏ axit dư thừa ra khỏi cơ thể và bài tiết trong nước tiểu. Thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa có thể giúp nhiều tế bào, trong đó có cả các tế bào ở thận tránh được các thiệt hại do các gốc tự do trong cơ thể gây ra.
Một số thực phẩm giữ cho thận khỏe mạnh bạn nên ăn bao gồm:
Lòng trắng trứng: Lòng trắng trứng cung cấp nhiều protein chất lượng cao và các axit amin thiết yếu hơn so với các nguồn protein khác như lòng đỏ trứng hoặc thịt. Vì vậy, nó rất tốt cho thận.
Bắp cải: Hàm lượng vitamin K, vitamin C, chất xơ, vitamin B6 và axit folic… trong bắp cải rất cao. Vì vậy mà bắp cải được coi là thực phẩm giúp thanh lọc máu và thải độc cho thận rất tốt.
Ớt chuông: Ớt chuông (ớt ngọt) cũng là một loại thực phẩm chứa rất nhiều lycopene, vitamin C và vitamin A, cũng như vitamin B6, axit folic và chất xơ. Với hàm lượng kali không cao, ớt chuông cũng có có tác dụng làm sạch thận giống như bắp cải và nhiều loại rau khác. Khi tiêu thụ vào cơ thể, ớt chuông sẽ giải độc thận giúp đào thải axit uric dư thừa từ thận.
Quả nam việt quất: Quả nam việt quất có chứa một chất dinh dưỡng thiết yếu và các chất chống oxy hóa gọi là proanthocyanidin. Ngoài ra, nó cũng giàu quinine – một chất có thể chuyển đổi thành axit hippuric giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
3. Bổ sung magie
Cơ thể bạn rơi vào tình trạng huyết áp cao và lưu trữ nhiều chất thải độc là do hàm lượng magie trong cơ thể bị thiếu. Hàm lượng magie bị thiếu khiến cho chức năng thận có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là không lọc thải được hết chất độc. Để đảm bảo rằng cơ thể bạn đang nhận được đủ magie để giữ thận hoạt động tốt, bạn hãy ăn nhiều loại rau có màu xanh lá cây, các loại hạt và ngũ cốc.
4. Cắt giảm tiêu thụ lượng natri (muối) và protein
Cơ thể mất rất nhiều năng lượng loại bỏ những thứ không cần thiết như protein dư thừa, muối và thậm chí cả nước. Nếu những thành phần này quá nhiều trong cơ thể, thận là bộ lọc của cơ thể sẽ phải làm việc nhiều hơn. Natri hay protein là cần thiết trong việc duy trì cân bằng chất lỏng, nhưng nếu chúng dư thừa trong cơ thể và không được đào thải ra hết thì có thể gây ra bệnh thận, cao huyết áp và có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.