Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm bệnh

Sốt vi rút – bệnh không thể chủ quan

Sốt siêu vi trùng hay còn gọi là sốt vi-rút (virus), là bệnh lây qua đường hô hấp. Do tính chất lây lan rất nhanh, đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em và phụ nữ có thai. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh có thể biến chứng gây mất dịch, tụt huyết áp – trụy tim mạch, nhiễm khuẩn (bội nhiễm), một số loại vi-rút còn gây viêm não, viêm phổi…

 Sốt vi rút – bệnh không thể chủ quan - Tin tức - Sốt ở trẻ em - Sốt virus ở trẻ em

Hằng năm cứ vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 tại Hà Nội và một số tỉnh trong cả nước xuất hiện bệnh sốt kèm với các triệu chứng khác như: Đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm đường hô hấp trên… với số người mắc bệnh khá cao và ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng bị nhiễm bệnh nhiều nhất vì cơ thể của các em chưa có sức đề kháng cao. Đáng lo ngại, thời gian gần đây số bệnh nhân bị sốt vi-rút trên địa bàn Hà Nội phải nhập viện khá đông và không chỉ có các bệnh nhân nhỏ tuổi mà cả người lớn cũng bị bệnh, cá biệt có gia đình cả nhà đều bị sốt vi-rút.

Theo các bác sĩ chuyên khoa: Ở điều kiện bình thường cũng có những vi-rút ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa… , nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Các loại vi-rút thường gây sốt gồm: Myxo, coxackie, entero, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… Vi-rút có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, có thể gây thành dịch.

Sốt vi-rút có các triệu chứng nổi bật sau: Thứ nhất, người bệnh bị sốt cao từ 38 đến 39ºC, thậm chí 40 đến 41ºC. Trong cơn sốt, bệnh nhân nhi thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol… Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Thứ hai, đau mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc. Thứ ba, đau đầu: Một số trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã. Thứ tư, viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như: Ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ… Thứ năm, rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do vi-rút đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Thứ sáu, viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Thứ bảy, phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt. Thứ tám, viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt. Thứ chín, người bệnh nôn mửa: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn. Không có các biểu hiện nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3 đến 5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh. Sốt vi-rút không thực sự nguy hiểm nếu được chữa trị kịp thời. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đến thời điểm hiện nay sốt vi-rút vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, cách xử lý tốt nhất là hạ sốt, chườm mát, bù nước và điện giải. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn thì đừng dùng kháng sinh. Các biện pháp thường áp dụng là: Hạ sốt, dùng paracetamol liều 10mg/kg, 6 giờ/lần. Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5ºC thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao. Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng. Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng. Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Sau đó phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,5ºC, đặc biệt là trên 39ºC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài hơn 5 ngày.

Để cơ thể có sức đề kháng tốt, chống chọi với các tác nhân vi-rút, vi khuẩn đang phát triển mạnh các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống, ăn đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vi-ta-min từ hoa quả, nghỉ ngơi hợp lý… . Nếu có triệu chứng sốt do vi-rút, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây cho người thân trong gia đình và lan rộng ra cộng đồng.

Sốt vi-rút dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho trẻ đến trường. Đối với các đơn vị quân đội, khi có người sốt vi-rút thì nên tổ chức cách ly và điều trị kịp thời, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, cần tập trung tiêu diệt muỗi, duy trì tốt việc bộ đội ngủ phải mắc màn và tuyên truyền, vận động người dân nơi đơn vị đóng quân ngủ phải mắc màn, phát quang bờ bụi quanh nhà… đây là biện pháp tốt nhất để tránh muỗi đốt./.

Bác sĩ Hòa Bình

Phương pháp sơ cứu khi bị tấn công bằng kim tiêm

Gần đây một số đối tượng dùng kim tiêm chống đối người thi hành công vụ hoặc đi “xin đểu”. Thực tế đã có người bị đâm kim tiêm khi chống cự lại chúng.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Dung – BV Bệnh nhiệt đới trung ương, những người bị tổn thương hoặc bị tấn công bằng bơm kim tiêm, vật sắc nhọn… của những đối tượng nghi ngờ là con nghiện, người nhiễm HIV gây ra thường có tâm lý hoảng loạn. Đồng thời phản ứng ban đầu là nặn, bóp máu từ vết đâm, vết thương đó với mong muốn trục xuất lượng máu “độc” chứa virút HIV ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, cách làm này lại có tác dụng ngược, việc nặn, bóp ở vùng da bị tổn thương sẽ kích thích mạch máu xung quanh vùng da hoạt động, làm đẩy nhanh quá trình virút HIV (nếu có) xâm nhập.

Ảnh minh họa

Hành vi sơ cứu đúng nhất là để máu tự động chảy dưới vòi nước chừng 5-10 phút. Nếu có thể nên dùng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, sau đó đến các cơ sở y tế gần nhất để làm các thủ tục thăm khám, xét nghiệm về mức độ phơi nhiễm HIV. Bác sĩ Dung cũng lưu ý “thời điểm vàng” để thuốc kháng HIV có công hiệu là trong khoảng thời gian 72 giờ tính từ thời điểm bị thương. Do vậy người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để làm thủ tục thăm khám, xét nghiệm, tầm soát HIV trong thời điểm thuốc kháng virút HIV còn có công hiệu.

Bác sĩ Dung cũng cho biết thuốc kháng virút có tác dụng 100% trong 24 giờ đầu sau khi bị phơi nhiễm, tỉ lệ này sẽ giảm dần trong khoảng thời gian sau đó. Sau 72 giờ kể từ lúc bị phơi nhiễm HIV, thuốc hầu như không có hiệu quả.

BS Nguyễn Thái Minh – phó trưởng khoa truyền nhiễm BV Đống Đa Hà Nội – cho biết người có nguy cơ phơi nhiễm HIV cần làm test nhanh để xác định đã nhiễm HIV từ trước hay chưa. Đối với những người có kết quả dương tính với virút HIV, nghĩa là đã nhiễm HIV từ trước mà không phải do tình huống nghi phơi nhiễm HIV gần đây gây ra, bệnh nhân lập tức được tư vấn và chuyển sang điều trị.

Đối với trường hợp âm tính với HIV, có thể được chỉ định uống thuốc kháng virút HIV và phải tái khám trong vòng 3-6 tháng để xác định có virút HIV trong cơ thể hay không. Có nhiều trường hợp bác sĩ xác định nguy cơ phơi nhiễm HIV thấp như có vết thương ngoài da nhưng không sâu, không bị chảy máu… sẽ không phải uống thuốc kháng virút HIV.

Bác sĩ Minh cũng cho biết các thủ tục thăm khám làm xét nghiệm HIV hiện nay rất đơn giản và ít tốn kém. Chi phí một lần xét nghiệm và tư vấn HIV như vậy khoảng 100.000 đồng. Cho nên ngoài việc sơ cứu vết thương đúng cách, người dân nếu rơi vào những tình huống có nguy cơ phơi nhiễm virút HIV như bị tấn công bằng kim tiêm hoặc sơ ý bị bơm kim tiêm của những đối tượng nghi ngờ nhiễm HIV đâm vào người thì cần phải đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị đúng đắn.

(Theo Tuổi trẻ)

Nguy cơ nhiễm bệnh do thử mỹ phẩm

Khi chọn một màu ưng ý tại cửa hàng và kẻ vào mí mắt, có thể bạn đã tự đặt mình vào rủi ro bị nhiễm trùng mắt.

Hiện nay, việc thử các loại mỹ phẩm trước khi mua là điều mà hầu như ai cũng thực hiện. Tuy nhiên, hãy thận trọng. Khi lọ mỹ phẩm đã mở ra và tiếp xúc với không khí thì nó có thể thành “nhà trọ” cho vô số vi khuẩn và virus. Đó là lý do các nhà sản xuất mỹ phẩm khuyên bạn nên mạnh tay vứt bỏ một vài loại mỹ phẩm, chẳng hạn như mascara, sau một thời gian nhất định, cho dù bạn là người duy nhất sử dụng chúng. Khi mỹ phẩm để ở nơi công cộng, nhiều người cùng thử, thì xác suất bị nhiễm khuẩn càng cao.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu bề mặt của các loại mỹ phẩm dùng để thử ở quầy hàng mỹ phẩm trong suốt hai năm, từ những gian hàng bán lẻ cho đến những cửa hàng sang trọng. Kết quả cho thấy, các loại mỹ phẩm dùng để thử có chứa nhiều vi khuẩn với nhiều chủng loại khác nhau. Khá bất ngờ là có một nghiên cứu đã tìm thấy trong các mỹ phẩm dùng để thử có chứa những vi khuẩn đường ruột chứ không chỉ những loại vi khuẩn lưu trúda mặt.

Những loại mỹ phẩm đáng quan tâm nhất là các loại dùng cho mắt, son môi. Đã có nhiều trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn sau khi thử các loại mỹ phẩm như mascara và bút kẻ mắt. Cũng đã có nhiều báo cáo cho thấy, sau khi thử mỹ phẩm, người thử bị nhiễm vi khuẩn, dẫn đến mất hoặc giảm thị lực do nhiễm khuẩn. Khi thử son môi, người thử cũng dễ bị nhiễm virus herpes hoặc những loại virus gây cảm cúm. Đặc biệt nghiêm trọng là trong những tháng mùa đông, khi các loại virus này ở vào thời điểm “sung sức” nhất.

Vậy chẳng lẽ cứ nhắm mua đại mà không cần phải thử? Các nhà khoa học đề nghị cách thử là bôi mỹ phẩm vào mặt lưng của bàn tay để xem màu sắc của mỹ phẩm có ưng ý và có hợp với sắc da của bạn không. Ngay cả son và chì kẻ mắt cũng vậy. Sau đó rửa tay thật sạch.

Đừng bôi mỹ phẩm dùng để thử ở những vùng da bị trầy xước hoặc bị kích ứng. Nếu những lọ mỹ phẩm dạng lỏng bị tách lớp thì bạn không nên thử vì đây là dấu hiệu của sự nhiễm khuẩn.

DS Nguyễn Bá Huy Cường

(Theo Phụ nữ online)

Chê bao cao su, nhiều đồng tính nam nguy cơ bị HIV

Quá tin bạn tình, thiếu kiến thức phòng bệnh và cho rằng quan hệ tình dục qua đường hậu môn sẽ giảm cảm giác nếu dùng bao cao su, nhiều người đàn ông thuộc “thế giới thứ ba” đã phải ôm hận vì dính căn bệnh thế kỷ.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng can thiệp và giảm tác hại, Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP HCM cho biết, khảo sát của ủy ban cùng Viện Pasteur TP HCM cho thấy có đến 14% bệnh nhân HIV là người đồng tính nam quan hệ tình dục cùng giới. Con số này tuy thấp hơn nhóm gái mại dâm và tiêm chích ma túy, song vẫn đáng báo động.

Kết quả thống kê trên cả nước từ năm 2006 đến năm 2009 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho thấy có khoảng 16% người nhiễm HIV thuộc nhóm nam quan hệ tình dục với nam.

Chê bao cao su, nhiều đồng tính nam nguy cơ bị HIV
Người đồng tính nam cần có ý thức phòng bệnh khi quan hệ tình dục. Ảnh minh họa: Thiên Chương – Vở kịch về đề tài đồng tính Đỏ cam vàng lục lam tím

“Qua điều tra, phần lớn các bệnh nhân HIV là người đồng tính nam cho biết họ ít hoặc thậm chí không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Riêng điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy chưa đến 40% người đồng tính dùng bao. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh lây lan”, bác sĩ Huệ nói.

Ông Tùng Vũ, Chủ tịch quốc gia nhóm công tác kỹ thuật MSM (người quan hệ đồng tính nam) cũng nhìn nhận tỷ lệ người đồng tính dùng bao cao su khi quan hệ tình dục là rất thấp.

“Một số người cho rằng nam và nam quan hệ không có nguy cơ lây bệnh. Số khác thấy bạn tình trẻ trung đẹp trai chủ quan bạn không mắc bệnh. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội cũng khiến người đồng tính quan hệ lén lút, bất chợt nên không có được các biện pháp tình dục an toàn”, ông Vũ nói.

Bạn Xuân Phú, quản trị một diễn đàn đồng tính nam tại TP HCM thì cho rằng, nguyên nhân khiến người đồng tính nam không dùng bao cao su khi quan hệ vì chê bao gây mất cảm giác.

“Trong khi đó, yêu qua hậu môn nếu không có bao và chất bôi trơn sẽ rất dễ gây rách da chảy máu. Đây là nguyên nhân dính bệnh truyền nhiễm”, Phú nói.

Theo bác sĩ Huệ, dù ngày nay các phương tiện hỗ trợ tình dục đồng giới nam như bao cao su có kèm chất bôi trơn đã có, song điều quan trọng vẫn là ý thức và kỹ năng của người trong cuộc. “Biện pháp đã có nhưng các bạn ấy vẫn không hiểu và dùng thì cũng bằng không”, bà Huệ nói.

Cũng theo đại diện của Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TP HCM, nếu tính theo tỷ lệ 1,5 đến 2% đàn ông từ 15 đến 49 tuổi mà Cục phòng chống AIDS từng thống kê, chỉ riêng thành phố đã có khoảng 20 nghìn nam quan hệ tình dục nam có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

“Chính vì thế nếu bản thân người đồng tính nam không ý thức phòng bệnh thì tỷ lệmắc HIV của giới này không dừng lại ở con số 14%”, bác sĩ Huệ cảnh báo.

Meo.vn (Theo Vnexpress)

Hướng đi mới bài trừ sốt xuất huyết

Các nhà khoa học đã tìm ra một biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết mới và sẽ thử nghiệm vào năm tới ở một số nước, trong đó Việt Nam là nước thử nghiệm đầu tiên.

Cấy vi khuẩn vào muỗi vằn để ngăn ngừa sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết hiện đang có mặt ở hơn 100 quốc gia. Mỗi năm có từ 50 đến 100 triệu ca nhiễm bệnh với 40.000 ca trường hợp tử vong. Dịch bệnh hoành hành mạnh nhất ở vùng Đông nam Á, Mỹ Latinh và Tây Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia, Châu Á là vùng bị sốt xuất huyết nhiều nhất. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam đã có 30.000 người bị mắc bệnh. Còn tại Thái Lan, mỗi năm có hơn 60.000 ca sốt xuất huyết và phải chi 8,2 triệu USD cho công tác điều trị và 26 triệu USD để diệt muỗi vằn (aedes aegypti), vật trung gian truyền bệnh.

Hiện tại, biện pháp đối phó sốt xuất huyết tập trung vào việc hạn chế số lượng muỗi vằn, tức tiêu diệt chúng. Thế nhưng, các loại thuốc diệt côn trùng đã cho thấy không thể giải quyết vấn đề dù đã được sử dụng từ mấy chục năm nay.

Chương trình nghiên cứu Eliminate Dengue huy động các nhà nghiên cứu của Australia, Brazil, Việt Nam, Thái Lan và Mỹ đã tìm hướng đi mới. Đó là không giết muỗi vằn mà ngược lại phải bảo vệ chúng. Cụ thể là người ta tiêm cho muỗi vằn một loại vi khuẩn có tên là wolbachia pipientis. Vi khuẩn này hiện diện ở 70% loài muỗi, nhưng lại không có trong muỗi vằn. Mục đích là ngăn virus sốt xuất huyết sinh sản thêm trong cơ thể của muỗi. Nếu vi rút không thể phát triển trong cơ thể muỗi thì chúng không thể được truyền sang người.

Hồi đầu năm, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này ở Australia bằng cách thả vào thiên nhiên 300.000 muỗi vằn trưởng thành đã được tiêm vi khuẩn wolbachia. Kết quả là sau 5 tuần, hầu hết muỗi khác trong thiên nhiên đều mang trên mình loại vi khuẩn wolbachia.

Vùng Đông Nam Á là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch xuất huyết, vì thế phương pháp mới này sẽ được thử nghiệm trước hết tại đây.Vào năm 2012, Việt Nam sẽ là quốc gia thử nghiệm đầu tiên, sau đó đến lược Thái Lan và Indonesia. Nếu kết quả khả quan, thì phương pháp này sẽ được nhân rộng trên toàn thế giới.

Hồi đầu năm, tập đoàn Sanofi Pasteur của Pháp đã bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết ở Thái Lan và kết quả rất hứa hẹn. Theo tập đoàn này, trong những năm tới có thể ra đời một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết. Như vậy, vaccine dành cho người giúp ngăn chặn virus phát triển ở người, còn phương pháp wolbachia thì ngăn chặn vi rút phát triển ở muỗi vằn. Hai phương pháp này có thể bổ sung cho nhau để cho ra kết quả tốt nhất.

Tóm lại, nếu mọi thứ diễn ra như mong muốn, 593 triệu người đang sống trong đe dọa sốt xuất huyết ở vùng Đông Nam Á và 2 tỷ người trên khắp năm châu không còn lo ngại về dịch sốt xuất huyết nữa.

Meo.vn (Theo Tamnhin)

Sốt làm tăng số lượng tế bào miễn dịch

Sốt không chỉ ức chế quá trình sao chép của các tác nhân gây bệnh, mà còn tăng số lượng “tế bào sát thủ” T trong hệ thống miễn dịch.


Các tế bào T trong hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ săn lùng những tế bào nhiễm bệnh hoặc các tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt chúng.

Thông thường, khi một người bị sốt, cơ thể sẽ phản ứng với mầm bệnh xâm nhập. Nhiệt độ cơ thể tăng cao do sốt sẽ ức chế khả năng tái tạo của các yếu tố gây bệnh.

Tuy nhiên nghiên cứu của giáo sư Christopher Intagliata đã chỉ ra rằng, sốt không chỉ làm chậm quá trình xâm nhập của các yếu tố gây bệnh, mà còn làm tăng số lượng tế bào miễn dịch để chống lại bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên hai nhóm chuột. Nhóm thứ nhất, được tăng nhiệt độ cơ thể lên ngưỡng 39,4ºC. Nhóm còn lại được giữ ở mức nhiệt bằng với nhiệt độ cơ thể con người. Sau đó, họ tiêm cho cả hai nhóm chuột này chất kháng nguyên – chất có khả năng thu hút hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Sau 3 ngày tiêm, cả hai nhóm chuột được lấy mẫu máu. Kết quả cho thấy những con chuột bị sốt có số lượng tế bào sát thủ T cao gấp 2 lần.

Do đó, khi bạn bị ốm hay bị cảm lạnh, hãy nằm nghỉ và làm tăng nhiệt cơ thể của mình, nhằm nhân số lượng tế bào T cho hệ miễn dịch để chống lại mầm bệnh.

Meo.vn (Theo Infonet)

Nhỏ thuốc mắt đúng cách

Không dùng thuốc nhỏ mắt đã bị đổi màu, không để mi mắt chạm vào miệng lọ để tránh nhiễm trùng, tuyệt đối không dùng thuốc hết hạn sử dụng…


Theo các bác sĩ, trước khi dùng thuốc nhỏ mắt người dân cần chú ý dùng đúng theo liều chỉ định, nếu quá liều có thể gây xung huyết, thông thường nên nhỏ 2-3 lần/ngày.

Khi nhỏ thuốc cần chú ý không để mi mắt chạm vào miệng lọ để tránh nhiễm trùng. Tuyệt đối không nhỏ thuốc nếu thấy dung dịch trong lọ bị vẩn đục hoặc đổi màu, thuốc đã hết hạn sử dụng…

Trong và sau khi dùng thuốc, người dân cần chú ý nếu thuốc gây xung huyết mắt, ngứa, sưng hoặc các triệu chứng khác ngưng dùng và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt. Đặc biệt lưu ý, để thuốc ngoài tầm tay trẻ em, vặn chặt nút lọ sau khi dùng. Nếu thấy một vài hoạt chất có thể kết tinh ở miệng lọ do điều kiện bảo quản thuốc hãy lau miệng lọ bằng gạc sạch trước khi dùng.

Để tránh nhầm lẫn và giảm chất lượng thuốc, các bác sĩ khuyến cáo không nên đựng thuốc vào chai lọ khác. Không dùng chung lọ thuốc với người ngoài để tránh lây nhiễm bệnh về mắt, bảo quản nơi mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Meo.vn (Theo Laodong)

Biến chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục

Xin cho biết những hậu quả của việc bị mắc bệnh lây truyền qua tình dục, nghe nói nếu mắc bệnh lúc trẻ sau này sẽ khó có con? – (Đào Công Hiệp – Sóc Trăng)

Trả lời:

Thường thì sau khi bị lây nhiễm, không có điều gì xảy ra. Những tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục ngủ yên trong cơ thể chúng ta trong nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Người bị nhiễm bệnh mới nhận ra được khi mầm bệnh trỗi dậy. Những rối loạn khi thụ thai: sự gia tăng tình trạng có thai ngoài tử cung, làm cho những rối loạn khi mang thai tăng theo.

Ảnh minh họa

Ở phụ nữ: vấn đề hàng đầu của bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể là nguyên nhân gây tổn hại cho đường sinh dục trong khi mang thai. Trong vài trường hợp, người ta đề cập đến tình trạng vô sinh do bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra. Bệnh nhiễm virút clamydia dường như là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề hiếm muộn của phụ nữ.

Ở nam giới: cũng có khả năng gặp phải rối loạn về thụ tinh tiếp theo sau bị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bội nhiễm mầm bệnh khác: do nhiễm bệnh lần đầu không chịu chữa trị đã tạo điều kiện cho bệnh có cơ hội lây nhiễm tác nhân khác. Khi bị nhiễm khuẩn clamydia thì bạn cũng dễ dàng bị nhiễm khuẩn lậu cầu (bệnh lậu). Bệnh lây truyền qua đường tình dục có nguồn gốc từ vi khuẩn: nhiễm clamydia, lậu cầu, giang mai… có thể chữa dứt bệnh.

Tất cả bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể điều trị dứt bệnh bằng thuốc kháng sinh. Bệnh lây truyền qua đường tình dục có nguồn gốc từ virút: HIV, mụn rộp, papiloma… Phương pháp điều trị hiện giờ không thể tiêu diệt virút, mục đích điều trị là giới hạn đợt kịch phát và nhiều triệu chứng khác do virút gây ra. Về biện pháp phòng ngừa: đã có sẵn vắc-xin chống viêm gan siêu vi B rất hiệu quả, còn một loại vắc-xin khác chống lại virút papiloma đang được triển khai.

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Meo.vn (Theo Suckhodoisong)

Sáu kiểm tra sức khỏe nam giới nên thực hiện

Theo Kompas, tiến hành kiểm tra sức khỏe vào đúng thời điểm là điều rất quan trọng cần thực hiện vì lợi ích sức khỏe của nam giới. Tầm soát 6 bệnh sau là kim chỉ nam cho sức khoẻ nam giới.

Bằng cách làm các kiểm tra sức khỏe, bệnh sẽ được phát hiện sớm, ngay cả trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện, khiến việc xử lý bệnh đơn giản hơn và khả năng phục hồi sức khoẻ cao hơn. Ví dụ, nếu phát hiện sớm bệnh tiểu đường, có thể ngăn chặn các biến chứng như mất thị lực hoặc liệt dương.

 

Những kiểm tra sức khỏe nào là bắt buộc đối với nam giới?

 

1. Sức khoẻ của tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư dễ xảy ra đối với nam giới nhất. Ung thư này thường phát triển khá chậm mặc dù đó cũng là loại hình phát triển tích cực và nhanh chóng. Thông qua chụp chiếu, bác sĩ sẽ phát hiện ra bệnh này và có phương án điều trị bệnh sớm sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Kiểm tra tuyến tiền liệt được khuyến khích đối với những người đàn ông độ tuổi trên 45 hoặc trẻ hơn nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh này. Kiểm tra nhiều loại xét nghiệm được thực hiện cụ thể là làm xét nghiệp kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) thông qua xét nghiệm máu.

2. Ung thư ruột kết hay ung thư đại trực tràng

Các ca tử vong do ung thư đại trực tràng xếp tỷ lệ thứ hai đối với nam giới. Nam giới có nguy cơ ung thư này cao hơn so với phụ nữ. Bệnh này thường xảy ra do sự tăng trưởng của khối u ở đại tràng. Sau khi tế bào ung thư phát triển bình thường sẽ lan rộng đến tất cả các phần của cơ thể.

Cách ngăn chặn căn bệnh này là phát hiện ra và cắt bỏ khối u khỏi ruột kết trước khi chúng phát triển thành tế bào ung thư. Việc chiếu chụp để phát hiện ung thư ruột kết được khuyến cáo đối với nam giới bước vào tuổi 50.

3. Huyết áp cao

Nguy cơ huyết áp cao tăng lên theo độ tuổi. Ở những người trẻ tuổi hơn cũng có nguy cơ cao nếu bạn bị béo phì và có lối sống không lành mạnh. Cao huyết áp có thể dẫn đến các bệnh mãn tính như bệnh tim, đột quỵ, và bệnh thận.

Huyết áp bình thường thường dưới 120/ 80 và huyết áp 140/ 90 hoặc hơn được coi là cao. Hãy thực hiện việc đo huyết áp thường xuyên để kiểm soát bệnh này.

4. Mức cholesterol

Với số lượng cholesterol cao, cholesterol xấu (LDL) có thể dẫn đến sự hình thành các mảng bám trong thành động mạch sẽ gây ra những cơn đau tim. Xơ vữa động mạch, xơ cứng và hiện tượng thu hẹp các mạch máu có thể kéo dài trong nhiều năm mà không có triệu chứng.

Tối thiểu bạn nên làm xét nghiệm máu để xác định tổng số cholesterol, LDL và HDL (cholesterol tốt), và triglycerides mỗi năm một lần. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục và giảm việc tiêu thụ chất béo, thường được coi là khá hiệu quả trong việc làm giảm LDL.

5. Tiểu đường

1/ 3 số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không nhận thức được về bệnh của mình. Trong khi đó, việc không kiểm soát được bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh khác nhau, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ, suy thận, mù mắt, bất lực… Điều này không nhất thiết xảy ra, đặc biệt là nếu bệnh được phát hiện sớm.

Nam giới có nghĩa vụ tầm soát 6 căn bệnh này…

Không kiểm soát được bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh nguy hiểm khác nhau, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ, suy thận, mù mắt, bất lực..

Kiểm tra đường huyết lúc đói và đường huyết thường xuyên ba năm một lần đối với những người đàn ông tuổi từ 40 trở lên là điều giúp bạn tránh khỏi những ám ảnh đối với nam giới trung niên. Nếu bạn thuộc tuýp người có rủi ro cao (thừa cân hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh), hãy kiểm tra lượng đường trong máu kiểm tra càng sớm càng tốt và thường xuyên hơn.

6. HIV

HIV là virus gây bệnh AIDS. Siêu vi khuẩn sống trong máu và dịch cơ thể người bị nhiễm bệnh ngay cả khi người đó không cảm nhận được các triệu chứng. HIV lây lan từ người này sang người khác qua chất dịch thông qua các quan hệ vào âm đạo, vùng hậu môn, miệng, mắt hoặc vết thương hở trên da.

Người nhiễm HIV có thể không cảm thấy bất kỳ triệu chứng gì trong nhiều năm. Cách để phát hiện bệnh là thực hiện xét nghiệm kiểm tra máu. Nếu bạn có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao, tức từng sử dụng kim tiêm không vô trùng hoặc quan hệ tình dục nguy hiểm (không có bao cao su và thường thay đổi đối tác), hãy làm xét nghiệm HIV.

Meo.vn (Theo VTC)

“Kháng sinh bán theo đơn vẫn mua dễ như rau”

90% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn, bất kể là ở nông thôn hay thành thị. Chỉ cần sụt sịt một cái là nhiều người đã tìm đến loại thuốc được mệnh danh là con dao 2 lưỡi này.

Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết tại hội nghị Tư vấn xây dựng kế hoạch hành động chống kháng thuốc tổ chức ngày 26/11.

Đây là kết quả nghiên cứu về tình hình cung ứng kháng sinh do Đại học Oxford (Mỹ), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương… thực hiện tại 30 nhà thuốc tư tại Hà Nội đầu năm 2011. Theo đó, thuốc kháng sinh chiếm đến 1/4 tổng số thuốc bán ra của hiệu thuốc, do khách hàng yêu cầu, người bán thuốc tư vấn. Những lý do khiến người dân hay tìm đến kháng sinh chủ yếu vẫn là sốt, ho, đau họng, đau bụng…

Ông Kính cũng thừa nhận, mặc dù có quy định nhưng nhiều nơi vẫn bán thuốc không cần đơn. Ở nước ngoài, trừ thuốc đưa vào siêu thị, thực phẩm chức năng là được mua thoải mái, còn ở Việt Nam từ thuốc chữa ung thư, kháng sinh, vitamin… đều có thể mua dễ dàng.


Thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc của người dân cũng làm cho tình kháng kháng sinh càng trở nên trầm trọng. Ảnh: N.P.

“Có trường hợp người bệnh cầm đơn ra hiệu thuốc mua thì người bán nói là không có loại này, rồi tư vấn dùng thuốc khác cũng tốt. Tuy nhiên, thực tế thì 2 loại thuốc này có tốt như nhau không thì chỉ người bán biết. Hơn nữa, thực tế là có chuyện các hãng dược tiếp cận hiệu thuốc để tư vấn bán thuốc này cho bệnh nhân để được hưởng hoa hồng”, ông Kính nói.

Chất lượng người bán thuốc cũng là vấn đề đáng lo ngại. Người bán thuốc nhiều khi không phải là dược sĩ, không phải là người đứng tên nhà thuốc, thậm chí không được học hành gì, ai mua thuốc gì thì bán thuốc đấy. Trong khi đó, cả nước có gần 40.000 nhà thuốc bán lẻ.

Không chỉ người bệnh, người bán thuốc mà đôi khi cả bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh. Một độc giả từng gửi chia sẻ lên TS “mình bị mắc một cái xương cá, thế mà đi khám bác sĩ cũng kêu phải uống kháng sinh, kháng viêm… Chẳng lẽ các bác sĩ lại cẩn thận đến như vậy”. Theo khảo sát tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng cho thấy, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Kính để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh cũng cần xem xét đến việc sử dụng hợp lý trong nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.

Thực tế điều tra 94 trang trại nuôi trồng thủy hải sản ở đồng bằng sông Hồng và sông Mêkong (7-9/2011), ngoại trừ nông trang sản xuất phục vụ xuất khẩu, cho thấy tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong nuôi cá là 81%, trong nuôi tôm là 55%. Một số kháng sinh bị cấm như chloramphenicol vẫn được sử dụng.

“Một số nước trên thế giới cấm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản như Hàn Quốc, nếu phát hiện trang trại nào sử dụng thì đóng cửa. Tuy nhiên, đấy là họ sản xuất trên quy mô công nghiệp, còn nước ta thì nhỏ lẻ, từng hộ, gia đình, cá thể nên khó kiểm soát. Hiện nay ngoài thủy hải sản xuất khẩu có kiểm tra dư lượng kháng sinh, còn lại tiêu thụ trong nước thì chưa làm”, ông Kính nói.

Chính việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người tiêu thụ kháng sinh bất đắc dĩ qua thực phẩm hàng ngày sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể. Khi một người nhiễm bệnh mà trong cơ thể có sẵn một lượng kháng sinh rồi, việc điều trị không ăn thua, ông Kính cho biết.

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, vấn đề kháng kháng sinh không mới nhưng ngày càng nguy hiểm, đáng báo động. Việc sử dụng kháng sinh ngày càng tự phát, chuyển từ sử dụng sang lạm dụng. Sử dụng không đúng, không phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện lan rộng và kéo dài.

Trong những năm qua, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm dần song nhu cầu và thực rạng sử dụng kháng sinh lại không hề giảm. Chi phí thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2008 chiếm đến gần 50% tổng số tiền thuốc của bệnh viện, tại một số nơi như Bệnh viện Nhi Nghệ An, con số này lên đến gần 88%, Bệnh viện Ninh Bình là 80%…

“Một trong những thách thức trong việc hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh là chưa có chế tài nào đối với việc không tuân thủ quy chế bán thuốc kê đơn. Nhận thức của người dân về kháng sinh còn hạn chế, ngay cả cán bộ y tế khi đi công tác cũng mua mấy vỉ kháng sinh phòng theo. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện cũng chưa được đẩy mạnh…”, ông Thái cho biết.

Meo.vn (Theo Vnexpress)