Lưu trữ cho từ khóa: chất cấm

Giữ an toàn cho trẻ nhỏ với gói hút ẩm như thế nào?

Với phương châm “Sức khỏe của người tiêu dùng là sự sống còn của công ty”, từng sản phẩm công ty Cổ phần Thực phẩm One.One Việt Nam đưa ra đều dựa trên các tiêu chí tốt cho sức khỏe người tiêu dùng – sản phẩm hoàn toàn tự nhiên không chất tạo màu, không chiên qua dầu, không chất bảo quản, không Cholesterol, tốt cho sức khỏe. Hơn thế nữa, những chiếc bánh gạo One.One được làm từ nguồn nguyên liệu là những hạt gạo Việt Nam trù phú. Chính vì điều đó mà năm 2013 nhãn hàng Bánh Gạo One.One tiếp tục đạt danh hiệu HVNCLC do Người Tiêu Dùng bình chọn.

Ảnh được cung cấp bởi Bánh gạo One One

Vừa qua, trang báo mạng kienthuc.net.vn có đăng tải thông tin “Cháy da, bỏng mắt, loét miệng vì gói chống ẩm trong bánh gạo”, trong đó có một vài thông tin cung cấp không chính thống, không chính xác. Chính vì thế, công ty Cổ phần Thực phẩm One.One Việt Nam chính thức có thông tin phản hồi để người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm:

1. Hai loại chất chống ẩm đang được Công ty sử dụng song song là silicagen (SiO2) và vôi bột (CaO) với trọng lượng rất nhỏ 3-8gam/túi (và không tiếp xúc trực tiếp với bánh gạo) – đây là những chất chống ẩm không nằm trong danh mục cấm và được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và thế giới. Chất chống ẩm mà bài báo đề cập là vôi bột (CaO), là chất có độ hút ẩm tốt, an toàn cho thực phẩm và được sử dụng ngày càng nhiều vì có nguồn gốc từ thiên nhiên và gần gũi với con người, không độc hại. Cho đến nay, phần lớn các loại bánh gạo của Nhật cũng đang sử dụng vôi bột (CaO) làm chất hút ẩm cho sản phẩm bánh gạo (vui lòng tham khảo thông tin của công ty sản xuất chất chống ẩm từ CaO lớn nhất Nhật Bản http://www.yabashi.jp/vi/industries03-2.html). Vì vậy Công ty Cổ phần Thực phẩm One.One Việt Nam khẳng định tất cả các chất chống ẩm mà công ty đang sử dụng là hoàn toàn hợp pháp và không nằm trong danh sách hoá chất cấm cũng như là độc hại của Việt Nam.

2. Về trường hợp hy hữu đáng tiếc của cháu bé ở Hà Nội nghịch gói chống ẩm bị bay vào mắt, khi xảy ra sự cố người nhà của cháu bé đã liên hệ với Công ty qua điện thoại đường dây nóng, Công ty đã giải thích và hướng dẫn người nhà đem cháu bé đến bác sĩ chữa trị đúng cách và kịp thời.

Vì phương châm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng mà ngay sau sự việc đáng tiếc đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm One.One Việt Nam đã yêu cầu bộ phận R&D tìm các biện pháp để hạn chế tối đa các tác dụng phụ của chất chống ẩm; đồng thời cũng ngay lập tức phối hợp với các báo viết bài tư vấn tiêu dùng “Cảnh báo tai nạn do hạt chống ẩm trong thực phẩm”, đăng tại các báo uy tín nhất trên toàn quốc như: báo Tuổi Trẻ ra ngày ra ngày 05/02/2013, báo Hà Nội Mới ra ngày 02/02/2013, An Ninh Thủ Đô ra ngày 02/02/2013, Phụ Nữ Việt Nam ra ngày 02/02/2013 và Phụ Nữ Hồ Chí Minh ra ngày 04/02/2013… với mục đích giúp người tiêu dùng trên toàn quốc hiểu rõ hơn về gói chống ẩm và tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình sử dụng.

Gói hút ẩm là gì?

Để bảo quản bánh kẹo và thực phẩm khô ráo, tất cả các công ty thực phẩm trên thế giới thường sử dụng “gói hút ẩm” đóng gói trong bao bì chứa bánh kẹo và thực phẩm cần bảo quản. Gói hút ẩm thường là các túi không thấm nước, có cấu tạo đặc biệt cho khí ẩm dễ dàng xuyên qua, bên trong túi chứa các hóa chất có khả năng hút ẩm cao so với trọng lượng của nó như: Silicagen (SiO2), Ôxít Canxi (CaO – vôi sống), đất sét Bentonite… trong đó Silicagen và Ôxít Canxi là được sử dụng nhiều nhất do độ hút ẩm tốt, giá rẻ và an toàn với thực phẩm. Đặc biệt Ôxít Canxi được sử dụng ngày càng nhiều vì đó là chất có nguồn gốc từ thiên nhiên và gần gũi với con người, ít độc hại. Từ thời xa xưa, các cụ đã biết dùng vôi tôi cho vào lo, chai, hũ… để bảo quản các loại bánh, mứt, kẹo cũng như để “Ăn miếng trầu là đầu câu chuyện”…

Các nguy cơ từ gói hút ẩm

Như chúng ta đã biết, hoá chất trong gói hút ẩm sẽ an toàn với thực phẩm và người sử dụng khi để trong gói hút ẩm, cách ly với thực phẩm, nhưng lại không an toàn khi ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp vào mắt mũi miệng… chính vì vậy mà hiện nay tất cả các gói hút ẩm thường ghi cảnh báo là Chất chống ẩm không ăn được, Không được xé, Tránh xa tầm tay trẻ em, Bỏ ngay vào sọt rác… Người lớn đã có kinh nghiệm hoặc người biết chữ sẽ làm theo chỉ dẫn của cảnh báo, nhưng đối với trẻ em hoặc người không biết chữ thì lại có nguy cơ nếu không tuân thủ theo cảnh báo. Đã có nhiều trẻ nhỏ phải đi tẩy ruột, bỏng mắt, miệng… khi xé và ăn hóa chất hút ẩm bên trong do không biết hoặc do nghịch nghợm.

Giữ an toàn cho trẻ nhỏ với gói hút ẩm như thế nào?

Chính vì vậy để bảo vệ trẻ nhỏ, tại mỗi gia đình chúng ta nên giảng cho trẻ biết tác hại của gói hút ẩm, khuyên trẻ có thói quen bỏ đi, không nghịch xé, nuốt… gói hút ẩm có trong các gói bánh, kẹo hoặc thực phẩm nói chung. Đối với các trẻ nhỏ hơn, chúng ta nên cẩn thận bỏ gói hút ẩm trước khi đưa cho trẻ gói bánh hoặc kẹo.

Trong trường hợp trẻ ăn phải, tốt nhất chúng ta làm cho trẻ nôn ra và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để bác sĩ xử lý kịp thời. Trường hợp trẻ nghịch, bị hạt hút ẩm bay vào mắt thì các bác sĩ khuyên chúng ta nên rửa ngay bằng nước sạch sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ điều trị.

Mong rằng một vài thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp ngăn chặn được những tổn hại đáng tiếc xảy ra, đặc biệt đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cũng như yên tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm, trong đó có bánh gạo One.One.

 
 
 

Ăn gì để khỏe, đẹp và an toàn?

(Webtretho) “Mình có một nỗi lo chung như các mẹ, canh cánh suốt cả ngày, có khi cả khi ngủ, đó là ăn gì để sống được, con cái phát triển mà an toàn. Gần đây đọc báo, nghe đài, xem TV, hóng hớt đều thấy thực trạng thực phẩm ở Việt Nam chứa đựng quá nhiều mối nguy hiểm: rau nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại nặng, thịt cá, rau, trái cây được tẩm hóa chất bảo quản độc hại, quy trình nuôi gà, bò, lợn, cá… ô nhiễm, chứa các loại chất cấm trong ăn uống. Một loạt các nguy cơ được kể ra, nhẹ thì tiêu chảy, dị ứng, nặng thì ngộ độc, ung thư, thậm chí ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Bức xúc và lo lắng, mình mở topic này để cùng các mẹ cập nhật các tin tức liên quan đến đồ ăn, thức uống, điểm mặt những thứ nguy hiểm cần tránh, hướng dẫn cho nhau cách lựa chọn khôn ngoan hơn để ăn uống đủ chất, khỏe đẹp nhưng an toàn nhé.

Ai có cao kiến xin mời chỉ giáo để mọi người cùng biết.” – ID mecunkin

webtretho_ăn gì khỏe, đẹp, an toàn

Ăn gì để khỏe, đẹp, an toàn? (Ảnh: Inmagine)

Sau nho, cherry Tàu giả Mỹ, Canada… đẩy giá cao

Giá trái cherry (tiếng Việt gọi là trái anh đào) nhập khẩu từ Mỹ, Úc có thời điểm lên đến cả triệu đồng một ký. Vài tháng trở lại đây trái cherry được bày bán tràn ngập ở các chợ với giá rất rẻ. Vì sao?

Trưa ngày 16.8, tại khu hẻm đường Lê Thánh Tôn đối diện cửa bắc chợ Bến Thành, quận 1, bà bán trái cây dạo chào cherry, giá mỗi bịch nửa ký chỉ có 110.000 đồng. Người bán giới thiệu, trái nhập khẩu từ Mỹ. Theo quan sát của chúng tôi, trái cherry đựng trong các bịch nilông có cuống dài, vỏ đỏ tươi đến đỏ đậm, căng tròn, độ bóng láng, đường kính khoảng 22 – 24mm.

Không chỉ xuất hiện trên các gánh bán dạo, người tiêu dùng tại TP.HCM còn có thể mua trái cherry ở hầu hết các chợ lẻ hay sạp trái cây ven đường. Tại các chợ, tiểu thương đựng trái cherry trong các hộp xốp hoặc thùng cáctông có hình logo, ghi rõ xuất xứ từ Mỹ, Canada; để lẫn lộn với các loại hoa quả khác để bán chứ không thành khu riêng hay đựng trong các tủ làm mát. Giá cherry ở các chợ cũng khá đa dạng, có chỗ bán từ 220.000 – 330.000 đồng. Tại chợ Rạch Ông, quận 8, vài tuần gần đây khách đi chợ được tiểu thương mời mua cherry “giá rẻ”, loại hàng mới, quả tươi còn cuống xanh, giá 280.000 đồng/kg; trong khi có sạp trưng lên loại quả có cuống hơi héo giá khoảng 220.000 – 250.000 đồng/kg. Người bán hàng khẳng định đây là cherry nhập từ Mỹ, Canada.

Sáng ngày 16.8 tại chợ Bắc Ninh (Thủ Đức), đi đến sạp trái cây nào chúng tôi cũng được tiểu thương mời mua trái cherry “đại hạ giá”. Bà Minh, một chủ sạp giải thích bên Canada đang vào mùa, nên các công ty nhập về đẩy hàng ra ngoài bán giá rẻ. Quan sát kỹ hộp cherry của bà Minh chẳng có dấu hiệu gì cho thấy nguồn gốc xuất xứ loại quả này là từ Canada hay Mỹ bởi thùng đựng chỉ là thùng xốp không ghi nhãn mác. Khi chúng tôi tỏ ý nghi ngờ hàng Trung Quốc thì bà Minh trừng mắt: “Trung Quốc làm gì sản xuất được cherry, mấy chú đi chỗ khác để tui bán hàng”.

Tuy nhiên, qua một số đầu mối nhập khẩu trái cây tại TP.HCM, Hà Nội cho thấy, trái cherry đang bán với giá rẻ trên thị trường không phải hàng Mỹ, Canada mà chính là nhập từ Trung Quốc. Anh Nguyễn Quang Huy, hiện đang làm quản lý thương hiệu công ty TNHH trái cây tươi an toàn – FSF (TP.HCM), bằng kinh nghiệm lâu năm sống ở Úc khẳng định: cherry đang bán rất nhiều ở chợ, có giá khá rẻ là hàng Trung Quốc 100% vì quả nhỏ, đường kính chỉ khoảng 22 – 24mm, vỏ màu đỏ tươi, bóng bẩy, có vị chua. Còn hàng Mỹ, châu Âu màu đỏ sẫm đến đỏ đen, không bóng, đường kính 28mm trở lên và vị ngọt lịm. Chúng tôi thử đem một số trái cherry mua ở chợ ra so sánh với loại nhập khẩu từ Mỹ của công ty FSF thì quả thật có sự khác biệt rõ rệt.


Cherry bày bán ngoài chợ với giá 200.000 đồng/kg.

“Do vào thời điểm cuối vụ nên cherry Mỹ có giá 480.000 – 500.000 đồng, còn Canada chính vụ nên có giá 320.000 – 330.000 đồng/kg chứ không có loại nào dưới 300.000 đồng”, anh Huy khẳng định. Một số doanh nghiệp nhập khẩu cũng tiết lộ tiểu thương thường thu gom các thùng cáctông đựng cherry chính hiệu của Mỹ, Canada để đựng cherry Trung Quốc hòng đánh lừa người dùng.

Theo các đầu mối nhập khẩu trái cây ngoại, lịch mùa vụ trái cherry xuất hiện ở thị trường Việt Nam thường được phân như sau: từ tháng 5 – 9 là cherry Mỹ; tháng 9 – 11 là hàng Canada, từ tháng 12 – 2 năm sau là hàng nhập từ Úc. Do tính chất thổ nhưỡng, khí hậu lạnh, đặc biệt là đặc trưng về giống nên cherry Úc bao giờ cũng có giá cao nhất; giá đầu hoặc cuối vụ có khi lên đến 1 triệu đồng/kg. Kế đến là cherry Mỹ giá từ 300.000 – 600.000 đồng; Canada khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg.

Ngoài các loại cherry kể trên, từ cuối năm ngoái, thị trường đột ngột xuất hiện thêm một loại cherry xuất xứ từ Trung Quốc với giá bán rất rẻ. Chị Hương, chủ cửa hàng Hoaquaonline ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết không riêng gì thị trường TP.HCM mà ngay cả Hà Nội cũng đang xuất hiện tràn lan cherry Trung Quốc, giá chỉ dao động 200.000 – 250.000 đồng/kg nhưng tiểu thương thường chào là hàng Úc, Mỹ, Canada.

Ông Nguyễn Văn Ngã, chi cục trưởng chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (cục Bảo vệ thực vật), cho biết, qua rà soát không có bất cứ doanh nghiệp nào nhập khẩu trái cherry Trung Quốc. “Hồ sơ chúng tôi quản lý chỉ có hàng nhập từ Úc, Mỹ, Canada…”, ông Ngã nói. Tuy nhiên, theo một số đầu mối nhập khẩu, nếu đăng ký nhập chính ngạch thì bị đánh thuế 10% nên doanh nghiệp thường nhập lậu qua cửa khẩu bằng xe tải lạnh loại nhỏ rồi vận chuyển về Hà Nội, TP.HCM bán lẻ ra thị trường.

“Giá bán sỉ cherry Trung Quốc chỉ vào khoảng 800.000 đồng/thùng 5kg. Nếu bán bằng giá cherry Mỹ, Canada thì lời khá lớn”, anh Huy nói.

Liên quan đến các biện pháp phúc kiểm, ông Nguyễn Văn Ngã cho biết trái cây nhập khẩu phải có các giấy tờ kiểm dịch nước xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu của cục BVT cấp sau đó cơ quan này tiến hành lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh, giám định an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu đạt mới cho thông quan. Còn quá trình doanh nghiệp chở hàng về kho, bán ra thị trường như thế nào thì cơ quan này không giám sát được. “Doanh nghiệp có cho hóa chất bảo quản độc hại vào cũng không ai quản lý”, ông Ngã thừa nhận.

Cherry được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2 – 4 0 C, thời gian sử dụng chỉ được khoảng một tuần, nếu không dùng chất bảo quản. Thế nhưng tại các chợ, cherry giá rẻ thường để trần trong các khay, tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng mà người bán khẳng định có thể sử dụng cả tuần không hư!

(Theo VNN)

Truy tố người “độn” chất cấm vào thực phẩm

Bộ Y tế khá chậm trễ khi ban hành danh mục chất phụ gia cấm sử dụng.

Cá nhân có hành vi “độn” hóa chất công nghiệp như: Rhodamine B vào tương ớt để làm đẹp sản phẩm; sibutramine vào trà giảm cân khiến người dùng bị tiêu chảy; hàn the vào giò chả, formaldehyde vào bánh phở để chống ôi thiu… gây hại sức khỏe người sử dụng sẽ bị truy tố trong thời gian tới.

Bế tắc trong xử lý thực phẩm “bẩn”

Trong khoảng một năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường đã phanh phui hàng loạt các vụ, việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATVSTP. Có thể kể đến các vụ mới đây như: phát hiện cơ sở sản xuất tương ớt ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), “độn” Rhodamine B hàm lượng cao – hóa chất độc hại dùng trong ngành công nghiệp nhuộm vải, để tăng màu cho sản phẩm; sibutramine – phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm (chất làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giãn mạch) vào cà phê giảm cân, gây ức chế thần kinh trung ương, khiến người uống có cảm giác no, không muốn ăn…

Theo đánh giá của đại tá Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường – Bộ Công an, đây đều là những vi phạm nghiêm trọng, tuy nhiên mức xử lý hiện nay với các vi phạm này chỉ là xử phạt vi phạm hành chính. Đại diện cục nghiệp vụ cho hay: Đơn vị từng bắt quả tang một cơ sở cho hàn the vào giò chả, với lượng sản phẩm lên đến 8 tấn. Chỉ tính riêng tiền lưu kho, thuê tiêu hủy số thực phẩm “bẩn” trên đã mất 50 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, chỉ có thể xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm 5 triệu đồng. “Mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận của cơ sở, không có tính răn đe” – Đại tá Trần Trọng Bình cho biết.

Hay như vụ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường – CATP Hà Nội, phát hiện hàng tấn thịt lợn ốm, chết nhiễm bệnh tai xanh được dùng để chế biến thành ruốc, mắm tép, bán cho người tiêu dùng, hồi tháng 6/2012 vừa qua. Những đối tượng liên quan ban đầu được nhận định, có dấu hiệu phạm vào tội: “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực phẩm”, song đến nay, kết quả điều tra đang rất bế tắc. Để có căn cứ xử phạt hành chính chủ cơ sở chế biến mắm tép, ruốc, làm từ thịt lợn ốm, chết do mắc bệnh tai xanh, cơ quan công an phải trưng cầu giám định sản phẩm, xem trong đó có lượng kháng sinh tồn dư dùng trong phòng ngừa và điều trị bệnh lợn tai xanh hay không… Bất cập ở chỗ, phí tổn đơn vị chuyên trách phân tích ATVSTP, “đòi” cơ quan công an nộp để làm xét nghiệm lên đến gần 20 triệu đồng, trong khi nếu có xử phạt, khung trần cho vi phạm này chỉ khoảng 40-50 triệu đồng.

Sẽ có danh mục chất phụ gia cấm sử dụng

Hiện nay, theo luật định, muốn khởi tố, bắt đối tượng “độn” các chất độc hại trong thực phẩm, thì hành vi họ gây ra phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức là phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt. Ai cũng hiểu những chất tồn dư trong thực phẩm không thể làm chết người ngay, mà sẽ gây tác hại lâu dài, các bệnh hiểm nghèo cho nhiều người sử dụng. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định, đây chính là nguyên nhân tại sao nhiều năm nay, không có vụ việc vi phạm ATVSTP nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vụ việc bị phanh phui.

Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối tượng có hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, thượng tá Nguyễn Việt Tiến – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội nói: Đành rằng khó xác định hành vi “Gây hậu quả nghiêm trọng” trong các vi phạm về ATVSTP, nhưng quan điểm của cơ quan công an vẫn phải xử lý hình sự các đối tượng này. Tuy vậy, điều kiện cần là Bộ Y tế phải ban hành quy định về danh mục các chất cấm, không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Bộ luật Hình sự hiện quy định tội danh “Buôn bán hàng cấm”, do vậy, nếu Bộ Y tế ban hành danh mục này, cơ quan công an sẽ truy tố được những người “độn” chất cấm, “đầu độc” người dân. Đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường – CATP Hà Nội dẫn chứng: Bộ NN&PTNT từng cho  ban hành quyết định cấm sử dụng nhiều loại thuốc trong bảo vệ thực vật. Điều này có nghĩa, người nào cố tình mua bán, sử dụng thuốc trừ sâu cấm sử dụng có thể bị truy tố. Thế nhưng trong lĩnh vực ATVSTP, liên quan đến con người, Bộ Y tế lại khá chậm trễ. Hơn ai hết, bộ chuyên ngành hiểu rõ những loại hóa chất công nghiệp như: rhodamine B, hàn the, formaldehyde… đi vào cơ thể sẽ nguy hiểm cho con người thế nào, nhưng bao năm nay, cơ quan này không ban hành danh mục chất cấm sử dụng.

Sau nhiều lần gửi kiến nghị về những kẽ hở trong xử lý vi phạm về ATVSTP, đến các bộ, ban, ngành liên quan đều không hiệu quả, ngày 26/4 vừa qua, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường – Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành quyết định các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Ngày 14/5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, trong đó yêu cầu Bộ Y tế, trong năm 2012 phải ban hành thông tư về “danh mục các chất phụ gia cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm”. “Nếu văn bản trên ra đời đúng thời hạn, chắc chắn lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ đẩy lùi được những vi phạm về ATVSTP, liên quan đến sử dụng chất cấm” – đại diện phòng nghiệp vụ khẳng định.

 (Theo Cimsi)

Chưa phát hiện dư lượng Formaldehyde trên cải thảo ở Việt Nam

Chiều 16.5, ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cho biết: Từ tháng 3 đến nay, hầu như không có rau cải thảo của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trước thông tin về việc người dân Trung Quốc lạm dụng Formaldehyde để phun trên cải thảo, Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung chất này vào danh mục các chất cần kiểm tra trên rau, củ, quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam. Qua kiểm định, đến nay chưa phát hiện dư lượng Formaldehyde trên cải thảo ở Việt Nam.

(Theo Stox)

Thuốc và thịt nhiễm chất cấm ở Trung Quốc

Vụ vỏ thuốc làm từ chất gelatin công nghiệp gây ung thư chưa lắng thì người dân Trung Quốc lại phập phồng lo sợ trước nguy cơ thịt đỏ nhiễm chất tạo nạc clenbuterol độc hại.

Thuốc và thịt nhiễm chất cấm ở Trung Quốc
Tại một nhà máy sản xuất gelatin công nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc, nơi cung cấp gelatin nhiễm chất chrome độc hại cho nhiều công ty dược Trung Quốc – Ảnh: Getty Images

Theo trang web China.org.cn, Cục Giám sát, kiểm định và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc (SFDA) ngày 28-4 tiếp tục phát hiện thêm 74 kiện vỏ thuốc làm bằng chất gelatin công nghiệp có nhiễm chất chromium gây ung thư của 15 công ty dược. Một công ty ở Ninh Hạ bị bắt quả tang đổ ra đường hơn 500.000 vỏ thuốc con nhộng.

“Chính phủ sẽ tước giấy phép sản xuất của các công ty này. Những cá nhân trực tiếp liên quan sẽ bị trục xuất khỏi ngành dược phẩm” – SFDA nhấn mạnh.

SFDA đã ra lệnh từ ngày 1/5, các hãng sản xuất chất gelatin dược dụng, vỏ thuốc và thuốc con nhộng phải kiểm tra nghiêm ngặt từng kiện hàng nguyên liệu thô trước khi sản xuất. Sản phẩm sau khi rời nhà máy sẽ tiếp tục bị kiểm tra chất lượng. SFDA yêu cầu chính quyền các địa phương “trừng trị nghiêm khắc” bất cứ hãng dược nào sản xuất vỏ thuốc chứa chất chromium vượt mức cho phép.

Mối lo chất tạo nạc

“Dù người dân Trung Quốc đang giàu có hơn, nhưng họ không cảm thấy hạnh phúc hơn. Những vấn đề xã hội phải đối mặt là bất công xã hội, lạm phát cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn”Trên đây là một nội dung được đăng tải trên trang China.org.cn, trang web chính thức của Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng 3/2011“Người Trung Quốc giờ có nhiều tiền hơn và muốn tận hưởng cuộc sống. Nhưng chúng tôi có thể tận hưởng loại thực phẩm nào đây? Chúng tôi không thể nào hạnh phúc được khi mà ngày nào cũng lo ngay ngáy về mọi thứ thức ăn mình cho vào miệng”

Báo mạng Asia Times bổ sung danh sách không hạnh phúc cho năm 2012

Trong khi vụ vỏ thuốc chứa chất gây ung thư này vẫn còn nóng hổi, dư luận Trung Quốc lại lên cơn sốt… với thịt đỏ. Báo Chiều Dương Tử cho biết Tổng cục Thể dục thể thao (GAP) vừa cấm các vận động viên Trung Quốc đi dự Thế vận hội mùa hè tháng 7 tại London (Anh) không được ăn thịt heo, bò, cừu. Một quan chức GAP tiết lộ 196 vận động viên thuộc các môn thể thao dưới nước đã ngừng ăn thịt đỏ trong 40 ngày qua và chỉ dùng bột protein và cá để đáp ứng nhu cầu protein cần thiết.

GAP lo ngại thịt đỏ có chứa chất tạo nạc clenbuterol, một chất bị cấm sử dụng trong thể thao. Nhà vô địch môn judo tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 là Đông Văn đã xét nghiệm dương tính với chất clenbuterol trong cuộc thi năm 2010 và bị cấm thi đấu hai năm do đã ăn thịt chứa chất tạo nạc clenbuterol.

Theo Nhật báo Thượng Hải, các quan chức Cục Thể thao tỉnh Giang Tô tiết lộ họ phải thường xuyên gửi thịt đến Trung tâm chống doping quốc gia để xét nghiệm trước khi nấu ăn cho các vận động viên. Trong khi đó, đội vận động viên marathon Trung Quốc dự Thế vận hội thậm chí đã phải tự nuôi gà để ngăn chặn nguy cơ ăn phải thực phẩm có độc. Nhiều vận động viên khác ăn thịt do chính gia đình họ nuôi và chế biến.

Từ năm 1997, Trung Quốc đã cấm chất tạo nạc clenbuterol trong thức ăn cho gia súc, nhưng thịt heo, bò, cừu chứa clenbuterol vẫn cứ tràn ngập trên thị trường nước này. Tháng 9/2006, hơn 330 người ở Thượng Hải đã bị ngộ độc do ăn phải thịt heo chứa clenbuterol. Tháng 2-2009, hơn 70 người ở Quảng Đông phải nhập viện vì lý do tương tự.

Từ tháng 3/2011, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã mở chiến dịch chống chất tạo nạc trong chăn nuôi sau vụ công ty sản xuất thịt lớn nhất Trung Quốc Song Hối bị phát hiện có sử dụng clenbuterol. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 72 người ở tỉnh Hà Nam, nơi Tập đoàn Shuanghui đặt trụ sở. Mối lo chất tạo nạc tạm thời lắng xuống cho đến ngày 18/4 vừa qua, khi báo Chiều Dương Tử lại gióng lên hồi chuông báo động mới.

Sự phẫn nộ bùng phát

Truyền thông và dư luận Trung Quốc đặt vấn đề nếu thịt heo, bò, cừu có thể ảnh hưởng đến các vận động viên thể thao, thì không có lý do gì lại không đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng bình thường. Ngày 28-4, chính Trung Quốc Nhật Báo đã lên tiếng tố cáo vụ thịt nhiễm clenbuterol và yêu cầu “chính quyền cần mạnh mẽ và dũng cảm cải tổ hệ thống thực phẩm”.

Theo báo mạng Asia Times, người tiêu dùng Trung Quốc cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với các vụ bê bối dược phẩm và thực phẩm một cách dữ dội hơn. Trang mạng xã hội Weibo tràn ngập hàng trăm ngàn bình luận chỉ trích dữ dội các công ty dược sản xuất vỏ thuốc chứa chất gây ung thư. “Có thể không chỉ vỏ thuốc có vấn đề. Chúng ta không thể nào tin các công ty vô lương tâm này được” – một blogger viết.

Thời báo Kinh Hoa cho biết số lượng người mua thuốc con nhộng ở Trung Quốc hiện sụt giảm đáng kể. Tờ báo dẫn lời một bệnh nhân họ Trương ở Bắc Kinh khẳng định: “Nếu buộc phải dùng thuốc thì tôi sẽ tách riêng thuốc và vỏ ra để uống”. Nhiều người khác nói sẽ tẩy chay thuốc con nhộng”.

Giới tin tặc Trung Quốc cũng đã ra tay trừng trị. Theo báo Chiều Dương Tử, trang web của Công ty dược Thông Hoa Kim Mã mới đây đã bị đánh sập. Trên trang xuất hiện thông điệp: “Sao các người có thể dùng giày dép vứt đi để làm thuốc? Tất cả tin tặc Trung Quốc phải hợp sức đập tan các công ty tội phạm này”. Trang web của Tập đoàn dược phẩm Tu Chính cũng bị tấn công.

“Chính phủ trung ương phải có hành động thực tế, hiệu quả để siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm và đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cuộc kiểm tra nhằm thực thi các quy định đó” – Trung Quốc Nhật Báo nhấn mạnh.

(Theo TTO)