Chữa bệnh bằng sóng radio

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Sóng radio cao tần giúp cầm máu trong phẫu thuật rất tốt vì làm tắc các mạch máu, giúp mạch máu bị co lại, ngăn không cho máu chảy tiếp. Gần đây, một số cơ sở y tế đã bắt đầu đưa sóng radio cao tần vào việc chữa bệnh. Ứng dụng sóng radio cao tần trong lĩnh vực y tế hiện được xem là kỹ thuật điều trị hiện đại và hiệu quả.

Bên cạnh việc mang lại hiệu quả điều trị cao trong một số bệnh, sóng radio ít gây biến chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Điều trị rối loạn nhịp tim

Đầu tháng 5-2007, Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi đã triển khai phương pháp mới trong điều trị rối loạn nhịp tim là điện sinh lý học can thiệp. Phương pháp này được thực hiện nhờ các thiết bị vô cùng tinh vi. Một loại dây thông điện cực đặc biệt được đưa vào vị trí tổn thương. Khi lên cơn, tim bệnh nhân sẽ đập rất nhanh vì ngoài đường dẫn truyền bình thường, trong tim còn có những đường dẫn truyền phụ khiến tim bị kích thích liên tục. Bác sĩ Lê Thanh Phong, Khoa Nội Tim mạch – BV Nguyễn Trãi, cho biết nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể do cơ địa, do thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc... Những cơn rối loạn nhịp gây nhiều ảnh hưởng lên tim như tụt huyết áp, ngất và nguy cơ tử vong cao. Ở bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim mãn tính lúc nào cũng thấy hồi hộp, không tập trung vào công việc và không thể làm việc nặng. Với phương pháp truyền dẫn sóng radio từ hệ thống máy điện sinh lý vào tận cơ tim, năng lượng sóng radio phát ra ở nhiệt độ 65oC sẽ triệt bỏ các ổ gây rối loạn nhịp tim và các đường dẫn truyền bất thường trong cơ tim. Sóng radio có thể điều trị các rối loạn nhịp tim như: hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW), rối loạn nhịp thất, nhịp nhanh nhĩ, rung nhĩ... Đây cũng là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong các kỹ thuật can thiệp tim mạch học, khó hơn cả kỹ thuật đặt stent, nhưng tỉ lệ thành công rất cao (khoảng 98%) và có thể điều trị khỏi hoàn toàn rất nhiều rối loạn nhịp tim nên chỉ cần điều trị một lần... Trước đây, các bác sĩ thường dùng thuốc nên bệnh nhân phải uống thuốc suốt đời và chịu những tác dụng phụ của thuốc. Hoặc bệnh nhân phải trải qua cơn phẫu thuật mở tim để đốt những ổ gây loạn nhịp. Mỗi ca cắt đốt bằng sóng radio kéo dài gần 2 giờ với chi phí 18 triệu đồng

Cắt a-mi-đan ít gây biến chứng

Trước đây, để điều trị a-mi-đan, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thường áp dụng cách mổ bóc tách cổ điển và đốt bằng dao điện. Với phương pháp này, bệnh nhân thường bị đau, thời gian hồi phục kéo dài (sau 3 ngày mới xuất viện) và chịu những biến chứng như chảy máu, sưng, phù nề... Thậm chí đã có bệnh nhân tử vong do vết bỏng sâu làm bục động mạch cảnh nằm gần đó. Đặc biệt, với phương pháp dùng dao điện, nhiệt độ tại chỗ lên đến 400oC, gây bỏng các tổ chức xung quanh, nhiều khi bỏng sâu, làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu.

Gần đây, BV Tai Mũi Họng TPHCM đã sử dụng sóng radio cao tần điều trị cắt a-mi-đan lần đầu tiên bằng máy Coblator II. Với sóng radio cao tần và đầu dò đa chức năng, thiết bị này giúp thực hiện nhanh thủ thuật và hạn chế tối đa thương tổn cũng như nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng, cho biết trong thiết bị trên, đầu dò sẽ vừa giúp cắt a-mi-đan bằng nhiệt vừa tưới nước và hút dịch cùng với mảnh vụn, đồng thời đốt các đầu mạch máu. Sóng radio cao tần phát ra nhiệt độ tại chỗ chỉ khoảng 60oC – 70oC nên không gây bỏng cho các tổ chức xung quanh. Sóng radio cao tần giúp cầm máu trong phẫu thuật rất tốt vì dòng điện radio cao tần làm tắc các mạch máu. Khi tia điện phóng vào mạch máu đang chảy, mạch máu sẽ bị co lại, khóa miệng, ngăn không cho máu chảy tiếp. Vì vậy, phương pháp mới cũng ít gây đau và chảy máu, tránh phù nề, bệnh nhân có thể về nhà trong ngày. Ngoài cắt a-mi-đan, thiết bị Coblator II còn được áp dụng vào các thủ thuật khác của chuyên khoa tai mũi họng như nạo VA, đốt cuống mũi, chỉnh hình vòm họng và phẫu thuật điều trị ngáy.

Nhất Phương (Theo NLD)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Chữa bệnh bằng sóng radio (https://www.meo.vn/chua-benh-bang-song-radio.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *